CHÚT HOÀI NIỆM XƯA

Kính thưa các vị đai biểu cùng toàn thể thầy cô giáo!

70 năm qua, một chặng đường đầy khó khăn, thử thách, các thế hệ thầy trò Khoa Sinh học đã vượt qua ngoan mục, phấn đấu không mệt mỏi, chung sức đồng lòng đạt được những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xứng đáng là máy cái của hệ thống sư phạm Sinh học của cả nước. Là Khoa đi đầu trong nghiên cứu và đào tạo, góp phần khẳng định có thể đào tạo cao học và NCS trong nước từ những năm 1970, qua 5 luận án cấp 2 đầu tiên (tương đương luận án tiến sĩ ngày nay), đó là các thầy Lê Quang Long, Phan Cự Nhân, Phan Nguyên Hồng, Nguyễn Quang Vinh, Trần Bá Hoành, và hàng chục luận văn cấp 1 (tương đương với thạc sĩ) làm cơ sở cho nhà nước mở các mã ngành đào tạo cán bộ khoa học bậc cao thành công. Có thể nói thành tựu 70 năm mà Khoa Sinh học đạt được là sự kết tinh trí tuệ, công sức của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ viên chức của Khoa qua từng thời kì xây dựng và phát triển.

Hình 1. PGS.TS. Lê Đình Trung phát biểu cảm tưởng

Hôm nay kỉ niệm 70 năm, chúng ta không khỏi mừng vui, xúc động tưởng nhớ đến công lao to lớn của các thầy cô đã đi xa: thầy Đào Văn Tiến, thầy Lê Khả Kế, thầy Đặng Văn Viện, thầy Trần Gia Huấn, thầy Phan Cự Nhân, thầy Phan Tích Hiền, thầy Lê Quang Long, thầy Nguyễn Quang Mai, cô Nguyễn Tề Chỉnh, thầy Nguyễn Văn Kiền, thầy Trần Doãn Bách, Nguyễn Văn Gia, Lê Văn Liệu, Phạm Quang Lộc, Nguyễn Chung Tú, Trần Đăng Kế, Phạm Gia Ngân, Trần Kiên, Châu Khải, Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Tất Tố cùng nhiều thấy cô khác nữa. Cũng trong buổi lễ long trọng này, nhiều thầy cô vì tuổi già, sức yếu, dịch bệnh, xa cách về địa lý không thể đến dự được. Cho phép tôi thay mặt các thầy cô có mặt hôm nay gửi lời tri ân công sức đóng góp to lớn của các thầy cô trong suốt chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của Khoa để Khoa có được bề thế như ngày hôm nay.

Kính thưa các vị đại biểu, cùng toàn thể mọi người có mặt trong buổi kỉ niệm trọng đại này!

Bản thân tôi nếu tính cả thời gian học tập tại Khoa và thời gian công tác tến nay vừa tròn 55 năm. Trong suốt thời gian đó, được sự dìu dắt giúp đỡ của các thầy cô đi trước, của các bạn đồng nghiệp, đã truyền cảm hứng cho tôi vượt được các khó khăn, hoàn thành trách nhiệm của một giảng viên Khoa Sinh học. Bản thân tôi và nhiều thầy cô giáo có mặt buổi hôm nay đã chứng kiến thời kì chống Mỹ ác liệt, thời cấm vận, bao cấp, sơ tán liên miên từ Việt Bắc về Hà Nội rồi sơ tán vào Mỹ Đình, lên Phù Long, Phúc Thọ, vượt qua đò Vôi sang Vĩnh Tường, Phúc Thọ; hòa bình lặp lại trở về Cầu Giấy sống tạm bợ trong các nhà tranh vách đất để tiếp tục dạy và học, xây dựng lại trường lớp khang trang hơn.

Những năm tháng đó đầy ắp kỉ niệm, học ít, di chuyển nhiều, tự học là chính. Thời kì đó thầy trò phải thực hiện 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với dân, ở trong nhà dân, được dân đùm bọc, che chờ, dành cho những điều kiện tốt nhất. Thời kì đó thầy trò dạy và học dưới hầm, đội mũ rơm, khẩu phần ăn hằng ngày chủ yếu là bột lúa mì và hạt bo bo, nước mắm Mazi tự Khoa sản xuất, tắm tập thể (3 khoa chung 1 bể nước), một con cua đồng cõng 7 sinh viên, không có phòng thí nghiệm vì phải di chuyển sơ tán để tránh máy bay địch. Không có điện thoại cá nhân, muốn gửi thư và gọi điện về nhà phải đi ra bưu điện Bờ Hồ. Phải tích tiền lương để tiến hành triển khai nghiên cứu. Tài sản cá nhân thời đó chỉ có vài bộ quần áo, giàu nhất là có thêm chiếc xe đạp Thống Nhất (xe đạp thời đó nếu có phải đăng kí ở 78 Lý Thường Kiệt). Phương tiện đi lại đến trường, đến các địa điểm nghiên cứu như trại giống lúa Thường Tín, trại lợn Nam Hà, bò sữa Ba Vì, viện cây ăn quả Hải Dương, đều bằng xe đạp. Thậm chí có đôi lần nghiên cứu rừng ngập mặn thì chúng tôi phải đi xe đạp đến Giao An, Giao Thủy, Nam Định. Giáo trình dạy học chủ yếu là tài liệu viết tay, bản dịch của các thầy cô cung cấp. Đời sống sinh hoạt hoàn toàn bao cấp (tôi nhớ cả tổ Di truyền gồm 16 người, mỗi quý được phân 1 lạng mì chính, 30 nan hoa xe đạp, 40 viên bi, mỗi năm tổ lao động tiên tiến được phân 1 quạt tai chuột), rồi cứ thế bình chọn, chia nhau, nhường nhau để tồn tại, để làm việc và vượt qua khó khăn với tinh thần tất cả cho miền Nam ruột thịt, tất cả cho thống nhất đất nước. Phải nói thời kì chiến tranh, cấm vận, bao cấp là thời kì không được phép đòi hỏi mà chẳng có để mà đòi hỏi, vì đất nước trải qua 2 cuộc chiến tranh tàn khốc, thiếu thốn đủ bề.

Còn hàng trăm kỉ niệm khác ở khu sơ tán, đắp đê, chống lũ, chuyện đào ao nuôi cá rô phi, chuyện làm nước mắm Mazi xì dầu, chuyện cháy kho hóa chất ở nhà A4, chuyện tình của sinh viên nhà A7, chuyện hỏa hoạn xảy ra thường xuyên ở dãy nhà lá, chuyện di chuyển coi thi Đại học vào tật tít Khu 4, chuyện Công đoàn lo thực phẩm cho cán bộ ngày Tết đến, chuyện thao giảng tổng kết cuối năm vv… Tất cả đang trở thành hoài niệm, trở thành chuyển cổ tích của một thời kì đạn lửa, cấm vận, bao cấp mà thế hệ chúng tôi đã trải qua.

Kính thưa các vị đại biểu, cùng toàn thể các thầy cô, các bạn sinh viên, cao học, NCS có mặt hôm nay!

Thế hệ các thầy giáo, cô giáo, sinh viên ngày hôm nay có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây: cán bộ được đào tạo bài bản, học vấn cao, nhiều người được đào tạo ở các nước có nền khoa học phát triển, chương trình đào tạo có hệ thống, giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện tương đối hoàn chỉnh. Sinh viên có chỗ ở, học tập, có thầy cô giỏi, cán bộ làm nghiên cứu đã có tiền phụ cấp dựa trên nội dung và sản phẩm nghiên cứu. Có sự cạnh tranh công bằng, công khai, được Đảng, Chính phủ quan tâm tạo điều kiện, đặc biệt là Khoa Sinh học thuộc 1 trong 2 trường Sư phạm trọng điểm quốc gia. Cán bộ của Khoa đa số là trẻ, có học vấn cao, có hoài bão, nhiệt huyết, có năng lực chuyên sâu, yêu nghề sư phạm, lại được sự chỉ đạo của Đảng ủy cùng Ban chủ nhiệm Khoa cùng với sự quan tâm thường xuyên của Đảng ủy Trường, của Bộ. Chúng tôi tin tưởng rằng Khoa Sinh học thân yêu của chúng ta trong những năm tới sẽ đạt được những thành tựu mới, tiếp tục phát triển, xứng đáng là Khoa Sư phạm Sinh học đầu đàn, là máy cái của ngành sư phạm trong nghiên cứu, đào tạo giáo viên, cán bộ khoa học Sinh học. Tiếp tục có những đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, gắn kết hơn nữa giữa nghiên cứu khoa học cơ bản với khoa học giáo dục, đây là một đặc thù nổi trội chỉ thể hiện rõ ở ngành sư phạm, góp phần thực hiện thành công công cuộc cải cách giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất.

Một lần nữa với tư cách cá nhân và thay mặt cho các thế hệ thầy cô đã nghỉ hưu kính chúc các vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo, các bạn học viên cao học, NCS, sinh viên sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc cho buổi Lễ Kỉ niệm 70 năm Khoa Sinh học thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

Hình 2. PGS. TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn – Đại diện tập thể Khoa tặng hoa cảm ơn PGS.TS. Lê Đình Trung

                                                           Bài phát biểu tại lễ kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Khoa Sinh học – ĐHSPHN

                                                                                                                               PGS.TS. Lê Đình Trung

                                               Nguyên cán bộ giảng dạy bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Sinh học


Source: 
30-11-2021
Tags