Đón tiếp đoàn từ địa phương có Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình, Ông Bùi Văn Tính, Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Bình, Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy. Sáng 18/03/2022, đoàn công tác đi thị sát mô hình nuôi rươi tự nhiên kết hợp trồng lúa ở huyện Thái Thụy. Mô hình này áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân tại địa phương.
Hình 1. Đoàn công tác thăm mô hình trồng lúa nuôi rươi ở Thái Thụy
Sau đó, đoàn đi thăm quan hệ sinh thái rừng ngập mặn Thái Thụy, nơi các thế hệ giảng viên Khoa Sinh học, như GS.TSKH. Phan Nguyên Hồng, PGS.TS. Trần Văn Ba và PGS.TS. Đỗ Văn Nhượng, đã trồng những cây rừng ngập mặn đầu tiên. Theo đánh giá sơ bộ, rừng ngập mặn ở Thái Thụy phát triển tốt hơn ở Tiền Hải, tương đương với Cần Giờ, cho thấy tiềm năng để sử dụng, khai thác bền vững hệ sinh thái này trong thời gian tới. Theo lãnh đạo địa phương, trụ sở làm việc của Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Bình sẽ được hoàn thiện và đi vào hoạt động vào năm 2023. Cùng với sự hoàn thiện đội ngũ cán bộ, các hoạt động của Khu bảo tồn sẽ từng bước được triển khai và sẵn sàng hợp tác với các đơn vị khác, trong đó có Khoa Sinh học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hình 2. Một khu của rừng ngập mặn Thái Thụy
Hình 3. Đoàn chụp ảnh tại trung tâm của rừng ngập mặn Thái Thụy
Bắt đầu buổi chiều làm việc tại trụ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, Trưởng Khoa Sinh học phát biểu cảm ơn, những gợi ý, mong muốn trao đổi, hợp tác, hỗ trợ địa phương. Đáp lại thiện chí của đoàn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình, Bà Nguyễn Thị Nga trao đổi và đặt hàng các nhiệm vụ, đề tài mà địa phương đang cần. Bà cho biết Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn ủng hộ các đơn vị cũng như mong muốn nhận sự tư vấn từ Khoa Sinh học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để có thể tiến hành các đề tài, dự án phục vụ cho địa phương. Bà Nga nhấn mạnh các đề tài mang tính ứng dụng có khả năng được chọn và có thể mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Hình 4. PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn phát biểu mong muốn hợp tác của đơn vị
Hình 5. Phát biểu chỉ đạo và đặt hàng của Bà Nguyễn Thị Nga
Nội dung chính của buổi làm việc là phần giới thiệu kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ do tập thể Bộ môn Động vật học thực hiện với trình bày của CNĐT. PGS.TS. Trần Đức Hậu. Báo cáo đã nêu được tính cấp thiết, những ưu việt của sử dụng các loài động vật làm sinh vật chỉ thị môi trường nước cũng như các bộ chỉ thị thường được sử dụng và áp dụng trong công trình này. Thông qua dẫn liệu các loài cá, các loài động vật không xương sống cỡ lớn ở nước và các loài chim nước cho thấy chất lượng môi trường nước ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là không bị nhiễm bẩn. Đây là dẫn liệu quan trọng và có thể áp dụng cho giám sát, đánh giá chất lượng môi trường nước của khu vực. Hơn nữa, kết quả của đề tài cung cấp những dẫn liệu đầu tiên, cơ bản đầy đủ về các nhóm động vật cho Khu bảo tồn, với 46 loài giáp xác, 41 loài động vật thân mềm, 42 loài côn trùng và nhện, 6 loài rết, 8 loài lưỡng cư, 9 loài bò sát, 65 loài cá, 32 loài ấu trùng, cá con và 74 loài chim. Trong đó có 11 loài quý hiếm, bổ sung hơn 60 loài cho khu vực Những số liệu này có ý nghĩa thực tiễn khi cung cấp thông tin quan trọng về đa dạng sinh học, là cơ sở khoa học cho bảo tồn, khai thác bền vững.
Hình 6. PGS.TS. Trần Đức Hậu báo cáo sơ lược kết quả đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thay mặt cho Khoa Sinh học, PGS.TS. Trần Đức Hậu, TS. Trần Khánh Vân, TS. Đào Thị Sen, TS. Vũ Thị Bích Huyền trình bày các hướng nghiên cứu, các đề xuất có thể hợp tác với địa phương trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đề xuất các đề tài theo đơn đặt hàng từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình. Tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hình 7-9. Các đại biểu thảo luận hướng nghiên cứu, đề tài có thể thực hiện ở tỉnh Thái Bình
Các đại biểu nhất trí lựa chọn các hướng hợp tác giữa hai đơn vị là khoa Sinh – Đại học Sư phạm Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mắt liên quan tới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình, trong đó ưu tiên cho hướng đề tài hoàn thiện dẫn liệu đa dạng sinh học; các dịch vụ hệ sinh thái liên quan đến rừng ngập mặn (như nuôi ong, dịch vụ dưới tán rừng, dịch vụ du lịch, văn hóa, giáo dục). Hơn nữa, nhân nuôi, bảo tồn và khai thác bền vững các loài thủy hải sản cũng là hướng đề xuất có tính khả thi cao có thể thực hiện tại địa phương.
Hình 10. Phát biểu kết luận của đại diện từ Khoa Sinh học
Hình 11. Ông Bùi Văn Tính, phát biểu kết luận
Chuyến thăm quan đã kết thúc tốt đẹp cùng ngày thể hiện mối gắn kết giữa hai đơn vị, đồng thời thể hiện tính lan tỏa của Khoa Sinh học tới các địa phương, tới cộng đồng. Sau buổi làm việc, kỳ vọng sẽ mở ra những vấn đề hợp tác mới cho hai đơn vị cùng thực hiện đề tài/dự án, để Khoa Sinh học góp phần đóng góp cho địa phương. Ngược lại, địa phương cũng tạo điều kiện, là cơ sở thực hành cho cán bộ, sinh viên, học viên của Khoa Sinh học thực hiện các nhiệm vụ đào tạo. Đoàn công tác Khoa Sinh học trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nhiệt thành của địa phương và mong sớm được tiếp đón đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến thăm và làm việc tại Khoa trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Đoàn công tác Khoa Sinh học