Tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của sự sống. Một tế bào có thể đảm nhiệm trọn vẹn các hoạt động của một cơ thể sống và đối với cơ thể đa bào, hầu hết các hoạt động sống trong cơ thể diễn ra trong tế bào. Nhờ sự phát minh ra kính hiển vi trong thế kỉ XVI, tế bào lần đầu tiên đã được quan sát và mô tả vào năm 1665 và học thuyết tế bào ra đời vào thế kỉ XIX dựa trên phát hiện của Theodor Schwann và nhà thực vật học Mathias Schleiden (1838) với bổ sung sau này của Rudolf Virchow (1858). Sự ra đời Học thuyết tế bào đã có ảnh hưởng lớn đến tất cả các hướng nghiên cứu sinh học. Sự ra đời của kính hiển vi điện tử sau này, cho phép các nhà nghiên cứu tế bào học làm sáng tỏ các cấu trúc và chức năng của các bào quan, giúp củng cố vai trò của học thuyết tế bào trong sự ra đời và phát triển các hướng nghiên cứu khác trong sinh học. Ngày nay, với sự phát triển nhiều công cụ nghiên cứu hiện đại khác như kính hiển vi huỳnh quang, kĩ thuật đánh dấu phóng xạ, điện di, PCR, kĩ thuật chuyển gene, kĩ thuật enzyme, kĩ thuật genomics, proteomics, metabolomics… cho phép tìm hiểu các cơ chế các hoạt động của tế bào ở cấp độ phân tử, và cách tiếp cận vấn đề theo hướng cấu trúc gắn liền chức năng của tể bào trở nên thuận lợi hơn. Do đó, cách tiếp cận chính của giáo trình Sinh học tế bào cũng theo hướng này ngoài việc giới thiệu tổng quát về tế bào và các đặc điểm cấu trúc của nó.
Giáo trình Sinh học tế bào giới thiệu bức tranh tổng quát về tế bào với các đặc điểm cấu trúc và các hoạt động sống đặc trưng với vai trò là đơn vị cơ sở của sự sống. Các kiến thức được giới thiệu trong phần Sinh học tế bào là thành tựu nghiên cứu của nhiều nhà khoa học đặc biệt kể từ khi Học thuyết tế bào ra đời đồng thời cũng là các kiến thức tích hợp nhiều lĩnh vực khoa học như sinh học, hoá học, vật lý và toán học. Giáo trình Sinh học tế bào không những cung cấp những kiến thức cơ bản về tế bào như các giáo trình trước đây đã đề cập mà còn giới thiệu các vấn đề mới và quan trọng về tế bào như vấn đề vận chuyển nội bào, cơ chế xử lí thông tin tế bào, biệt hóa tế bào... Đặc biệt giáo trình còn chú ý tới các ứng dụng thực tiễn trên cơ sở các kiến thức về tế bào như công nghệ tế bào và ứng dụng, vấn đề bệnh học tế bào.
Giáo trình do các cán bộ bộ môn Di truyền – Hoá sinh biên soạn: PGS. TS. Nguyễn Xuân Viết, PGS. TS. Lê Thị Phương Hoa, TS. Đào Văn Tấn và TS. Đào Thị Sen (hình 1).
Hình 1. Giáo trình Sinh học tế bào
Các nội dung về sinh học tế bào được trình bày trong 12 chương gồm:
Chương 1. Giới thiệu tổng quan về tế bào và Sinh học tế bào
Chương 2. Thành phần hóa học của tế bào
Chương 3. Màng sinh chất và sự vận chuyển vật chất qua màng
Chương 4. Cấu trúc ngoài màng và kết nối giữa các tế bào
Chương 5. Các bào quan thuộc hệ thống nội màng và vận chuyển protein nội bào
Chương 6. Các bào quan chuyển hoá và sự chuyển hoá vật chất và năng lượng trong tế bào
Chương 7. Khung xương tế bào và sự chuyển động của tế bào
Chương 8. Thông tin giữa các tế bào
Chương 9. Nhân và sự di truyền
Chương 10. Biểu hiện gene và sự điều hòa hoạt động của gene
Chương 11. Chu kỳ tế bào, sự sinh sản của tế bào và sự biệt hoá tế bào
Chương 12. Công nghệ tế bào và một số ứng dụng
Giáo trình Sinh học tế bào là phương tiện giúp các sinh viên, đặc biệt là sinh viên trong các trường sư phạm tiếp cận các chủ đề lớn của Sinh học tế bào theo hướng phân tích các đặc điểm về các thành phần cấu tạo của tế bào trong mối quan hệ chặt chẽ với chức năng của chúng, vận dụng các kiến thức cơ bản về tế bào học trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu những lĩnh vực liên quan đồng thời giải thích cơ sở khoa học của một số ứng dụng và một số hiện tượng liên quan trong thực tiễn để từ đó hình thành ý thức tự học và tự nghiên cứu suốt đời. Người học không chỉ dừng lại ở việc biết, hiểu, trình bày mà còn so sánh, phân tích và giải thích về các sự vật, hiện tượng liên quan đến sinh học tế bào từ đó làm nền tảng cho việc tiếp thu các môn học khác như Giải phẫu và sinh lý thực vật, Giải phẫu và sinh lý động vật, Di truyền học... góp phần phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Bài và ảnh: Đào Văn Tấn