Chương trình GDPT 2018 đã nhấn mạnh vai trò và xác định vị trí của môn học trải nghiệm ở cấp tiểu học và trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp THCS, THPT. Thông qua các môn học này, học sinh sẽ hình thành và phát triển được kỹ năng quan sát, phân tích sự vật, hiện tượng trong thực tế, thái độ yêu thích môn học và tạo nên mối quan hệ hòa nhập với thiên nhiên.
Sinh học là ngành khoa học thực nghiệm, nên các trang thiết bị và cơ sở vật chất của Khoa Sinh học phục vụ công tác thực nghiệm được sắp xếp và bố trí một cách khoa học, vừa đảm bảo tính liên thông, vừa đảm bảo tính chuyên biệt, đáp ứng các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, ở các bậc đào tạo khác nhau.
Đến với Khoa Sinh học, học sinh sẽ được tham gia hoạt động trải nghiệm ở Bảo tàng Sinh vật, vườn Thực nghiệm, các phòng thí nghiệm, phòng kính hiển vi…
Bảo tàng Sinh vật được thành lập từ năm 2001. Cho đến nay bảo tàng đã có được bộ sưu tập động vật và thực vật tương đối đa dạng và phong phú. Phòng trưng bày rất đẹp với bộ sưu tập mẫu vật đại diện của nhiều taxon động vật cùng với hệ thống tranh ảnh minh họa về các loài động vật quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam. Bảo tàng cũng đã cải tạo thêm được một phòng chiếu phim giới thiệu cho khách tham quan trước khi vào xem mẫu vật trong phòng trưng bày.
Ảnh 1: Học sinh phổ thông chụp ảnh lưu niệm khi đến trải nghiệm tại Bảo tàng sinh học
Bên cạnh Tòa nhà A3 - Khoa Sinh học là Khu vườn thực nghiệm với nhiều loại cây trồng đa dạng, phong phú. Học sinh thỏa sức trải nghiệm phần lý thuyết đã học với: cấu tạo ngoài của thân, biến dạng của thân, đặc điểm bên ngoài của lá, biến dạng của lá…hay trực tiếp thực hiện các phương pháp ứng dụng của sinh sản vô tính như giâm, chiết, ghép cây, cành. Không những vậy, trong vườn thực nghiệm khoa Sinh học còn có khu vực nhà lưới, nơi học sinh có thể được trực tiếp thực hiện các thao tác trồng cây thủy canh, trồng rau mầm, làm giá đỗ…
Ảnh 2: Học sinh học trải nghiệm tại Vườn thực nghiệm khoa Sinh học
Tại tầng 3 và tầng 4 nhà A3, học sinh sẽ được khám phá những điều kỳ thú của thế giới sinh vật khi quan sát mẫu dưới kính hiển vi. Các em cũng sẽ được tìm hiểu về công nghệ lên men, công nghệ nuôi cây mô tế bào, được tự tay làm bánh mì, sữa chua, nuôi cấy mô tế bào thực vật,...
Ảnh 3: Học sinh học trải nghiệm tại phòng Kính hiển vi
Ảnh 4: Học sinh kiểm tra sản phẩm bánh mì mình tự làm
Học tập trải nghiệm là mô hình còn mới ở Việt Nam có ý nghĩa trong việc góp phần giáo dục toàn diện cho người học, tăng cường sự phối kết hợp giữa nhà trường phổ thông với cơ sở đào tạo giáo viên, cơ sở nghiên cứu và sản xuất. Sự kết hợp triển khai hoạt động này giữa khoa Sinh học và các trường phổ thông đang được phát huy và mở rộng và ngày càng hiệu quả.