Đã bao giờ bạn nghe nói đến “Bilingual school”? Và bạn có muốn khám phá sự khác biệt của môi trường này? Vậy hãy cùng theo bước đến khối song ngữ của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy qua lăng kính của những sinh viên thực tập khoa Sinh - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chúng tôi.
Lần đầu trải nghiệm….
Lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác trở thành một thực tập sinh tại trường song ngữ, cùng chung chiến tuyến có tất cả 10 đồng chí,với đủ những cung bậc cảm xúc, hồi hộp có, bỡ ngỡ có, lo lắng có, háo hức có và vui mừng cũng có. Trong suy nghĩ hiện lên biết bao câu hỏi, phải thể hiện bản thân như thế nào, phải hòa nhập với môi trường mới ra sao, và phải vận dụng phương pháp gì để có những tiết học thành công nhất…? Nhưng thật may mắn, bên cạnh chúng tôi còn có những thầy cô giáo của khoa làm hậu phương vững chắc, cùng với những cơ hội vô cùng thuận lợi mà ban giám hiệu trường Nguyễn Bỉnh Khiêm dành cho mình. Và thế là bản thân lại tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cho một đợt trải nghiệm hứa hẹn nhiều kỉ niệm.
Bước đầu làm quen…
Nguyễn Bỉnh Khiêm - một ngôi trường với khuôn viên rộng rãi, kiến trúc hiện đại cùng những dãy phòng học khang trang, tiện nghi – đó là điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ tôi khi bước vào ngôi trường này.
Và rồi tôi chợt thấy các bé tiểu học tràn ngập những nụ cười trên môi đang nhảy chân sáo tới lớp, dọc hành lang xinh xắn thì tụm năm tụm bảy các em học sinh cấp hai vui vẻ trò chuyện. Tôi thấy cả hình ảnh các thầy cô giáo thân thiết với nhau như người một nhà, và những đứa trẻ ấy vây xung quanh cô thầy mà líu lo.
Đâu đó trong tôi cảm nhận thêm được sự ấm áp của nơi đây.
Bắt đầu của chuyến thực tập là tham dự buổi chào cờ cùng toàn trường và gặp gỡ giữa cả đoàn với ban điều hành trường để có cái nhìn toàn diện về nơi mình sẽ đồng hành trong 5 tuần tới. Từ đây, những kế hoạch, những ý tưởng và sáng tạo ấp ủ đã lâu bắt đầu nảy mầm...
Những học sinh đáng yêu….
Nơi chúng tôi thực tập chính là dãy song ngữ với tên gọi “Bilingual department”. Mười thực tập sinh được chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm được làm việc cùng với một lớp song ngữ: lớp 7SN2, 10SN và 11SN.
Ấn tượng của chúng tôi khi bước vào lớp chính là những em học sinh trong màu áo đồng phục nhìn mình với ánh mắt có chút tò mò, lại pha thêm chút háo hức, như đang tìm kiếm điều gì đó. Cứ nghĩ sẽ phải khó khăn lắm để làm quen, nhưng tiếng vỗ tay giòn tan, những câu hỏi ngây ngô lần đầu tiên đã khiến chúng tôi thực sự bất ngờ và có chút bối rối. Để rồi qua mấy tuần tiếp xúc, các cô trò đã có thể cùng trò chuyện, cùng chia sẻ những câu chuyện thường nhật, cùng học tập và vui chơi, cùng nhau chuẩn bị thật bất ngờ cho ngày 8/3, hay cùng luyện tập thi học sinh thanh lịch, cùng múa hát chào mừng 26/3…
Và dường như các em cũng cảm nhận được những tình cảm mà chúng tôi dành cho các em. Niềm vui đơn giản là khi đến lớp, học sinh của mình khoe rằng: “Cô, hôm qua đề Toán khó nhưng con vẫn làm được bài.” hay là những khi có em hỏi: “Bao giờ bọn con mới được cô dạy ạ?” Các em cũng tình cảm lắm, vì là trường bán trú nên tới giờ nghỉ trưa, có bé còn chạy đến ôm cô, hỏi thăm: “Cô ơi cô đã ăn trưa chưa? Chút nữa cô nằm cạnh con cô nhé.” Sự quan tâm ấy thật sự đã khiến chúng tôi ấm lòng.
Hay là đâu đó khi bước trên hành lang, đám trò nhỏ bỗng ào tới líu lo chào hỏi, vẫy tay với cô, hay là khi cô hồi hộp chuẩn bị đứng lớp, các con đã cổ vũ, đập tay cô “Fighting!”. Những lúc ấy chỉ muốn khoe với mọi người xung quanh rằng: “Học sinh của mình đấy, đáng yêu không?”
Rồi những tiết dạy cũng đến, tuy cũng có chút nghịch ngợm của tuổi mới lớn, nhưng thực sự các em rất nghe lời, hợp tác tích cực với cô giáo và bạn bè để hoàn thành các công việc được giao, chủ động lĩnh hội được kiến thức mới.
Qua những câu chuyện trên lớp học như vậy, chúng tôi cũng gom góp cho mình những mẩu kỉ niệm riêng, để sau này nhớ lại, có chút gì đó bồi hồi, xao xuyến và mong chờ.
Tập làm người lớn…
Tập làm giáo viên tương lai đồng nghĩa với việc cùng các thầy cô trong trường như những “đồng nghiệp” thực sự. Các thầy cô chủ nhiệm là cầu nối để gắn kết chúng tôi với lớp, giúp đỡ chúng tôi nắm bắt tình hình cũng như những điều đặc biệt cần lưu ý để có những cách quản lí lớp đúng đắn.
Bên cạnh công tác chủ nhiệm là sự hỗ trợ của các thầy cô giáo viên hướng dẫn chuyên môn – những người luôn đưa ra lời nhận xét, góp ý và chỉ ra cho chúng tôi những điểm mạnh điểm yếu của bản thân về giờ dạy Sinh học bằng tiếng Anh, giúp chúng tôi rút ra nhiều kinh nghiệm và hoàn thiện giờ giảng của mình hơn nữa. Có lẽ sau đợt thực tập này, chúng tôi đã được trang bị thêm một hành trang để vững tin bước chân vào nghề giáo.
Đồng đội: vui vẻ và tiếp sức
Các bạn biết không, thực tập sinh chúng tôi ồn ào lắm. Thế mới vui cực kỳ, đặc biệt là khi làm việc với nhau, cùng nhau lên ý tưởng cho các sự kiện của lớp, của trường.
Và tất nhiên, những bài dạy của mỗi cá nhân trên lớp cũng không thể thiếu được sự hỗ trợ chuẩn bị của cả nhóm về giáo án, dụng cụ dạy học hay đưa ra các phương án về kĩ năng dạy học. Không chỉ có vậy, lắm lúc còn nháo loạn về việc viết báo cáo, lập kế hoạch, hay“phát điên“ khi lên ý tưởng mới cho các hoạt động mà chưa tìm ra phương án phù hợp. Chúng tôi vui vẻ, chúng tôi lười biếng nhưng chúng tôi luôn là “team” siêu đáng yêu và đoàn kết.
Mỗi buổi lên lớp đầu giờ, nở nụ cười thật tươi với các học sinh, nghe các con rỉ tai đủ chuyện, dường như đó đã là thói quen mỗi ngày. Nhưng đúng khi quen được với môi trường mới và trở nên gắn bó hơn, thì cũng là lúc chúng tôi sắp phải nói lời tạm biệt nơi đây…
Lưu luyến nhiều lắm. Bởi vì vừa vui, vừa nhiều trải nghiệm, mà cũng đọng lại nhiều kỉ niệm….
Yêu lắm Nguyễn Bỉnh Khiêm… Yêu lắm Bilingual classes of us…