Từ năm 1948 – 1953, ông về dạy ở trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, vốn là trường quốc học Khải Định (Huế) ở Liên khu IV (Nghệ Tĩnh), rồi trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Ở đây, ông được tín nhiệm bầu làm Ủy viên ban chấp hành công đoàn giáo dục Nghệ An.
Từ năm 1953 đến cuối năm 1956, ông được tổ chức điều động về làm giảng viên và trưởng phòng thí nghiệm sinh vật của trường Sư phạm trung cấp và sư phạm cao cấp, tiền than của trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay, tại khu học xã Trung ương ở Nam Ninh Trung Quốc.
Năm học 1956 – 1957, ông giảng dạy môn Giáo học pháp sinh học và thực hành sinh lý thực vật ở trường Đại học khoa học Hà Nội. Tháng 8/1957 – tháng 8/1959 ông được nhà nước cử đi thực tập khoa học ở trường Đại học Tổng hợp Matxcơva (Liên Xô) về Di truyền học và Học thuyết Đacuyn và đã trở thành cán bộ giảng dạy cốt cán về các chuyên môn nói trên ở khoa Sinh học trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Từ cuối năm 1959 đến lúc về hưu (1981), ông vừa trực tiếp giảng dạy nhiều giáo trình, vừa đảm nhiệm các chức vụ trọng trách của khoa Sinh học, sau đó là khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội như: Trưởng bộ môn Đác-uyn (1959-1962), Chủ nhiệm khoa Sinh học (1962-1977), sau đó là khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp (1977-1980).
Trong 18 năm đảm nhiệm chức chủ nhiệm khoa, giáo sư được đồng nghiệp trong khoa, trong trường đánh giá là một mẫu hình kết hợp hài hòa giữa công tác quản lý với giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, ông rất sáng suốt trong việc ưu tiên các công việc cần làm trước để tạo đà cho các việc sau, để rồi mau chóng đưa các công việc rất mới mẻ và khó khăn vào nề nếp.
Sau ngày hòa bình lập lại (1954), do thay đổi hệ thống và chương trình giáo dục đào tạo ở bậc phổ thông và đại học, ông bắt tay vào viết sách giáo khoa phổ thông và đại học. Các sách dùng cho học sinh phổ thông mà ông viết một mình hoặc chủ biên như:
- Thí nghiệm Thực vật học, lớp 5-6 (NXB Giáo dục 1957)
- Động vật ở góc sinh giới lớp 6-7 (NXB Giáo dục 1960)
- Thí nghiệm Giải phẫu sinh lý người lớp 8 (NXB Giáo dục 1961)
- Thí nghiệm học thuyết Đác-uyn (NXB Giáo dục 1962)
- Sinh học đại cương lớp 9-10 (NXB Giáo dục 1965-1970)
Ông đã góp phần không nhỏ trong giảng dạy và học tập môn Sinh học trong nhiều năm tháng.
Với ý thức mau chóng đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy các môn: Di truyền học, Học thuyết tiến hóa và Di truyền chọn giống cho khoa Sinh học của trường Đại học Sư phạm đầu tiên của Việt Nam, ông đã động viên dìu dắt các sinh viên vừa tốt nghiệp bắt tay ngay vào giảng dạy và tham gia viết giáo trình. Trong số đó có GS.TS. Trần Bá Hoành viết cuốn Học thuyết Đác-uyn tập I + II (NXB Giáo dục 1961-1963), GS.TS. Phan Cự Nhân cùng ông viết bộ giáo trình khá hoàn chỉnh về “Di truyền học” gồm 3 tập (NXB Giáo dục 1970-1973), dùng cho các trường ĐHSP trong cả nước. Sách “Di truyền chọn giống thực vật” (NXB Giáo dục 1977) không chỉ được dùng giảng dạy cho sinh viên các khoa Sinh của các trường Đại học Sư phạm mà còn được dùng làm sách giáo khoa cho khoa chọn giống trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
Ngoài những sách giáo khoa phổ thông và đại học nói trên, giáo sư còn viết sách dùng cho cán bộ nghiên cứu cây trồng như: “Đời sống cây thầu dầu” (NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội 1963) và một số cuốn sách khác.
Giáo sư Đặng Văn Viện là người rất coi trọng tự học và tra cứu tài liệu tham khảo, vì vậy ông đã chủ trì dịch và biên dịch nhiều sách nước ngoài phục vụ cho sinh viên, cán bộ giảng dạy, giáo viên và các cán bộ nghiên cứu có liên quan đến di truyền học như:
- “Cơ sở di truyền học của Antơsuler”. NXB Giáo dục – 1968.
- “Học thuyết Michurin và sản xuất nông nghiệp”. NXB Khoa học và kỹ thuật, 1964.
- “Di truyền học đại cương và thực nghiệm” của Muntxing. NXB Khoa học và kỹ thuật, 1963.
- “Nguyên lý di truyền chọn giống thực vật” của W.Williams. NXB Khoa học và kỹ thuật, 1963.
Từ năm 1976-1977, trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Bộ Giáo dục giao nhiệm vụ đào tạo thí điểm sau đại học; với cương vị là Chủ nhiệm khoa, ông động viên rất cả cán bộ có trình độ trong khoa viết bài giảng và giáo trình. Bản thân ông là người đi đầu, ngày đem hoàn thành 2 giáo trình chuyền đề:
- “Sinh học phát triển và phát sinh hình thái thực vật” (lý thuyết và thực hành)
- “Hiện tượng đa bội thể và sử dụng tính bất dục đực tế bào chất trong chọn giống thực vật” để học viên có ngay các tài liệu tự học và nghiên cứu.
Khi trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao trách nhiệm đào tạo nghiên cứu sinh khóa I giáo sư đã chủ trì hướng dẫn thành công một phó tiến sĩ về chuyên ngành “Di truyền thực vật”
Giáo sư Đặng Văn Viện thường nhắc nhở các cán bộ giảng dạy trong khoa và trong bộ môn không được tách rời giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ông là một tấm gương sáng về sự kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy. Làm chủ nhiệm khoa, nhưng ở khu sơ tán Đại Từ (Thái Nguyên), khu sơ tán Phù Long, Long Xuyên (Phú Thọ), Hà Tây cũng giống như ở khu vườn trường Đại học Sư phạm, người ta thường thấy từ sáng sớm trước giờ trực ở văn phòng khoa và sau giờ làm việc buổi chiều ông có mặt cùng sinh viên, cán bộ quan sát thí nghiệm về ảnh hưởng của cường độ và thời gian chiếu sáng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây đậu tương và cây thầu dầu cũng như các biến dị hình thái và các đột biến ở cây đậu tương do chiếu xạ hoặc xử lý bằng hóa chất gây đột biến.
Những kết quả thực nghiệm của ông và học trò của thế hệ trước đã được dùng làm các thí dụ nhằm: “Việt Nam hóa giáo trình” trong các chuyên đề và bài giảng cho thế hệ tiếp theo, điều này có tác dụng khích lệ sinh viên và học viên cao học nghiên cứu khoa học.
Kết quả nghiên cứu khoa học của ông về phát sinh hình thái ở cây thầu dầu đã được NXB Đại học Tổng hợp Matxcơva (1964) trích đưa vào sách “phát sinh hình thái thực vật” (trang 143-199). Ngoài ra, các công trình còn được đăng trong nhiều số của Tạp chí “Sinh vật địa học”.
Với uy tín khoa học rộng lớn, giáo sư Đặng Văn Viện đã được mời tham gia nhiều tổ chức khoa học của Nhà nước như:
- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương hội phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam (1963-1970).
- Hội trưởng Hội Di truyền học Việt Nam (1966-1981)
- Sáng lập viên trong ban trù bị thành lập Hội sinh vật học Việt Nam từ 1966
Sau khi về hưu (1981-1984), do yêu cầu cấp thiết đào tạo giáo viên cho nước bạn Campuchia, giáo sư đã ngày đêm hoàn thành 2000 trang giáo trình đại học về 7 phân môn bằng tiếng Pháp: 1) Giải phẫu hình thái thực vật; 2) Phân loại học thực vật; 3) Sinh lý thực vật; 4) Sinh thái thực vật; 5) Di truyền học đại cương; 6) Lý luận tiến hóa; 7) Phương pháp giảng dạy.
Và dầu khi đó huyết áp của GS đã lên khá cao, đi lại đã bắt đầu khó khăn, ông vẫn trực tiếp giảng dạy trong các năm mới thành lập, điều này không dễ mấy ai làm được.
Từ năm 1984 đến trước ngày giáo sự đi về cõi vĩnh hằng (4-8-1995) một tháng đôi lần ông thường nhắc nhở các học trò đến đàm đạo chuyên môn và cách ứng xử, trong đời thường cũng như trong khoa học. Điều các học trò kế nghiệp còn nhờ như in là: sau mỗi buổi ra về thầy thường nhắc “các anh, các chị nên lựa tính nhau để cùng bàn bạc giải quyết công việc thì nhất định sẽ thành công”. Chúng tôi đều hiểu thầy muốn nói cái tâm cái đức mới là hàng đầu.
Với tài năng đức độ, công lao cống hiến cho sự nghiệp khoa học, cho ngành giáo dục (trong đó có 48 năm ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội) Đảng và Nhà nước đã tặng giáo sự:
- Huân chương kháng chiến hạng nhì
- Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất
- Hơn một chục bằng khen về thành tích chiến sĩ thi đua, nghiên cứu phổ biến khoa học.
- Danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú.
NGUYỄN MINH CÔNG