Công trình nghiên cứu cho hiện tại và tương lai
Với nhan đề “Bản tổng kết một công trình khoa học có ý nghĩ lâu dài”, tác giả bài báo - G.Xtarobinxki - đã viết: “Phạm Đình Thái là Tiến sỹ khoa học đầu tiên của Việt Nam ở MGU trong lĩnh vực Nông hoá. Hai mươi năm trước tại đây, năm 1964, ông cũng đã là một trong những người Việt Nam đầu tiên đạt học vị Tiến sỹ sinh học. Giữa hai thời điểm đó là quá trình nghiên cứu và giảng dạy của Nhà khoa học trẻ đầy tâm huyết phục vụ Tổ quốc tại Khoa Sinh học và Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đó là những năm tháng kháng chiến “ chống Mỹ, cứu nước” đầy gian khổ. Tại căn nhà lán tranh tre nứa lá nơi sơ tán để tránh bom đạn “chiến tranh phá hoại” do máy bay giặc Mỹ rải thảm trên miền Bắc VN, Phạm Đình Thái cùng học trò của mình đã kiên trì tiến hành các thực nghiệm về xử lý phân vi lượng cho lúa và một số giống cây trồng khác. Chính trong thời gian chiến tranh ác liệt đó, nhà khoa học này đã ấp ủ, chuẩn bị cho mùa “Vàng” mai sau.
Phạm Đình Thái đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ khoa học: "Các nguyên tố vi lượng và hiệu lực của các dạng phân vi lượng trên các loại đất chủ yếu ở Việt Nam” tại Đại học Tổng hợp Matxcơva. Ý nghĩa quan trọng của công trình là ở chỗ bước đầu làm sáng tỏ vai trò các nguyên tố vi lượng trong sinh trưởng, phát triển và tạo năng suất, chất lượng của lúa và một số giống cây trồng phổ biến trên đồng đất Việt Nam; xác định liều lượng và điều kiện sử dụng các loại phân vi lượng đạt hiệu quả tối ưu tuỳ thuộc vào mức độ bảo đảm hàm lượng dạng dễ hấp thụ đối với từng giống cây, từng loại đất. Dựa trên các dẫn liệu thực nghiệm phong phú, tác giả luận án đã phát hiện các nguyên nhân gây nên sự thiếu hụt hàm lượng các nguyên tố vi lượng ở dạng dễ tiêu. Đây quả thực là vấn đề rất đáng quan tâm, không chỉ đối với nền nông nghiệp Việt Nam, mà bao gồm cả các nước nhiệt đới khác có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự”.
Công trình khoa học này đã được công bố trên các ấn phẩm của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và nhiều Tạp chí khoa học quốc tế.
Nhớ lại Luận án Tiến sỹ sinh học mà Phạm Đình Thái đã bảo vệ thành công cũng tại MGU, 20 năm về trước - Đề tài “Mối tương quan giữa các anion trong quá trình hấp thụ của cây”. Đây là một công trình nghiên cứu cơ bản, hiện đại, sử dụng các phương pháp, thiết bị nghiên cứu sinh học phân tử, như nguyên tử đánh dấu, đồng vị phóng xạ, sắc ký khí, ly tâm siêu tốc…Ngày này qua ngày khác, anh cặm cụi làm việc trong các phòng thí nghiệm và thư viện để đi sâu vào mức độ phân tử của quá trình trao đổi chất ở thực vật. Đồng thời, thày giáo trẻ Phạm Đình Thái không quên nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất khi trở về Tổ quốc.Và rồi Thái quyết định: vừa phải hoàn thành tốt bản luận án, vừa phải tranh thủ thời gian học hỏi thêm một số nghiên cứu ứng dụng khác để đáp ứng thiết thực cho nhu cầu công tác.
Vào dịp nghỉ hè năm 1963, trong khi các bạn đi nghỉ mát thì Thái đến một số viện khoa học ở St. Petecbur, Kiev, Bacu… để tìm hiểu hướng nghiên cứu về tác động của các nguyên tố vi lượng đối với cây trồng, vật nuôi cũng như đối với con người. Anh lưu lại ởViện sinh lý thực vật KIEV năm ngày. Thật may mắn, anh đã gặp và được thụ giáo Viện sỹ Vlaxuc, chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực các nguyên tố vi lượng, suốt hai giờ liền. Dòng suy nghĩ như đám sương mù bỗng loé lên tia chớp. Đây là giờ phút đặc biệt quan trọng đối với hướng nghiên cứu khoa học của Phạm Đình Thái sau này.
"Lắng nghe" và làm "vừa lòng" cây với đất
Năm 1964, sau khi bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sỹ sinh học, anh về nước, mang theo hành lý chỉ toàn là sách báo khoa học cùng một gói nhỏ gồm hoá chất và các nguyên tố vi lượng. Trở lại làm tổ trưởng bộ môn Sinh lý thực vật trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng với công tác giảng dạy, Thái hăm hở bắt tay ngay vào nghiên cứu, thí nghiệm. Có dạo anh phải liên tục lên lớp mỗi tuần 20 tiết nhưng không lúc nào quên đề tài đang ấp ủ. Không bao lâu sau, máy bay giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Trường của anh phải sơ tán lên huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Vấn đề thực tế đặt ra: Muốn nghiên cứu tác dụng của các nguyên tố vi lượng như molipđen (Mo), bo(B), đồng (Cu), kẽm (Zn), mangan (Mn), coban (Co)…lên cây trồng thì phải nắm chắc liều lượng và trạng thái của các nguyên tố đó trong từng loại đất. Nhiều người cho rằng muốn làm được việc này, phải có những thiết bị rất hiện đại, chứ với mấy chục cái vại sành thì làm sao nổi?
Nhưng Phạm Đình Thái lại dám nghĩ: Đất nước đang có chiến tranh ác liệt, nhân dân ta còn nghèo, không thể ngồi chờ cho có đủ điều kiện như ở nước ngoài mới tiến hành nghiên cứu. Đã nắm được phương pháp khoa học hiện đại, sao ta không “hỏi thẳng” các loài cây trên từng loại đất xem chúng “ưa” loại nguyên tố vi lượng nào, với liều lượng bao nhiêu? Cố nhiên, với thiết bị thô sơ thì độ chính xác của thí nghiệm không cao, nhưng ta có thể loại trừ dần các sai số bằng cách tăng số lần lặp lại thí nghiệm; vừa thí nghiệm trong vại sành, vừa thí nghiệm trên đồng ruộng. Cuối cùng năng suất của cây trồng sẽ là tiêu chuẩn đánh giá kết quả nghiên cứu. Ấy là nói một cách định tính thì như thế. Còn trong khoa học thực nghiệm lại đòi hỏi rất nghiêm khắc về phương pháp và định lượng. Cần phải biết “đứng trên vai người khổng lồ” như I. Newton đã từng nhắc nhở các thế hệ khoa học sau ông. Phạm Đình Thái đã cố gắng tiếp thu những thành tựu về nông hoá thổ nhưỡng và về sinh lý cây trồng có liên quan đến phân bón vi lượng ở Việt Nam. Các kết quả điều tra thổ nhưỡng của Fritlan V.M (1964) và của các nhà khoa học nước ta cho thấy, tính chất phổ biến và mức độ khá nặng nề của tình trạng nghèo dinh dưỡng ở nhiều vùng đất và loại đất trên cả nước về hàm lượng tổng số, và dạng dễ tiêu của từng loại nguyên tố vi lượng. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong đất chịu sự chi phối của nhiều nhân tố tự mhiên, như nguồn gốc đá mẹ, thành phần cơ giới, địa hình, điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm…và chế độ canh tác từ hàng nghìn năm nay (độc canh lúa nước, không bón bổ sung phân vi lượng, quay vòng nhiều vụ…). So với đất đai các nước khác, phần lớn các loại đất của ta, đặc biệt các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, hàm lượng mùn thấp, giàu Fe, Al… thường rất nghèo các nguyên tố vi lượng.
Trong thời gian thực tập khoa học tại Bộ môn Hoá học đấtTrường Đại học Lô-mô-nô-xôp, bản thân anh đã có dịp phân tích hàm lượng của các nguyên tố vi lượng Mo, B, Mn, Cu, Co, V trong 216 mẫu đất thuộc 8 loại thổ nhưỡng chính và trong 92 mẫu cây; 15 mẫu phân hoá học thông dụng ở nước ta. Tuy số lượng mẫu có hạn nhưng kết quả phân tích với các phương pháp tin cậy (chiết rút bằng hệ đệm Amon Acetat, pH 4,8; xác định bằng máy quang phổ phát xạ và hấp thu nguyên tử) đã cho phép rút ra những kết luận bước đầu về tính quy luật của sự phân bố các nguyên tố vi lượng trong 8 loại đất chính ở nước ta.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, ở nơi nhà trường sơ tán, Thái đã áp dụng phương pháp nghiên cứu “hỏi đất, hỏi cây” là vậy. Sau này, có lần trong một hội nghị khoa học, anh được nghe Giáo sư Tạ Quang Bửu kể về chuyện Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tiến hành nghiên cứu, chỉ đạo anh em Quân giới chế tạo bom bazooka theo nguyên lý đạn lõm để khoan thủng xe tăng địch và đại bác không dật (ĐKZ) công phá boong-ke giặc Pháp. Đó là câu chuyện áp dụng khoa học vũ khí hiện đại trong điều kiện sản xuất vũ khí tại Chiến khu thời kháng chiến chống Pháp. Kinh nghiệm và ý chí chưa đủ, còn phải có tư duy khoa học. Qua công tác giảng dạy và nghiên cứu nhiều năm ở Đại học Sư phạm, anh đã truyền cho lớp trẻ ngọn lửa say mê sáng tạo và phương pháp nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Nhiều thế hệ học trò của anh, nay đã là các thày, cô giáo, hàng chục tiến sỹ, thạc sỹ ở các viện nghiên cứu, các trường đại học hay phổ thông, cùng rất nhiều học sinh và những người nông dân trên các vùng miền khác nhau, tất cả đã tạo nên một mạng lưới nghiên cứu triển khai rộng lớn về đề tài sử dụng phân vi lượng cho các loại cây trồng, vật nuôi trong phạm vi cả nước.
Cuối năm 1979, tại Cố đô Huế thơ mộng, Chương trình Sinh học phục vụ nông nghiệp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về chuyên đề “Nguyên tố vi lượng trong trồng trọt và chăn nuôi”. Năm mươi nhà khoa học đã trình bày các bản báo cáo, trao đổi ý kiến về kết quả nghiên cứu thực nghiệm trong hai thập kỷ trên các đối tượng nuôi trồng chủ yếu: hơn 20 loài cây (lúa, ngô, sắn, lúa miến, khoai tây, cà chua, chè, đay, bèo hoa dâu, các giống cây họ đậu,v.v) và một số loài vật nuôi như lợn, gà, vịt, cá…Có những thực nghiệm tương đối lớn, quy mô mỗi vụ hơn 1.000 ha, xử lý hàng trăm tấn thóc giống. Kết quả đã khẳng định hiệu quả của việc sử dựng phân vi lượng trong việc thúc nảy mầm, giảm chi phí thóc giống 5 - 13%. Điều lý thú là, theo thống kê, với liều lượng phân chỉ xấp xỉ 350 gr bón cho 1 ha lúa, khiến năng suất lúa tăng 5 - 23%. Với lượng phân bón 2 gr Mo cho 1 sào Bắc Bộ, trong một tuần năng suất bèo hoa dâu đã tăng 8 - 29%...
Các nguyên tố vi lượng chẳng những làm tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng. Kết quả phân tích bằng các phương pháp hoá sinh hiện đại đã xác nhận hàm lượng protein cùng nhiều loại axit amin không thay thế gia tăng đáng kể trong các sản phẩm.
Đồng nghiệp của Phạm Đình Thái cũng đã thu được những dẫn liệu đầu tiên về sự phân bố của các nguyên tố vi lượng trong nội quan và máu, cũng như trong nguồn thức ăn của gia súc, gia cầm với các điều kiện dinh dưỡng và năng suất khác nhau. Từ đó họ tạo ra các chế phẩm có chứa nguyên tố vi lượng thích hợp, làm tăng năng suất và chất lượng gà đẻ, lợn cai sữa, nhiều loài cá ở giai đoạn cá bột...
Do ý nghĩa to lớn về lý luận cũng như tực tiễn, đề tài Nguyên tố vi lượng trong trồng trọt và chăn nuôi, từ năm 1980 đã được đưa vào Chương trình Sinh học phục vụ nông nghiệp cùng với 20 đề tài nghiên cứu khác. Phạm Đình Thái đã được báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nguyên Phó Thủ tướng phụ trách khoa học, về đề cương nghiên cứu trong 5 năm của đề tài.
Cần nỗ lực liên ngành để làm nên mùa vàng
Mười lăm năm sau, tháng 7 năm 1995, tôi lại được nghe tham luận của GS.TSKH Phạm Đình Thái trình bày tại Hội thảo Quốc gia về “Chiến lược phân bón với đặc điểm đất Việt Nam”, do Hội Khoa học Đất và Hội Hoá học - hai Hội ngành toàn quốc thuộc Liên hiệp các Hội KH & KT VN tổ chức. Anh đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bổ sung phân vi lượng thích hợp đối với các ruộng lúa thâm canh tăng vụ. Từ kết quả nghiên cứu qua nhiều năm, anh chỉ rõ : “Đất lúa ngập nước có một số nhược điểm về dinh dưỡng nguyên tố vi lượng so với các loại đất trên cạn, trồng màu, đất đồi. Sự ngập nước thường xuyên trong thời gian dài đã làm cho các nguyên tố vi lượng ở dạng dễ tiêu mất đi nhanh chóng. Sự độc canh lúa nước hằng năm dẫn đến thoái hoá đất thể hiện ở sự nghèo kiệt dần chất mùn, keo đất…và hàng loạt nguyên tố vi lượng… Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các nguyên tố vi lượng được bố sung vào đất hằng năm dưới dạng phân chuồng và các loại phân hoá học chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cây lúa… Bởi vậy, nếu không có biện pháp bón bổ sung phân vi lượng thì tình trạng thiếu hụt, mất cân bằng dinh dưỡng ở ruộng lúa sẽ ngày càng trầm trọng…”.
Kết thúc bài tham luận, anh tha thiết khuyến nghị: “Theo phương hướng hiện đại hoá công nghệ phân bón của nước nhà, vấn đề phân vi lượng phải được đặc biệt chú ý. Cần có những quyết định chiến lược về mục tiêu, tổ chức và đầu tư cho nghiên cứu triển khai một cách đồng bộ. Cần phân tích hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong các quặng mỏ tự nhiên, trong phế liệu các nhà máy nhằm cung cấp thông tin cho việc sử dụng chúng làm các nguồn phân vi lượng phối chế với các loại phân đa lượng ở dạng hạt. Cần xây dựng bản đồ tổng thể về sự phân bố các nguyên tố vi lượng trong các loại đất chính tiến tới xây dựng bản đồ chi tiết cho các vùng trọng điểm. Các nhà nông hoá, sinh học cần được tổ chức thành đội ngũ tiến hành mạng lưới thực nghiệm “hỏi cây, hỏi đất” bằng cách bố trí các công thức bón phân vi lượng đối với từng loại cây trồng trên từng nền đất với chế độ thâm canh khác nhau. Cùng các viện nghiên cứu, các trường đại học, các Hội KHKT, đặc biệt là Hội Hoá học và Hội KH Đất VN đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mạng lưới thực nghiệm này…”.
Người thầy mẫu mực - nhà khoa học chân chính
Nhiệt tình đối với sự nghiệp đào tạo - giáo dục, phổ biến kiến thức và lòng đam mê nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất của thày Phạm Đình Thái luôn luôn là vậy. Từ thuở còn là một học trò nghèo, thời kháng chiến chống Pháp, từ Nghệ An ra Hà Nội, vừa phải kiếm sống bằng đủ nghề, vừa cần cù học lên cho tới khi trở thành một người thày, một nhà khoa học đầu ngành, ngọn lửa khoa học trong anh càng ngày càng nồng đượm. Từ cán bộ giảng dạy, Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Nông nghiệp Đai học Sư phạm HN đến Vụ trưởng Vụ Khoa học Bộ Giáo dục…Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục miền núi Hội Khuyến học Việt Nam, ở cương vị nào anh cũng năng động, sáng tạo, khát khao đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp khoa học, sự nghiệp “trồng người”. Anh đã hướng dẫn thành công 4 Luận án tiến sỹ; 3 Luận văn thạc sỹ. Hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; 4 đề tài cấp Bộ. Công bố 21 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và Quốc tế. Đã viết nhiều Giáo trình đại học, sách giáo khoa phổ thông, sách chuyên khảo về phân vi lượng, sách phổ biến khoa học về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường. Đóng góp không nhỏ nhưng anh ít nghĩ đến lợi ích riêng cho bản thân. Tiếp nối truyền thống của các thế hệ trí thức Việt Nam - điều cao quý và phẩm chất thiêng liêng của người trí thức là phải theo đuổi chân lý và hết mình phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Anh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Phạm Đình Thái xứng đáng với danh hiệu: “Nhà khoa học tiên phong trong giảng dạy, nghiên cứu và triển khai phân vi lượng ở Việt Nam”.
Nhà báo Đặng Hữu Hưng
Hà-nội, tháng 6/2012