Cách đây 28 năm, năm 1993, tôi bước chân vào cánh cửa đại học. Đón chúng tôi lúc bấy giờ là các thầy cô Khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dân khối B chúng tôi mỗi đứa một ước mơ nhưng rồi số phận đã gắn chúng tôi với ngôi nhà thứ hai này: Khoa Sinh – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khoa Sinh – nhà A3, ngôi nhà có khoảng sân ngập nước mỗi mùa mưa đến nhưng cũng ngập tràn tình thương yêu của các thầy cô với bao thế hệ sinh viên.
Ngay từ giai đoạn đại cương (năm 1, năm 2) chúng tôi đã được học rất nhiều môn học chuyên sâu về Sinh học. Môn Sinh hoá khó đến mất ngủ của cô Áng, môn Phân loại thực vật của cô Sản vô cùng thú vị nhưng cô cũng hết sức nghiêm khắc, môn Hình thái giải phẫu thực vật của cô Khải xinh đẹp và của thầy Ba, môn Sinh lý thực vật của thầy Khanh, môn Sinh thái học của thầy Trí… và những buổi thực hành động vật không xương, có xương đầy lí thú cứ nối tiếp…
Thực tập thiên nhiên là môn học mà chúng tôi nhớ nhất ở cuối năm thứ nhất khi được cùng nhau đi thật xa… chúng tôi chất cả dầu hoả, gạo, bếp, cá khô… vào balo và lên xe… không biết do đường ngoằn ngoèo hay do cái balo phía sau cũng say xe như chúng tôi mà dầu và gạo lẫn lộn mà suốt những ngày sau đó chúng tôi phải ăn cơm có hương dầu hoả… Rồi thêm một vài đặc sản của vùng này: đêm ngủ sờ xuống chân thấy đau, ngứa – hoá ra một vài chú vắt đã hút máu tròn vo; rồi những ngày lên rừng về đói quá toàn ăn dứa trừ bữa; đêm thì theo thầy Ngật đi xem cá cóc Tam Đảo…. Tất cả đều làm cho môn học này trở nên vô cùng đặc biệt, nó làm cho chúng tôi yêu thiên nhiên, yêu thế giới xung quanh và thêm yêu ngành học mình đã lựa chọn.
Rồi thi chuyển giai đoạn, đứa lên, đứa rớt… chúng tôi bước vào giai đoạn 2 (năm 3, năm 4) với các môn chuyên ngành và các môn về phương pháp dạy học… chúng tôi vẫn mải miết học hành... Chúng tôi còn nhớ như in những bài giảng về Lí luận dạy học của thầy Báo, thầy Thành mà mãi sau này vẫn còn thấy thấm, nhớ phương pháp dạy học tạo tình huống của thầy Duệ (chúng tôi hay đùa nhau gọi thầy là Thầy Duệ - situation), thầy Sâm với những bài giảng gắn với kiến thức phổ thông hay thầy Hà vẽ rất đẹp, mỗi lần thầy cầm phấn vẽ lên bảng là khiến chúng tôi mắt tròn, mắt dẹt… Môn Ứng dụng tiến bộ Sinh học, chúng tôi được về Hải Dương thăm mô hình VAC của bà con nông dân cùng thầy Lân Hùng. Thầy vô cùng vui tính và còn tự bỏ tiền cho cả khoá chúng tôi ăn cơm trưa, đó là những chuyến đi đầy kỉ niệm… Rồi kiến tập, thực tập, khóa luận tốt nghiệp… các thầy cô cứ đưa chúng tôi đi và tận tình chỉ dạy cho chúng tôi từng chút, từng chút một…
Tốt nghiệp đại học, tôi học tiếp lên cao học, đó là khi tôi bắt đầu gặp thầy tôi – PGS. TS. Mai Sỹ Tuấn, Người có ảnh hưởng lớn và dẫn dắt tôi cho đến tận bây giờ. Khi tôi học đại học thì Thầy còn đang làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản nên mãi khi học cao học tôi mới được gặp Thầy. Thầy lúc nào cũng nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, cẩn thận, tỉ mỉ. Với kiến thức vô cùng uyên bác và cách truyền thụ phù hợp khiến chúng tôi cảm thấy không bị áp lực khi học và làm việc cùng Thầy. Với tôi, Thầy không chỉ là Thầy, Thầy là từ điển, là phao cứu sinh tất cả những vấn đề về chuyên môn. Những lúc có các câu hỏi khó từ các học viên cao học hay khi có những thắc mắc từ các học trò cũ là các giáo viên ở các vùng xa xôi mà tôi không thể giải đáp được là tôi lại nhấc máy tìm sự trợ giúp từ Thầy. Sau tiếng Alo là những lời giảng giải tỉ mỉ, khiến cho mọi khó khăn của tôi lập tức được tháo gỡ… Thầy luôn sẵn sàng giải đáp thậm chí ngay cả khi sức khoẻ của Thầy không thực sự tốt… và giờ đây, Thầy lại ngày đêm cùng các đồng nghiệp miệt mài, trau chuốt từng từ, ngữ để làm nên những trang sách giáo khoa mới cho các thế hệ học sinh trên toàn quốc.
Thật may mắn cho chúng tôi vì được học trong một môi trường sư phạm chuẩn mực với một chương trình đào tạo tiên tiến và với đội ngũ giảng viên, các thầy cô hết lòng vì học trò cả trên bục giảng và ngoài đời thực.
Dưới sự dẫn dắt của các thầy, cô, lứa chúng tôi đã tốt nghiệp, trưởng thành ở nhiều vị trí công tác khác nhau, có người là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên hay giáo viên ở các ngôi trường khắp cả nước. Dù có đi đến đâu, chúng tôi cũng luôn nhớ về nhà A3, luôn ngẩng cao đầu tự hào khi mình được đào tạo từ một Khoa/ Trường đứng đầu trong cả nước về đào tạo Sư phạm và luôn cố gắng để xứng đáng là một người con được sinh ra từ ngôi nhà chung này.
Đến bây giờ, tôi vẫn luôn tự hào mình là dòng thuần chủng: từ đại học, cao học, nghiên cứu sinh… tôi đều lớn lên và trưởng thành từ ngôi nhà này – Khoa Sinh, Đại học Sư phạm Hà Nội./.
Bài: Lê Thị Phượng