Hành trình đến với Khoa Sinh học - KTNN, trường ĐHSP Hà Nội
Thời học sinh phổ thông, mỗi người mang trong mình một ước mơ, hoài bão. Với tôi, nghề sư phạm có lẽ đã bén duyên từ trước. Từ năm học lớp 8, tôi đã bắt đầu kèm một vài em trong xóm học bài, mỗi lần tìm ra cách hướng dẫn cho các em làm sao cho đỡ mất thời gian, để các em dễ hiểu… là tôi vui mừng lắm.
Ước mơ cứ lớn dần, đến năm lớp 12, tôi đã đã đăng kí thi vào Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, trường ĐHSP I Hà Nội. Ngày đó, nghe đến ĐHSP I Hà Nội là một điều rất xa vời với học sinh ở vùng quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh chúng tôi! Chúng tôi nhắc đến trường như một niềm mơ ước của những người muốn làm nghề Sư phạm, niềm tự hào nếu ai có thể đỗ vào trường. Thật vui mừng, năm đó tôi may mắn được đậu vào trường ĐHSP 1 Hà Nội và tính cả tỉnh Hà Tĩnh năm đó chỉ có 12 bạn cùng trang lứa vào tất cả các khoa của trường.
Mừng lắm, vui lắm, tự hào lắm… Nhưng trước khi nhập học vào Khoa Sinh học - Kỹ thuật nông nghiệp (tên cũ của Khoa Sinh học ngày nay) là cả một chặng đường đấu tranh. Xuất thân từ gia đình bần nông, gia đình tôi chỉ mong con được đi học CĐSP Hà Tĩnh đã là mừng lắm rồi. May thay năm đó là năm đầu tiên học Sư phạm được miễn hoàn toàn học phí. Với sự động viên của làng xóm, của anh em, cùng với sự quyết tâm, tôi đã được cha mẹ đồng ý cho ra Hà Nội nhập học.
Tháng 8-1998, cha tôi đưa tôi ra Hà Nội nhập học. Chiếc xe ôm từ bến xe Giáp Bát đã đưa tôi đến trước một ngôi trường rộng lớn: trường ĐHSP 1 Hà Nội trong một niềm hạnh phúc và tự hào khôn tả! Cha tôi cũng vui lắm. Hai cha con đi dạo xung quanh trường, sau đó hỏi đường đến khoa Sinh học – KTNN. Ngày đó, lối vào Khoa còn là con đường nhỏ, hai dãy cây liễu bên đường, hai bên còn là bờ đất.
Chúng tôi được thầy Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Liên chi đoàn Khoa và các anh chị khóa trước mặc áo xanh tình nguyện, hướng dẫn thủ tục nhập học trong một không khí rất vui, thân thiện. Hình ảnh đó tôi vẫn còn nhớ mãi. Năm đó, khoa Sinh học – KTNN chỉ duy nhất có 01 lớp (K48 Khoa Sinh học – KTNN) do thầy giáo Hà Huy Niên chủ nhiệm.
Những kỉ niệm vui, buồn khó quên…
Những năm sinh viên của Khoa Sinh học - KTNN là những chuyến hành trình trải nghiệm, những kỉ niệm buồn vui không thể nào quên!
Kỉ niệm về chuyến đi thực tế thiên nhiên với chú rắn lục Giéc – đôn ở Tam Đảo:
Học khoa Sinh học – KTNN sướng nhất, vui nhất có lẽ là được đi thực tế thiên nhiên. Năm 2000, lớp chúng tôi được đi thực tế 5 ngày tại thị xã Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Những ngày đó, lớp chúng tôi được thầy Trần Văn Ba – Phó Chủ nhiệm Khoa và Nguyễn Hữu Dực hướng dẫn. Đến Tam Đảo, chúng tôi được đi khám phá hệ thực vật, động vật rất phong phú, đa dạng, nhất là được ngắm nhìn đàn bướm có đến hàng ngàn con “bay rợp trời” dưới Thác Bạc. Lớp chúng tôi chia thành các nhóm để tìm hiểu, nghiên cứu các chuyên đề khác nhau. Nhớ mãi đêm thứ 2 trên núi Tam Đảo, tôi được đi cùng nhóm do PGS.TS. Nguyễn Hữu Dực hướng dẫn tìm hiểu về động vật. Công tác chuẩn bị cho một chuyến đi đêm tại Tam Đảo rất công phu, chúng tôi được thầy hướng dẫn cần chuẩn bị ete để gây mê động vật, bình có dung dịch Formol để ngâm mẫu vật (nếu có), đi ủng cao lên quá gối để chống vắt, chụp mũ tránh ong đốt… Chuẩn bị đến vậy, nhưng vắt vẫn không tha cho thầy trò chúng tôi. Đêm đó thầy Nguyễn Hữu Dực bị vắt cắn, máu chảy ướt đẫm cả quần. Lúc đó nhìn thầy chúng tôi thương lắm. May mắn và thú vị nhất cho nhóm khám phá thiên nhiên đêm đó là chúng tôi đã phát hiện có một con rắn có màu rất lạ, ban đầu cứ nghĩ là trăn. Chúng tôi đã nhanh chóng sử dụng dimethyl ether (CH3OCH3) gây mê và bắt được nó. Vui nhất và đáng nhớ nhất là sau khi mang nó về khu nhà nghỉ, thầy và trò cả đêm đó dường như không ngủ, vì muốn tìm cho ra tên loài rắn đó là loài gì.
Với kiến thức môn Phân loại động vật vừa được thầy Nguyễn Hữu Dực trang bị trong môn học, cùng với hướng dẫn trực tiếp của thầy. Thầy đã mở ra rất nhiều tài liệu tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Việt để tra cứu (lúc đó em rất bất ngờ với rất rất nhiều tài liệu thầy mang theo), vừa tra cứu theo khóa nhị phân, thầy vừa hướng dẫn cho chúng tôi về cách tra cứu, cách xác định rắn độc, rắn lành, họ, loài… Với phương pháp làm việc miệt mài, tận tâm, khoa học, trách nhiệm của thầy đã trở thành bài học lớn, bài học vô giá cho sinh viên chúng em. Từ đó, niềm đam mê phân loại động vật đã lớn lên trong tôi. Năm thứ 4 sinh viên, tôi được làm Khóa luận tốt nghiệp Đại học và tôi đã được PGS.TS. Nguyễn Hữu Dực hướng dẫn đề tài “Góp phần phân loại hệ thống cá sông Nậm Rốm, Thị xã Điện Biên, tỉnh Lai Châu” hoàn thành vào tháng 5/2002.
Và một kỷ niệm buồn, cùng với niềm thương tiếc vô hạn PGS.TS. Trần Đăng Kế - Chủ nhiệm Khoa Sinh học - KTNN
Năm 2000, khoa Sinh học - KTNN chúng tôi đón nhận một tin buồn, thầy giáo Trần Đăng Kế - Trưởng khoa mất. Tin này đến với chúng là một nỗi mất mát rất lớn, như mất đi một người thân, một người cha, một người anh, một người thầy đáng kính. Thầy Trần Đăng Kế giảng dạy chúng tôi môn Sinh lí thực vật. Thầy rất hiền, rất tâm lí và quan tâm đến sinh viên. Vừa dạy xong môn Sinh lí thực vật cho khóa 48 chúng tôi được một thời gian ngắn thì thầy mất. Tôi không còn nhớ thầy mất vì lí do gì, nhưng cả lớp tôi nghe tin, nhiều người òa khóc nức nở. Thương thầy, nhớ thầy lắm!
Đám tang thầy tại nhà tang lễ Hà Nội, đông lắm, nhiều người đến, ai nấy cũng xót thương, xúc động. Khi giọng thầy Trần Văn Ba – Phó Chủ nhiệm khoa đọc điếu văn cất lên trầm ấm, tiếc thương: Thầy giáo - PGS.TS. Trần Đăng Kế… cả tang trường như lắng lại, nức nở, cảm giác rất khó tả, đau thắt, thương tiếc đến vô cùng, cảm giác đó vẫn cứ theo mãi trong cuộc đời tôi.
Trở lại khoa để tiếp tục được học
Năm 2002, tôi ra trường về Hà Tĩnh công tác, tự hào là một giáo viên được đào tạo tại trường ĐHSP Hà Nội, bản thân tôi đã luôn cố gắng và trở thành Thủ khoa giáo viên giỏi tỉnh Hà Tĩnh, cán bộ quản lí trường THPT, cốt cán chuyên môn của Ngành. Trong tôi luôn tự hào về trường, về Khoa Sinh học - Nơi gieo mầm, nuôi dưỡng ước mơ, giúp tôi khôn lớn, trưởng thành. Càng làm việc, càng học, nhất là mỗi lần chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp, tôi thấy mình còn cần phải học, cần biết thêm, sâu hơn, rộng hơn nữa… Từ đó, trong tôi luôn ấp ủ được quay lại trường ĐHSP Hà Nội lần nữa để được học lên.
Niềm vui đã đến với tôi, tháng 12 năm 2015, tôi đã trở thành Nghiên cứu sinh khóa 35 của Khoa Sinh học - Trường ĐHSP Hà Nội. Được trở lại trường nghiên cứu, học tập, được gặp lại nhiều thầy cô, tôi rất xúc động, cảm giác rất hạnh phúc, nhất là được tiếp tục nghe thầy cô giáo giảng bài, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Những chuyên đề nghiên cứu sinh, những buổi báo cáo tiến độ, seminar,… tôi như được trưởng thành hơn, được học thêm rất rất nhiều điều cả về khoa học, phương pháp làm việc, nghiên cứu và đời sống.
Thầy cô khoa Sinh học là niềm tự hào, thần tượng trong tôi từ trước, đến khi quay lại làm NCS tôi may mắn tiếp tục được học, được nghe các bài giảng của GS.TS. Đinh Quang Báo, PGS.TS. Lê Đình Trung, PGS.TS. Dương Tiến Sỹ, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành… và đặc biệt tôi được sự hướng dẫn, dìu dắt của PGS.TS. Phan Thị Thanh Hội – Trưởng bộ môn LL&PPDH môn Sinh học, trường ĐHSP Hà Nội và PGS.TS. Nguyễn Đình Nhâm – ĐH Vinh. Nhờ sự hướng dẫn tận tâm, sự dìu dắt, định hướng của thầy cô, tháng 10-2020 tôi đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Khoa học giáo dục, chuyên ngành LL&PPDH môn Sinh học.
Trong tôi, sự nghiệp, ước mơ, mong ước học tiếp, học nữa không khi nào dừng. Chúng em đang rất cần thầy cô tiếp tục dõi theo, giúp đỡ để em trưởng thành hơn, vững vàng hơn nữa trong sự nghiệp.
Nhân dịp kỉ niệm 70 năm thành lập Khoa Sinh học, trường ĐHSP Hà Nội, cho em được tri tri ân đến toàn thể các thầy cô qua các thế hệ đã dạy dỗ, hướng dẫn, giúp đỡ em khôn lớn, trưởng thành. Kính chúc quý thầy cô sức khỏe, hạnh phúc!
Trân trọng cảm ơn thầy cô!
TS. Trần Thái Toàn
Cựu Sinh viên K48 (1998-2002) – Cựu NCS K35 (2015-2020)