70 NĂM TRUYỀN THỐNG PHÁT TRIỂN VẺ VANG CỦA KHOA SINH HỌC

Với một đơn vị đào tạo như khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì đó một chặng đường dài trong dòng lịch sử vẫn tiếp tục được viết tiếp bởi các thế hệ trẻ trên nền truyền thống vẻ vang mà bao thế hệ thầy và trò của khoa đã vun đắp.

Nhìn lại những trang sử truyền thống đầy ắp những thành tựu đạt được của khoa để không ngừng nỗ lực đưa khoa phát triển và hội nhập với khu vực và quốc tế là khát khao và ước vọng của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Ảnh 1. Giáo sư Lê Khả Kế hướng dẫn những sinh viên đầu tiên của khoa Sinh học thực hành tại Khu học xá Trung ương năm 1953

Ngược dòng lịch sử, trở lại những năm 1951 khi trường Sư phạm Cao cấp được thành lập, sau đó được chuyển sang Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Lúc đó chỉ có hai thầy được phân công dạy môn Sinh vật học là GS. Lê Khả Kế và GS. Đào Văn Tiến. Số sinh viên của cả trường lúc đó chỉ có 27 người, trong đó Ban Hóa - Vạn vật học có 9 sinh viên. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trường Sư phạm Cao cấp được chuyển từ Nam Ninh, Trung Quốc về Hà Nội, đóng tại cơ sở 19 Lê Thánh Tông. Khi đó giảng dạy tại khoa Khoa học Tự nhiên về môn Vạn vật có các thầy Lê Khả Kế, Đào Văn Tiến, Nguyễn Đình Ngỗi, Dương Hữu Thời, Trương Cam Bảo. Các thầy đã tiếp quản các phòng thí nghiệm trống rỗng bỏ lại sau khi thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội. Tuy thiếu thốn đủ bề, công việc bận rộn, nhưng với tấm lòng hăng hái của lớp thanh niên khi nước nhà mới độc lập, họ ra sức củng cố lại phòng thí nghiệm và trực tiếp giảng dạy lớp học sinh từ kháng chiến trở về và những học sinh trong thành trở lại.

 

Ảnh 2. Giáo sư Đào Văn Tiến và các sinh viên khóa I (1951-1953)

Năm 1956, Chính phủ quyết định thành lập hai trường: Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Tổng hợp. Khi đó, Ban Sinh vật thuộc khoa Hóa-Sinh-Địa của Trường Đại học Sư phạm do GS. Lê Khả Kế phụ trách. Thời kì đầu, lực lượng còn mỏng, mặc dù tách ra nhưng cán bộ vẫn dạy chung cho cả hai trường. Từ năm học 1960 - 1961, Ban Sinh vật chuyển thành phân khoa. Bắt đầu từ năm học 1963-1964, khoa Sinh vật được chính thức thành lập, gồm có 6 tổ: Tổ Động vật, tổ Thực vật, tổ Giải phẫu sinh lí người, tổ Cơ sở chủ nghĩa Đác uyn (sau thành tổ Di truyền-Tiến hóa), tổ Sinh lí - Sinh học, tổ Giáo học pháp Sinh học. Ban chủ nhiệm lúc đó do PGS. Đặng Văn Viện làm trưởng khoa, hai phó trưởng khoa là thầy Đoàn Hiến và TS. Phan Tích Hiền.

Năm 1966, do yêu cầu tập trung phục vụ sản xuất nông nghiệp, bên cạnh khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập khoa Kĩ thuật Nông nghiệp, gồm 2 tổ: Tổ Chăn nuôi và tổ Trồng trọt. Ban chủ nhiệm khoa Kĩ thuật Nông nghiệp nhiệm kì 1966-1973 gồm: thầy Nguyễn Tiến Hà (Trưởng khoa), thầy Hồ Trọng Anh và thầy Lê Văn Tự (Phó Trưởng khoa); nhiệm kì 1973-1976 gồm: GS. Phạm Đình Thái (Trưởng khoa), thầy Đoàn Hiến (Phó Trưởng khoa).

Năm 1976, khoa Sinh học và khoa Kĩ thuật Nông nghiệp đã sát nhập thành khoa Sinh - Kĩ thuật nông nghiệp do PGS. Đăng Văn Viện làm Trưởng khoa. Từ đó khoa có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp III dạy hai môn Sinh học và Kĩ thuật nông nghiệp. Khoa có 6 tổ chuyên môn: Di truyền - Tiến hóa; Động vật học; Phương pháp giảng dạy; Sinh lí - Sinh hóa - Trồng trọt; Sinh lí học người - Chăn nuôi; Thực vật học. Năm 1989, tổ Sinh lí - Sinh hóa - Trồng trọt tách thành 2 tổ: Sinh lí - Sinh hóa và Trồng trọt. Từ năm 1995, khoa mở thêm hệ đại học sử dụng tiếng Pháp chuyên ngành Sinh học.

Từ năm 1979 khoa Sinh - Kĩ thuật nông nghiệp được lãnh đạo qua thế hệ các thầy trưởng khoa gồm: GS. Phạm Đình Thái (1979-1980), GS. Trần Kiên, quyền Trưởng khoa (1980-1983), GS. Thái Trần Bái (1983-1984), GS. Trần Kiên (1985-1988), GS. Đinh Quang Báo (1989-1995), PGS. Trần Đăng Kế (1996-2000), PGS. Trần Văn Ba (2000-2006), PGS. Mai Sỹ Tuấn (2006-2015). Từ năm 2008, do thay đổi chương trình phổ thông, khoa Sinh - Kĩ thuật nông nghiệp được đổi tên là khoa Sinh học với 8 bộ môn: Động vật học, Thực vật học, Di truyền học, Hóa sinh - Tế bào học, Sinh lí học thực vật và Ứng dụng, Sinh lí học người và động vật, Công nghệ sinh học - Vi sinh, Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Sinh học. Ngoài ra trực thuộc khoa còn có Bảo tàng Sinh vật được thành lập từ năm 2001 do PGS.TS. Trần Hồng Việt là Giám đốc đầu tiên. Ban chủ nhiệm khoa nhiệm kỳ 2015-2020 gồm: PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn (Trưởng khoa) và hai Phó trưởng khoa là PGS.TS. Trần Thị Thanh Huyền và PGS.TS. Đoàn Văn Thược. Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban chủ nhiệm khoa gồm: PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn (Trưởng khoa) và PGS.TS. Trần Thị Thanh Huyền (Phó Trưởng khoa). Tháng 5/2019, nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, trên cơ sở bộ môn Di truyền học và bộ môn Hóa sinh - Tế bào học, bộ môn mới đã được thành lập là bộ môn Di truyền - Hóa sinh.

Ngay từ những năm 1970-1974, Khoa đã thực hiện chủ trương của Trường đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ giảng viên. Bên cạnh một số cán bộ đã được đào tạo sau đại học ở nước ngoài, một số giảng viên đã hoàn thành luận văn cấp I (tương đương với bậc thạc sĩ) và luận văn cấp II (tương đương với Phó tiến sĩ). Ngày 23/4/1970, ba Luận án Phó tiến sĩ về Sinh học đã được bảo vệ đầu tiên ở trong nước tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) với 3 buổi bảo vệ từ sáng đến tối. Đó là luận án của thầy Lê Quang Long, thầy Phan Nguyên Hồng và thầy Phan Cự Nhân. Đến năm 1991, thầy Phan Nguyên Hồng là người bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học Sinh học đầu tiên ở Việt Nam. Từ năm 1976-1977, Khoa có thêm hệ đào tạo sau đại học. Năm 1979, hệ nghiên cứu sinh đào tạo Phó tiến sĩ đầu tiên của khoa được tuyển sinh đào tạo với một số chuyên ngành.

Đội ngũ cán bộ hiện nay của khoa hiện có 53 cán bộ bao gồm 35 giảng viên, 15 giáo viên thực hành và 3 chuyên viên. Trong 35 giảng viên có 1 Giáo sư, 13 Phó Giáo sư, 20 Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ. Khoa đang triển khai đào tạo 4 chương trình đại học bao gồm: Cử nhân sư phạm Sinh học, Cử nhân sư phạm Sinh học chất lượng cao, Cử nhân sư phạm Sinh học dạy sinh học bằng tiếng Anh (được mở từ năm học 2014-2015) và Cử nhân Sinh học. Về đào tạo sau đại học, khoa đang đào tạo 7 chuyên ngành thạc sĩ (Động vật học, Thực vật học, Di truyền học, Sinh thái học, Vi sinh vật học, Sinh học thực nghiệm, Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn); đào tạo 6 chuyên ngành tiến sĩ (Động vật học, Di truyền học, Sinh thái học, Vi sinh vật học, Sinh lí học thực vật, Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn).

 

Ảnh 3. Các thế hệ cán bộ khoa Sinh học gặp gỡ trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2014

Cho đến năm 2021, Khoa Sinh học đã đã đào tạo 71 khóa cử nhân, 31 khóa thạc sĩ, 41 khóa tiến sĩ. Tính đến tháng 8/2021, đã có 190 tiến sĩ bảo vệ thành công luận án tại khoa. Bên cạnh hệ thống các phòng nghiên cứu, thực hành ở các bộ môn, khoa cũng được đầu tư một số phòng thí nghiệm chuyên sâu như Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học, Phòng thí nghiệm Sinh thái học - Môi trường, Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử, Phòng kính hiển vi. Cùng với đó là Bảo tàng Sinh vật và Vườn thực nghiệm. Việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đã góp phần nâng cao số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai tại khoa cũng như hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước.

 

Ảnh 4. Chúc mừng các tân Tiến sĩ, Thạc sĩ khoa Sinh học được trao bằng

Qua 70 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, khoa Sinh học đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ trên cả lĩnh vực nghiên cứu sinh học cơ bản, sinh học ứng dụng và khoa học giáo dục. Ngay từ những giai đoạn đầu, nhiều cán bộ của khoa đã được cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay thậm chí tự đào tạo ở ngay trong nước. Năm 1964, thầy Phạm Đình Thái đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở trường Đại học Tổng hợp Matxcơva (Moscow State University - MGU) với đề tài “Mối tương quan giữa các anion trong quá trình hấp thụ của cây”. Đây là công trình nghiên cứu cơ bản, hiện đại, sử dụng các phương pháp, thiết bị nghiên cứu sinh học phân tử như nguyên tử đánh dấu, đồng vị phóng xạ, sắc kí khí, ly tâm siêu tốc… để đi sâu vào mức độ phân tử của quá trình trao đổi chất ở thực vật. Đến tháng 7/1984, ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ở MGU trong lĩnh vực Nông hóa với đề tài “Các nguyên tố vi lượng và hiệu lực của các dạng phân vi lượng trên các loại đất chủ yếu ở Việt Nam”. Công trình của ông bước đầu làm sáng tỏ vai trò các nguyên tố vi lượng trong sinh trưởng, phát triển và tạo năng suất, chất lượng của lúa và một số giống cây trồng phổ biến trên đồng đất Việt Nam; xác định liều lượng và điều kiện sử dụng các loại phân vi lượng đạt hiệu quả tối ưu tùy thuộc vào mức độ bảo đảm hàm lượng dạng dễ hấp thụ đối với từng giống cây, từng loại đất. Kết quả của công trình này không chỉ có ý nghĩa với nền nông nghiệp Việt Nam mà còn có ý nghĩa trong việc áp dụng ở các nước nhiệt đới có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa được phát triển với sự nhiệt huyết, say mê, tự học của các thầy ngay từ khi đất nước còn nhiều khó khăn do chiến tranh. Thầy Lê Quang Long đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Sinh học đầu tiên ở trong nước với đề tài “Một số dẫn liệu bước đầu về sinh lí - sinh thái của cá rô phi thuần hóa Việt Nam”. Sau đó nhóm nghiên cứu của thầy đã triển khai nhiều đề tài có tính ứng dụng cao trong chăn nuôi như thúc đẩy cá con lớn nhanh, nghiên cứu phương pháp chọn trứng ấp và dự đoán tỉ lệ nở của vịt qua một số chỉ tiêu hình thái, cải tiến khâu thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn… Thầy Phan Nguyên Hồng là người thứ hai bảo vệ luận án tiến sĩ Sinh học ở trong nước với đề tài “Đặc điểm phân bố sinh thái thảm thực vật ven biển miền Bắc Việt Nam”. Đến năm 1991, thầy là người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học sinh học trong nước với đề tài “Sinh thái thảm thực vật rừng ngập mặn Việt Nam”. Thầy đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với nghiên cứu, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Việt Nam. Năm 2005 thầy được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2008, thầy là người Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng quốc tế Cosmos do quỹ Expo’90 của Nhật Bản tài trợ. Đây là giải thưởng hàng năm được trao cho một nhà khoa học trên thế giới có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu để thực hiện mục tiêu “Chung sống hài hòa giữa thiên nhiên và con người”. Thầy Phan Cự Nhân là người thứ 3 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Sinh học trong nước với đề tài “Sự di truyền và tính chất biến dị các chỉ tiêu sinh hóa protein huyết thanh, sữa kiểu hemoglobin ở bò lang trắng đen Bắc Kinh, lai sind và lai Hà - Ấn F1, F2, F3 nuôi tại nông trường Ba Vì”. Với cách tiếp cận di truyền học hiện đại, ông đã mở đầu cho các nghiên cứu về di truyền học sinh lí, sinh hóa ở Việt Nam. Từ đề tài luận án, ông cũng đã phát triển để thực hiện một đề tài lớn “Sinh học các giống vật nuôi”. Đề tài là sự phối hợp của 5 Viện nghiên cứu và 6 trường Đại học do thầy Nhân chủ trì để nghiên cứu các đặc điểm sinh học các giống vật nuôi (trâu, bò, lợn, vịt…) phục vụ cho việc chọn giống, nhân giống thuần và lai tạo giống mới. Nghiên cứu cũng đã tạo ra vịt lai hai máu, ba máu.

Cùng với các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, các đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục cũng đã được thực hiện ngay từ những giai đoạn sớm. Luận án tiến sĩ thứ 4 được bảo vệ trong nước về chuyên ngành Phương pháp giảng dạy sinh học là của thầy Nguyễn Quang Vinh (1974) và đến năm 1975 là luận án tiến sĩ của thầy Trần Bá Hoành (luận án tiến sĩ thứ 6 bảo vệ trong nước). Từ những người làm nghiên cứu cơ bản, các thầy Vinh, Hoành đã trở thành những người đặt nền móng cho việc đi sâu nghiên cứu khoa học giáo dục về giảng dạy sinh học ở Việt Nam. Theo gương các thầy, nhiều thế hệ thầy trò khoa Sinh học đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu và đạt nhiều thành tựu góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao uy tín khoa học của khoa, của trường ngày một lên cao.

Ảnh 5. Chúc mừng GS.TSKH.NGND Phan Nguyên Hồng được nhận Giải thưởng quốc tế Cosmos năm 2008

Để đáp ứng yêu cầu của nghiên cứu khoa học ngày càng cao, nhiều Trung tâm nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ của khoa lần lượt được thành lập, gồm có: Trung tâm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn; Trung tâm sinh học thực nghiệm và chuyển giao tiến bộ sinh học; Trung tâm nghiên cứu động vật đất; Trung tâm Giáo dục sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; Trung tâm nghiên cứu và giáo dục bảo vệ môi trường; Trung tâm nghiên cứu động vật ẩn sinh và quý hiếm; Trung tâm nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học. Dưới sự dẫn dắt của các nhà khoa học có uy tín, các trung tâm đã hoạt động có hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu góp phần phát triển đất nước. Trung tâm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn do GS. Phan Nguyên Hồng sáng lập, trên cơ sở các nghiên cứu về sinh học, sinh thái của cây ngập mặn, nghiên cứu về hệ sinh thái rừng ngập mặn, trung tâm đã phối hợp với các cơ quan nhà nước và quốc tế tổ chức bảo vệ, trồng, phục hồi nhiều cánh rừng ngập mặn dọc theo bờ biển đất nước. Trung tâm nghiên cứu và giáo dục môi trường do GS. Nguyễn Hoàng Trí sáng lập đã tạo ra hướng nghiên cứu mới về tư duy hệ thống áp dụng thành công trong việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ 9 khu dự trữ sinh quyển quốc tế ở Việt Nam được UNESCO công nhận, với KDTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh được công nhận đầu tiên vào 21/1/2020. Với vai trò là Chủ tịch quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, Giáo sư Trí đã dẫn dắt Trung tâm phối hợp với Khoa Hệ thống tích hợp của trường Đại học Queensland, Australia để triển khai dự án hợp tác áp dụng tư duy hệ thống trong việc sử dụng các KDTSQ như những phòng thí nghiệm học tập cho phát triển bền vững. Đồng thời, trung tâm cũng đang phát triển hướng nghiên cứu liên ngành sinh thái và kinh tế ứng dụng cụ thể trong trường hợp lượng giá kinh tế rừng ngập mặn để nâng cao hiệu quả quản lí và bảo tồn bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam là một trong các nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Với công trình “Nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới các Khu dự trự sinh quyển thế giới”, năm 2009, GS. Nguyễn Hoàng Trí đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt lần đầu tiên được trao cho lĩnh vực khoa học sinh thái và môi trường. Trung tâm sinh học thực nghiệm và chuyển giao tiến bộ sinh học do thầy Nguyễn Lân Hùng, một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng, Tổng thư kí Hội các ngành Sinh học Việt Nam sáng lập đã góp phần cải tiến, hoàn thiện nhiều quy trình trồng trọt, chăn nuôi và chuyển giao kịp thời tới bà con nông dân các địa phương trên cả nước nhằm chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Trung tâm đã đi đầu trong việc “Chế phẩm hóa” các loại phân vi lượng, để rồi từ đó hình thành nên các chế phẩm ĐT-81, loại phân vi lượng dùng cho đậu tương, Vilato - phân vi lượng dùng cho tỏi, Dulevi - phân vi lượng dùng cho các loại dưa… Chế phẩm UH-1 kích thích ra rễ sử dụng trong giâm cành cũng đã được sử dụng rộng rãi. Cùng với đó, trung tâm đã chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo nhiều nghề mới cho nông dân như trồng nấm ăn, chanh tứ quý, nuôi giun đất, nuôi ba ba, nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi cua biển, nuôi nhím… Bộ sách 100 nghề cho nông dân do thầy Nguyễn Lân Hùng chủ trì đã được triển khai có hiệu quả và được lan tỏa trong nhiều chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Trung tâm đã được nhận Giải thưởng của Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) năm 1994-1995. Thầy Nguyễn Lân Hùng được nhận Giải thưởng Bông lúa vàng năm 1998. Năm 2018, thầy Hùng là 1 trong 53 người được Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tôn vinh là “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ nhất. Nhiều công trình nghiên cứu bảo tồn động vật quý, hiếm cũng đã được Trung tâm nghiên cứu động vật ẩn sinh và quý hiếm do PGS. Trần Hồng Việt sáng lập đã gây được sự chú ý của cả cộng đồng quốc tế. Những phát hiện của ông về dấu chân người rừng năm 1982 ở núi Ngọc Vin (Ngọc Linh) nằm ở phía Đông dãy núi Trường Sơn thuộc địa bàn xã Ngọc Linh, huyện Đắkglei, tỉnh Kon Tum đã được kênh truyền hình quốc tế Discovery đưa trong phóng sự của mình… Điểm qua một số hoạt động của các trung tâm nghiên cứu để thấy sự kết nối giữa nhà trường với giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Ảnh 6. GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2009

(nguồn ảnh: dantri.com.vn)

Ảnh 7. Thầy Nguyễn Lân Hùng và GS.TS. Phạm Thị Thùy nhận Giải thưởng Nhà khoa học của Nhà nông lần thứ I năm 2018

(nguồn ảnh: dangcongsan.vn)

Tại các bộ môn, công tác đào tạo hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh luôn gắn liền với các đề tài nghiên cứu khoa học của các thầy cô. Nổi bật như nghiên cứu và chọn tạo thành công 3 giống lúa đột biến, giống mới cấp quốc gia DT-16, DT 21 và tám thơm đột biến của PGS.TS. Nguyễn Minh Công. Lần đầu tiên giống Tám thơm được trồng trong vụ Xuân. Với kết quả nghiên cứu này, ông đã được trao tặng Giải thưởng Bông lúa vàng năm 1998 và năm 2000. Nghiên cứu quy trình nhân nuôi ếch đồng, nhân nuôi rắn hổ mang của GS. Trần Kiên. Nghiên cứu về xạ khuẩn sinh kháng sinh của GS. Nguyễn Thành Đạt. Nghiên cứu ứng dụng tuyển chọn các chủng nấm men trong lên men rượu, vi khuẩn trong lên men giấm, lên men lactic của TS. Nguyễn Quang Hào để sản xuất rượu vang, rượu cao độ góp phần tạo ra các thương hiệu sản phẩm như rượu vang Thăng Long, rượu vang và rượu brandy Ông Hào. Nghiên cứu của TS. Mai Thị Hằng về đa dạng hệ vi sinh vật trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, nghiên cứu enzyme thủy phân các phế phụ phẩm nông nghiệp và probiotic sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Nghiên cứu các chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học trên cơ sở vi khuẩn Bacillus thuringiensis, các vi nấm, tuyến trùng kí sinh gây bệnh côn trùng gây hại của GS. Phạm Thị Thùy. Chế phẩm NOMURI của GS. Thùy đã đạt giải thưởng Phụ nữ sáng tạo năm 2013 của Hội LHPH Việt Nam và Quốc tế, Ngân hàng thế giới. Cụm công trình “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách Đỏ và Danh lục Đỏ Việt Nam” đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2010, trong đó có sự đóng góp của nhiều nhà khoa học đến từ khoa Sinh học như GS.Trần Kiên, PGS. Trần Hồng Việt, PGS. Nguyễn Hữu Dực, GS. Vũ Quang Mạnh, GS. Nguyễn Hoàng Trí…

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, các hướng nghiên cứu truyền thống, thế mạnh của khoa và các hướng nghiên cứu mới tiếp tục được triển khai đồng bộ ở các bộ môn với một đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực và giàu nhiệt huyết, say mê nghiên cứu. Có thể điểm qua các hướng tập trung nghiên cứu hiện nay ở 7 bộ môn trong khoa.

Bộ môn Thực vật học: Nghiên cứu phân loại thực vật, giải phẫu thực vật thích nghi, giải phẫu ứng dụng, hệ thống học thực vật. Nghiên cứu sinh lí sinh thái cây ngập mặn, vai trò của rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu. Đánh giá chất lượng nước và xử lý ô nhiễm nước của các đầm nuôi thủy sản bằng các biện pháp sinh học. Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng và quản lý bền vững các KDTSQ dựa trên tư duy hệ thống và lượng hóa kinh tế sinh thái.

Ảnh 8. Hội nghị khoa học quốc gia về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học ở Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức thành công tại trường ĐHSPHN 2 năm 2020

Bộ môn Động vật học: Nghiên cứu về phân loại học, khu hệ động vật, sinh học, sinh thái học của các nhóm động vật: Giun đất, côn trùng, vet bét, cà cuống, thân mềm chân bụng ở cạn, động vật đáy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, cá nước ngọt, lưỡng cư, bò sát, chim, thú. Áp dụng phương pháp sinh học phân tử để bước đầu nghiên cứu hệ thống học và tiến hóa của một số nhóm động vật đồng thời phát hiện nhiều loài động vật mới cho khoa học. Nghiên cứu sinh học, sinh thái của một số loài động vật để áp dụng trong nhân nuôi, bảo tồn một số loài động vật có giá trị kinh tế. Nghiên cứu âm sinh học của lưỡng cư, chim. Đánh giá tác động môi trường của các công trình thủy điện. Đánh giá chất lượng môi trường nước thông qua các sinh vật chỉ thị. Đánh giá ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa lên sự đa dạng và phân bố của các loài chim. Nghiên cứu bảo tồn, phát triển bền vững loài chim yến đảo và hoàn thiện quy trình nuôi yến nhà. Nghiên cứu ảnh hưởng của các sinh vật ngoại lai xâm hại. Nhân nuôi các loài côn trùng thiên địch của sâu bệnh hại trong phòng thí nghiệm để ứng dụng trong kiểm soát sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững. Nghiên cứu giai đoạn sớm của các loài lưỡng cư, các loài cá (chủ yếu ở hệ sinh thái cửa sông). Đây là hướng nghiên cứu có tính mới, có ý nghĩa khoa học cũng như ứng dụng trong bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi thủy hải sản. Nghiên cứu dịch vụ hệ sinh thái. Nghiên cứu đa dạng sinh học động vật và quan trắc, giám sát động vật hoang dã. Nghiên cứu phương pháp xử lí, bảo quản mẫu vật và thiết kế trưng bày mẫu vật trong bảo tàng Sinh vật nhằm phục vụ nghiên cứu và giáo dục bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Bộ môn Sinh lí người và động vật: Các chỉ số nhân trắc và đơn hình nucleotide liên quan đến béo phì và các rối loạn chuyển hóa. Ảnh hưởng của thức ăn, chất dinh dưỡng và các đặc điểm sinh lý động vật. Giáo dục sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường và gen liên quan đến các bệnh chuyển hóa. Nghiên cứu ảnh hưởng của các dược chất in vivo trên chuột.

Bộ môn Sinh lí thực vật và ứng dụng: Nghiên cứu sự biến đổi sinh lý, hóa sinh liên quan đến tính chống chịu (hạn, mặn, bệnh…) của cây trồng. Nghiên cứu xử lý ô nhiễm môi trường đất, nước bởi kim loại nặng bằng thực vật kết hợp với các chế phẩm sinh học. Những biến đổi sinh lý, hóa sinh trong quá trình sinh trưởng và chín của quả. Sinh học đất, dinh dưỡng cây trồng - tăng năng suất cây trồng và nông nghiệp sạch. Ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong cải tiến giống cây trồng vào sản xuất nông nghiệp.

Bộ môn Công nghệ sinh học - Vi sinh: Bảo tồn và lưu giữ hệ gene quý hiếm của vi sinh vật rứng ngập mặn Việt Nam. Phân lập, tìm kiếm các nguồn gene quý sinh enzyme, chất kháng sinh và các chất có hoạt tính sinh học khác từ các khu hệ vi sinh vật bản địa. Đa dạng khu hệ nấm túi ở Việt Nam. Nghiên cứu các chất có hoạt tính. kháng khuẩn, kháng sinh từ nấm nội sinh cây rừng ngập mặn, cây thuốc quý ở Việt Nam. Nghiên cứu khu hệ vi khuẩn ưa và chịu mặn trong sản xuất nhựa phân hủy sinh học. Nghiên cứu khu hệ vi khuẩn ưa và chịu mặn trong sản xuất các hợp chất tương thích ectoin. Tách dòng, biểu hiện và đột biến một số gene mã hóa enzyme phytase để bổ sung và thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Nghiên cứu đa dạng vi khuẩn ưa, chịu mặn trong chượp mắm bằng chỉ thị phân tử. Nghiên cứu hệ metagenome của nấm men trong mật và sáp ong.

Bộ môn Di truyền - Hóa sinh: Tạo các giống lúa mới trên cơ sở tạo đột biến bằng tia gamma. Lại tạo các giống vật nuôi: vịt ba máu. Nghiên cứu đánh giá và khai thác tiềm năng di truyền nguồn gen một số cây trồng bản địa. Nghiên cứu ứng dụng đột biến thực nghiệm và CNSH trong chọn tạo giống. Phân tích cơ chế phân tử của quá trình cộng sinh giữa vi khuẩn cố định đạm và cây họ Đậu. Phân tích và đánh giá hoạt tính sinh học của các chiết xuất và các hợp chất thiên nhiên từ các cây dược liệu, thực vật rừng ngập mặn, nấm, tảo,… Nuôi cấy mô và tế bào để nhân giống và bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, sản xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học. Sản xuất các protein tái tổ hợp từ thực vật chuyển gen ứng dụng trong y học và sử dụng làm chất bảo vệ thực vật. Nghiên cứu phát triển vaccine cho cá. Nghiên cứu cơ sở phân tử của cơ chế điều hoà biểu hiện gen ở nấm Mucor circinelloides và cơ chế gây bệnh của nấm Mucor ở mức độ phân tử.

Bộ môn Lí luận và phương pháp dạy học Sinh học: Phát triển Chương trình và Sách giáo khoa môn Sinh học phổ thông. Phát triển Chương trình nhà trường. Phương pháp nghiên cứu Khoa học Giáo dục Sinh học. Vận dụng những Tiếp cận đổi mới phương pháp dạy học Sinh học. Thiết kế, chế tạo phương tiện dạy học Sinh học. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Sinh học. Giảng dạy tích hợp các khoa học trong dạy học Sinh học. Nghiên cứu vận dụng các phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Kiểm tra, đánh giá phẩm chất và năng lực người học trong dạy học Sinh học.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng vươn lên của đội ngũ cán bộ, giảng viên, khoa Sinh học đã đạt được nhiều thành tích vẻ vang trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học sinh học cơ bản, nghiên cứu sinh học ứng dụng, nghiên cứu khoa học giáo dục và giảng dạy bộ môn Sinh học. Khoa Sinh học được coi là cái nôi đào tạo ra các nhà khoa học trong lĩnh vực Sinh học nói chung và các nhà giáo giảng dạy Sinh học nói tiêng của cả nước. Nhiều cán bộ của khoa Sinh học cũng trở thành các nhà quản lý giáo dục có uy tín và được giao trọng trách trong ngành là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như PGS.TS. Lương Ngọc Toản (nguyên cán bộ bộ môn Thực vật học), PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ (nguyên cán bộ bộ môn Sinh lý học người và động vật), TS. Nguyễn Vinh Hiển (nguyên cán bộ bộ môn Sinh lý học thực vật và ứng dụng). Tiếp nối các thầy, nhiều cựu sinh viên của khoa cũng được phân công đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Đảng, Quốc hội như đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực thành ủy Hà Nội), PGS.TS. Phạm Tất Thắng (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

Ảnh 9. Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tới thăm Phòng thí nghiệm, thực hành khoa Sinh học năm 2008

Từ những tiến sĩ, tiến sĩ khoa học Sinh học đầu tiên được bảo vệ ở nước ngoài cho đến các tiến sĩ, tiến sĩ khoa học Sinh học được bảo vệ ở trong nước trong bối cảnh chiến tranh, trong bối cảnh tự học, tự nghiên cứu, không có người hướng dẫn, cho đến nay khoa đã đào tạo được 190 tiến sĩ Sinh học. Kết quả nghiên cứu khoa học của tập thể cán bộ khoa Sinh học qua 70 năm đã đáp ứng yêu cầu của xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống. Các kết quả đó đã được ghi nhận thông qua nhiều giải thưởng quốc tế và quốc gia như Giải thưởng Cosmos, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhân tài đất Việt, Giải thưởng Bông lúa vàng, Giải thưởng Vifotec, Giải thưởng Nhà khoa học của Nhà nông, Giải thưởng Phụ nữ Sáng tạo, Huy chương Tuổi trẻ Sáng tạo KHKT. Bộ môn Công nghệ sinh học - Vi sinh và bộ môn Động vật học đã đạt Giải Nhất tập thể tiêu biểu trong NCKH của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng vào thực tiễn đời sống đem lại hiệu quả được xã hội đánh giá cao. Nhiều sách giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo, sách giáo khoa, các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín ở quốc tế, trong nước, các hội thảo đã góp phần nâng cao vị thể và ảnh hưởng của khoa Sinh học, của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ảnh 10. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực thành ủy Hà Nội tới thăm và làm việc với khoa Sinh học năm 2016

Từ năm 2012, Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã khởi xướng tổ chức Hội nghị quốc gia về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học ở Việt Nam. Từ đó đến nay, khoa phối hợp với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu trong cả nước và Hội các ngành Sinh học Việt Nam để tổ chức đều đặn hội thảo quốc gia này. Hội nghị lần thứ hai tổ chức tại Đại học Sư phạm, Đại học Đà  Nẵng (2016), lần thứ ba tại Đại học Quy Nhơn (2018), lần thứ tư tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (2020) và dự kiến lần thứ năm tại Đại học Quốc tế, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh (2022). Các bài báo khoa học tham gia hội thảo đều được phản biện, biên tập và được các nhà xuất bản có uy tín xuất bản. Trong chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, cụ thể như triển khai chương trình Giáo dục phổ thông quốc gia 2018, các cán bộ của khoa Sinh học đã tích cực tham gia ở tất cả các khâu từ xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học, viết sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên dạy học phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Sinh học chất lượng cao và cử nhân sư phạm dạy sinh học bằng tiếng Anh đã tạo ra nhiều sinh viên có khả năng dạy học bằng tiếng Anh tại các trường phổ thông có yếu tố quốc tế sau khi tốt nghiệp. Hằng năm, nhiều sinh viên đã được lựa chọn và các em rất tự tin khi tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Khoa cũng đã đón tình nguyện viên quốc tế đến làm việc trong thời gian dài. Chị Alyssa Mayer (Mỹ) đã đến hoạt động tình nguyện tại khoa từ năm 2018 đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên. Khoa đã kí kết trực tiếp hoặc thông qua trường biên bản hợp tác trao đổi sinh viên và trao đổi nghiên cứu với nhiều trường đại học quốc tế như: Đại học Kochi (Nhật bản), Đại học Quốc gia Australia (ANU), Đại học Kansesart (Thái Lan), Đại học Niigata, Đại học Ryukyus (Nhật Bản), Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc), Đại học Aix-Marseille (Pháp)… Không ngừng mở rộng kết nối ở trong và ngoài nước để học hỏi, chia sẻ và phát triển khoa Sinh học thành một cơ sở giáo dục đại học tiên tiến, một cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín, là mục tiêu luôn hướng tới của đội ngũ cán bộ tràn đầy nhiệt huyết và năng lực của khoa. Hy vọng, từ cái nôi đào tạo khoa Sinh học, nhiều thế hệ công dân sinh thái, công dân toàn cầu sẽ được vươn cánh bay xa phục vụ phát triển đất nước và tô thêm truyền thống vẻ vang 70 năm vẻ vang của khoa, của trường.

Ảnh 11. Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam thành công rực rỡ

(nguồn ảnh: moet.gov.vn)

Cùng với công tác đào tạo đại học và sau đại học, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học tham gia các kỳ thi quốc gia và quốc tế cũng được khoa quan tâm. Nhiều cán bộ của khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao trách nhiệm bồi dưỡng lý thuyết, thực hành và dẫn đoàn đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế như PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn, ThS. Lê Đình Tuấn và nhiều cán bộ trẻ. Đặc biệt, năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27 (International Biology Olympiad – IBO) và Bộ GD&ĐT giao hoàn toàn nhiệm vụ này cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện. Khoa Sinh học đã được giao đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng quan trọng nhất là công tác chuyên môn ra đề, coi thi, chấm thi. Kỳ thi đã được tổ chức thành công, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thông qua đó, khoa Sinh học cũng thể hiện được năng lực chuyên môn cũng như công tác tổ chức các sự kiện tầm quốc tế.

Với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ thầy và trò, Khoa Sinh học đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2016. Khoa cũng thường xuyên được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới thăm và động viên. Năm 2006, Khoa được đón đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tới thăm Bảo tàng Sinh vật. Năm 2008, Khoa được đón đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và đồng chí Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tới thăm Phòng thí nghiệm và thực hành vi sinh vật học. Năm 2016, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực thành ủy Hà Nội đã đến thăm và làm việc với khoa Sinh học. Năm 2019, Khoa được đón Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới thăm Phòng thí nghiệm thực hành Sinh lý học người và động vật. Sự quan tâm sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nguồn động viên lớn để tập thể cán bộ, sinh viên khoa Sinh học không ngừng phấn đấu. Cán bộ, giảng viên khoa Sinh học tự hào với truyền thống vẻ vang 70 năm của khoa và luôn cố gắng để gìn giữ, phát huy truyền thống và từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế./.


Source: 
19-08-2021
Tags