Bước đầu tiếp cận hệ thống giáo dục Đan Mạch

Bước đầu tiếp cận hệ thống giáo dục Đan Mạch

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Trẻ em và Giáo dục Đan Mạch, từ ngày 5 đến ngày 14/4/2013, đoàn đại biểu của Việt Nam với 12 thành viên trong đó có 9 thành viên từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được cử sang Copenhagen, Đan Mạch để tham dự Hội thảo “Đổi mới chương trình Sách giáo khoa phổ thông - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam”.Tham gia đoàn đại biểu về phía Khoa Sinh học có PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn, PGS. TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, TS. Lê Thị Phương Hoa. Trong chương trình Hội thảo, ngoài các cuộc thảo luận tại Khoa Giáo dục, Đại học Aarhus với sự chủ trì của Giáo sư Jens Rasmussen, đoàn đã có nhiều hoạt động tham quan, trao đổi thực tế tại Nhà xuất bản Gyldendal, Trường cao đẳng đào tạo giáo viên UCC, trường THPT Rysensteen, gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Trẻ em và Giáo dục Đan Mạch, thăm và trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch… Sau chuyến công tác, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn đã có bài viết giới thiệu sơ nét về nền giáo dục Đan Mạch và một vài cảm nhận. BBT website Khoa Sinh học xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

1.      Giới thiệu chung đất nước Đan Mạch

Đan Mạch là một quốc gia quân chủ lập hiến thuộc vùng Scandinavia ở Bắc Âu. Đan Mạch có một chính phủ cấp quốc gia và chính quyền địa phương ở 98 khu tự quản. Diện tích của Đan Mạch khoảng 43.094 km2. Đan Mạch là thành viên của Liên minh châu Âu mặc dù không thuộc khu vực đồng Euro. Theo số liệu năm 2012, 89,6% dân số là người gốc Đan Mạch với 5.580.516 dân, còn lại 10,4% là dân nhập cư chủ yếu là từ các nước láng giềng vùng Scandinavia, Đức, ngoài ra từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Somalia, Bosnia, Herzegovina, các nước Nam Á và Trung Đông. Đây là quốc gia được đánh giá có hệ thống phúc lợi quốc gia lớn và xếp hạng nhất trên thế giới về bình đẳng thu nhập. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình năm 2012 là 313,637 tỷ đô la. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2013 là 0,901. Đan Mạch giáp cả biển Baltic và biển Bắc bao gồm một bán đảo lớn và hang trăm đảo lớn nhỏ. Đan Mạch cũng là đất nước có nhiều nhà khoa học được trao giải Nobel với 11 giải cho 13 nhà khoa học.

Đan Mạch đặc trưng khí hậu vùng ôn đới với mùa đông ôn hòa. Ở vùng phía Bắc, chiều dài ngày thay đổi rất lớn theo mùa trong năm. Thời gian ngày trong mùa đông rất ngắn từ 8h45 đến 15h45. Trong khi đó những ngày trong mùa hè lại rất dài từ 4h30 đến 22h. Đan Mạch là đất nước đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Ngay từ năm 1971 đã thành lập Bộ Môi trường và năm 1973 đã thông qua luật Môi trường. Năm 2009, Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đã được tổ chức tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch. Do nghèo tài nguyên và thiếu nhiên liệu nên buộc người Đan Mạch phải học cách sử dụng tiết kiệm và hiệu quả như ứng dụng năng lượng điện gió và các năng lượng tái tạo.

2.      Hệ thống giáo dục Đan Mạch

Đan Mạch là một quốc gia có rất ít nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, Chính phủ rất chú trọng tới việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực bao gồm cả kiến thức và kỹ năng. Sự phát triển công nghệ nhanh chóng và quá trình toàn cầu hóa trong những năm gần đây đã làm tăng nhu cầu nâng cao chất lượng nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo cũng có vai trò quan trọng đối với một cá nhân. Trong xã hội hiện đại sẽ không có nhiều công việc dành cho những người không có đủ kỹ năng. Do đó, tất cả các công dân Đan Mạch đều có nhiều cơ hội tiếp cận với sự giáo dục, cải tiến kỹ năng và phát triển cá nhân. Điều này có nghĩa là mọi người đều có cơ hội học tập suốt đời.

Hệ thống giáo dục của Đan Mạch bao gồm 9 năm giáo dục phổ cập (The Folkeskole) từ lớp 1 đến lớp 9. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em đều bắt đầu giai đoạn mẫu giáo vào lúc 5 - 6 tuổi.

Chương trình lớp mẫu giáo pha trộn giữa học và chơi nhằm chuẩn bị cuộc sống học đường hàng ngày cho học sinh. Các em tham gia các trò chơi, phát triển kỹ năng giao tiếp, hòa nhập tập thể, học hát, học bảng chữ cái, học phát âm.

Trường tiểu học và trung học cơ sở thành phố giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về toán, ngôn ngữ, các môn xã hội và khoa học. Trường học cũng tập trung vào việc giúp học sinh quen với nền văn hóa Đan Mạch và giúp chúng bước đầu tiếp cận với các nền văn hóa khác. Ngoài ra, ở bậc học này còn nhằm đẩy mạnh sự phát triển cá nhân của trẻ, khuyến khích trí tưởng tượng và ham muốn học hỏi của chúng. Học sinh học cách diễn đạt ý kiến của chính mình. Việc đánh giá học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 chỉ xác định đạt hay không đạt chứ không chấm điểm, trong đó có sự trao đổi giữa giáo viên giảng dạy và phụ huynh. Quan điểm giáo dục ở đây là nhằm giúp trẻ không bị tự ti nếu bị điểm thấp.

Hệ thống trường tiểu học và trung học cơ sở Đan Mạch được dựa trên “Đạo luật Folkeskole”. Đạo luật này xác định những mục tiêu sau đây đối với hệ thống giáo dục phổ cập ở Đan Mạch:

(1) Hệ thống Folkeskole sẽ - trong mối quan hệ cộng tác với cha mẹ - giúp nâng cao kiến thức thu được của học sinh, các kỹ năng, các phương pháp làm việc và các cách thể hiện chính mình và qua đó góp phần vào việc phát triển cá nhân toàn diện của từng học sinh.

(2) Hệ thống Folkeskole sẽ cố gắng tạo nên nhiều cơ hội lấy kinh nghiệm, công nghệ và niềm đam mê để học sinh phát triển nhận thức, trí tưởng tượng và sự ham mê học hỏi, nhằm giúp chúng có được sự tự tin vào chính các khả năng và kiến thức của mình trong việc hình thành những ý kiến đánh giá độc lập và thực hiện hành động cá nhân.

(3) Hệ thống Folkeskole sẽ giúp học sinh làm quen với nền văn hóa Đan Mạch và đóng góp vào sự hiểu biết của chúng về những nền văn hóa khác và về mối tương tác giữa con người với tự nhiên. Trường học nên chuẩn bị cho học sinh có được sự tham gia tích cực, trách nhiệm chung, các quyền và nghĩa vụ trong một xã hội dựa trên sự tự do và dân chủ. Do vậy, việc giảng dạy của một trường và cuộc sống hàng ngày của nó phải xây dựng trên sự tự do, bình đẳng và dân chủ về trí tuệ. 

Cha mẹ có thể cho con vào học các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, họ sẽ phải trả thêm phí ngoài kinh phí hỗ trợ một phần của nhà nước. Các trường ngoài công lập có thể xây dựng những chương trình giảng dạy theo những triết lý và tôn giáo riêng. Tuy nhiên, kiến thức truyền đạt phải tương đương với trường công lập.

Những trẻ yếu hơn trong việc theo kịp với những bạn khác trong lớp có thể có chương trình đào tạo đặc biệt hoặc phụ đạo thêm. Ví dụ, điều này áp dụng cho những trẻ mắc chứng đọc kém.

Hoạt động đi Cắm trại là một phần trong chương trình giảng dạy. Nó cũng có vai trò quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ xã hội và xây dựng sự đoàn kết giữa các học sinh. Nhiều học sinh xem cắm trại trường là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong năm học. Học sinh chuẩn bị cho hoạt động cắm trại qua việc thực hiện các nhiệm vụ và viết các bài thu hoạch. Khi cắm trại, trẻ tự nấu ăn, đi câu cá hoặc đạp xe, đốt lửa trại, chơi và tắm biển. Có những phòng ngủ tập thể riêng cho nam và nữ. Hoạt động cắm trại trường là một phần trong chương trình giáo dục, và tạo cơ hội cho học sinh thực hành và củng cố kinh nghiệm. Học sinh được đào tạo trong một môi trường an toàn dưới sự hướng dẫn và giám sát của các giáo viên. Những vấn đề thực tế, như thức ăn và nơi ở, được thảo luận trước với cha mẹ, để họ có thể thấy an tâm khi để con cái họ tham gia. Số lần và thời gian trẻ đi cắm trại tùy thuộc vào trường học. Tối thiểu, chuyến đi luôn bao gồm hai đêm ở tại một nơi nào đó tại Đan Mạch hoặc có thể ở nước ngoài. Những học sinh lớp trên thường giúp tăng ngân quỹ để tài trợ cho hoạt động cắm trại trường ở nước ngoài bằng cách làm thêm trong giờ nghỉ. Ví dụ: ở trường Cao đẳng đào tạo giáo viên UCC (University College Capital) thành lập Trại Khoa học nhằm tổ chức cho học sinh các trường phổ thông ở vùng xung quanh đến cắm trại, thực tập khoa học.

Trong trường phổ thông ở Đan Mạch, Hội đồng trường có vai trò quyết định trong mọi hoạt động của trường. Hội đồng thường gồm 10 người trong đó bao gồm 7 phụ huynh, 2 học sinh và 2 giáo viên. Trường học tạo nhiều cơ hội cho các bậc phụ huynh tham gia vào và gây ảnh hưởng lên cuộc sống học đường của con cái họ. Hầu hết các bậc cha mẹ đều tham dự các buổi họp phụ huynh, các lễ hội và các sự kiện khác của trường học. Đây là cách tốt để biết được các bài học và cuộc sống hàng ngày tại trường học như thế nào và con họ đang hoạt động như thế nào, đồng thời gặp gỡ trao đổi với những phụ huynh khác.

Chương trình học của mỗi năm thường được hoàn tất và gửi cho phụ huynh học sinh trước khi nghỉ hè. Giáo viên và phụ huynh cùng thảo luận về kế hoạch học tập của từng học sinh để cùng theo dõi và đánh giá sự tiến bộ của học sinh vào cuối năm học. Từ lớp 1-3, học sinh thường học trung bình 25 giờ/1 tuần. Lớp 4-5 học 26 giờ/1 tuần. Lớp 6 học 27 giờ/1 tuần. Lớp 7 học 28 giờ/1 tuần. Lớp 8 học 31 giờ/ 1 tuần. Lớp 9 học 32 giờ/ 1 tuần. Từ lớp 4, trong mỗi tuần có 2 tiết về khoa học kĩ thuật và ngoại ngữ. Trẻ bắt buộc học ngoại ngữ tiếng Anh và được chọn học thêm một ngôn ngữ khác không bắt buộc như tiếng Đức, tiếng Pháp khi chuyển lên lớp 7. Các môn khoa học như Địa lý, Sinh học và hai môn tích hợp Hóa/Lý được dạy từ lớp 7. Sĩ số tối đa trong các lớp học là 28 học sinh.

Cuối lớp 9 học sinh tham gia bài thi kiểm tra quốc gia. Sau khi học xong lớp 9, học sinh có thể học bổ túc thêm 1 năm (không bắt buộc) hoặc học thẳng lên lớp 10. Quyết định này được trao đổi thống nhất giữa phụ huynh và giáo viên. Thường có khoảng 85-87% học sinh học thẳng lên lớp 10.

Khi chuyển lên trung học phổ thông (Gymnasium) bắt đầu có sự phân ban để chuẩn bị kiến thức phù hợp cho việc học lên đại học sau này. Có 3 loại hình trường trung học chính:

- Trung học thông thường (với 2 sự lựa chọn: chuyên toán hoặc chuyên ngữ)

- Trung học thương mại

- Trung học kỹ thuật

Sau khi qua kỳ thi tốt nghiệp trung học, học sinh có thể học tiếp hệ cao đẳng (2 năm), cử nhân (3 năm), thạc sỹ (2 năm), tiến sĩ (3 năm).

Tại Đan Mạch hiện có 8 trường đại học bao gồm: Aalborg University (AAU), Aarhus University (AU), Copenhagen Business School (CBS), IT University of Copenhagen (ITU), Roskilde University (RUC), Technical University of Denmark (DTU), University of Copenhagen (KU), University of Southern Denmark (SDU).

Các trường đại học đều có các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh cho sinh viên. Phương pháp đào tạo tại Đan Mạch khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu và tích cực tham gia thảo luận theo nhóm. Sinh viên có thể chủ động lên kế hoạch và thực hiện dự án của mình, độc lập hoặc theo nhóm. Các kỳ thi theo học chế tín chỉ sẽ bao gồm cả thi viết và thi vấn đáp.

Khoa Giáo dục (Department of Education) nơi đoàn chúng tôi đến thăm và làm việc vốn là Trường Đại học Giáo dục Đan Mạch nhưng nay đã được sát nhập vào Trường Đại học Aarhus (Aarhus University) thuộc Bộ Giáo dục và Trẻ em Đan Mạch (The Ministry of Children and Education) có trụ sở tại thủ đô Copenhagen.

3.      Tiếp cận môn Sinh học: nhu cầu - giáo dục - đào tạo

Chương trình đào tạo ở Đan Mạch là một chương trình mở. Giáo viên là người chủ động lựa chọn nội dung, sắp xếp chương trình và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Mục tiêu chính hướng tới là năng lực đầu ra đạt được của học sinh. Vì vậy, trình độ giáo viên đóng một vai trò quyết định trong kết quả giáo dục và đào tạo ở nhà trường.

Cấu trúc phòng học môn Sinh học ở cả trường phổ thông và cao đẳng đào tạo giáo viên thường có sự liên thông giữa phòng giảng lý thuyết với phòng làm việc, tra cứu tài liệu và phòng thí nghiệm, thực hành.

Thăm và trao đổi với Tổng biên tập Mikael Pedersen của Nhà xuất bản Gyldendal - một trong 2 nhà xuất bản lớn nhất ở Đan Mạch cùng với nhà xuất bản Alinea. Cùng một môn học nhưng có sự khác nhau về kết cấu nội dung để phù hợp với từng phân ban A, B, C. Đồng thời có nhiều bộ sách giáo khoa của các nhóm tác giả khác nhau. Việc lựa chọn mua sách giáo khoa phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng các trường như đã giới thiệu ở trên.

Đi vào chi tiết nội dung của Sách giáo khoa. Lấy ví dụ cụ thể về bộ sách giáo khoa Sinh học dành cho trung học cơ sở được NXB tặng, gồm:

- Thomas Bach Piekut, Pikke Risom, Leif Schack-Nielsen, Anders V.Thomsen, 2006. Biologisystemet BIOS - Grundbog A. Gyldendal.

- Leif Schack-Nielsen, Thomas Bach Piekut, Pikke Risom, Anders V.Thomsen, 2012. Biologisystemet BIOS - Grundbog B. Gyldendal.

- Thomas Bach Piekut, Pikke Risom, Leif Schack-Nielsen, Anders V.Thomsen, 2010. Biologisystemet BIOS - Grundbog C. Gyldendal.

Sách được in màu đóng bìa cứng khổ 21 x 26,5cm. Sách in giấy bóng đẹp, các trang đều có ảnh chụp và ảnh vẽ minh họa. Ảnh chụp minh họa đa số là các hệ sinh thái, con người, hoạt động sống, động vật, vật nuôi, thực vật, cây trồng… quen thuộc ở Đan Mạch. Các động vật, thực vật được lựa chọn vẽ trong các hình minh họa thường là những loài quen thuộc, gần gũi, đặc trưng. Cách dàn trang logic, khoa học và hấp dẫn. Luôn có các hộp giải thích từ mới. Nội dung kiến thức được kết cấu khác nhau phù hợp với từng phân ban.

Sơ lược nội dung chính của các cuốn sách như sau:

- Cuốn A: hệ sinh thái nước ngọt/ hệ sinh thái đồng cỏ/ hệ sinh thái nông nghiệp/ nuôi ong/ Cơ thể con người/ hệ cơ quan chuyển động/ giới tính và sự chung sống/ chăn nuôi, trồng trọt/ tế bào - sự kiến tạo tổ chức sống/ hệ thống học động vật và thực vật/Mục lục tra cứu theo từ/ Trích dẫn tài liệu tham khảo và nguồn hình.

- Cuốn B: hệ sinh thái rừng/ bờ biển và đại dương/ hệ sinh thái rạn san hô/ Ăn uống và sức khỏe/ các chất kích thích và thuốc/ phát triển bền vững/ Di truyền/ Công nghệ sinh học/ khai thác lông thú/ vi rút và vi khuẩn/ chuyến đi và khám phá của Dac-uyn/ hệ thống học và loài/ Mục lục tra cứu theo từ/ Trích dẫn tài liệu tham khảo và nguồn hình.

- Cuốn C: Sinh thái cảnh quan/ Sinh thái học/ Quản lý thiên nhiên/ hệ sinh thái núi/ thú nuôi/ Cơ bắp và doping/ dân số/ chất thải/ tiến hóa/ tổng hợp các lĩnh vực sinh học (Công nghệ sinh học/ Tế bào học/ Năng lượng dinh dưỡng học/ Tiến hóa/ Di truyền/ Sinh thái học)/ Mục lục tra cứu theo từ/ Trích dẫn tài liệu tham khảo và nguồn hình.

Các kiến thức sinh học trong sách đều được trình bày giới thiệu theo hướng tiếp cận hệ sinh thái. Học sinh sẽ luôn có một cái nhìn tổng quát về sự sống xung quanh và đi dần vào nhận diện, tìm hiểu các thành tố bên trong của hệ sinh thái và các vấn đề sinh xã hội học. Cấu trúc logic kiến thức được kiến tạo theo kiểu khám phá từ dễ đến khó, từ trực giác đến tư duy trìu tượng. Cuốn sách như một tài liệu tự học, tự nghiên cứu, tự đối chiếu thực tế, kinh nghiệm sống, kích thích tính tò mò và hấp dẫn với người học. Với nội dung giảng dạy có hàm lượng kiến thức vừa phải nhưng rất thực tế sẽ giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về sự sống, hiểu sự vật và hiện tượng ở mức độ nhất định và có kỹ năng ứng xử, giải quyết phù hợp trong cuộc sống thực hàng ngày.

Cần lưu ý chương trình giảng dạy sinh học của giáo viên ở Đan Mạch luôn gắn liền với học ngoại khóa: thăm quan bảo tàng/ đi chợ/ đi cắm trại/ thăm vườn thú/ thăm vườn thực vật/ thăm trang trại… kể cả trong và ngoài nước cùng với các trải nghiệm homestays.

Đan Mạch không phải là nước phát triển tích hợp các môn học. Tuy nhiên, ở từng môn học, trong từng vấn đề cụ thể, giáo viên thường dạy học theo kiểu dự án, chủ đề, đóng vai để học sinh có thể vận dụng kiến thức, kinh nghiệm nhận diện, giải quyết vấn đề ở nhiều khía cạnh một cách toàn diện hơn.

4.      Lời kết

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của xã hội trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển không ngừng và quá trình toàn cầu hóa là một yêu cầu cấp thiết. Kinh nghiệm giáo dục từ các nước phát triển là hết sức quý báu để chúng ta nghiêm túc soi xét lại thực trạng giáo dục của nước ta và vận dụng sáng tạo, hiệu quả những tiến bộ của nước bạn sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và con người và thể chế, chính trị ở Việt Nam. Mọi vấn đề cần được nhìn nhận, giải quyết mang tính đồng bộ, hệ thống ở tất cả các khâu và có sự chỉ đạo nhất quán từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các vấn đề đưa ra nhất thiết cần có sự đồng thuận cao của xã hội. Cần mạnh dạn thay đổi tư duy theo hướng tích cực hơn trong kết cấu khung chương trình, trong viết sách giáo khoa, trong đánh giá, thi cử, trong đào tạo giáo viên. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là đơn vị đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của nước nhà. Muốn làm được điều đó cần có một chính sách đầu tư trọng điểm tương ứng với vai trò giáo dục là quốc sách hàng đầu.

 

       

 

       

 

        



Source: 
19-04-2013
Tags