TIÊU BẢN CÁ THỂ RÙA MAI MỀM KÍCH THƯỚC LỚN CUỐI CÙNG Ở HỒ HOÀN KIẾM ĐƯỢC CHÍNH THỨC TRƯNG BÀY Ở ĐỀN NGỌC SƠN, HÀ NỘI

Sáng ngày 16/3/2019, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chính thức bàn giao tiêu bản cá thể rùa mai mềm kích thước lớn cuối cùng ở Hồ Hoàn Kiếm cho UBND thành phố Hà Nội.

Trước đó, cá thể rùa này được phát hiện chết ngày 19/1/2016 ở khu vực hồ gần đường Lê Thái Tổ. Thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển mẫu rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để xử lý kĩ thuật, nghiên cứu và bảo quản lâu dài.

Tiêu bản cá th rùa Hồ Gươm hiện được đặt trưng bày trong tủ kính ở vị trí bên trong gian trái của đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng với cá thể rùa chết từ năm 2010. Tiêu bản rùa ở hồ Gươm có kích cỡ và màu sắc tương đối giống thật với màu vàng, xanh rêu chủ đạo, giống với những hình ảnh mà nhiều người biết đến. Cá thể rùa chết năm 2016 có kích thước dài 2,08m, rộng ngang 1,08m và nặng 169kg. Trong khi đó, cá thể rùa chết năm 2010 trưng bày ở tủ kính phía ngoài chỉ dài 1,2m và nặng 52kg.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã phải mời hai chuyên gia đến từ Bảo tàng Berlin của Đức để chuyển giao công nghệ và trực tiếp chế tác mẫu theo phương pháp nhựa hóa - một trong những phương pháp hiện đại nhất trong việc xử lý và tạo dựng mẫu vật giống như nguyên mẫu. Phương pháp này không những giúp giữ được nguyên vẹn mẫu vật mà còn giữ được cả xương. Các chuyên gia cho biết, phương pháp hiện đại này giúp mẫu vật sát thực nhất với mẫu sống, không để lại mùi và có độ bền rất cao. Trong quá trình chế tác, nước và mỡ hòa tan trong tế bào sẽ được hút hết để thay vào đó 1 loại nhựa đặc biệt thẩm thấu qua các tế bào giúp giữ được nguyên hình dáng cấu trúc, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn). Theo PGS.TS Phan Kế Long, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, quá trình chế tác đòi hỏi sự tỉ mỉ cẩn trọng, trong đó chế tác mắt rùa là khâu quan trọng nhất và khó nhất vì mắt thể hiện cái hồn của từng mẫu vật. Các chuyên gia Đức phải tiến hành nghiên cứu trên website, đo đạc, nhìn ảnh rùa lúc còn sống, nhìn vân, nhìn con ngươi, ánh mắt để khi làm xong, đôi mắt sẽ tạo ra được thần thái của loài rùa khổng lồ như mong muốn.

Riêng tủ kính để trưng bày tiêu bản rùa cũng được đặt hàng riêng một công ty của Đức. Tủ kính được đặt trong một khung làm bằng gỗ hương đỏ, chạm khắc đẹp. Tiêu bản được đặt trên một nền nhung đỏ. Tủ kính phải đảm bảo về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, tránh tia UV. Các hệ thống để duy trì các yếu tố trên sẽ nằm hoàn toàn bên dưới để hình ảnh trưng bày được đẹp nhất. Kính tủ được sử dụng là loại kính chịu lực 2 lớp, siêu trong, chống phản xạ ánh đèn flash khi khách tham quan chụp ảnh. Bên trong tủ có một hệ thống đèn led chiếu từ trên xuống có thể dịch chuyển để đảm mỹ thuật về điểm nhấn trong trưng bày.

Cho đến nay, về mặt phân loại, mẫu rùa ở hồ Hoàn Kiếm được xác định có tên khoa học là Refetus swinhoei (Gray, 1837) thuộc họ Trionychidae, bộ Testudines, lớp Reptilia. Trên thế giới cho đến nay ước tính chỉ còn 4 cá thể còn sống, trong đó có 2 cá thể được nuôi nhốt ở Trung Quốc và 2 cá thể ngoài tự nhiên ở Việt Nam. Cụ thể, 1 đôi rùa này được nuôi ở Vườn thú Suzhou, Trung Quốc với hy vọng sẽ sinh sản thành công. Còn lại, 1 cá thể phát hiện ở hồ Đồng Mô và 1 cá thể ở hồ Xuân Khanh, Việt Nam. Trước đó, 1 cá thể loài này đã chết ở Vườn thú Bắc Kinh năm 2005, 1 cá thể ở Vườn thú Thượng Hải chết năm 2006, 1 cá thể ở Việt Nam chết năm 2010 và đến năm 2016 cá thể cuối cùng ở hồ Hoàn Kiếm cũng bị chết.

Nguy cơ tuyệt chủng của loài rùa mai mềm kích thước lớn này trên thế giới là rất cao. Đây cũng là dấu hiệu báo động cho sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật trước các yếu tố của tự nhiên và tác động của con người. Hãy chung tay để bảo tồn đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững cho bản thân chúng ta và con cháu của chúng ta. Hãy quan tâm, chia sẻ, góp thêm hành động để bảo vệ môi trường và sống thân thiện hơn với thiên nhiên.

Xin chia sẻ với bạn đọc của website Khoa Sinh học một số hình ảnh cận cảnh về tiêu bản mẫu rùa mới được chuyển đến trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hy vọng các bạn sẽ có dịp vào thăm đền và tận mắt chiêm ngưỡng mẫu rùa này./.

Xem thêm file bài báo về vị trí phân loại của rùa ở hồ Hoàn Kiếm.

Nguồn bài: Hùng Sơn tổng hợp. Ảnh: Hùng Sơn

Một số hình ảnh về tiêu bản mẫu rùa trưng bày tại Đền Ngọc Sơn



Ảnh 1. Cầu Thê Húc dẫn vào Đền Ngọc Sơn ở Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội



Ảnh 2. Cổng đền nhìn ra cầu Thê Húc



Ảnh 3. Trên những thân cây bên hồ chỉ còn lại những chú Rùa tai đỏ



Ảnh 4. Gian trưng bày hai mẫu tiêu bản rùa ở hồ Hoàn Kiếm



Ảnh 5. Tủ trưng bày mẫu tiêu bản cá thể rùa mất năm 2016



Ảnh 6. Mẫu tiêu bản rùa mới được đặt phía trong mẫu tiêu bản rùa cũ



Ảnh 7. Mai rùa



Ảnh 8. Phần đuôi rùa



Ảnh 9. Chi sau của rùa

  

Ảnh 10-11-12. Cận cảnh đầu rùa



Ảnh 13. Cơ quan giao cấu của rùa



Ảnh 14. Rất đông khách thăm quan tới xem mẫu tiêu bản rùa


Source: 
08-04-2019
Tags