BUÔN BÁN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VÀ RỦI RO CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN TỪ ĐỘNG VẬT SANG NGƯỜI - MỘT VẤN ĐỀ ĐÁNG BÁO ĐỘNG VÀ CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM HIỆN NAY

Tham dự buổi hội thảo có PGS.TS. Bùi Minh Hồng, Trưởng Bộ môn Động vật học; TS. Lê Thị Tuyết, Trưởng Bộ môn Sinh lí học người và động vật cùng toàn thể các thầy, cô của hai Bộ môn và các học viên cao học đang học tập, nghiên cứu tại Khoa Sinh học.

Mở đầu buổi hội thảo là báo cáo chủ đề “Bệnh truyền nhiễm” do học viên Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Nguyễn Thị Hoa và Vũ Thành Trung trình bày. Báo cáo đã giúp người nghe có cái nhìn tổng quan nhất về một số bệnh truyền nhiễm, vật trung gian truyền bệnh và có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật như bệnh cúm gia cầm, bệnh dại, sốt xuất huyết, các bệnh viêm não, viêm màng não, bệnh đậu mùa ở khỉ, bệnh COVID-19 do virus SAR-CoV-2,… Báo cáo cũng chỉ ra được các nhóm động vật trung gian truyền bệnh cho người như một số loài côn trùng, chim, thú, thân mềm…

Để giải đáp mối liên hệ giữa con người và động vật nói chung, động vật hoang dã nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kiềm chế các bệnh dịch nguy hiểm, học viên Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Nguyễn Trọng Nghĩa và Hoàng Ngọc Anh đã trình bày báo cáo “Nạn buôn bán động vật hoang dã và phòng chống buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. Báo cáo đã phân tích 3 nội dung chính: động vật hoang dã, hiện trạng buôn bán động vật hoang dã và giải pháp ứng phó với nạn buôn bán động vật hoang dã. Báo cáo đã cho thấy giá trị của động vật hoang dã đối với cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành, giá trị kinh tế cao, phục vụ nông nghiệp, và trong y học. Vì vậy, hiện trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là một trong những vấn nạn toàn cầu. Ước tính, việc buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã (chim, thú, bò sát,…) có trị giá từ 7 - 19 tỷ USD mỗi năm và trở thành một trong năm vấn nạn buôn bán trái phép có lợi nhuận phi pháp cao nhất trên thế giới sau ma túy, vũ khí, hàng giả và buôn bán người.

Việc sử dụng thực phẩm, sản phẩm từ động vật hoang dã có thể ảnh hưởng trực tiếp đến con người (mang nhiều yếu tố gây bệnh trong tự nhiên), đe doạ động vật hoang dã bản địa và hệ sinh thái tự nhiên, tăng nguy cơ phát triển thành đại dịch. Báo cáo trình bày Chương trình phòng chống nạn buôn bán, tiêu thụ động vật trái phép và đề xuất những giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro sức khoẻ từ động vật hoang dã.

Các học viên, giảng viên đã thảo luận sôi nổi về nội dung của các báo cáo. Nhiều câu hỏi lí thú được đặt ra như: Các biện pháp hạn chế lây lan bệnh truyền nhiễm, các giải pháp ngăn chăn buôn bán động vật hoang dã cũng như giảm thiểu rủi ro cho sức khoẻ từ động vật hoang dã, giải pháp để thay đổi thói quen tiêu thụ động vật hoang dã, giáo dục trong nhà trường, cộng đồng xã hội, …

Buổi hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về buôn bán động vật hoang rã và những nguy cơ đối với sức khoẻ con người, vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Đây là một cơ hội để các học viên trau dồi kĩ năng thuyết trình, trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hiểu biết và triển khai các nghiên cứu để thực hiện tốt đề tài luận văn.

Một số hình ảnh của buổi seminar

Ảnh 1. Các báo cáo viên của buổi seminar

Ảnh 2. Toàn cảnh buổi seminar

Ảnh 3. Các thành viên tham dự seminar

Nguồn bài và ảnh: Nguyễn Thị Trung Thu


Source: 
31-10-2022
Tags