CẢM XÚC THÁNG 10! KỈ NIỆM THỜI SINH VIÊN K45 SINH - KĨ THUẬT NÔNG NGHIỆP

Kính thưa các thầy cô giáo kính mến!

Mỗi khi tiết trời Hà Nội vào Thu, chúng em lại bồi hồi nhớ về thời sinh viên, nhớ về mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi đó có khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp trước đây, khoa Sinh học ngày nay với những ký ức ngọt ngào của tuổi hoa niên! Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một phần không thế thiếu trong tiềm thức sinh viên K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp ngày ấy. Mùa Thu năm nay, Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tròn 70 năm xây dựng và phát triển (1951-2021). Chuẩn bị đến ngày hội Khoa, những kí ức thời sinh viên năm nào lại ùa về trong mỗi thành viên K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp! Hình ảnh bạn bè một thuở bên nhau miệt mài đèn sách; hình ảnh thầy cô giáo hiền từ, bao dung độ lượng, hết lòng yêu nghề và yêu thương sinh viên... và rất nhiều kỉ niệm vô cùng tươi đẹp khác như một thước phim “kí ức của ngày hôm qua” lại tái hiện về trong mỗi cựu sinh viên K45.

Cách đây 27 năm, chúng em đã vui mừng không thể tả hết khi cầm trên tay giấy báo trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội! Có nhiều bạn xuất sắc còn nhận được giấy báo trúng tuyển của nhiều trường đại học! Nhưng chúng em không học trường khác mà chọn vào học tại khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chính “duyên phận” đã đưa gần 100 bạn từ khắp mọi miền quê trở thành tân sinh viên khoá 45 Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Ngôi trường được mệnh danh là nơi đào tạo ra những nhà giáo “mô phạm nhất” cả nước, là “máy cái” của ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam!

Chúng em vào trường đại học với “trọng trách lớn lao”vì biết bao niềm hân hoan, gửi gắm của người thân là học tập để trở thành nhà giáo trong tương lai. Có một số bạn vì các lí do chủ quan, khách quan khác cũng đã gia nhập đại gia đình K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp. Chúng em được “biên chế” về 2 lớp K45A và K45B. Từ đó, dưới sự chỉ bảo của các thầy cô giáo, chúng em bắt đầu làm quen với môi trường đại học!

Mới rời xa gia đình, ra Thủ đô học tập, đa số sinh viên thấy cái gì cũng mới lạ, bỡ ngỡ; ngoại trừ mấy bạn ở Hà Nội có vẻ “sành điệu” và thông thổ hơn, luôn là hạt nhân tích cực hỗ trợ các bạn tham gia các hoạt động “bên lề”, ngoại khóa.

Chúng em vẫn còn nhớ như in những buổi đầu học đầu tiên về chính trị đầu khoá, hơn 500 sinh viên tập trung tại Hội trường lớn – là một ngôi nhà cấp 4 rất dài trước lối vào chùa Thánh Chúa (năm 1995), xung quanh hội trường vẫn còn rất hoang sơ, đầy cỏ dại nhưng tinh thần học của tân sinh viên thì rất nghiêm túc! Đa số các bạn lần đầu tiên được gặp các thầy cô là các nhà khoa học nổi tiếng, là tác giả sách giáo khoa, sách luyện thi đại học với niềm tôn kính. Tất cả chăm chú nghe Giáo sư Lê Quang Long giảng bài với niềm thích thú, nhưng tò mò thì nhiều hơn về những điều mới lạ của sự phát triển tâm sinh lí thanh niên, sinh viên,… và rất nhiều thứ khác. Chúng em cũng nhớ những buổi học quân sự tập trung, lăn lê bò toài, ngắm bắn súng trên sân vận động bẩn hết cả quần áo, nóng bức, đứa nào cũng nhễ nhại mồ hôi,… Vui nhất là mấy bạn nữ sinh được thầy Sơn dạy quân sự đẹp trai, hào hoa và nhiệt tình hướng dẫn tập “mốt - hai - mốt”. Đặc biệt, chúng em không thể nào quên được cứ mỗi trận mưa to là các nhà A1, A2, A3, A4, trong đó có khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp ngập tràn trong “biển nước”. Các nhóm thực hành phải sắn quần, lội bì bõm cảm trăm mét nước… để vào phòng thí nghiệm. Kí túc xá sư phạm vào mùa hè thì nổi tiếng vì “vô cùng khan hiếm nước”, đó có lẽ cũng là nguyên nhân chính để những “bệnh chỉ có ở sinh viên” vẫn còn in dấu vết trên không ít bộ phận cơ thể ngày nay…!

Cuộc đời sinh viên thời đó tuy vất vả nhưng cũng rất vui! Chúng em vẫn còn nhớ những buổi tối mùa thi, các bạn sinh viên ở ký túc xá đua nhau lên giảng đường (nhà A1, A2…) mua vé học tối. Sinh viên các khoá, các khoa đứng chen chúc nhau, ôm sách vở đợi trước cầu thang nhà A4 chờ cả giờ đồng hồ để được vào thư viện học. Nhiều bạn ở ngoại trú cũng hăng hái đăng kí vào “ở chui” Kí túc xá mùa thi để có “động lực” ôn thi, học nhóm. Có lẽ cũng chính vì vậy mà nhiều bài thơ, nhiều mối tình đẹp của sinh viên đã có cơ hội sinh sôi, nảy nở… Đặc biệt, trong kí ức của các bạn nam vẫn còn nhớ những ngày kỉ niệm 8/3, 20/10, 20/11 là cả tuyến đường vào ký túc xá sư phạm (trước cửa khoa Sinh học) như một biển người - một rừng hoa; khu Ký túc xá nữ như ngày hội của “cánh mày râu” - đa số là nam sinh trường khác đến tặng hoa chúc mừng, nhưng mục đích chính là kết hợp “tăm tia”, “tán tỉnh” các bạn gái sư phạm!!!

Chúng em còn nhớ những buổi diễu hành “hồng kì” tại sân vận động trường, cắm trại tại công viên Thống nhất, liên hoan văn nghệ - thể thao chào mừng kỉ niệm 45 năm thành lập Khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp (12/10/1996), hay những buổi cùng đoàn thanh niên trường đi trồng cây tình nguyện tại Hoà Lạc, Ba Vì… Nhưng có lẽ nhớ nhất là dịp chúng em được các thầy cô giáo bộ môn Trồng trọt, Lâm nghiệp, Chăn nuôi cho đi nghiên cứu thực tế. Em có may mắn được thầy Nguyễn Trường (giảng viên môn Lâm sinh) cho đi tiền trạm trước một tuần cùng các thầy để chuẩn bị cho kỳ thực tập của khoá 45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp. Mấy thầy trò bắt xe khách từ Hà Nội đi ra bến Bính - Hải Phòng, mua vé rồi đợi cả 2 giờ đồng hồ mới được lên tàu ra Cát Bà. Đây là lần đầu tiên trong đời em được đi tàu biển và rất choáng vì biển động rất mạnh, hành khách say sóng nôn ói nằm la liệt! Mấy thầy trò lên đảo Cát Bà lúc đó còn rất hoang sơ, loáng thoáng có mấy cái khách sạn! Cả đoàn đi khảo sát tìm chỗ ở cho đoàn thực tập, ông bà chủ khách sạn to nhất nhì ở Cát Bà lúc đó đồng ý giúp đỡ cho sinh viên thực tập ăn nghỉ với “giá ưu đãi nhất” nhưng cho biết ở đây thường xuyên mất điện vì quá tải! Thầy trò bảo nhau, ra biển có khách sạn ở như thế là tốt lắm rồi! Đặt chỗ ở xong, mấy thầy trò đi làm việc với Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà để liên hệ cho sinh viên thực tập. Công việc tiền trạm cứ như thế… Các thầy làm việc rất cẩn thận cho công tác chuẩn bị thực tập của sinh viên. Thế rồi sinh viên cả khoá 45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp đã có đợt thực tập thiên nhiên, khám phá khu hệ thực vật, động vật rừng rất bổ ích tại Vườn quốc gia Cát Bà, Vườn quốc gia Cúc Phương; tìm hiểu công nghệ nhân giống nuôi cấy mô tế bào, giâm chiết ghép cây trồng, mô hình trồng hoa phong lan tại Trường Đại học Nông nghiệp I (Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện nay); tìm hiểu mô hình chăn nuôi đà điểu, gia cầm tại Viện Chăn nuôi quốc gia, tìm hiểu mô hình trồng nấm ăn tại Viện Di truyền nông nghiệp... Qua đợt thực tế đó đã bổ sung làm rõ kiến thức lí thuyết đã học; chúng em nhận ra được giá trị vô cùng quan trọng của kiến thức sinh học đối với cuộc sống, thêm yêu nghề mình đã lựa chọn; đặc biệt trân quý tình cảm của các thầy cô đối với sinh viên. Đồng thời, qua các hoạt động đó làm cho sinh viên K45 đoàn kết hơn, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn về học tập, điều kiện gia đình, cuộc sống; phát hiện thêm nhiều hạt nhân văn hóa, văn nghệ, thể thao… Đến giờ mặc dù đã tốt nghiệp đại học hơn 22 năm nhưng mỗi khi nhớ lại thời sinh viên, chúng em vẫn cảm thấy vô cùng ấn tượng và tự hào về đội tuyển bóng đá nam khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp hồi đó được dẫn dắt bởi một số huấn luyện viên “không chuyên” trong đó có thầy Hà Huy Niên, thầy Nguyễn Xuân Lâm (bộ môn Trồng trọt), đội hình có các cầu thủ K45 là chủ lực với những chân sút ngoạn mục của “Long trọc”, “Nam già”, “Hiển chét”, “Thái béo”, “Ngọc sumo”…; những giọng hát mượt mà của các ca sĩ không chuyên như “Hùng cắt”, “Hiền ướt”, “Long ngựa”, “Ngô Hoản”…; những thi sĩ bất đắc dĩ với những vần thơ được chắt lọc từ trái tim, được tôi luyện cảm xúc trong những lần được bạn gái cho cầm tay, những lần chở nàng đi ăn ốc, thậm chí những lần thất tình, say rượu hoặc thi trượt vì “học không trúng tủ”… của “Long trọc”, Công Trứ, “Thắng sbatreo”…!

Có lẽ những giờ thực hành Phương pháp dạy học Sinh học, Kỹ thuật nông nghiệp, đặc biệt là đợt đi kiến tập và thực tập sư phạm đã thực sự thúc đẩy mỗi sinh viên chúng em trưởng thành hơn! Những giây phút được làm thầy giáo, cô giáo “thực tập”, đứng trên bục giảng trước cả trăm con mắt học trò “tinh nghịch, dò xét” có một cảm xúc thật khó tả… đã làm cho mỗi chúng em ý thức hơn với nghề nghiệp tương lai! Trải nghiệm này đã thôi thúc các bạn K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp quyết tâm học tập để đáp ứng yêu cầu phẩm chất và năng lực người giáo viên thế kỉ XXI. Đợt thực tập tốt nghiệp và bảo vệ khoá luận tốt nghiệp đã tạo cơ hội cho sinh viên K45 được làm việc chuyên môn với các thầy cô hướng dẫn lâu nhất. Em có may mắn được thầy PGS.TS. Trần Đăng Kế hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp. Mặc dù nay thầy đã đi xa nhưng sự uyên bác và hiền từ cùng với cặp kính cận gọng đen của thầy mỗi khi trao đổi công việc với sinh viên em vẫn không quên được.

Thế rồi một dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời các bạn sinh viên K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp mong đợi cũng đã đến! Ngày 15 tháng 7 năm 1999 đã ghi dấu trên từng tấm bằng Cử nhân Khoa học, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của sinh viên K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Gần 100 tân cử nhân K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp như đàn chim đã đủ lông đủ cánh tung bay về mọi miền của Tổ quốc, cống hiến cho sự nghiệp trồng người và đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước. Một số bạn sau đó đi du học và định cư ở nước ngoài, một số bạn học thêm văn bằng 2. Nhiều bạn K45 trở lại trường học cao học, học nghiên cứu sinh. Em có may mắn được học cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Sinh học. Đặc biệt là cả hai lần được PGS.TS. Nguyễn Đức Thành hướng dẫn khoa học, GS.TS. Đinh Quang Báo làm Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận văn thạc sỹ, bảo vệ luận án tiến sỹ; được “Mama tổng quản” Phan Thị Thanh Hội - Trưởng Bộ môn Lí luận và Phương pháp dạy học Sinh học và các thầy cô động viên, thúc đẩy vượt qua khó khăn để hoàn thành luận án. Với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, các nhà khoa học, rất nhiều bạn K45 đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ. Sự chỉ bảo ân cần của các thầy cô mãi là những kí ức đẹp trong cuộc đời chúng em!

Thấm thoắt đến nay K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp tốt nghiệp đại học đã hơn 22 năm và khoa Sinh học thân yêu đã tròn 70 tuổi. Ban cán sự 2 lớp K45 Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp vẫn thường niên thăm hỏi thầy cô chủ nhiệm và tham dự các lần hội khoa. Từ năm 2011, nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập Khoa Sinh học, Ban liên lạc K45 Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp đã được thành lập để tổ chức các hoạt động gắn kết thành viên trong khóa, gắn kết cựu sinh viên với Khoa và Trường. Năm 2019, K45 Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp đã tổ chức trang trọng Lễ kỉ niệm 20 năm tốt nghiệp đại học và tri ân thầy cô giáo với nhiều hoạt động rất ý nghĩa. Nhân dịp kỉ niệm 70 năm thành lập khoa Sinh học, nhìn lại chặng đường 22 năm sau khi tốt nghiệp đại học, K45 Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp chúng em vinh dự và tự hào về: Có nhiều bạn thành công trên con đường học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, kinh doanh và công tác xã hội. Nhiều bạn là lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các trường đại học, cao đẳng, trung học; lãnh đạo chính quyền và các tổ chức đảng, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp. Nhiều bạn là giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, đào tạo nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế môn Sinh học. Nhiều cặp đôi cùng lớp, cùng khóa đã nên duyên vợ chồng như: Long - Hằng, Thắng - Hoàn, Nhung - Trứ, Nghĩa - Bình, Tâm – Hà,... Cho dù ở cương vị nào, chúng em cũng nỗ lực phấn đấu công tác tốt, phát huy truyền thống vẻ vang của khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hướng về kỉ niệm 70 năm thành lập khoa, bằng tình cảm chân thành nhất, chúng em luôn nhớ công ơn các thầy cô giáo khoa Sinh học! Mỗi lần được về hội khoa, hội trường, được gặp lại các thầy cô và bạn bè, chúng em như được sống lại kỉ niệm một thời tuổi trẻ. Rất nhiều thầy cô dạy chúng em trước đây nay đã nghỉ hưu, thậm chí nhiều người đã về với tiên tổ! Những thầy cô trẻ tuổi nhất thời đó giờ tóc cũng đã nhuốm màu thời gian, thế nhưng ánh mắt, nụ cười và tình cảm của các thầy cô với chúng em vẫn đôn hậu, nồng ấm như thuở nào! Chúng em vẫn còn nhớ những giờ thực tập giải phẫu động vật được thầy Nguyễn Văn Tạc, thầy Trần Hồng Việt, thầy Đỗ Văn Nhượng hướng dẫn khám phá cấu tạo giải phẫu cơ quan của các lớp động vật (giun, gián, ốc, cá, ếch, rắn, gà…); được cô Nguyễn Thị Bé hướng dẫn thực hành giải phẫu thực vật, phân loại thực vật với muôn hình vạn trạng các kiểu rễ thân, lá, hoa, quả và ấn tượng với lời tự sự dí dỏm của cô “Cô là Bé nhưng không bé tí nào – 70 kg!”. Những giờ thực hành sinh lí người và động vật, chúng em rất tò mò, thú vị khi được cô Trương Xuân Dung cho mổ não thỏ và sử dụng xung điện khám phá các hoạt động thần kinh cấp cao của động vật! Ngoài những buổi họp lớp với các thầy cô chủ nhiệm, chúng em vẫn còn nhớ những giờ lên lớp rất đặc biệt, rất ấn tượng của thầy cô giáo khoa Sinh học hồi đó như:

  • Thầy Trần Đăng Kế rất sâu sắc, hiền từ, đôn hậu và nhẹ nhàng, “pha sáng, pha tối” ở thực vật trìu tượng và phức tạp thế nhưng thầy dạy rất dễ hiểu!
  • Thầy Nguyễn Như Khanh uyên bác nhưng kiểu giảng bài “miệng nói nhưng mắt nhắm” kinh điển của thầy luôn làm cho nhiều sinh viên không cưỡng lại được cơn “buồn ngủ”; nhiều bạn rất “vất vả”, “khổ sở” vận dụng hết các chiêu thức chống bút, chống cằm, véo tai, căng mi mắt… trong giờ học của thầy!
  • Thầy Nguyễn Lân Hùng nổi tiếng cách giảng dạy rất dí dỏm, dễ nhớ về cách thiến đào đảo quất để điều tiết ra hoa, khoanh vỏ táo cho quả vừa to vừa ngọt, kích thích cho cây ra hoa quả trái vụ… Những kiến thức đó đã kích thích sự yêu thích thiên nhiên, yêu nông nghiệp của sinh viên. Thầy Nguyễn Lân Hùng có lẽ là “số 1” về có duyên dạy nông dân cách làm giàu bằng nghề “tay phải” và dạy sinh viên sư phạm làm giàu bằng nghề “tay trái”!
  • Thầy Nguyễn Minh Công dạy tổ hợp các cặp tính trạng di truyền rất hài hước với chất giọng rất khó nghe, chữ viết rất khó luận. Nhiều sinh viên thích thú khi thầy giảng về di truyền tính trạng màu đen với sự minh hoạ dí dỏm như: đen như cột nhà cháy, đen như cột nhà xém…; di truyền theo kiểu “cây nào hoa to thì lá to”, nhưng khi sinh viên ngơ ngác hỏi thầy về cây bàng ngoài cửa sổ “lá to, hoa bé” thì thầy cười và nói thế thì “trừ cây bàng ra” các em ạ!
  • Chúng em cũng rất nhớ những giờ thực hành soạn giáo án, tập giảng, làm phương tiện dạy học… trên phòng thực hành Phương pháp dạy học. Thầy Nguyễn Văn Duệ hướng dẫn dạy học giải quyết vấn đề, chữa bài cho sinh viên với các câu hỏi bất hủ “Trong đầm gì đẹp bằng gì? Gần gì mà chẳng hôi tanh mùi gì?”. Cho đến giờ nhiều bạn chúng em vẫn còn “ngơ ngác” trêu nhau mỗi khi nhớ lại không biết đó là mùi gì? Những giờ thực hành di truyền sinh viên được soi kính hiển vi “toét cả mắt” để tìm xem các nhiễm sắc thể của rễ hành, của ấu trùng ruồi giấm... nó phân chia như thế nào!
  • Thầy Trần Hồng Việt được rất nhiều sinh viên ấn tượng với phong cách giảng dạy và trình bày bảng rất logic! Giờ động vật học của thầy, sinh viên rất dễ tiếp thu đặc điểm cấu tạo các lớp động vật!
  • Thầy Vũ Văn Hiển ấn tượng với trí nhớ tên và tật của sinh viên “siêu việt”! Chuyện tình yêu và các tật của cựu sinh viên sau bao năm gặp lại thầy vẫn nhớ. Nhiều bạn “chột dạ” khi về hội khoa thầy hỏi “Sau khi tốt nghiệp mày có lấy nó …. không?”
  • Thầy Lê Quang Long rất ấn tượng khi truyền một bài test về cách xem ai sẽ sinh con trai, con gái, hay là vô sinh! Thế là đám con trai có dịp “thì thụt” vận dụng dự đoán tương lai “sinh nở” của một số bạn gái. Cho đến bây giờ thi thoảng chiêm nghiệm lại vẫn thấy rất thú vị!

Có lẽ còn rất nhiều điều thú vị, những kỉ niệm đẹp về các thầy cô giáo khoa Sinh học đối với sinh viên K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp mà trong một bài viết ngắn gọn này chúng em không thể kể hết ra được! Chính các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các nhà sư phạm với tình yêu nghề vô bờ bến và những phong cách giảng dạy độc đáo đó tạo nên một khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp trước đây, khoa Sinh học hiện nay rất đặc biệt và rất nhiều thành tích tự hào! Trong tâm khảm chúng em, các thầy cô là những người vô cùng đáng kính và trân trọng! Tập thể K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo đã dày công đào tạo, hướng dẫn, giúp đỡ chúng em trong học tập, nghiên cứu khoa học, cũng như chỉ bảo chúng em trong công tác và cuộc sống! Cho dù có đi bất cứ nơi đâu thì hình ảnh cao đẹp của các thầy cô vẫn mãi khắc ghi trong tâm hồn mỗi thành viên K45 Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp. Chúng em mong các thầy cô luôn mạnh khỏe để mỗi khi có dịp trở về Khoa, về Trường chúng em lại được đến thăm, gặp gỡ thầy cô!

Thưa thầy cô! Có ai đó đã ví: Cuộc đời của mỗi người giống như một dòng sông! Dòng sông đó có đoạn khúc khủyu, quanh co uốn lượn, có đoạn lại thẳng băng, êm ả. Những lúc gặp thác ghềnh dòng sông ồn ào cuộn sóng, bật tung bọt trắng mỗi khi gặp chướng ngại vật; có lúc sông êm đềm phẳng lặng, hiền hòa… Một điều thường thấy rằng các suối đổ về sông, các sông nhỏ đổ vào sông lớn, từ sông lớn tiếp tục đổ vào sông cái, và rồi cuối cùng các sông cái lại hòa nước của mình vào biển cả, trở về với đại dương bao la. Chính các thầy cô khoa Sinh học là những người đóng góp một phần rất quan trọng hình thành nên “dòng sông” của tri thức, tư tưởng, đạo đức và nhân cách của mỗi chúng em. Giúp chúng em có đủ năng lực để hòa mình vào biển lớn cuộc đời, góp phần trở thành những dòng hải lưu vĩ đại trong các đại dương bao la! Tất cả các dòng sông đều chảy và Không ai tắm hai lần trong một dòng sông! Đó là chân lí! Chính vì vậy, chúng em luôn trân trọng những tình cảm, sự quan tâm dạy bảo, giúp đỡ của các thầy cô giáo khoa Sinh học cho các thế hệ sinh viên! Cho dù tốt nghiệp đại học đã hơn 22 năm nhưng K45 Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp luôn là một tập thể đoàn kết, gắn bó, nhiệt huyết và trách nhiệm! Chúng em luôn nhớ về thời sinh viên với những kỉ niệm tươi đẹp với bạn bè và thầy cô! Kính chúc quý thầy cô luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc! Chúc khoa Sinh học trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày càng phát triển!

Trân trọng!

                                                                             TM. BAN LIÊN LẠC K45 SINH – KTNN, TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI

                                                                              TS. Nguyễn Tất Thắng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam


Source: 
25-11-2021
Tags