CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ

Hôm nay là ngày lớp Sinh-Nông khóa 1980 - 1984 bọn tôi tụ tập hò hét nhau đứng và chụp ảnh trước cửa khoa Sinh học để còn lên ô tô về Hải Phòng, nơi bạn Vinh lớp phó đời sống của lớp A đăng cai tổ chức kỉ niệm 40 năm ngày nhập trường. Kệ cho mọi người hò hét, rủ bạn Minh Lan lượn quanh tìm dấu tích khu nhà lá A2,5 xưa nằm kẹp giữa nhà A2 và A3. Loanh quanh một lúc anh Sào hỏi:

- Hai em tìm gì đấy?

- Bọn em tìm khu nhà mình ở lúc trước.

- Ôi dào, đang đứng trên nền đất khu nhà rồi còn tìm gì nữa!

Chợt bao kỉ niệm ùa về bồi hồi xao xuyến… nhớ thời sinh viên đầy nhiệt huyết, nhớ bạn bè cùng lớp, nhớ những buổi lên giảng đường và lên phòng bộ môn học thực hành, nhớ bữa cơm sinh viên thiếu thốn gồm 1 đấm, 2 tát (1 nắm và 2 miếng bánh kiểu bánh xèo được làm bằng bột Bo Bo nguyên cám luộc lên) mà mọi người bảo do bác Thủ Tướng đi xin viện trợ ở nước ngoài về cho chăn nuôi. Đang tuổi ăn tuổi lớn vẫn thấy ngon hết.

Năm thứ nhất có đợt tập quân sự sau khu trường Đảng. Bạn Nhiễu phát hiện ra đám rau Muối mới mọc non quá. Giờ giải lao cả phòng xúm vào hái một ôm và sang ruộng lúa của bà con nông dân bắt ít ốc được một mẻ to. Ôi chao! Cứ gọi là vui như Tết. Bàn mưu tính kế cả phòng cử mình làm diễn viên giả vờ đau bụng, vì hồi đó cái đứa béo phì 60 kí là tôi bây giờ được mệnh danh là người dây khoa Sinh với 42 kí và vòng eo 60 nên thầy quân sự tin ngay. Bạn Vinh xin phép đưa bạn Ngọc về trạm xá, đi khuất tầm nhìn của thầy hai đứa tức tốc về kí túc nhặt rau rửa ốc, rút trộm ít nứa trên mái nhà đun nấu sì sụp. Đang nấu nướng gần xong bỗng có tiếng gõ cửa cộc cộc cộc. Nhìn qua khe cửa hở, thôi chết cô Oanh - cô chủ nhiệm lớp. Vinh nhanh tay ấn mình nằm xuống giường lấy lọ dầu gió Trường Sơn xức lên đầy người mình và không quên đắp cho cái chăn rồi mở cửa đón cô.

- Sao hôm nay lớp tập quân sự hai em không đi tập? Cô có việc đi qua thấy cửa phòng không khóa cô sợ phòng em quên khóa.

- Vinh nhanh nhảu trả lời:

- Dạ bạn Ngọc bị đau bụng em xin đưa bạn về nghỉ ạ.

- Các em nấu nướng gì đấy? Nhà trường không cho nấu ở trong phòng nhỡ mà hỏa hoạn đấy!

- Dạ bạn ấy nấu cho em nồi cháo đấy ạ.

Cô phì cười định mở nồi ra xem.

- Ôi chao! Sao mà nồi cháo to thế ăn sao hết.

- Hai đứa thót tim vội giữ vung nồi lại.

- Thôi cô ơi đừng mở, bọn em một người ốm bốn người khỏe ạ. Tập quân sự đói nên bạn Vinh cho thêm chút gạo cho cả phòng ăn.

- Thế nấu cháo với gì? Cô hỏi.

- Bọn em bắt được mấy con ốc ở chỗ tập quân sự cho vào nấu cô ạ. Hai đứa nhìn nhau, không giấu được cô nữa vì bây giờ cái nồi phản chủ chết tiệt đang sôi mùi ốc luộc thơm lừng. Cô cười thông cảm:

- Thôi cô biết rồi, lần sau học hành nghiêm túc nhé. Đừng ốm như này nữa nhỡ các thầy quân sự biết không cho đạt là phải tập lại đấy. Mà đun nấu cẩn thận kẻo cháy nhà nhé. Thôi nấu nhanh cho các bạn về ăn cô đi về đây.

Hút chết, may mà cô thông cảm không có thì lên khoa gặp ông Tranh, ông Chấp – hai thầy giáo vụ nổi tiếng hắc xì dầu ngày đó. Và trưa hôm đó bữa liên hoan ốc luộc rau Muối nấu canh nước lã ngon bá cháy của phòng 8 nhà A2,5 khoa Sinh nhờ có sự “bao che” của cô chủ nhiệm là bữa ăn ngon nhất Vịnh Bắc Bộ lúc bấy giờ cũng như về sau mà tôi không bao giờ quên được. Anh Bình lớp trưởng đang hối thúc mọi người ra xe để đi Hải Phòng tôi sực tỉnh chợt nghĩ về những người bạn cùng phòng giờ mỗi đứa một nơi. Chốc nữa cũng chỉ có mình tôi và bạn Vinh đại diện cho phòng 8 về dự lễ kỉ niệm 40 năm ngày nhập trường. Các bạn khác không về dự được. Trong đó có bạn Mèn người dân tộc Tày ở Cao Bằng giờ không biết lưu lạc nơi đâu dù bọn tôi đã cố gắng tìm nhưng vẫn không liên lạc được. Bạn Nhiễu sống ở thành phố Hồ Chí Minh cũng không ra được. Bạn Đào nghỉ hưu về quê chồng chăm mẹ già. Chị Bình người Nam Định cũng không gặp lại nhau từ lúc ra trường. Còn bạn Xuyến Đan Phượng người bạn cùng giường tầng với tôi đã ra đi mãi mãi. Chợt thấy cay cay nơi sống mũi và mắt hơi ươn ướt. Chớp mắt đã hơn 40 năm. Đưa mắt nhìn lại nơi đã lưu giữ tuổi thanh xuân của bọn mình một lần nữa trước khi lên xe và thầm hẹn quay trở lại vào dịp gần nhất có thể…

 

                                                                                                                                       Tác giả: Hà Thúy Ngọc

                                                                    Cựu sinh viên khoa Sinh - Kĩ thuật nông nghiệp khóa 1980-1984.

 


Source: 
25-11-2021
Tags