CHUYẾN THỰC ĐỊA ĐẦU TIÊN

Rất nhiều người hỏi tôi rằng: “ Cháu học trường gì?”, tôi đều cảm thấy tự hào khi trả lời “ Cháu học trường Đại học Sư Phạm Hà Nội ạ!”. Ngôi trường này không chỉ nổi tiếng về bề dày thành tích mà còn nổi tiếng về đội ngũ cán bộ giáo viên xuất sắc và sinh viên chăm ngoan. Cách đây 4 năm, tôi chỉ có một mong ước duy nhất đó là được làm sinh viên của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội và may mắn thay, mong ước đó đã cho tôi được học tập ở đây, trong niềm hân hoan chào đón 70 năm HNUE để tôi được bộc bạch tâm tư, tình cảm của mình dành cho ngôi trường mến yêu này.

Tôi đã khóc vì hạnh phúc và tự hào khi cầm trên tay tờ giấy trúng tuyển vào khoa Sinh trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, cuối cùng sự nỗ lực và kiên trì của bản thân cũng đã được công nhận. Mỗi lần nhắc đến khoa Sinh mọi kí ức trong tôi lại ùa về, nghẹn ngào, bồi hồi khó tả. Tại mái nhà chung Khoa Sinh học, chúng tôi không chỉ là những cô cậu học trò chỉ biết say mê nghe giảng và ghi chép những kiến thức lý thuyết mà còn có cơ hội để đưa những kiến thức lý thuyết khô khan ấy ứng dụng vào trong thực tiễn thông qua những bài thực hành bổ ích, và đặc biệt là những chuyến đi thực địa khám phá thiên nhiên đầy lý thú. Tôi còn nhớ như in ngày chúng tôi đi thực địa thiên nhiên tại Cát Bà- Hải Phòng dưới sự dẫn dắt của PGS.TS Trần Thị Thanh Bình và thầy Nguyễn Thanh Tùng. Đợt chúng tôi đi vào tháng 6, nắng gắt, thời tiết khá oi bức nhưng tinh thần ai nấy đều hồ hởi, phấn chấn vì được đặt chân đến miền đất nổi tiếng với khu hệ động thực vật vô cùng phong phú.

Chuyến đi thực địa của chúng tôi kéo dài 5 ngày và mỗi ngày đều là một cuộc “hành quân” qua những tuyến đường khác nhau. Ngày đầu tiên của chuyến, cô trò chúng tôi đi bộ gần 10km dọc tuyến đường Cát Cò 1 để thu thập mẫu thực vật và động vật. Dưới cái nắng gay gắt của tiết trời tháng 6, nhưng cô trò chúng tôi vẫn tươi cười, vui vẻ, hát hò cùng nhau để lấy động lực làm việc hiệu quả hơn. Và không phụ lòng mong mỏi, chúng tôi đã bắt gặp được những cây, những con mà trước đây chỉ biết đến trong sách, những cái tên cực kì ấn tượng như là cây “Khoai nưa”. Trong lần đi này, cô giáo của chúng tôi không chỉ là người cô, là người hướng dẫn mà còn là người bạn, người chị, người đồng hành cùng tập thể K68E. Ngày thứ 2, chúng tôi được lội rừng ngập mặn và khám phá hệ động thực vật ở rừng ở nơi đây, mặt đứa nào đứa nấy đều lấm lem bùn đất vì mải lăn lê chụp ảnh những chú cá thòi lòi cực kì nhanh nhảu. Sang tới ngày thứ 3 và thứ 4, lại là một chuyến hành quân nhưng thay vì xuống biển thì chúng tôi leo núi – một là Pháo đài Thần Công, hai là Đỉnh Ngự Lâm. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác leo núi đá vôi dốc đứng, vừa leo vừa cầm chiếc máy ảnh chụp lại bất kể thứ cây nào mà chúng tôi quan sát để làm báo cáo thực hành sao cho đầy đủ và sinh động. Càng lên trên đỉnh núi càng dốc, có khi gần như dốc thẳng đứng, chúng tôi phải vận dụng mọi kĩ năng sinh tồn để không bị trượt xuống dưới và tiến về phía trước. Khi này chúng tôi mới thực sự thấm nhuần bài thơ của Bác:

      Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Đứng từ Đỉnh Ngự Lâm lộng gió nhìn xuống dưới mọi thứ đều nhỏ bé, có lẽ là ký ức đẹp đẽ nhất của chúng tôi về chuyến thực địa này. Chuyến đi không chỉ dừng lại ở việc biến những kiến thức lý thuyết trở nên thực tế hơn mà trong đó còn ẩn chứa những bài học triết lý về cuộc sống, rèn luyện cho chúng tôi một thể trạng tốt để sẵn sàng đóng góp sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng đất nước.

Thời gian đã trôi qua hơn một năm rồi nhưng cảm xúc khi được làm việc cùng cô tại Cát Bà vẫn như in vậy, không khí luôn vui vẻ, năng động và tràn đầy sức trẻ. Chúng tôi, những cô cậu học sinh vừa kết thúc năm học thứ hai như được thổi vào hồn một nguồn năng lượng tích cực mới mà có lẽ nguồn năng lượng chúng tôi cảm nhận được này đến từ người cô mà chúng tôi luôn kính mến. Cô tôi năm nay cũng đã ngót nghét gần 50 xuân xanh nhưng tinh thần vẫn như tuổi vừa mới đôi mươi, cứ sáng đến 5h cô lại kéo cả lớp tôi dậy đi biển và tập bơi cho mấy đứa ngờ nghệch, sóng đánh còn sợ như chúng tôi. Mỗi tối đến, cô lại rủ chúng tôi đi dạo để ngắm cảnh và hít thở không khí sau đó cô trò lại rủ nhau đi ăn đặc sản Hải Phòng rồi cùng trò chuyện chia sẻ với nhau những câu chuyện để xua tan đi cái mệt mỏi sau một ngày dài “hành quân”.

                                       

PGS.TS Trần Thị Thanh Bình   

           

 

Thầy Nguyễn Thanh Tùng hướng dẫn sinh viên thu mẫu thực vật

 

                            

                                        Dạo chơi buổi tối ở Cát Bà cùng các cô giáo

 

Cứ như thế, chúng tôi có những ngày làm việc thật hiệu quả và vui vẻ trên đảo Cát Bà cùng các thầy cô giáo trong Khoa Sinh học. Không những trở thành nhà sinh học thực thụ, chúng tôi còn trở thành những “kình ngư”, những nhà leo núi tài ba bất chấp mọi địa hình.

                                           

Một số hình ảnh trong chuyến thực địa

Chúng tôi ở lại Hải Phòng 5 ngày ngắn ngủi, nhưng chuyến đi này không chỉ giúp tình cảm các thành viên trong lớp gắn bó hơn mà còn giúp chúng tôi hiểu thêm về tấm lòng của các thầy cô ở Khoa Sinh học- những người truyền lửa cho chúng tôi bằng sự nhiệt huyết và tình cảm của mình! Đây có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ trong quãng đời sinh viên của chúng tôi- khoảng thời gian được cùng nhau làm việc, cùng nhau cháy hết mình.

          Ngày mà tôi đặt chân đến trường, bao nhiêu lo sợ ùa về: Xa gia đình, sống 1 cuộc sống mới, 1 miền đất mới, bạn bè mới, thầy cô mới lạ lẫm lắm, tôi chỉ muốn về thôi. Nhưng khi được tiếp xúc với mọi người, tôi lại vui và hạnh phúc vì tôi được sống ở 1 ngôi nhà mới cùng những người bạn mới, vẫn ấm áp như ở quê nhà. Gia đình là tình thân, còn gia đình K68E là tình thương, là tình yêu, là tuổi trẻ. Tôi yêu khoa Sinh của tôi, tôi yêu thầy cô, yêu bạn bè bởi họ là thanh xuân của tôi, là mái nhà chung của biết bao thế hệ trồng người.

                                                                                                                                            Bài và ảnh: K68E


Source: 
05-11-2021
Tags