Công đoàn Khoa Sinh học tổ chức cho cán bộ du Xuân đầu năm

Như là một truyền thống lâu đời, hằng năm cứ ra Tết là dịp nhà nhà, người người đi trẩy hội - Du Xuân. Có rất nhiều địa điểm hấp dẫn, nhưng thu hút nhất lại là các di tích đình chùa, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc. Ngày 20 tháng 2 vừa qua (tức ngày 11 Tết), Công đoàn Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có một chuyến du xuân ấm áp và ý nghĩa đến quần thể di tích Đền Trần, Chùa Phổ Minh và Phủ Dầy ở Nam Định và Chùa Keo ở Thái Bình. Ban lãnh đạo Khoa cùng các cán bộ Khoa Sinh học đến với các đền chùa ngày đầu năm mới với ước mong thăm quan thắng cảnh của đất nước, qua đó hiểu và nhớ về một phần lịch sử đáng trân trọng của dân tộc, tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa phật giáo đậm bản sắc dân tộc. Các thầy cô vui vẻ trên đường đi lễ đền chùa cầu nguyện một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, may mắn, thành công.

Di tích Đền Trần bao gồm 3 đền là Đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa và Chùa Phổ Minh là cụm di tích văn hoá Trần nổi tiếng tạo lập ngay trên đất dấy nghiệp cũ của nhà Trần, thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Đền Trần (Trần Miếu) là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15. Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán Chính nam môn (cổng chính phía nam) và Trần Miếu (Miếu thờ nhà Trần). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiền Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch. Cả 3 đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.

Tiền đường của đền Thiên Trường có đặt ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần. Sau tiền đường là trung đường là nơi thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần. Tuy nhiên, không có tượng thờ mà chỉ có bài vị. Trước cửa trung đường có ba cỗ ngai là nơi thờ bái vọng các vị hoàng đế. Sau trung đường là chính tẩm gồm 3 gian. Đây là nơi thờ 4 vị thủy tổ của họ Trần và các phu nhân chính thất ở gian giữa. Các hoàng phi của nhà Trần cũng được đặt bài vị thờ ở 2 gian trái, phải. Tòa thiêu hương (hay kinh đàn) là nơi đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Có ban thờ riêng cho các quan văn, và ban thờ riêng cho các quan võ.

Đền Cố Trạch nằm phía Đông của đền Thiên Trường. Đền được xây vào năm 1894. Theo bia "Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi kí", thì lúc tu sửa đền Thiên Trường năm 21 đời Tự Đức (năm 1868), người ta đào thấy ở phía Đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương). Do đó khi xây đền này vào năm 1894 khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ (đền nhà cũ). Đền Hạ là tên thường gọi. Đền đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ LãoNguyễn Chế Nghĩa. Thiêu hương (kinh đàn) là nơi đặt long đình trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Bên trái đặt bài vị các quan văn. Bên phải đặt bài vị của các quan võ. Gian tả vu là nơi đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các bài vị văn thần triều Trần. Gian hữu vu là nơi đặt bài vị võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần. Tòa trung đường là nơi đặt bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, bài vị của 4 người con trai, của Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân. Tòa chính tẩm là nơi đặt bài vị của cha và mẹ Trần Hưng Đạo, của Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), của 4 người con trai và 4 người con dâu của Trần Hưng Đạo, của con gái và con rể (Phạm Ngũ Lão).

Đền Trùng Hoa mới được chính quyền tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của chính phủ xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.

Lễ hội ở đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp. Ở cả 3 đền trong đền Trần thường xuyên diễn ra các lễ hầu đồng hay lên đồng.

Rời di tích Đền Trần, đoàn lại tiếp tục lên xe đi tới Phủ Dầy trong tiết trời phất phây mưa xuân đặc trưng của miền Bắc.

Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gần quốc lộ 10 từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, ngay sát chợ Viềng. Các kiến trúc còn lại là phủ Tiên Hương, phủ Vân Các, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, lăng bà chúa Liễu Hạnh. Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn bà chúa Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng. Thành ngữ dân gian một số nơi ở miền Bắc có câu: Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ. Cha là Trần Hưng Đạo, còn Mẹ chính là bà Chúa Liễu Hạnh.

Sau khi thăm 2 khu di tích trên, đoàn dừng chân tại thành phố Nam Định để ăn trưa. Vẫn là những món ăn quen thuộc như dưa chuột, nộm chua, gà mạch hoạch chiên giòn, chân cánh luộc, miến xào lòng, lẩu gà… nhưng giữa tiết trời xuân và lòng người phơi phới, các món ăn trở nên ngon hơn hẳn mọi ngày. Một hai ba …. Dô. Một hai ba… Dô. Một hai ba… uống… với sự bắt nhịp của thầy Trung béo mọi người cùng chạm cốc chúc sức khỏe nhau trong tiếng cười vang. Sau bữa trưa và nghỉ ngơi trong tiếng cười sảng khoái của những câu truyện tiếu lâm, đoàn lại tiếp tục hành trình sang Thái Bình để thăm quan Chùa Keo.

Chùa Keo (tên chữ: Thần Quang tự) là một ngôi chùa ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.

Tương truyền, nguyên thủy chùa do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng ở ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo. Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng), chính là ngôi chùa Keo đang nói tới ở đây.

Công việc xây dựng ngôi chùa Keo Thượng được bắt đầu từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632 theo phong cách kiến trúc thời Lê, nhờ sự vận động của bà Lại Thị Ngọc, vợ Tuần Thọ hầu Hoàng Nhân Dũng và Đông Cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ. Chùa do Cường Dũng hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu, phỏng theo kiến trúc của chùa Keo Hành Thiện. Sau khi xây dựng xong, chùa được trùng tu nhiều lần, vào các năm 1689, 1707, 1941... Lần trùng tu năm 1941, có sự giúp đỡ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp.

Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng khoảng 58.000 , gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc".

Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25 m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa, cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt. Nếu đôi cánh cửa ở chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Lê.

Đi đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống muống và ngôi nhà trong là Phật điện. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ TátPhổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng.

Chùa ngoài thờ Phật, còn thờ Không Lộ - Lý Quốc Sư. Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.

Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Tại hội chùa Keo, sau khi đã có những nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.

Đáng kể và tiêu biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796. Hai hành lang chạy dài từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa.

Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc.

Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng. Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 Âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm 100 ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (ngày 3 tháng 6 Âm lịch). Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa thì có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động. Có câu ca dao về hội chùa Keo: Dù cho cha đánh mẹ treo,Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

Chuyến du xuân đầu năm của cán bộ Khoa Sinh học đã được tổ chức thành công trong khí xuân se lạnh nhưng lại ấm lòng mỗi người khi tham dự chuyến đi này. 3 giờ chiều xe ô tô rời Chùa Keo đưa đoàn trở về thủ đô để tiếp tục công việc trong một năm mới hứa hẹn nhiều thành công và may mắn.

Bài và ảnh: Hùng Sơn

 


Source: 
21-02-2013
Tags