ĐẢNG BỘ KHOA SINH HỌC TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ “TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC VỚI VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VIỆT NAM”

PGS.TS. Đặng Quốc Bảo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục), một nhà khoa học đã nhiều năm nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã tới tham dự và làm báo cáo viên của buổi sinh hoạt chuyên đề. Đây là hoạt động của Đảng bộ khoa Sinh học nhằm triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2023, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Qua phần trao đổi và chia sẻ của PGS.TS. Đặng Quốc Bảo, các đảng viên trong toàn Đảng bộ khoa đã thấy được tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng lý luận vô giá về các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Xuyên suốt trong tư tưởng của mình, Người xác định giáo dục mang tầm chiến lược của dân tộc, là quốc sách hàng đầu. Trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật quan điểm về một nền giáo dục toàn diện, chú trọng cả đức và tài, gắn liền với thực tiễn đời sống, kết hợp giữa giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội. Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục chứa đựng những quan điểm mới, hiện đại mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự sâu sắc, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải xây dựng nền giáo dục mới, vừa dân tộc, vừa khoa học, vừa nhân văn, toàn bộ nền giáo dục phải phục vụ xây dựng và kiến thiết nước nhà. Giáo dục phải được đặt lên hàng đầu, không chỉ nhằm trang bị kiến thức khoa học, mà sâu xa hơn là để làm người, phát triển toàn diện nhân cách người học; phương châm giáo dục gắn liền với thực tiễn. Cùng với đó là ý thức giáo dục, tự học, tự rèn luyện suốt đời, đấu tranh không ngừng hoàn thiện bản thân. Bàn về sứ mệnh của người Thầy, năm 1964, khi đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chia sẻ: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Trong bối cảnh nền giáo dục cả nước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, căn bản và toàn diện trước tác động của chuyển đổi số, sứ mệnh của người thầy càng trở nên vô cùng quan trọng. PGS.TS. Đặng Quốc Bảo mong rằng: Người thầy phải rèn luyện sư đạo, sư đức, sư thuật, phấn đấu đạt đến sư hinh (Người Thầy cao quý) như tâm nguyện, huấn đức của Bác Hồ. Thông qua buổi trình bày của PGS.TS. Đặng Quốc Bảo và sự trao đổi chia sẻ, các Đảng viên trong toàn Đảng bộ đã hiểu hơn về những triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nắm được một số nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, cũng như vận dụng tư tưởng của Người vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Một số hình ảnh buổi Sinh hoạt Chuyên đề của Đảng bộ khoa Sinh học

 

                                                                                     Nguồn bài và ảnh: Đảng bộ Khoa Sinh học


Source: 
09-10-2023
Tags