GIÁO SƯ THÁI TRẦN BÁI - SỰ NGHIỆP VÀ NHÂN CÁCH

           Giáo sư Thái Trần Bái sinh ngày 30 tháng 5 năm 1936 tại Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh trong gia đình bố là giáo viên tiểu học, mẹ làm ruộng. Là thế hệ sau, tôi không được rõ hoàn cảnh gia đình của thầy, nhưng chỉ được nghe những chuyện mà thầy kể lại khi còn ở quê. Quê thầy nghèo lắm, cuộc sống lam lũ của tuổi thơ đã phải bươn trải với đủ công việc như buôn cá từ Cửa Sót (Hà Tĩnh) lên vùng núi phía tây bán cho đồng bào miền núi (gọi là mua tận gốc bán tận ngọn), làm nón lá cùng 2 em gái và cứ 10 ngày một phiên chợ Thượng lại mang nón ra chợ bán, mua ngô về ăn ... . Cuộc sống khó khăn và hoàn cảnh gia đình đông anh em, mẹ mất sớm đã tạo cho thầy ý chí vươn lên bằng con đường học tập.

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng năm 1954, các trường đại học lần lượt được mở lại ở Hà Nội. Trong số này, chỉ có Đại học Sư phạm Hà Nội có học bổng, các trường khác phải tự túc. Từ quê Hà Tĩnh ra Hà Nội với hai bàn tay trắng, cần phải có tiền để sống và học tập. Cái khó này chắc cũng là cái duyên làm cho thầy chọn con đường vào nghề dạy học. Học bổng chỉ đủ ăn, còn bao nhiêu chi tiêu khác cần đến tiền, thầy phải dạy thêm, làm các công việc khác để có tiền trang trải cho cuộc sống xa gia đình và không được trợ cấp.
Học tập ở khoa Sinh học, Đại học Sư phạm, thầy đã gặp và làm việc với các nhà khoa học đàn anh như thầy Lê Quang Long, Đặng Văn Viện, Trần Gia Huấn ... và các bạn cùng lứa như thầy Phạm Đình Thái, Trần Xuân Nhĩ, Phan Nguyên Hồng, Lê Đức Diên ... . Hai người thầy có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong quá trình học tập ở đại học đối với thầy là GS Đào Văn Tiến và thầy Lê Khả Kế. GS Đào Văn Tiến cẩn thận, sâu sắc, chính xác và rất tôn trọng học trò, còn thầy Lê Khả Kế thì giảng bài khúc chiết, phương pháp giảng dạy chuẩn mực, rõ ràng, làm cho người nghe dễ tiếp thu. Cuối năm 1957, khóa học kết thúc (Chương trình cho 3 năm, nhưng học dồn trong 2 năm vì yêu cầu giáo viên phổ thông đang thiếu) và thầy đã được giữ lại công tác tại khoa với chức danh cán bộ giảng dạy. Là một cán bộ trẻ, thầy không ngừng tự học để nâng cao trình độ về ngoại ngữ để đọc được các tài liệu chuyên môn khi đó chủ yếu là tiếng Nga, tích cực tham gia công tác Đoàn thanh niên và là cán bộ Đoàn gương mẫu. Từ năm học 1960 - 1961, cuộc vận động thi đua Hai tốt “Dạy thật tốt, Học thật tốt” theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành phong trào trung tâm của ngành Giáo dục. Là một cán bộ Đoàn, thầy đã hướng chi đoàn cán bộ sôi nổi thảo luận, nghiên cứu, cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy.
Sau 4 năm giảng dạy và xây dựng khoa Sinh học, năm 1961, thầy lên đường sang Mascơva làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học tổng hợp Lomonoxov với đề tài “Hệ chuyển vận của đỉa” dưới sự hướng dẫn của GS Zenkevich (1889-1970). GS Zenkevich là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng về nghiên cứu biển của Nga và là chuyên gia cỡ quốc tế về hải dương học, GS cũng là người rất uyên bác. Một chuyện mà sau này thầy kể lại cho chúng tôi: “Người giữ áo khoác ở sảnh của khoa luôn nói với tôi rằng làm thế nào cố gắng moi hết được kiến thức ở đầu GS Zenkevich là thành công rồi”.
Bằng nỗ lực rất lớn, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, tranh thủ học tập các kiến thức của các chuyên gia Liên Xô lúc bấy giờ, thầy đã hoàn thành đúng hạn và trở về nước là một phó tiến sỹ, tiếp tục giảng dạy ở khoa. Khi về khoa, nhiều người không hiểu ý nghĩa của đề tài, bàn tán “Sao không nghiên cứu vấn đề gì lớn hơn cho đất nước mà lại nghiên cứu về cơ của đỉa ?”. Người ta có biết đâu rằng khi đó các nhà khoa học Liên Xô đang nghiên cứu về vấn đề cấu trúc và tiến hóa của hệ cơ động vật khi nào có hiệu suất cao nhất mà đề tài của thầy là một khâu trong chuỗi nghiên cứu đó.
Giai đoạn 1966 là thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, khoa phải sơ tán về Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, thầy được giao nhiệm vụ tổ phó chuyên môn tổ Động vật bên cạnh thầy Trần Gia Huấn. Không khí cả nước lúc này sôi sục, vừa sơ tán để bảo vệ lực lượng, vừa phòng tránh để bảo toàn tính mạng, vừa học tập để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của giáo dục. Thầy được giao nhiệm vụ phụ trách xây dựng của Đoàn thanh niên ở nơi sơ tán. Công việc lúc này tự làm các lớp học tránh bom sâu dưới nền đất, đắp hầm chữ A, dựng phòng thí nghiệm và nhà ăn cho cán bộ và sinh viên, tất cả các công việc đều do cán bộ của khoa và sinh viên tự làm (khi đó không thuê được người làm như bây giờ).
Đến cuối năm 1967, khoa lại chuyển sơ tán từ Đại Từ, Thái nguyên về Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Tây. Trong hoàn cảnh chiến tranh, sinh viên thiếu giáo trình học tập, từ nơi sơ tán dưới ánh đèn dầu, thầy đã cùng thầy Hoàng Đức Nhuận hoàn thành 2 tập giáo trình Động vật không xương sống, xuất bản vào năm 1970 và 1971. Trong hoàn cảnh sơ tán, nhưng chủ trương của Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường vẫn gắn giữa lý thuyết và thực hành, giữa học tập ở nhà trường và thực tiễn sản xuất ở các địa phương. Thực hiện chủ trương này, từng học kỳ các khoa đều tổ chức xuống các địa phương để gắn với thực tế, những chuyến đi nghiên cứu tình hình nhiễm giun sán ký sinh ở Hà Tĩnh và Thái Bình là những đợt bổ sung khá nhiều kiến thức cho giảng dạy của thầy sau này.
Năm học 1971-1972, sau khi Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, một bộ phận các phòng ban và một số khối sinh viên các khoa trở về Cầu Giấy. Đến năm học 1972-1973 khoa lại sơ tán về Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng từ đây, các nghiên cứu về thành phần loài và giá trị thực tiễn của Giun ít tơ nước ngọt trong các ao nuôi cá và ruộng nước được thầy nghiên cứu cùng với anh Lại Văn Tạc và Phạm Phúc Chiểu.
Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, các hiệp định hòa bình với Mỹ được ký kết, sinh viên lại trở lại Hà Nội học tập. Khoa Sinh học ở nhà A3, thầy ở tầng xép cầu thang tầng 4, chỉ vẻn vẹn 8m2. Chúng tôi đến thăm thầy, gia tài chỉ toàn sách mang từ Liên Xô về. Trong căn phòng nhỏ bé ấy đã bắt nguồn cho nhiều công trình nghiên cứu sau này như vấn đề Giun ít tơ nước ngọt, Giun đất, Giun sán ký sinh ... . Cũng từ căn phòng này, nhiều phương pháp cải tiến giảng dạy được đề xuất như in ảnh trực tiếp từ mẫu vật không qua phim chụp, các cải tiến về giảng dạy qua bộ tranh động vật. Cho đến khi có điều kiện kinh phí sau này, toàn bộ các tranh cần cho giảng dạy động vật, gồm trên 500 tranh đã được đặt vẽ theo đúng yêu cầu giảng dạy.
Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước hoàn toàn thống nhất, hai khoa Sinh học và Kỹ thuật Nông nghiệp hợp lại thành khoa Sinh-Kỹ thuật Nông nghiệp, thầy là trưởng bộ môn Động vật học (1977-1980) thay cho thầy Trần Gia Huấn về nghỉ hưu. Dưới sự chỉ đạo của thầy, nhiều hướng nghiên cứu mới của bộ môn được phát triển, nhiều vùng lãnh thổ Việt Nam được đặt chân nghiên cứu như Cúc Phương, Tây Nguyên, Sóc Sơn, Tam Đảo, Nghệ Tĩnh, Đèo Ngang, Đà Nẵng, Long An ... Các nhóm động vật ở đất được đề cập đến như Giun đất, Ve bét, Giun tròn, Động vật trong phân ủ, các hướng nghiên cứu của Động vật có xương sống như Thú, Lưỡng cư, Bò sát, Cá được củng cố và phát triển.
Trong giai đoạn này, do nhu cầu về đào tạo giáo viên Trung học Phổ thông rất lớn cho cả nước sau thống nhất và đào tạo Sau đại học để nâng cao trình độ cán bộ cũng trở thành nhiệm vụ của bộ môn, thầy đã hướng dẫn nhiều luận văn Sau đại học ở mức độ cấp I (tương đương thạc sỹ) và cấp II (tương đương tiến sỹ) như nghiên cứu Giun đất ở Hưng Yên (Phạm Phúc Chiểu), Sóc Sơn (Hoàng Văn Thuận) và một loạt các động vật không xương sống cỡ trung bình (Mesofauna) ở Tây Nguyên (Lại Văn Tạc), Giun tròn sống tự do trong đất và ký sinh ở thực vật (Nguyễn Chung Tú), Diễn thế động vật trong phân chuồng ủ (Đỗ Văn Nhượng), Ve bét (Vũ Quang Mạnh), nuôi Giun đất (Nguyễn Thị Hòa, Trần Thị Loan), Giun đất ở đồng bằng sông Hồng (Trần Thúy Mùi) ...
Nhiều chuyến đi thực địa điều tra tình hình nhiễm Giun sán ký sinh ở Nghĩa Hưng (Nam Định), nghiên cứu Giun đất ở Cúc Phương, Tây Nguyên, một số đảo ven biển ... là cơ sở cho đào tạo cán bộ tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu ở Liên Xô được thầy đưa về.
Năm 1981, sau khi nhận thấy đã có đủ dẫn liệu và cơ sở cho việc nghiên cứu Giun đất ở Việt Nam, một nhóm động vật có nhiều đặc điểm tiến hóa từ môi trường nước lên cạn, đa dạng hình thái, có nhiều ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhưng còn ít được nghiên cứu ở nước ta, một đất nước có khí hậu nóng ẩm vốn thích hợp với nhiều loài giun trong giống Pheretima. Thầy tiếp tục làm nghiên cứu sinh cao cấp tại Lomonoxov, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Viện sỹ M.C. Ghilarov (1912-1985). Sau 2 năm, luận án Tiến sỹ khoa học được bảo vệ thành công về đề tài “Giun đất Việt Nam (Hệ thống học, Khu hệ, Phân bố và Địa lý Động vật học”, nhiều loài giun đất mới thuộc giống Pheretima được công bố trên tạp chí Động vật học của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, đánh dấu nghiên cứu một cách toàn diện nhất về Giun đất ở Việt Nam từ trước đến nay. Trình độ uyên bác của Viện sỹ Ghiliarov đã giúp cho thầy rất nhiều trong chuyên môn, trang bị thêm nhiều về Địa động vật học cũng như các phương pháp nghiên cứu mà sau này được nhiều thế hệ học trò triển khai khi nghiên cứu động vật ở đất.
Sau khi trở về nước (1983), thầy được nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm khoa Sinh-Kỹ thuật Nông nghiệp, rồi 2 năm sau nữa (1985) là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bên cạnh công tác quản lý, thầy vẫn hướng dẫn (Trần Thúy Mùi, 1985; Samphon Kengphachanh, 1990) và nghiên cứu khoa học. Trung tâm nghiên cứu Động vật đất ra đời (1987) là kết quả của sự cố gắng vừa làm công tác quản lý, vừa nghiên cứu khoa học.
Nhờ nghiên cứu trên nhiều vùng đất mới, đã bổ sung nhiều nhận định quan trọng về phân bố của nhiều nhóm Động vật không xương sống ở đất, hình dung được rõ nét hơn phân bố của Giun đất ở cạn theo các vùng cảnh quan và theo sinh cảnh, giữa các sinh cảnh tự nhiên và nhân tác. Cũng nhờ dẫn liệu trên phạm vi rộng ở ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia), đã phát hiện nhóm loài phù sa sông thuộc giống Pheretima và củng cố các nhận xét về phân bố của giống này ở Đông Dương cũng như phân chia các nhóm Giun đất theo vùng núi, đồi, đồng bằng và hải đảo.
Đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng, thầy đã hình thành nên các hướng ứng dụng như nuôi giun quế (Perionyx excavatus) và thử nghiệm nuôi một vài loài khác (Pheretima elongataPheretima posthuma), dùng các chỉ số về mật độ và sinh khối, nhóm ưu thế để xác định môi trường như tính chất chỉ thị và sử dụng giun đất vào cải tạo đất cằn.
Bên cạnh phòng làm việc của một Hiệu phó phụ trách về đào tạo Sau đại học và Nghiên cứu khoa học là một hệ thống các tủ đựng mẫu vật về Giun đất từ các vùng khác nhau trên phạm vi 3 nước vùng Đông Dương, mà mọi người vẫn thấy ngoài giờ giải quyết các công việc chung là các nghiên cứu về Giun đất.
Sau năm 1990, thầy nghỉ công tác quản lý ở trường và làm chuyên gia giáo dục Việt Nam tại Trung tâm Đại học Mascara, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algerie cho đến khi quay lại trường tiếp tục giảng dạy (1995) đến khi nghỉ hưu.
Trong quá trình công tác ở bộ môn Động vật học và Khoa Sinh học, thầy nhiều năm là chiến sỹ thi đua liên tục trong các năm học: 1971-1972; 1972-1973; 1973-1974; 1974-1975; 1975-1976; 1976-1977; 1977-1978; 1978-1979 và bộ môn Động vật học cũng là bộ môn nhiều năm đạt danh hiệu tổ Lao động xã hội chủ nghĩa.
 
Giáo sư Thái Trần Bái, một nhà sư phạm xuất sắc
Khi còn là sinh viên, tôi không được học thầy, nhưng khi là cán bộ của khoa tôi đã được nhiều lần nghe thầy dạy các chuyên đề và dự giờ dạy của thầy với sinh viên các khối, các lớp chất lượng cao. Các bài giảng của thầy, ngoài các thông tin cung cấp về kiến thức còn chứa đựng tính logic của vấn đề, thầy vừa giảng vừa vẽ, thầy vẽ rất đẹp nhưng nét vẽ hơi run, những vấn đề lý thuyết luôn hướng tới tính quy luật của sinh học như cấu tạo và chức năng, phân ly và hội tụ, tiến hóa và môi trường, gắn chặt giữa khoa học cơ bản với khoa học nghiệp vụ và có tính khái quát cao.
Trong giảng dạy, một điều tôi luôn nhận thấy ở thầy là không ngừng cải tiến giảng dạy để người học nắm chắc các vấn đề và khai thác tối đa các phương tiện hiện có. Khi chưa có máy chiếu Overhead thầy dùng tranh, khi có thầy dùng các bản trong. Khối lượng tư liệu dùng để giảng dạy rất lớn và dùng cho nhiều trình độ khác nhau. Ngoài các kỹ năng giảng dạy mẫu mực, thầy còn là người biên soạn nhiều giáo trình cho đại học, cao đẳng, sách giáo khoa cho phổ thông, các bài báo trao đổi về nghiệp vụ sư phạm và hướng dẫn tự học. Cuốn giáo trình đầu tiên về Động vật không xương sống cho đại học được xuất bản cách đây 42 năm (1970), lần lượt sau đó được biên soạn lại và nâng cao để cập nhật với thế giới vào các năm 1978, 1982, 1986, 2001, 2005, 2010. Có tới 4 giáo trình được tái bản nhiều lần và giáo trình Động vật học không xương sống năm 2001 được dùng cho nhiều trường đại học trong cả nước. Các lĩnh vực của Động vật không xương sống, các vấn đề về tiến hóa, dấu vết của sự sống, hóa thạch của loài người ... đều được thầy viết thành vấn đề để giúp cán bộ trẻ sớm nắm được để giảng dạy.
Đối với giáo dục phổ thông nhiều năm học sinh cả nước sử dụng cuốn Sinh học 7 (1987), tái bản tới 7 lần cho đến những năm sau này Bộ Giáo dục và Đào tạo thay bằng tài liệu của người khác. Cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 7 là một trong những tài liệu được đề nghị dịch sang tiếng Pháp để dạy cho lớp OPEN (GS Lê Quang Long là người dịch). Các tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên, tự học cho học sinh vẫn là những tài liệu cơ bản được dùng để tham khảo. Trong suy nghĩ của thầy luôn gắn giữa khoa học cơ bản và khoa học nghiệp vụ, chính vì vậy khối lượng các bài báo phổ cập và nâng cao giáo dục Sinh học có tới 29 bài.
Đối với quốc tế, thầy đã nhiều lần đến vùng kháng chiến Lào (Khang Khay, Sầm Nưa) để đào tạo cán bộ cho bạn (1973, 1975, 1977), người được thầy hướng dẫn nhiều nhất là anh Thoong Sa Mẩy ở trường đại học Viêng Chăn (sau này là tùy viên Văn hóa và Giáo dục của Đại sứ quán Lào tại Việt Nam), nghiên cứu sinh Samphon được thầy hướng dẫn đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ từ năm 1990. Sau này còn nhiều học viên cao học được thày giảng dạy và hướng dẫn ở trong trường và ngoài trường. Thời gian công tác ở Algerie cũng là những năm đóng góp cho nước bạn với tâm huyết và sức lực. Các lớp Francophon cũng được thầy giảng dạy nhiều giáo trình, dự nhiều hội đồng bảo vệ bằng tiếng Pháp, viết giáo trình cho lớp Pháp ngữ...
  
Giáo sư là một nhà khoa học lớn
Xem lại tất cả các công trình nghiên cứu của thầy, có lẽ nhiều nhất là các nghiên cứu về Giun đốt, từ phân loại, phân bố, khu hệ, địa động vật học đến các vấn đề về tiến hóa. Có nhiều bài báo về lĩnh vực này được đăng ở trong và ngoài nước với nhiều địa danh nghiên cứu ở 3 nước Đông Dương, ở đất liền và hải đảo, ở sinh cảnh tự nhiên và nhân tác, ở nước và ở cạn ... Cũng nhờ từ những nghiên cứu sâu về nhóm này, thầy đã hướng dẫn 8 luận án tiến sỹ về Giun đất ở nhiều vùng trên lãnh thổ Việt Nam và Lào từ Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung  và Nam Trung Bộ, hàng chục luận văn thạc sỹ về Giun đất ở phạm vi hẹp hơn. Tổng số các công trình về Động vật không xương sống dù viết riêng hay đồng tác giả có tới 54 bài đăng trong nước và ở nước ngoài.
Cũng nhờ tập trung được mẫu vật ở nhiều vùng trong phạm vi Đông Dương, nên bộ sưu tập mẫu vật về Giun đất của Trung tâm nghiên cứu Động vật đất do thầy sáng lập có thể nói là nơi có nhiều mẫu vật về lĩnh vực này nhất ở khu vực Châu Á. Rất nhiều nhà khoa học Nga, Pháp, Hàn Quốc đã đến trao đổi và xem xét, nhiều loài mới công bố trên các tạp chí có uy tín trong nước được lưu trữ mẫu chuẩn tại Trung tâm. Tôi nhớ rất rõ khi tôi làm nghiên cứu sinh (1990) cũng là lúc thầy lên đường sang Algerie làm chuyên gia giáo dục, lời dặn của thầy khi đó là “Cậu ở nhà cứ chuẩn bị thu thập mẫu vật ở các khu vực định nghiên cứu, sau 2 năm mình về sẽ giúp cậu phân tích. Hai năm nhanh lắm”. Nghe theo thầy, tôi đi khắp 8 tỉnh miền Tây Bắc thu thập mẫu vật, các dẫn liệu cần thiết cho nghiên cứu. Thỉnh thoảng nhận được thư chỉ đạo của thầy từ Algerie (bấy giờ chưa có thư điện tử nên nhận được thư từ Châu phi về rất lâu). Thế rồi hai năm cũng đã hết, vì nhiệm vụ, thầy lại ở tiếp hai năm nữa. Thế rồi cũng cứ bằng cách hướng dẫn qua thư, sau 4 năm tôi cũng hoàn thành xong luận án. Ngày thầy về cũng chỉ sau vài tuần là bảo vệ chính thức (1994). Tôi thành công đến hôm nay cũng nhờ học được nhiều điều ở thầy, có thể là trực tiếp, có thể qua các công trình khoa học, các bài giảng từ sinh viên đến các chuyên đề cho cán bộ. Dù ở lĩnh vực nào tôi cũng nhận thấy 3 điều sâu sắc nhất đối với tôi học được ở thầy: Trung thực, nghiêm túc trong khoa học; say mê với nghề nghiệp; vượt khó trong mọi hoàn cảnh.
Trong nghiên cứu khoa học, thầy đã chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước từ năm 2000 đến 2008 về Động vật ở đất, đề tài cấp Bộ như “ Cải tạo đất trồng rừng bằng Giun đất” ở Thanh Ninh, Thanh Hóa của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn...
Rất nhiều Hội đồng khoa học, Hội đồng chuyên ngành đã mời Giáo sư tham gia với danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng, phản biện chuyên môn và cố vấn khoa học ... Những ý kiến đóng góp của thầy đã giúp nhiều nghiên cứu sinh hoàn chỉnh được luận án của mình. Cho đến bây giờ, hầu như các nghiên cứu sinh chuyên ngành Động vật học của bộ môn Động vật và một vài nơi khác đều muốn thầy đọc trước để được góp ý kiến mà chỉnh sửa. Bằng kiến thức sâu rộng, tính cẩn thận trong khoa học, cách nhìn tổng quát vấn đề, các ý kiến của thầy rất sâu sắc gợi mở nhiều vấn đề khi trình bày và tổng kết. Bản thân tôi cũng học được ở thầy cách hành văn cho một bài báo khoa học qua các sinh hoạt học thuật cũng như sửa trực tiếp trên bài viết.
 
Giáo sư Thái Trần Bái đã được Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý:
- Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục
- Huân chương kháng chiến hạng nhì
- Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú
- Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân
Ngoài ra danh hiệu chiến sỹ thi đua nhiều năm liền, nhiều bằng khen của Bộ về cải tiến giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
 
Hà Nội, tháng 5 năm 2012
PGS.TS. Đỗ Văn Nhượng
Nguyên Phó Trưởng Khoa, Trưởng Bộ môn Động vật học
Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Source: 
19-09-2012
Tags