GIỚI THIỆU BẢO TÀNG SINH VẬT

1. Giám đốc Bảo tàng: PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn

2. Địa chỉ: Tầng 4, nhà D3, 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

ĐT: (84-24) 37547871

E-mail: sonnlh@hnue.edu.vn

Website: http://bio.hnue.edu.vn

3. Năm thành lập

Bảo tàng Sinh vật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2092/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 2/5/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động theo Điều lệ được ban hành kèm theo Quyết định số 65/QĐ-ĐHSPHN-TCCB ngày 13/1/2003 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

3. Giám đốc qua các thời kỳ:

  • PGS.TS. Trần Hồng Việt (2001-2005)
  • PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn (2005 đến nay)

4. Các cán bộ đang công tác tại Bảo tàng Sinh vật

  • PGS.TS. GVCC Nguyễn Lân Hùng Sơn
  • ThS. GVTH Nguyễn Thanh Vân (Trưởng Phòng thí nghiệm)
  • ThS. GVTH Trần Nam Hải

5. Các cán bộ đã công tác tại Bảo tàng Sinh vật

  • PGS.TS. Trần Hồng Việt
  • TS. Trần Hồng Hải
  • ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoàn

6. Chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng Sinh vật

  • Sưu tập, xử lý, bảo quản và lưu giữ các mẫu sinh vật của Việt Nam và các mẫu vật trao đổi với các nước trên thế giới thông qua các chương trình hợp tác, trao đổi.
  • Phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu của cán bộ sinh viên trong và ngoài trường, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên dạy môn Sinh học, môn Khoa học tự nhiên và các môn học liên quan. Hỗ trợ hoạt động đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
  • Hỗ trợ các trường phổ thông, các cơ quan khoa học khác, các tổ chức giáo dục môi trường có liên quan tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên nhiên và ý thức bảo vệ thiên nhiên.
  • Tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh các trường mầm non, các trường phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng tìm hiểu sự đa dạng của thế giới sinh vật và con đường tiến hóa của chúng tại Bảo tàng Sinh vật.
  • Hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước trong các lĩnh vực bảo tàng, điều tra đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học, giám sát đa dạng sinh học, đánh giá tác động môi trường và biến đổi khí hậu.

7. Các lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm của Bảo tàng Sinh vật:

  • Điều tra đa dạng sinh học, sưu tập, hoàn thiện các quy trình xử lý, bảo quản là lưu giữ mẫu vật các loài sinh vật phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và giáo dục bảo tồn thiên nhiên.
    • Bảo tàng Sinh vật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện đang lữu giữ rất nhiều mẫu của các loài sinh vật tại các phòng lưu giữ và trưng bày chuyên đề dưới dạng mẫu khô, mẫu ngâm, mẫu nhồi nằm, mẫu nhồi đứng. Nhiều mẫu xương nguyên và mẫu xương sọ, sừng của nhiều loài động vật cũng được lưu giữ tại bảo tàng. Bộ sưu tập mẫu vật rất đa dạng bao gồm: mẫu tiêu bản thực vật thường gặp, thực vật làm thuốc, thực vật làm gia vị, thực vật quý, hiếm, mẫu tiêu bản côn trùng, nhuyễn thể, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú. Bộ sưu tập tiêu bản hiển vi các mẫu thực vật và động vật được quan sát dưới kính hiển vi. Bộ sưu tập mẫu giải phẫu các hệ cơ quan ở động vật và người.
    • Hiện Bảo tàng Sinh vật đang lưu giữ nhiều mẫu chuẩn của các loài động vật mới cho khoa học được phát hiện ở Việt Nam như một số loài cá: Cá Hồ dầu bằng - Toxabramis maensis Nguyen & Duong, 2006; Cá Dầu hồ nhật lệ - Toxabramis nhatleensis Nguyen H.D, Tran D.H & Ta T.T ; Cá Thè be sọc lớn - Acheilognathus nguyenvanhaoi Nguyen, Tran & Ta sp. n. ; Cá Chày đất đầu ngắn - Spinibarbus brevicephalus H. D Nguyen & V. H Nguyen, 1997 ; Cá Chạch suối pù mát - Schistura pumatensis Nguyen X. K. & Nguyen H.D. ; Cá Chạch suối tam đường - Schistura tamduongensis Nguyen T.H., Nguyen X.K. & Nguyen H.D. Hay một số loài lưỡng cư, bò sát mới như : Gracixalus ziegleri; Lepptobrachella niveimontis; Leptobrachella yingjiangensis; Cyrtodactylus ngati. Nhiều mẫu thú, chim, bò sát lớn quý, hiếm cũng được lưu giữ trưng bày tại bảo tàng như: hổ đông dương, báo gấm, báo hoa mai, gấu ngựa, gấu chó, hươu sao, hoẵng, già đẫy java, hồng hoàng, niệc vằn, cao cát bụng trắng, cò nhạn, cá sấu nước ngọt, kỳ đà vân...
  • Nghiên cứu bổ sung cơ sở dữ liệu về đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài động, thực vật có mẫu lưu giữ tại bảo tảng và xây dựng phần mềm quản lý, tra cứu dữ liệu phục vụ học tập và nghiên cứu tại Bảo tàng Sinh vật.
  • Bảo tàng Sinh vật cũng hỗ trợ, hướng dẫn các Trường phổ thông, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên xây dựng các bộ sưu tập mẫu vật phục vụ đào tạo, giáo dục và nghiên cứu.

8. Các kết quả tiêu biểu đạt được của Bảo tàng Sinh vật

Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực, song được sự tạo điều kiện giúp đỡ của Nhà trường, của Khoa Sinh học, sự phối hợp của bộ môn Động vật học, bộ môn Thực vật học và sự cộng tác của các thầy cô giáo, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên, Bảo tàng Sinh vật đã duy trì bảo quản tốt một bộ sưu tập mẫu vật đại diện cho đa dạng sinh học của Việt Nam. Sự duy trì và phát triển một Bảo tàng Sinh vật trong trường đại học thể hiện rõ vị thế của một trường đại học lớn có chất lượng đào tạo và nghiên cứu cao ngang tầm với khu vực.

Bảo tàng đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Bộ trọng điểm như:

  • Đề tài cấp trường: Xây dựng cơ sở dữ liệu về các mẫu chim và cá hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Sinh vật, Đại học Sư phạm Hà Nội, mã số SPHN-06-67.
  • Đề tài cấp trường: Xây dựng cơ sở dữ liệu về các mẫu thú và lưỡng cư, bò sát hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Sinh vật, Đại học Sư phạm Hà Nội, mã số SPHN-07-84.
  • Công trình Xây dựng bộ mẫu trưng bày trong Bảo tàng Thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ theo HĐ số 11/2012/HĐ-KT ngày 23/8/2012 kí kết giữa Bảo tàng Sinh vật với Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
  • Đề tài cấp Bộ trọng điểm: Nghiên cứu xây dựng bộ mẫu vật, thực vật đại diện cho Việt Nam phục vụ nghiên cứu và đào tạo giáo viên, mã số B2010-17-272TĐ.

Thông qua các đề tài nghiên cứu, cơ sở dữ liệu về các loài, các mẫu vật thu thập, trưng bày tại Bảo tàng Sinh vật ngày càng trở nên phong phú. Có thể nói mỗi mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Sinh vật đều gắn với những câu chuyện về loài, về nguồn gốc mẫu, về đặc điểm sinh học, sinh thái, tập tính và cả những câu chuyện dân gian về sự tích loài.

Thông qua triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, bộ sưu tập trưng bày và lưu giữ trong bảo tàng không ngừng được bổ sung. Không gian trưng bày trong bảo tàng cũng từng bước được cải tạo nâng cấp đảm bảo tính thẩm mỹ, khoa học trong trưng bày. Bảo tàng đã đáp ứng yêu cầu đào tạo sinh viên ngành Sinh học về học phân loại động, thực vật, hệ thống học. Bảo tàng đã phối hợp tổ chức cho hàng nghìn học sinh, sinh viên của nhiều trường từ mẫu giáo đến phổ thông và các trường đại học đến tham quan, học tập tại bảo tàng.

Bảo tàng Sinh vật đã hỗ trợ thiết kế, xây dựng bộ sưu tập mẫu vật cho Bảo tàng Thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Sơn góp phần gìn giữ các giá trị di sản thiên nhiên của vùng đất tổ Vua Hùng.

Trên cơ sở các mẫu vật được nhập và lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Sinh vật, nhiều bài báo khoa học công bố các loài mới, các loài ghi nhận mới, nghiên cứu về khu hệ động, thực vật đã được xuất bản. Bảo tàng cũng đã xây dựng nhiều sách, áp phích giới thiệu về sự đa dạng của sinh học để phục vụ cho triển lãm, tuyên truyền, giáo dục ở trong và ngoài trường.

9. Các cơ quan, tổ chức liên kết hợp tác

  • Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Paris, Pháp;
  • Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, Anh;
  • Bảo tàng Đại học Kyoto, Nhật Bản;
  • Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam;
  • Bảo tàng Hải Dương học, Viện Hải dương học, Nha Trang;
  • Bảo tàng Sinh vật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội,
  • Phòng Bảo tàng Động vật, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật;
  • Bảo tàng Tài nguyên Rừng, Viện Điều tra Quy hoạch rừng;
  • Vườn Thú Hà Nội,
  • Các Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên khác.
  • Các trường đại học, phổ thông và mẫu giáo,
  • Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Một số hình ảnh giới thiệu về Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 1. Các cán bộ Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 2. Phó Giáo sư Trần Hồng Việt, người gây dựng Bảo tàng Sinh vật, Trường ĐHSP Hà Nội từ năm 2001

Ảnh 3. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tới thăm Bảo tàng Sinh vật năm 2006.

Ảnh 4. GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội tới thăm và làm việc với Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 5. GS. Võ Quý và các chuyên gia động vật học tới thăm Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 6. Các giáo sư Bảo tàng Berlin, CHLB Đức tới thăm và làm việc với Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 7. Các giáo sư Trường Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, Trung Quốc tới thăm Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 8. Giáo sư Pasquier, CH Pháp tới thăm Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 9. Lãnh đạo Trường Quốc tế Nhật Bản (JIS) tới thăm Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 10. Một số hoạt động giáo dục, đào tạo, trải nghiệm tại Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 11. Một số mẫu động vật trưng bày tại Bảo tàng Sinh vật

Ảnh 12. Hướng dẫn sinh viên thực tập trải nghiệm nghiên cứu ngoài thiên nhiên

Ảnh 13. Thông tin giới thiệu Bảo tàng Sinh vật - Trường ĐHSP Hà Nội


Source: 
27-08-2021
Tags