KÍ ỨC VỀ MỘT NGƯỜI THẦY

Lớp thạc sĩ K7 (1997 – 1999) chuyên ngành Sinh lý học thực vật của chúng tôi năm ấy chỉ có 2 thành viên, Mai Hoa và Quốc Hùng. Các thầy cô dạy môn chuyên ngành Sinh lý học thực vật thì có thầy Kế, thầy Ninh, thầy Khanh, cô Hà. Hỗ trợ phòng thí nghiệm cho hai đứa có thầy Ngân, cô Bé, cô Tường. Kể tên các thầy cô đã dạy chuyên ngành để thấy rằng chúng tôi nhất định đã được quan tâm đến tối đa khi tham gia khóa học đó. Mỗi thầy cô, với tôi cho đến bây giờ và mãi mãi mai sau vẫn luôn là những Nhà giáo đáng kính, mỗi trang giáo án trên giảng đường luôn đậm tri thức, chất tâm huyết với nghề và lòng tận tâm với sinh viên, với người học.

Kí ức tôi đang hướng về một thầy giáo đã đi xa, rất xa… PGS. TS. Trần Đăng Kế, người dạy chuyên đề Quang hợp lớp K7 của chúng tôi. Nói đến Sinh lý học thực vật, không thể không nói đến “Quang hợp”, chuyên đề ấy như một Điều đặc biệt, có sức hút mạnh mẽ đối với những người yêu thích khoa học Thực vật bởi giá trị của quá trình đó đối với sự tồn tại của sự sống trên trái đất này. Thầy của chúng tôi, cặp mắt kính dày, áo luôn sáng màu với quần kaki giản dị, đó là hình ảnh cứ theo, theo mãi trong tôi từ những năm cuối 1990s… Hai trò, một thầy nhưng tất nhiên bài giảng vẫn hào sảng, mạnh mẽ như với 50 trò trước mặt. Thầy luôn đứng khi giảng bài, viết bảng và vẽ sơ đồ các quá trình bằng phấn trắng, mỗi khi dừng tiết học, bàn tay Thầy đầy bụi phấn… ngày đó laptop và máy chiếu là những danh từ rất mới với tất cả chúng tôi. Tuy nhiên, điều quan trọng là, sau mỗi bài giảng của Thầy, trong tôi âm vang câu nói “Sau này mình nhất định dạy chuyên đề Quang hợp”. Tôi, khi đó một học viên 24 tuổi, vẫn đang trong giai đoạn tu nghiệp và còn xa lạ với cụm từ “Dạy học truyền cảm hứng”, tôi tin chắc rằng, Thầy của tôi khi ấy cũng không biết rằng thầy đang truyền cảm hứng mạnh mẽ cho một cô giáo trẻ mới tốt nghiệp đại học Sư phạm được 3 năm.

Khi nghĩ về thầy, câu chuyện về sự tận tâm cứ theo tôi, theo tôi như một lời nhắc đến suốt cuộc đời nhà giáo của chính mình… Ngày đó, phương tiện đi lại hiếm, kể cả phương tiện công cộng cũng rất ít. Nơi tôi ở và công tác là trường ĐHSP Hà Nội 2, cách Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (Tên trường Đại học Sư phạm Hà Nội thời kì đó) 40 cây số. Khi bắt đầu đến giai đoạn làm đề tài Thạc sĩ, điều khó khăn nhất với tôi là định hình Đề cương nghiên cứu, Thầy đã tự đi xe máy từ Hà Nội, lên Xuân Hòa nơi tôi công tác để cùng với thầy Nguyễn Văn Mã bàn về Đề cương nghiên cứu của tôi. Buổi sáng mùa thu năm 1998, tại thị trấn nhỏ, hai thầy, một trò, bữa cơm gia đình tự nấu cũng tại nhà thầy Mã cho đến bây giờ vẫn sống mãi trong tôi. Khi đã gần 50 tuổi rồi, tôi càng thấu hiểu mình đã may mắn đến nhường nào khi trong cuộc đời mình gặp được những người thầy như thế.

Bắt tay vào làm đề tài, khó khăn chồng chất khó khăn, vì điều kiện làm thí nghiệm thiếu thốn nhưng dường như không lúc nào tôi thấy bị chùn bước. Tôi biết Thầy rất bận, luôn phải xử lí các công việc của Khoa, của Trường và còn giảng dạy nữa, khi đó thầy còn trẻ lắm và là Trưởng khoa Sinh - KTNN của trường ĐHSP Hà Nội 1, một trong những khoa đào tạo lớn của Trường. Sau mỗi đợt có kết quả thí nghiệm, tôi chỉ xin gặp thầy một lát để báo cáo, thời gian ngắn ngủi đó thôi đã đủ để tôi yên tâm với công việc của mình. Thầy xem số liệu, nhắc nhở vài điều, hỏi han và định hướng biện luận, từ giọng nói đến ánh mắt nhân hậu, từ phong thái mẫu mực ấy lại giúp tôi thêm vững vàng tin tưởng vào những gì mình đang làm cho nghề nghiệp tương lai.

Buổi bảo vệ Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của tôi diễn ra vào một buổi sáng đầu thu năm 1999. Thầy bước ra khỏi phòng Hội đồng, vẫn tâm thái ấy Thầy nói và cười nhẹ “Tốt rồi em ạ!” tôi thở phào nhẹ nhõm, một nấc thang nữa trong cuộc đời mình được ghi dấu ngày hôm đó. Thế nhưng, không thể tin nổi, tôi lại là một trong những Học viên cuối cùng được thầy hướng dẫn Luận văn thạc sĩ, tin dữ đến vào một ngày đầu thu năm 2000, vậy là đã hơn 20 năm trôi qua…

Năm 2008, tôi tạm biệt trường ĐHSP Hà Nội 2 sau 14 năm công tác, tạm biệt thị trấn nhỏ Xuân Hòa, trở về làm giảng viên của trường ĐHSP Hà Nội. Đã nhiều thứ đổi thay, cảnh vật, con người khác xưa nhiều lắm nhưng trong sâu thẳm trái tim tôi, tôi biết chắc chắn một điều là tôi đặc biệt hơn nhiều học viên khác cũng là học trò của Thầy, với lớp học vỏn vẹn hai đứa.

Thắp một nén nhang tưởng nhớ đến Thầy, tôi vẫn ước mong đi tiếp cùng câu chuyện “Dạy học truyền cảm hứng”, tôi bắt đầu dạy chuyên đề Quang hợp cho học viên cao học của Khoa từ năm 2010, tôi rất thích vẽ lên bảng phấn sơ đồ chu trình Calvin, tôi luôn thích đứng khi giảng bài vì cảm nhận được sự mạnh mẽ của năng lượng đất trời ban tặng trong từng lời giảng, tôi nhớ lại bàn tay đầy bụi phấn, khuôn mặt nhân hậu và nụ cười hiền của Thầy. Xin được gửi về nơi xa xôi một lời tri ân chưa kịp nói “Thưa thầy! Con đã, đang và sẽ làm tốt vai trò của một cô giáo”.

                                                                                                                                Hà Nội, ngày 17/9/2021.

                                                                                                                                                                    Điêu Thị  Mai Hoa


Source: 
25-11-2021
Tags