MỘT LOÀI BÒ SÁT MỚI CHO KHOA HỌC ĐƯỢC ĐẶT TÊN THEO TÊN CỦA PGS.TS. LÊ NGUYÊN NGẬT

 

Các nhà nghiên cứu động vật thuộc nhiều quốc gia (Việt Nam, Lào, Đức và Mỹ) đã phát hiện và công bố một loài bò sát mới cho khoa học với kích thước cơ thể trung bình 69 mm trên Tạp chí Zootaxa (New Zealand) dựa trên phân tích các mẫu vật thu thập ở Việt Nam. Loài mới tên "Thằn lằn ngón ngật" – Cyrtodactylus ngati Le, Sitthivong, Chan, Grismer, Nguyen, Le, Ziegler, Luu, 2021, được đặt theo tên của PGS.TS. Lê Nguyên Ngật, nguyên giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo các tác giả bài báo, họ sử dụng tên PGS.TS. Lê Nguyên Ngật để đặt tên cho loài mới nhằm vinh danh và ghi nhận những đóng góp của ông trong nghiên cứu lưỡng cư, bò sát của Việt Nam. Mẫu chuẩn của loài mới được lưu giữ tại Bảo tàng Sinh vật, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng với mẫu chuẩn của nhiều loài khác như Cyrtodactylus soni, Tylototriton anguliceps,…

Loài mới thuộc giống Cyrtodactylus Gray, 1827, một giống có tới 55 loài mới được mô tả trong thập kỷ vừa qua tại các nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Các mẫu vật của loài C. ngati được thu thập từ khu vực núi đá vôi Pa Thơm của tỉnh Điện Biên, Tây Bắc Việt Nam. Loài mới được định danh dựa trên phân tích dữ liệu hình thái học và phân tử. C. ngati có thể được phân biệt với các loài khác trong giống Cyrtodactylus bởi tổ hợp các đặc điểm khác biệt: Dài thân tối đa 69,3 mm; mặt lưng có 6 vệt ngang không đều, sẫm màu; 1 vảy gian mũi; xuất hiện các nốt sần ở mặt lưng, chi sau và phần phía trước của đuôi; 17–22 hàng nốt sần không đều ở thân; nếp gấp mặt bên rõ; 32–38 hàng vảy bụng giữa nếp gấp hai bên; 13 lỗ trước huyệt; không rõ lỗ trước huyệt và trên đùi ở con cái; 1-3 nốt sần ở mỗi bên, phía sau huyệt. Dựa trên kết quả phân tích DNA, loài mới được chứng minh có quan hệ gần nhất với loài C. interdigitalis ở Thái Lan, khác biệt di truyền là 3,8% dựa trên phân tích trình tự 657 bazơ nitơ.

 

Hình 1. Mặt lưng loài Cyrtodactylus ngati, một loài mới cho khoa học (Nguồn ảnh: Lê Trung Dũng)

 

Hình 2. Bản đồ phân bố của nhóm loài Cyrtodactylus brevipalmatus: hình vuông, C. ngati; hình vuông đặc màu đen, C. interdigitalis; vòng tròn, C. brevipalmatus; hình tròn đặc màu đen, C. elok (Nguồn: Le et al., 2021)

 

Đây là loài thứ 47 trong giống Cyrtodactylus và là thành viên đầu tiên của nhóm loài C. brevipalmatus được ghi nhận phân bố ở Việt Nam. Ngoại trừ C. ngati, các đơn vị phân loại khác trong nhóm đều sống trên cây ở các khu vực núi đá vôi và phân bố từ miền Trung Lào qua Thái Lan đến phía nam bán đảo Malaysia. Các loài mới được phát hiện gần đây trong nhóm này đã được mô tả ở miền Trung Lào, bắc bán đảo Malaysia và Tây Nam Thái Lan. C. ngati hiện chỉ được ghi nhận phân bố tại khu vực rừng Pa Thơm, không nằm trong bất kỳ khu bảo tồn nào, do đó bị dễ tác động của người dân địa phương do phá rừng lấy gỗ, đốt rừng lấy đất canh tác. Theo các tác giả, cần thiết có các nghiên cứu sâu hơn trong tương lai, tập trung vào đánh giá mức độ phong phú cá thể trong quần thể loài mới và đánh giá các mối đe dọa để hiểu rõ hơn về tình trạng bảo tồn của loài.

 

Nội dung chi tiết của bài báo trong file đính kèm.

 

Nguồn tin bài: Khoa Sinh học

 


Source: 
15-05-2021
Tags