NGƯỜI THẦY - NHỮNG KỈ NIỆM ÊM ĐỀM

 

 
 

Từ Điện Biên về, tôi cùng Chị Nguyệt bạn học cùng khóa đến dự sinh nhật lần thứ 70 của Thầy với tâm trạng bồi hồi cảm xúc.

Thời gian trôi thật nhanh, thoắt đấy đã 40 năm tôi mới lại được bước đi trên  đường phố Hà Nội trong tiết trời mùa thu êm ả, thanh bình và rực rỡ ánh đèn. Nhớ một ngày đông buốt giá năm 1975, đeo ba lô lên chuyến xe khách với hành trình 4 ngày đêm vật vã những núi cùng đèo đi Điện Biên nhận công tác, không nghĩ tôi lại có một khoảnh khắc tuyệt vời như ngày hôm nay. Được gặp Người Thầy đã cho mình nhiều kỷ niệm cùng các thành viên trong đại gia đình tri thức của Thầy và các người bạn là những nhà giáo, nhà khoa học, nhạc sĩ, ca sĩ, phóng viên truyền hình, hầu hết họ là “Người của công chúng”.

Hình 1. Cựu sinh viên khóa 1971-1975 chụp ảnh cùng thầy Nguyễn Lân Hùng (Tác giả là người đứng thứ ba hàng đầu từ trái qua)

Hội trường buổi lễ, một không gian ngập tràn âm nhạc cùng những lời chúc mừng đậm tình bè bạn. Clip “Bạn của nhà nông” dài chừng 30 phút được xây dựng bằng những tư liệu trong suốt chặng đường công tác, giới thiệu những công việc Thầy đã làm, những nơi Thầy đã đến, những người Thầy đã cùng cộng tác và những thành quả thầy đạt được… một bức chân dung bình dị, khiêm nhường về người thầy đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên cả nước.  

Với tôi, khi là sinh viên năm thứ hai, một kỷ niệm khó quên về Thầy để mỗi lần nghĩ đến lại thấy bồi hồi như nỗi nhớ.

Hiệp định Paris được ký kết, từ nơi sơ tán về tôi tham gia vào nhóm đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của các nguyên tố vi lượng đến khả năng cố định đạm của tảo Anabaena ajola cộng sinh trong bèo dâu” thực hiện tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội do Thầy làm chủ nhiệm.

Không biết sao mùa đông năm ấy lại dài và lạnh đến thế! Ban ngày là những việc của đề tài như cho bèo ăn, dập bèo, phun ô thí nghiệm, cân, san, lấy mẫu, đánh giá và làm báo cáo. Đêm đến hai thầy trò nằm ôm nhau co quắp trên chiếc giường giát gỗ cứng queo, đắp chiếc chăn chiên mỏng tang của cô chủ nhà cho mượn.

Trước khi ngủ, Thầy thường kể những câu chuyện về các nhà khoa học, các danh họa, các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới hoặc xướng âm cho tôi nghe những bản nhạc kinh điển, trong đó có bản “Phiên chợ Ba Tư”. Thầy vừa xướng âm vừa phân tích vừa cố gắng làm cho tôi hiểu và nhìn thấy nàng Công chúa xứ Nghìn lẻ một đêm lộng lẫy lắc lư trên lưng chú lạc đà rực rỡ sắc màu cùng đoàn tháp tùng đi thăm chợ; nhìn thấy những con rắn bạnh cổ uốn oéo, vươn mình dựng đứng như chiếc gậy rồi phun phì phì theo điệu kèn của người biểu diễn; nhìn thấy cảnh ríu rít, ồn ã có lúc gắt gỏng giữa người mua và bán… bản nhạc chậm dần, chậm dần, phiên chợ dần tan, nàng Công chúa lững thững lạc đà về cung còn thầy trò chúng tôi thì chìm vào giấc ngủ. Đêm ấy tôi đã mơ cùng Thầy ở phiên chợ thưởng thức biết bao nhiêu đồ ăn ngon, ăn mãi, càng ăn càng thấy đói để khi tỉnh dậy là những tiếc nuối.

Cô chủ nhà là Đội trưởng Đội sản xuất đề nghị chúng tôi làm một tờ báo tường kỷ niệm những ngày bận rộn song rất ý nghĩa với vùng quê của cô. Tôi được chọn trang trí tờ báo. Hai ngày say mê, miệt mài, đầu tờ báo “Làng quê” được hình thành và tôi vội trình với Thầy trong tâm trạng chờ đợi một lời nhận xét tốt đẹp.

Thầy đứng đó, lặng lẽ nhìn tờ báo rồi nhìn tôi như nhìn người trở về từ thời nguyên thủy. Cũng lặng lẽ, Thầy pha màu vào những chiếc bát, rồi cầm bút nhúng vào chiếc bát màu xanh và quét tràn lên góc tờ báo. Thế là hai ngày làm việc của tôi chìm nghỉm dưới cái nền xanh lá ấy. Khi lớp màu se, bắt đầu là một màn biểu diễn nghệ thuật với màu và bút.

Chưa đầy 20 phút, một làng quê trù phú, yên bình, sống động hiện lên với những mái tranh nghèo vương khói, những hàng cau, bể nước thấp thoáng sau lũy tre xanh; con đường nâu đỏ uốn lượn từ cánh đồng trĩu hạt chạy sâu vào làng qua chiếc cổng vòm cổ kính; bà con nông dân gánh gánh, gồng gồng tất bật trong ráng chiều hoàng hôn đỏ sậm; đám trẻ mục đồng nô đùa cùng đàn trâu trong hồ nước; vài chú vịt le te rúc rỉa các bụi thủy sinh, những áng mây chiều bảng lảng, đàn cò ăn muộn hối hả sắp hình kéo nhau về tổ. Đến lượt tôi, hết nhìn bức tranh lại nhìn Thầy đầy kinh ngạc và ước được sống ở một làng quê như thế.

Có lẽ Thầy đã yêu cảnh làng quê buổi hoàng hôn. Thầy hiểu hoàng hôn của nhà nông là niềm vui, niềm hy vọng sau một ngày lao động mệt mỏi; là sự nghỉ ngơi ấm áp bên bếp lửa, là sự no đủ của đàn gia súc, gia cầm… Tôi hiểu tình cảm của Thầy dành cho những người nông dân cặm cụi, thuần phác. Thầy muốn tặng họ bức tranh về tình yêu cuộc sống. Tôi xúc động nhìn bức tranh và hiểu vì sao Thầy đã không đề tên tờ báo.

Đề tài hoàn thành, Ông Chủ tịch Xã đã rất vui tiếp nhận thành quả nghiên cứu của nhóm và có kế hoạch triển khai ngay trên diện tích toàn xã. Trong nỗi niềm bịn rịn của buổi chia tay, cô Đội trưởng Đội sản xuất  muốn có sự kết nối thường xuyên với nhóm làm cho thầy trò chúng tôi vô cùng xúc động.

Sau này, mỗi lần có chương trình trên Điện Biên, hai thầy trò cùng cán bộ giáo viên trường nghề lại rộn rã tiếng cười và sôi động những câu chuyện nhà nông. Trường nghề do tôi quản lý cũng dần trở thành “Người bạn của nhà nông” ở tỉnh Điện Biên.

Thầy ạ! Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, sẽ nhớ ước muốn cho thời gian trở lại… hôm nay trong hội trường Thầy vẫn trẻ trung như những ngày nào, Em và Chị Nguyệt đã không nghĩ Thầy tròn 70 tuổi.

Thay mặt các bạn sinh viên khóa 1971 – 1975, kính chúc Thầy, người ở tuổi xưa nay hiếm luôn vui, khỏe, trẻ mãi bên gia đình và bè bạn. Kính mong Thầy mãi là biểu tượng đầy sức sống, sức sáng tạo cho các thế hệ sinh viên Khoa Sinh - KTNN cùng bà con nông dân trên khắp các vùng quê cả nước./.

                                                                                                       Kính tặng Thầy giáo Nguyễn Lân Hùng                                                                                                

                                                                                                       Hà Nội ngày 26 tháng 9 năm 2015

                                                                                                                            Nguyễn Viết Hoa- Khóa 1971-1975

 


Source: 
26-11-2021
Tags