NGUYỄN TIẾN HÀ NHÀ GIÁO ƯU TÚ, NGƯỜI CHIẾN SỸ CÁCH MẠNG

Anh sinh năm 1928 tại quê hương thuộc xã Văn Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Hồi nhỏ, tên thật của anh là Nguyễn Hữu Tự. Người anh thứ hai của anh là Nguyễn Hữu Văn, đã được làm cận vệ, thư ký cho Bác Hồ và được Bác đặt tên là Chiến, Tạ Quang Chiến (Tám người được Bác đặt tên là : Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi).

Trước Cách mạng tháng 8- 1945, Nguyễn Tiến Hà đã kịp thi đỗ tú tài. Tuy bận việc sách đèn, song lòng anh vẫn đau đáu nỗi xót xa, căm giận trước cảnh áp bức, bất công đang diễn ra trong xã hội, ngay tại Hà Nội, dưới ách đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Bước ra khỏi nhà là bao cảnh đau thương đập vào mắt: đồng bào chết đói, chết rét ,chết bệnh nằm la liệt khắp đầu đường, góc phố.

Trong những ngày ấy, không khí cách mạng sục sôi. Được giác ngộ như đại hạn gặp mưa, anh hăng hái gia nhập Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc Hoàng Diệu (TNCQ HD-Hoàng Diệu tên bí mật của Hà nội lúc đó), trong Mặt trận Việt Minh bí mật. Nhận nhiều nhiệm vụ ,  song có một việc công khai, khởi đầu phục vụ nhân dân, là làm giáo viên Truyền bá quốc ngữ (TBQN)[1]. Không ngờ cái “nghề thầy giáo” bắt đầu từ đấy đã trở thành “cái nghiệp” theo anh suốt dặm dài năm tháng cho đến trọn đời. Với chiếc đèn dầu trong tay, đêm đêm anh đến trường “Công Ích” ở ngõ Chùa Liên Phái, Bạch Mai (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) để dạy chữ cho người lao động, qua đó giác ngộ, động viên, tập hợp họ theo Việt Minh làm cách mạng… Thế rồi thời cơ đã đến, ngày 19/8/1945, anh đã có mặt trong đoàn quân cách mạng dũng cảm xông lên giành Chính quyền ở Hà Nội.

Chẳng được bao lâu, thực dân Pháp quay lại gây hấn! Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), anh xung phong vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Thử thách đầu tiên là cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, quyết tử trên chiến lũy “Ô Cầu Dền” Bạch Mai thuộc Liên khu 2 (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) góp phần cầm chân địch trong suốt 60 ngày đêm khói lửa.

 

       
 
 
 
 
 

 

                         Họp mặt các Chiến sỹ Quyết Tử Liên khu II                                 Chiến lũy ở Ô Cầu Dền tháng 12/1946

 

Tháng 2/1947 theo chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh, các chiến sĩ Liên khu 2 tạm rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng.

Hoạt động ở ngoại vi đến cuối năm 1948, anh được điều về vùng địch “tạm chiếm” Hà Nội để gây cơ sở nhằm đánh địch ngay trong sào huyệt của chúng. Lúc này, anh xuất hiện bán công khai trên đường phố Hà Nội, dày đặc lính Pháp, ngụy và mật thám. Với vỏ bọc “giáo sư” dạy các môn Anh, Pháp, Toán: lúc anh làm gia sư, lúc giảng dạy tại trường Saint Thérèse (nay thuộc quận Đống Đa), trường Schoola…(nằm trên phố Hai Bà Trưng bây giờ), rồi trường Lê Lợi (phố Lò Sũ), hiệu trưởng Ngô Văn Phách là người của kháng chiến, năm nay đã ngoài 100 tuổi, vẫn còn sống.

Qua hoạt động giảng dạy, anh đã bồi dưỡng cho học sinh tinh thần yêu nước, khéo léo vận động họ đi theo Kháng chiến. Để vận động các nhân sĩ trí thức, anh đã liên lạc với Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo sư Mai Phương (lúc đó là Hiệu trưởng trường Chu Văn An, tức trường Bưởi cũ), v.v… Anh cũng mở các lớp chính trị bí mật rải rác ở khắp nội ngoại thành, mỗi lớp chỉ có 2,3 học viên để bồi dưỡng về đường lối kháng chiến, về công tác hoạt động bí mật. Nhiều cơ sở kháng chiến được nhanh chóng phát triển ở nội ngoại thành bao gồm đủ các đối tượng học sinh, viên chức, công nhân, tiểu thương… Cái tên Nguyễn Tiến Hà, bí danh đó thực chất là việc gọi chệch của lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội” (Nguyện đổi dấu thành Nguyễn) khi anh vào địch hậu.

Bước sang năm thứ 5 của cuộc kháng chiến chống Pháp, ta đã chuyển từ thế phòng ngự sang cầm cự và chuẩn bị tổng phản công. Trước những thất bại nặng nề, địch từ chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” đã buộc phải co cụm lại, ra sức khủng bố, càn quét các vùng tạm chiếm, đặc biệt là Thủ Đô Hà Nội.

Trong cuộc chiến đấu ác liệt, giáp mặt với quân thù này, không may tháng 5/1950 anh bị địch bắt cùng sách vở với giấy tờ tùy thân, Căn cước giả mang tên    Trần Hữu Thỏa, (lại 1 bí danh khác), nghề nghiệp giáo sư. Ở Sở Mật thám, chúng tìm mọi cách dụ dỗ anh không được đã quay sang dùng mọi cực hình tra tấn man rợ, nhưng không tài nào khuất phục được người trí thức Cách mạng…

Cùng với một số đồng chí khác, anh đã tìm cách đào tường vượt ngục, trốn thoát khỏi Sở Mật thám Bắc Việt (nay là Sở Công An Hà Nội ở phố Trần Hưng Đạo). Trên đường ra căn cứ, do giao thông viên không thạo đường nên anh và 3 người nữa bị địch bắt lại. Lần này, chúng càng tra tấn anh dã man, tàn bạo hơn, tưởng đã chết, chúng đưa “xác” anh sang nhà lao Hỏa Lò đề phi tang. Song ở đây, các đồng đội- các tù nhân chính trị- đã cứu anh sống lại, thoát lưỡi hái của tử thần.

Từ cuối tháng 12/1950, anh bị chuyển sang giam ở nhà tù Hỏa Lò (Maison Centrale) chờ ngày ra tòa xét xử. Ở đây anh được các đồng chí cử vào Ban Chi ủy, sau làm Bí Thư Chi bộ bí mật của nhà lao. Nhiệm vụ nặng nề, căng thẳng là phải lãnh đạo các đồng chí, các tù nhân đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho các tù nhân. Mặt khác, cùng các đồng chí, anh đã bí mật tổ chức các lớp học văn hóa, ngoại ngữ, chính trị nhằm thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao cho: “Biến nhà tù của đế quốc thành trường học yêu nước và cách mạng”. Chính vì vậy vai trò thầy giáo lại xuất hiện, anh em trong tù thường thân mật gọi anh là thầy giáo, thầy hiệu trưởng Thỏa. Nhờ vậy sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, nhiều anh chị em có năng lực phục vụ tốt cho Tổ quốc, một số đã tiếp tục học lên cao.

Trước cửa khu di tích Nhà lao Hỏa lò- 1994

 

Cuối năm 1952, tòa án địch xử anh 18 tháng tù giam, song thời gian bị tạm giam đã gần 3 năm, nên sau buổi xử án chúng buộc phải thả anh ngay. Trở về cuộc sống tự do, anh tiếp tục bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa…

 

Thế rồi ngày Giải phóng Thủ Đô 10/10/1954, ngày vinh quang của Tổ quốc đã đến. Thầy giáo Thỏa - Nguyễn Tiến Hà - nghiêm trang trong bộ quân phục, sao vàng lấp lánh trên mũ, vinh dự đứng trong Đoàn quân Đại thắng rầm rập tiến về tiếp quản Thủ đô, giữ trọn lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội”. Trong những ngày đầu tiếp quản, do biết ngoại ngữ Anh, Pháp, anh được giao phụ trách Trại hàng binh Âu, Phi.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, năm 1955, Nguyễn Tiến Hà được chọn chuyển sang ngành Giáo dục. Lúc này Hà Nội đang cần những “giáo viên của ta” để thay đổi hệ thống, chương trình và nội dung giáo dục của chế độ cũ.

Anh Nguyễn Tiến Hà được cử làm Hiệu trưởng trường cấp II Tân Trào, vừa giảng dạy kiêm Bí thư Chi bộ. Một năm sau chuyển sang làm Hiệu trưởng trường cấp II, III Nguyễn Huệ, vẫn kiêm nhiệm như trước. Cùng thời gian này, ngành giáo dục đang sôi nổi thực hiện phương châm giáo dục của Đảng là “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”, “Học đi đôi với hành”. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Hà cùng các giáo viên, học sinh xây dựng vườn trường (Phòng thí nghiệm, thực hành ngoài trời), xưởng trường (với các bộ môn mộc, thạch cao, nữ công…). Nề nếp, kỷ cương của nhà trường chặt chẽ, học sinh có kỷ luật trong học tập, đạo đức và lao động. Kết quả học tập của các em rất tốt. Vì vậy, Nguyễn Huệ đã được công nhận là “Trường tiên tiến xuất sắc, điển hình của Thành phố”, giành cờ luân lưu. Nhiều giáo viên được khen thưởng, riêng Hiệu trưởng 3 năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, năm thứ 4 được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, của Sở giáo dục. Sau này một đồng chí giáo viên (Phạm Thế Bổng) được nhận danh hiệu Anh hùng lao động.

Đang gắn bó với trường, năm học 1960-1961 thầy Nguyễn Tiến Hà được cử đi bồi dưỡng tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP HN). Theo sự sắp xếp của trường, anh theo học khoa Địa Lý ( Khoa Sinh - Địa trước đó). Anh được bầu và đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau: Ủy viên ban Chấp hành Đảng ủy trường ĐHSP HN, Chủ tịch Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam, Thư ký Hội Liên hiệp sinh viên của trường. Biết bao công việc bộn bề của Đoàn thể, song anh vẫn hoạt động sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao. Mặc dù vậy, anh luôn luôn phấn đấu học tập tốt, liên tục đạt danh hiệu “Sinh viên tiên tiến xuất sắc” và cuối khóa học, thi tốt nghiệp đỗ “Thủ khoa”.

Với những thành tích đó anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy khoa Địa Lý, rồi tổ phó tổ Địa Lý tự nhiên, (lúc đó Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn đang làm tổ trưởng). Hơn thế nữa, anh lại được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ trường, rồi Đảng ủy cử anh vào thường vụ, phụ trách Thường trực Đảng ủy. Chưa hết, ở độ tuổi “Tam thập nhi lập” anh còn giữ chức Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh(TNCS HCM) trường, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Vào thập kỷ 60 của  thế kỷ trước, toàn ngành Giáo dục, từ các trường Phổ thông đến đại học đều hào hứng sôi nổi, thực hiện phương châm “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”, “Học đi đôi với hành”. Là một trường đầu ngành, cỗ máy cái của ngành Giáo dục, trường ĐHSP HN lại càng phải gương mẫu đi đầu. Với các cương vị quan trọng được giao phó, anh đã cùng lãnh đạo trường, các Đoàn thể ra sức xây dựng phong trào “Giảng dạy- rèn luyện” theo chuẩn “Vừa hồng- vừa chuyên” trong cán bộ giảng dạy và toàn thể sinh viên.[2]

Trước những thất bại to lớn, nặng nề trên các chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu điên cuồng mở rộng chiến tranh ra toàn miền Bắc. Chúng huênh hoang tuyên bố sẽ biến Thủ đô Hà Nội và nhiều nơi khác quay lại thời kỳ đồ đá. Phong trào Thanh niên “Ba sẵn sàng”, được dấy lên khắp mọi nơi. Người ta lại thấy người thanh niên Nguyễn Tiến Hà, người thầy giáo, đồng chí Bí thư Đoàn có mặt trên các trận địa xung kích. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban giám hiệu, trường ĐHSP HN đã phấn đấu tích cực, không ngừng vươn lên, trở thành trường “Tiên tiến xuất sắc”, đứng đầu trong các trường ĐH và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai, hạng Nhất[3].

Đầu năm 1964, anh được nhà trường duyệt cho đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Song đồng chí Bí thư Đảng ủy trường bất ngờ bị ốm phải đi chữa bệnh, điều dưỡng, vì vậy mọi công việc của Đảng lại trao cho anh đảm nhiệm (UVTV phụ trách thường trực ĐU ) .Giáo sư Phạm Huy Thông khuyên anh tạm… nán lại. Cơ hội học tập lên cao qua đi.

Đế Quốc Mỹ nổ súng gây ra vụ “ khiêu khích ở Vịnh Bắc Bộ”, mở rộng việc đánh phá bằng không quân ra toàn miền Bắc tháng 4/1964. Trường ĐHSP phải xé lẻ, sơ tán thành 3 bộ phận: Bộ phận đầu não chỉ có Văn phòng ở lại Hà Nội, do Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng phụ trách; bộ phận thứ hai sơ tán lên Việt Bắc do Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuất đảm nhiệm; bộ phận thứ ba sơ tán về Hưng Yên, Hải Dương do đồng chí Nguyễn Tiến Hà đảm nhiệm, phối hơp công tác giữa Đảng và chính quyền (gồm các khoa khoa Toán, Lý, Văn, Anh, Pháp, Nga) .Cùng lúc đó, việc giáo dục kỹ thuật tổng hợp cho học sinh phổ thông qua lao động sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên bức thiết. Sự kiện đó dội rất mạnh về trường ĐHSP HN. Qua một thời gian nghiên cứu thực tế ở các trường phổ thông, thầy giáo Nguyễn Tiến Hà đã trình bày với lãnh đạo nhà trường “Đề án đào tạo giáo viên cấp 3 dạy Kỹ thuật Nông nghiệp”. Đề án nhanh chóng được lãnh đạo trường, Bộ giáo dục xem xét và đồng ý[4] vì nó đáp ứng cho nhu cầu thực tế.

Tháng 5/1966, đồng chí Lê Huyến, Vụ trưởng Vụ tổ chức thay mặt Bộ trao quyết định thành lập “Khoa Kĩ thuật Nông Nghiệp” cho đồng chí Hà, được lãnh đạo trường ủy nhiệm nhận. Bộ yêu cầu triển khai ngay trong năm học 1966-1967. Theo đề nghị của trường, trong Quyết định Bộ cử anh làm Chủ nhiệm Khoa kỹ thuật nông nghiệp. Nhận Quyết định, anh  thấy mừng thì ít, lo thì nhiều vì đây là một nhiệm vụ mới, mục tiêu mới, trước đó chưa có một hình mẫu nào. Từ đề án chung, anh phải bắt tay ngay vào nghiên cứu, cụ thể hóa thêm về mục tiêu đào tạo, chương trình, nội dung năm thứ nhất, thậm chí ngay cho học kỳ I; cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy – học tập,; khung cán bộ tối thiểu ban đầu,v.v…

Công việc bộn bề mà nhân sự chỉ mới có 1, lại chính là đồng chí Chủ nhiệm. Một mặt phải lo chuyện tuyển sinh cho năm học mới (đối tượng tuyển sinh là giáo viên cấp II), mặt khác, Chủ nhiệm Nguyễn Tiến Hà, từ nới sơ tán, phải đạp xe đến trường Đại học Nông Nghiệp trao đổi, học tập, tham khảo để chuẩn bị chương trình, nội dung sao cho phù hợp với mục tiêu đào tạo giáo viên kỹ thuật nông nghiệp theo hướng kỹ thuật tổng hợp. Sau đó, chính tay Chủ nhiệm phải Chủ biên chương trình. Đội ngũ cán bộ công nhân viên được nhà trường quan tâm “rót về” dần dần. Mọi người cùng chung tay lo toan công việc, vừa “chiêu hiền” vừa “mộ sĩ” để kịp khai giảng đúng ngày với các khoa bạn vào tháng 9/1966. Mãi sau, cả Khoa mới có gần 30 cán bộ, công nhân viên, vừa lo mọi công việc, vừa lên lớp, soạn giáo trình kiểu “ăn đong” hiếm có. Thiếu thầy, Khoa phải mời các thầy ở nơi khác đến thỉnh giảng như: thầy Lê Quang Long (khoa Sinh, bộ môn Sinh Lý), thầy Trần Văn Hà (ĐH Nông nghiệp, chăn nuôi), thầy Bùi Huy Đáp (ĐH Nông nghiệp, cây lúa), thầy Trần Thế Thông (viện Thổ Nhưỡng)…

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ biết bao khó khăn chồng chất ở nơi sơ tán: mua tre chịu của dân để dựng lớp học, phòng thí nghiệm, làm hầm trú ẩn; vay gạo, củi, khi trường chưa kịp tiếp tế…  Nửa thế kỷ trôi qua, mỗi lần gặp nhau vào ngày 20/11 hàng năm các thầy cô, cán bộ công nhân viên vẫn xúc động nhắc lại bao kỷ niệm xa xưa…Có lần đang đêm, tin cấp báo cháy phòng thí nghiệm Hóa, thế là nhiều người từ thầy chủ nhiệm khoa đến cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phải xông tới để kịp thời dập tắt ngọn lửa và truy tìm nguyên nhân. Lần khác, khi sơ tán về xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, Hà Tây), đang đêm nước sông Hồng dâng lên, đe dọa nhấn chìm phòng thí nghiệm Vật lý có nhiều thiết bị hiếm, đắt tiền. Thế là mọi người đã vùng dậy lao trong mưa để ứng cứu. Nước cứ dâng lên đến vai, đến cổ, Chủ nhiệm, cán bộ, giáo viên, sinh viên… ai biết bơi đều lao vào phòng thí nghiệm để vác, đội các thiết bị đến nơi an toàn. Phòng thí nghiệm được cứu thoát. Thật hú vía! Trong hoàn cảnh sơ tán, Khoa được nhân dân địa phương quý trọng.

Mặc dù trải qua bao vất vả, gian lao, xong toàn Khoa vẫn phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập…vẫn nghiên cứu khoa học, vẫn hướng dẫn sinh viên đi thực tế, làm luận văn tốt nghiệp. Người ta thấy thầy Chủ nhiệm khoa có mặt ở khắp nơi sinh viên đi thực tập: Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Tây… Qua 5 khóa đầu: Kết quả sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi cao, nhiều giáo viên cán bộ công nhân viên đạt danh hiệu Tiên tiến, Chủ nhiệm được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ. Khoa liên tục đạt danh hiệu “Tiên tiến xuất sắc” được Trường cấp Giấy khen.

 

   

 Sinh viên đi thực tập (1970)

Giữa lúc khoa Kỹ thuật nông nghiệp đang phát triển thì năm 1974, nhà giáo Nguyễn Tiến Hà lại được điều về Viện khoa học giáo dục, phụ trách trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, sau sang Ban giáo dục kỹ thuật tổng hợp. Tiếp đó, anh lại được điều về Văn phòng Bộ giúp việc cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và Thứ trưởng thường trực Hồ Trúc, làm tham mưu và dự thảo nhiều văn bản của Bộ.

 

 Học Viện ISCED Ăngola (thầy Hà thứ 3 – tác giả thứ 4 từ trái sang phải)

Năm 1985, Bộ cử anh làm Trưởng đoàn chuyên gia giáo dục ĐHSP sang giúp nước bạn Angola, giảng dạy tại học Viện Đại học sư phạm ISCED ở thành phố Lubango. Vừa giảng dạy một chuyên đề của môn Địa lý, vừa làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư chi bộ. Anh lại được lãnh đạo Viện cử làm Chủ nhiệm khoa Sinh – Địa và ủy viên Hội đồng khoa học của Viện ISCED.

[5]

Cũng như tất cả các chuyên gia khác, anh phải biên soạn giáo trình, giảng dạy và hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp tốt nghiệp bằng tiếng Bồ Đào Nha. Cùng các đồng nghiệp, Nguyễn Tiến Hà đã phát huy tác dụng của Đoàn chuyên gia ĐH sư phạm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được bạn quý mến và tặng giấy khen.

Sau 2 năm hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, nhà giáo Nguyễn Tiến Hà lại trở về làm chuyên viên cao cấp ở Văn phòng Bộ giáo dục cho tới lúc nghỉ hưu vào tháng 4 – 1991.

Năm nay, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà đã 85 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, năm 2010 được Nhà Nước phong tặng danh hiệu “Nhà Giáo Ưu Tú”. Anh sống trong một căn nhà tạm đủ tiện nghi, đẹp và kín đáo trong một ngõ nhỏ của phố Tôn Đức Thắng với người vợ hiền đau yếu, người đồng chí công tác cùng khoa nay đã nghỉ hưu. Con rể là cán bộ của Khoa; hai con gái cùng tốt nghiệp Khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp. Hầu như cả gia đình anh đều gắn bó với ngành giáo dục, với Khoa Sinh – KTNN.

Hiếm có người như anh, làm thầy giáo trong mọi hoàn cảnh: Trước cách mạng mùa thu năm 1945, trong vùng địch tạm chiếm, ngay trong ngục tù của đế quốc, khi đất nước giành độc lập rồi cả nước hoàn toàn thống nhất, làm nghĩa vụ quốc tế. Trong giáo dục anh đã trải nghiệm từ TBQN, cấp I, cấp II, cấp III đến Đại học sư phạm, Viện nghiên cứu khoa học giáo dục, làm chuyên gia quốc tế, chuyên viên cao cấp giúp việc Bộ trưởng, Thứ trưởng…, vừa giảng dạy vừa làm quản lý, kiêm công tác đoàn thể.

Đến nay mỗi dịp gặp lại, các thầy, các cô, cán bộ, công nhân nhân viên của Khoa đều cùng suy nghĩ như thầy Lê Văn Tự, nguyên phó chủ nhiệm Khoa nay là GSTSKH, và cô Trần Thị Kim Ngọc: “Trong cuộc đời tôi, thời gian ở khoa KTNN là thời gian đẹp, được cống hiến hết mình, ấm áp tình người, nhiều kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên!”

 

 Kỷ niệm 32 năm thành lập khoa KTNN 1966-1998 (ngày 8/11/1998)

Về tụ hội nhân dịp 60 năm ngày thành lập trường ĐHSP, và Khoa sinh vật (một thời là Sinh vật - KTNN), thầy Lê Quang Long nắm chặt tay thầy Nguyễn Tiến Hà, nói: “Anh là nhân vật huyền thoại của ĐHSP HN, thật đấy!” Lời động viên rất đỗi “hào phóng”, song thắm đượm tình cảm của một nhân chứng – nhà giáo lão thành khả kính- một thời cùng nhau sôi nổi, hăng say cống hiến không nề gian khó dưới mái trường ĐHSP HN thân yêu..

Có người quí mến gọi anh là thầy giáo của nhân dân, người thợ thiết kế và đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Khoa KTNN. Song điều quý nhất ở anh là suốt nửa thế kỷ qua, anh đã đem hết tình cảm, tài năng của mình cống hiến cho giáo dục, cho cách mạng. Vì vậy tôi gọi anh là Nhà giáo Ưu tú, Người Chiến sỹ cách mạng. Anh là người rất hạnh phúc vì đã đem lại bao niềm vui và hạnh phúc cho người khác mặc dù phải trải qua nhiều vất vả, gian lao, thậm chí vượt qua cả những trận đòn tàn bạo của kẻ thù.

Viết đôi dòng về anh để nói lên lòng quý trọng với người anh, người bạn vong niên tôi được quen biết mấy chục năm nay. Tôi ước mong trong cuộc đổi mới đất nước hôm nay cũng sản sinh ra nhiều người biết sống và làm việc như anh, một con người giầu tình cảm và nhân cách cao thượng./.

Hà nội, ngày 12 – 05 – 2012

Nguyễn Đăng Tiến

- Nguyên trưởng phòng lịch sử giáo dục, Viện khoa học giáo dục Việt Nam

- Chuyên gia tại viện ISCED Lubango (Angola) khóa 1985 – 1987.

 
 

Source: 
19-10-2012
Tags