NHÂN NĂM DẦN TÌM HIỂU THÊM VỀ LOÀI HỔ

Hổ là cái tên chung để gọi các loài trong giống Panthera thuộc phân họ Mèo lớn Pantherinae, họ Mèo Felidae, phân bộ Feliformia, bộ thú Ăn thịt Carnivora, lớp Động vật có vú Mammalia. Trên thế giới, phân họ Mèo lớn (Big cats) có 7 loài thuộc hai giống là NeofelisPanthera. Giống Panthera Oken, 1816 hiện chỉ có 2 loài là Báo tuyết (Panthera uncia) và Hổ (Panthera tigris). Hổ là loài có kích thước lớn nhất trong họ Mèo với chiều dài đầu thân: 146-290cm, đuôi: 72-109 cm, nặng 75-325 kg. Con đực lớn hơn con cái (Wilson & Mittermeier eds., 2009).

Những nghiên cứu từ trước đến nay đã xác định có 8 phân loài Hổ. Tuy nhiên, 3 phân loài đã được xác định là tuyệt chủng gồm: Panthera tigris balica, P.t. sondaica, P.t. virgata. Gần đây một phân loài hổ nữa từ bán đảo Malaysia cũng được đề xuất là P.t. jacksoni nhưng vẫn còn nhiều tranh luận. Như vậy còn lại 5 phân loài hổ đang được công nhận hiện nay là: P.t.tigris, P.t. altaica, P.t. amoyensis, P.t. corbetii, P.t. sumatrae. Phân loài P.t amoyensis có lẽ cũng đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Năm 2009, Driscoll et al. đã tiến hành phân tích di truyền phân tử và xây dựng cây quan hệ phát sinh loài của quần thể hổ (hình 1).

Hình 1. Sơ đồ mối quan hệ phát sinh loài của quần thể hổ dựa trên kết quả nghiên cứu của Driscoll et al. (2009)

Dựa vào các đặc điểm hình thái, sinh thái và phân tử của tất cả các phân loài hổ hiện biết Wilting A. et al. (2015) đã phân tích theo phương pháp kết hợp. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các tác giả đề xuất chỉ công nhận hai phân loài hổ đó là P.t. tigris bao gồm các quần thể hổ Bengal, Mã Lai, Đông Dương, Nam Trung Quốc, Siberi, Caspian và phân loài hổ thứ hai là P.t. sondaica bao gồm các quần thể hổ Java, Bali và Sumatra. Các tác giả cũng thừa nhận rằng việc phân loại hổ lại như thế này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý bảo tồn hổ. Tuy nhiên, đề xuất này sẽ giúp các chương trình nhân nuôi hổ trong tương lai trở nên dễ dàng hơn.

Hình 2. Hình vẽ nhận dạng một số phân loài hổ (Panthera tigris) (nguồn: Wilson & Mittermeier eds., 2009)

Hổ là loài thú lớn ăn thịt nên nó có vai trò quan trọng trong duy trì cân bằng hệ sinh thái qua việc điều chỉnh số lượng quần thể các con mồi của nó trong chuỗi thức ăn. Năm 2010, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng châu Á về bảo tồn hổ diễn ra tại Nga, Việt Nam và 12 quốc gia có phân bố tự nhiên của hổ đã cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã trên thế giới vào năm 2022 - năm Nhâm Dần, năm con Hổ. Theo báo cáo của Global Tiger Forum (2016) dựa trên các nguồn số liệu thống kê khác nhau, tính đến tháng 4/2016 trên thế giới ước tính có 3890 cá thể hổ còn tồn tại ngoài tự nhiên (bảng 1). Con số này cho thấy số lượng hổ ngoài tự nhiên trên toàn thế giới đã tăng khoảng 690 cá thể so với năm 2010. Ngày 16/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022, với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm; từng bước phục hồi và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu của Hội nghị bảo tồn hổ thế giới. Theo ước tính của IUCN (2015), Việt Nam ước tính chỉ còn khoảng dưới 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, Việt Nam không có ghi nhận nào về hổ hoang dã và cũng không có khảo sát quốc gia nào về hổ ngoài tự nhiên.

Bảng 1. Thống kê số lượng hổ tự nhiên ở các nước trên thế giới tính đến tháng 4/2016 (Global Tiger Forum, 2016).

Hổ phân bố ở Việt Nam thuộc phân loài P.t. corbetti Mazak, 1968, có kích thước nhỏ hơn so với các phân loài hổ khác. Ngoài tự nhiên, hổ có vùng hoạt động rất lớn ở các vùng rừng núi với nhiều kiểu rừng, kể cả các vùng cây bụi, lau lách, cỏ tranh trong rừng. Chúng không sống cố định, hoạt động nhiều vào ban đêm. Hổ có thể giao phối quanh năm nhưng tập trung vào một số tháng nhất định tùy từng vùng. Thời gian mang thai khoảng 100 ngày, mỗi lứa đẻ thường 2-3 con nhưng có thể nhiều hơn. Hổ con tách mẹ sống độc lập khi 18-28 tháng tuổi. Hổ cái bắt đầu sinh sản ở 3-4 năm tuổi, hổ đực trưởng thành muộn hơn 4-6 năm. Ở nước ta, hổ đã được ghi nhận ở Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Biên Hòa. Hổ được phân hạng ở mức độ CR (Rất nguy cấp) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và ở mức độ EN (Nguy cấp) trong Danh lục Đỏ IUCN (2022).

Trong khi hổ hoang dã còn lại rất ít và hầu như không được ghi nhận ngoài tự nhiên thì số hổ nuôi nhốt có đăng kí tại Việt Nam đã tăng từ 97 cá thể (năm 2010) lên tới 364 cá thể (2021), chủ yếu nuôi tại các cơ sở tư nhân. Trong bối cảnh hiện nay, việc thắt chặt quản lý các cơ sở nuôi nhốt hổ không vì mục đích thương mại là vô cùng cần thiết. Do đó cần phải tiến hành điều tra, thống kê, lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi nhốt tại Việt Nam và thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ theo yêu cầu bảo tồn. Đồng thời cũng cần xem xét hoàn thiện các văn bản pháp lý để ngăn ngừa việc các đối tượng lợi dụng vỏ bọc cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại để thực hiện các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.

TS. Benjamin Rawson, Giám đốc bảo tồn và phát triển Chương trình WWF cho rằng “Là một quốc gia đang phát triển nhanh trong khu vực, Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để giúp phục hồi quần thể hổ ở Đông Nam Á bằng việc chấm dứt buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp hổ ở Việt Nam; loại bỏ các trang trại hổ hiện đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực giảm cầu đối với các sản phẩm từ hổ; tăng cường nguồn lực cho các khu bảo tồn để ngăn chặn săn trộm và phục hồi quần thể thú mồi của hổ nhằm chuẩn bị môi trường sống đầy đủ và an toàn cho việc tái thả hổ tại Việt Nam trong tương lai” (WWF, 2021).

Để phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, hiện nay Bảo tàng Sinh vật, khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong ít các cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam đang lưu giữ một mẫu hổ trưởng thành thuộc phân loài hổ P.t. corbetti. Một mẫu hổ con sau khi sinh bị chết ở Vườn thú Hà Nội cũng được lưu giữ tại bảo tàng. Ngoài ra, bảo tàng cũng đang lưu giữ trưng bày một số mẫu vật quý thuộc họ Mèo như báo gấm, báo hoa mai, mèo rừng.

 

Hình 3. Mẫu hổ trưng bày tại Bảo tàng Sinh vật HNUE (Ảnh. Hùng Sơn)

Hình 4. Mẫu hổ con lưu giữ tại Bảo tàng Sinh vật HNUE (Ảnh. Hùng Sơn)

Hình 5. Mẫu báo hoa mai trưng bày tại Bảo tàng Sinh vật HNUE (Ảnh. Hùng Sơn)

Hình 6. Mẫu báo gấm trưng bày tại Bảo tàng Sinh vật HNUE (Ảnh. Hùng Sơn)

Hình 7. Mẫu mèo rừng trưng bày tại Bảo tàng Sinh vật HNUE (Ảnh. Hùng Sơn)

Hy vọng với sự nỗ lực, chung tay của cả cộng đồng trong đó có các nhà sinh học từ khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, những nghiên cứu, điều tra về hổ, những giải pháp bảo tồn và phục hồi quần thể hổ ngoài tự nhiên sẽ dần có kết quả tốt đẹp. Cùng chia sẻ những hành động tốt đẹp để phục hồi và bảo vệ những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam của chúng ta./.

Tài liệu tham khảo:

Wilson, D.E. & Mittermeier, R.A. eds. (2009). Handbook of the Mammals of the World. Vol.1.Carnivores. Lynx Edicions, Barcelona.

Driscoll, C. A.; Yamaguchi, N.; Bar-Gal, G. K.; Roca, A. L.; Luo, S.; MacDonald, D. W. & O'Brien, S. J. (2009). "Mitochondrial Phylogeography Illuminates the Origin of the Extinct Caspian Tiger and Its Relationship to the Amur Tiger"PLOS ONE4 (1): e4125, doi:10.1371/journal.pone.0004125.

Wilting, A.; Courtiol, A.; Christiansen, P.; Niedballa, J.; Scharf, A. K.; Orlando, L.; Balkenhol, N.; Hofer, H.; Kramer-Schadt, S.; Fickel, J. & Kitchener, A. C. (2015). "Planning tiger recovery: Understanding intraspecific variation for effective conservation"Science Advances11 (5): e 1400175, doi: 10.1126/sciadv.1400175.

Global Tiger Forum (2016). "Global wild tiger population status, April 2016". Global Tiger Forum, WWF.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2007. Sách Đỏ Việt Nam, Phần I. Động vật. Nxb Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.

IUCN, 2022. The IUCN Red List of Threatened Species. Version 2021-3. https://www.iucnredlist.org.

WWF, 2021. Việt Nam có thể góp phần phục hồi hổ hoang dã trong khu vực bằng cách chấm dứt buôn bán, tiêu thụ và nuôi nhốt hổ bất hợp pháp. Nguồn: https://vietnam.panda.org

 

 


Source: 
10-02-2022
Tags