NHỮNG NGÀY KHÔNG QUÊN

Cách đây không lâu, trong đợt dịch Covid lần thứ nhất năm 2020, đài Truyền hình Việt Nam có phát sóng bộ phim “Những ngày không quên” và mới đây là bộ phim “Ngày mai bình yên”, nói về cuộc sống của người dân trong những ngày chống dịch ác liệt.

Khi theo dõi hai bộ phim đó, tự nhiên tôi lại liên tưởng đến những ngày cách đây hơn 50 năm. Khi ấy Miền Bắc nước ta còn đang trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cuộc sống của người dân cũng đã phải chịu những đảo lộn, đối diện với những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Mọi người cũng phải tìm cách thích ứng với hoàn cảnh mới để sống được và thắng giặc. Cũng chính trong những ngày đó, đã để lại trong tôi những kỉ niệm khó quên. Khi miền Bắc và Hà Nội nói riêng, bước vào giai đoạn bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt thì các cơ quan, trường học... đóng trên địa bàn thủ đô phải đi sơ tán về các vùng nông thôn hay rừng núi xa xôi an toàn hơn. Thành phố vắng lặng, nhà nhà cửa đóng, then cài chỉ còn lại những bộ phận trực chiến làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội của chúng tôi cũng phải đi sơ tán. Khoa Sinh học khi đó đi lên vùng rừng núi huyện Đại Từ - Thái Nguyên. Tôi còn nhớ lần đi sơ tán đó hầu như các cán bộ trong Khoa không ai mang theo gia đình. Trước khi lên đường, Trường và Khoa đã phổ biến kĩ lưỡng về việc bảo mật nơi sơ tán, có nhiều điều, nhưng tôi nhớ nhất có hai điều: (1) Không được để lộ địa chỉ cụ thể của nơi sơ tán; (2) Không được phép cho người thân đến thăm “trừ trường hợp hết sức đặc biệt”. Trường hợp đặc biệt tôi nhớ xảy ra có một lần: Một cô giáo ở Bộ môn Di truyền có chồng chuẩn bị đi chiến trường B xin phép được lên thăm và chia tay vợ, Khoa thông cảm và cho phép. Nhưng hai người chỉ được hẹn gặp nhau tại một cái “chuồng trâu” đã bỏ hoang, cách xa nơi ở khoảng 3 - 4 km và hai người cũng chỉ được gặp nhau trong thời gian ngắn (không rõ là bao nhiêu phút) rồi lưu luyến chia tay!. Sau này chúng tôi cứ gọi vui đó là “cuộc hò hẹn chuồng trâu” khó quên!.

Nơi Khoa “đóng quân” là một thôn nhỏ ở thung lũng núi thuộc xã Ký Phú cách ga tàu hỏa Thái Nguyên trên dưới 40 km di chuyển bằng đường bộ. Mọi người được bố trí vào ở nhờ nhà dân, ăn tập trung ở bếp ăn tập thể với Khoa. Mấy ngày đầu, cả Khoa phải nhanh chóng xây dựng lán làm lớp học và bếp ăn. Mọi người không trừ một ai, tùy theo sức khỏe, tham gia các công việc như vào rừng chặt tre nứa, đốn gỗ, cắt lá cọ, xây dựng khung nhà, lợp mái, trát vách.... Thầy Trần Xuân Nhĩ (sau này là thứ trưởng) chỉ đạo công việc, xây dựng rất tích cực. Mấy hôm sau nữa, có thêm vài chuyến ô tô của Trường chở theo dụng cụ học tập và đồ dùng dạy học. Nhưng xe không thể đến nơi ở được, mà phải để hàng ở nơi chung chuyển (chính là “chuồng trâu hò hẹn” nói trên). Thế là tất cả thầy trò hò nhau ra chuyển đồ về, người khỏe thì quang gánh mang vác nặng, người yếu mang ít một. Tôi được hai tay sách hai kính hiển vi đựng trong hộp gỗ cũng khá nặng nhưng vừa đi vừa nghỉ, cuối cùng cũng về đến nơi an toàn.

Ở chốn rừng núi xa xôi này khá yên ổn, hầu như không phải tránh máy bay địch, hàng ngày không phải nghe tiếng còi báo động rú lên. Mọi người không sợ tập trung đông, không phải đứng cách xa nhau 2m, cũng không phải đeo khẩu trang khi ra ngoài (như bây giờ). Do ở gần nhau nên ngoài giờ lên lớp, lúc rảnh rỗi có thể sang chơi nhà nhau, ăn tập thể ngày hai bữa gặp gỡ ở bếp ăn tha hồ trò chuyện vui vẻ. Cuộc sống dần ổn định, cảm thấy đỡ nhớ nhà, vui hơn và nhất là cảm thấy gắn bó với tập thể hơn.

Đến năm học sau, Khoa lại có chuyến sơ tán về gần Hà Nội: huyện Phúc Thọ (thuộc Sơn Tây cũ) cách Trường khoảng 50 km. Ở nơi sơ tán này mọi người có thể mang theo gia đình, con cái, một số được hợp lí hóa gia đình xin cho người thân làm việc tại Khoa. Việc ăn uống cũng không bắt buộc phải ăn tập thể nữa, ai có điều kiện có thể nấu ăn theo gia đình hoặc theo nhóm tùy điều kiện kinh tế. Tình hình đỡ căng thẳng hơn, mọi người có thể thi thoảng đạp xe về thăm gia đình, tiếp tế lương thực hoặc tranh thủ công tác. Nhưng để tránh máy bay, các cuộc họp chuyên môn và công đoàn khoa đều phải làm việc vào tối hoặc sáng sớm. Như vậy, mỗi lần về thăm nhà trở lại nơi sơ tán phải đạp xe từ lúc 2 hoặc 3 giờ sáng để kịp cho cuộc họp lúc sáng sớm.    

Khi tình hình đánh phá không còn căng thẳng nữa, Khoa chuẩn bị rút về thành phố nhưng lại chưa về hẳn trường ở Cầu Giấy mà vẫn phải lên lớp ở xã ngoại thành Mỹ Đình. Trước khi chia tay với dân làng, Khoa có tổ chức một buổi liên hoan văn nghệ. Yêu cầu tất cả các Bộ môn đều phải có tiết mục tham gia. Chương trình với nhiều tiết mục phong phú, nhưng với tôi có hai tiết mục đáng ghi nhớ đó là: tốp ca cán bộ nữ với bài “Con kênh xanh xanh”. Bài ca đang nửa chừng thì từ phía khán giả nhí (là con em của cán bộ trong Khoa và dân làng) đang ngồi bệt dưới đất phí đối diện sân khấu, có một chú nhóc bỗng đứng nhổm dạy vỗ tay, quên mất chiếc quần đùi đang mặc có lẽ bị lỏng chun đã bị tụt xuống dưới rốn. Một cô giáo đang hát không nhịn được cười làm cho tốp ca suýt bị lạc giọng. Tiết mục tưởng chừng bị gãy nhưng may thay mọi người đều không để ý vẫn vỗ tay tán thưởng. Tiết mục thứ 2 đáng ghi nhớ với tôi là “Vở kịch ngắn” của Bộ môn Thực vật, một tác phẩm thì đúng hơn, tự biên tự diễn, chẳng có kịch bản, chẳng có vai chính, vai phụ những người tham gia chỉ bàn nhau nội dung cũng tập dượt vài ba buổi trước rồi lên diễn. Có lúc quên cả lời thoại. Tác phẩm lôi kéo được phần lớn các thành viên trong Bộ môn tham gia, nội dung nhẹ nhàng nói về việc Khoa chuẩn bị trở về Trường, chia tay với dân làng. Tình cảm gắn bó giữa địa phương với Khoa thông qua cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa một cụ bà trong thôn với mấy thầy giáo, rồi những công việc cần làm trước mắt và nhất là ổn định tư tưởng, nóng vội của một vài cán bộ trẻ khi được tin sắp trở về Trường. Tuy có vài điều “lên lớp” của bí thư chi đoàn nhưng cuối cùng mọi người cũng thoải mái thông suốt. Vở kịch kết thúc vui vẻ nhẹ nhàng, được hoan nghênh nhiệt liệt. Và điều thú vị nhất là lần đầu tiên Bộ môn Thực vật của chúng tôi tham gia văn nghệ quần chúng lại được giải Nhất (Chỉ được tuyên bố suông chứ không có phần thưởng gì).

Giờ đây, đã hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng khi nhớ lại những ngày cùng nhau sống và làm việc ở nơi sơ tán, tuy cũng có những lúc khó khăn, vất vả thiếu thốn, nhưng tôi vẫn thấy vui và ấm lòng. Và tôi cho rằng chính nhờ những ngày sống gần nhau đó mà tình cảm gắn bó giữa mọi người trong Khoa Sinh học nói chung (nhất là trong Bộ môn Thực vật) chúng tôi được lưu giữ mãi đến bây giờ!

                                                                                                       Bài: Hoàng Thị Sản- Bộ môn Thực vật học


Source: 
25-11-2021
Tags