SEMINAR TRAO ĐỔI HỌC THUẬT CỦA CHI ĐOÀN CÁN BỘ KHOA SINH HỌC (KÌ I) ĐÃ THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Mở đầu buổi seminar, TS. Lê Thị Thủy, Phó Bí thi chi đoàn Cán bộ, giới thiệu về mục đích của buổi học thuật, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, những khó khăn cũng như những thành tích mà các thành viên của Chi đoàn Cán bộ đã đạt được. Buổi seminar học thuật lần thứ I với sự tham gia của TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, TS. Lê Thị Tươi, TS. Triệu Anh Trung (báo cáo online từ Tây Ban Nha) và đặc biệt là sự tham gia của PGS. TS. Trần Đức Hậu, Phó Trưởng khoa Sinh học.

Báo cáo của TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh về “Nghiên cứu mối liên quan của thói quen ăn uống và hoạt động thể lực với tỉ lệ mỡ cơ thể ở trẻ em 11 - 15 tuổi tại Hà Nội sử dụng phương pháp học máy”. Đây là kết quả của sự phối hợp nghiên cứu liên ngành giữa lĩnh Sinh học và lĩnh vực tin học. Đề tài đã thu được những kết quả khả quan như xác định thành công sáu nhóm yếu tố liên quan đến tỉ lệ mỡ cơ thể ở thanh thiếu niên, tìm ra các yếu tố có mối liên quan mạnh với tỉ lệ mỡ cơ thể, đồng thời gợi ý chế độ ăn uống, hoạt động thể lực để giúp duy trì tỉ lệ mỡ cơ thể tốt. Đây là một hướng nghiên cứu mới, triển vọng trong tương lai dựa vào công nghệ AI, phương pháp học máy giúp cho việc xác định cụ thể các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ từ yếu tố môi trường và di truyền đối với các bệnh của con người giúp dự đoán nguy cơ, cũng như xây dựng phương pháp phòng và điều trị mang lại hiệu quả cao.

Ảnh 1. TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh giới thiệu về nghiên cứu sử dụng phương pháp học máy giúp xác đinh mối liên quan của một số yếu tố với tỉ lệ mỡ cơ thể ở trẻ em

TS. Lê Thị Tươi giới thiệu về hướng nghiên cứu liên quan sâu đến sinh học phân tử “Nghiên cứu sự glycosyl hóa bằng enzyme các hợp chất xanthone có trong vỏ quả măng cụt, tạo dẫn xuất và phân lập, đánh giá hoạt tính kháng ung thư, kháng khuẩn”. Vỏ quả măng cụt là phế phẩm, chất thải nông nghiệp thường bị bỏ đi, nhưng nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh trong vỏ quả măng cụt giàu các hợp chất xanthone, nhiều hoạt tính sinh học có thể ứng dụng trong dược, mỹ phẩm. Bằng việc tạo cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt, glycosyl hoá của α-mangostin và β-mangostin, nhóm nghiên cứu đã đánh giá hoạt tính kháng ung thư trên bốn dòng tế bào ung thư gồm KB, HepG2, Lu1 (hoặc A529), MCF7. Đề tài mở ra hướng nghiên cứu tiếp theo về cơ chế kháng ung thư và kháng khuẩn của các sản phẩm a-mangostin glycoside sau chuyển hoá.

Ảnh 2. TS. Lê Thị Tươi trình bày về glycosyl hóa các hợp chất xanthone có trong vỏ quả măng cụt, tạo dẫn xuất và phân lập, đánh giá hoạt tính kháng ung thư, kháng khuẩn

Báo cáo của TS. Triệu Anh Trung cập nhật về một số nghiên cứu mới trong lĩnh vực sinh học phân tử của vi khuẩn và vi nấm gây bệnh trên người, trong đó bao gồm hai chủ đề chính: (1) Nghiên cứu về chức năng của họ gen myosin II đối với đặc điểm kiểu hình và khả năng gây bệnh của loài nấm gây bệnh Mucor circinelloides, (2) Tổng quan và kết quả nghiên cứu về cơ chế điều hoà biểu hiện gen ở vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Loài vi khuẩn này đã và đang là một tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên người. Nhóm nghiên cứu tập trung phân tích vai trò của các phân tử RNA đối mã, RNA mạch kép và vai trò của các cấu trúc operon gián đoạn trong việc điều hoà biểu hiện của các gen liên quan.

Ảnh 3. TS. Triệu Anh Trung trình bày về một số nghiên cứu mới trong lĩnh vực sinh học phân tử của vi khuẩn và vi nấm gây bệnh trên người

Bài trình bày của khách mời, PGS. TS. Trần Đức Hậu, giới thiệu khái quát các nhiệm vụ khoa học và công nghệ: chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ cấp Quốc gia, cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp trường. Điều đầu tiên cần quan tâm đến yêu cầu của mỗi nhiệm vụ khoa học và các bước của việc thực hiện đề tài khoa học công nghệ. Trong các bước thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Trần Đức Hậu nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu xây dựng thuyết minh và dự toán kinh phíquá trình triển khai, thực hiện đề tài. Đây là hai khâu quyết định sự thành công của một đề tài. Chủ nhiệm đề tài chú ý các điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với các quy định, nội dung và mục tiêu cũng như yêu cầu về sản phẩm. Điều quan trọng là sự chia sẻ kinh nghiệm từ đồng nghiệp trong các khâu thực hiện sẽ góp phần đề tài nghiệm thu đúng hạn. Và kết thúc cho buổi trình bày của mình, PGS.TS. Trần Đức Hậu có nhắn nhủ: “Luôn tin tưởng là mình sẽ hoàn thành đề tài. HÃY LUÔN TIN VÀ THÀNH CÔNG SẼ ĐẾN!”.

Ảnh 4. PGS.TS. Trần Đức Hậu chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp những khó khăn về việc thực hiện đề tài các cấp

Cuối buổi trình bày là các “chất vấn”, thắc mắc của các đại biểu để hiểu thêm, hiểu sâu hơn về các lĩnh vực nghiên cứu quan tâm. Buổi seminar học thuật quý I của Chi đoàn Cán bộ đã thành công rực rỡ với những kinh nghiệm mà báo cáo viên chia sẻ, những bài học và những giải đáp giúp “gỡ rối” cho các thành viên trong Chi đoàn để cán bộ trẻ có thể tìm được những hướng nghiên cứu mới, những kinh nghiệm để có thể đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong nghiên cứu khoa học.

Ảnh và bài: Nguyễn Thị Trung Thu

 


Source: 
24-01-2024
Tags