SINH VIÊN KHOA SINH HỌC VỚI KHÓA HỌC SINH HỌC BIỂN QUỐC TẾ TẠI ĐẢO SADO, NHẬT BẢN NĂM 2023

Được tài trợ hoàn toàn bởi Học bổng Khoa học Sakura, khóa học nhằm cung cấp cho người tham gia hiểu biết toàn diện về đa dạng sinh học động vật biển thông qua các hoạt động nghiên cứu thực địa khác nhau trên đảo Sado, Nhật Bản. Mặc dù khóa học chỉ kéo dài một tuần, nhưng các sinh viên đã tiếp thu được nhiều kiến thức và kinh nghiệm không chỉ về sinh vật biển mà còn về văn hóa và vẻ đẹp của đất nước Nhật Bản và các quốc gia khác, giúp các bạn có cơ hội để phát triển bản thân trong tương lai.

Ngày đầu tiên đến đảo Sado, sinh viên được tham quan trạm Sado và hướng dẫn sinh hoạt tại đây. Sau bữa trưa, người tham dự giới thiệu bản thân cũng như làm quen với các nhân viên của SMBS, các giảng viên và sinh viên nước ngoài đến từ Hồng Kông, Bangladesh, Ấn Độ và Nhật Bản. Tiếp theo là hai bài giảng “Classification: The Diversity of Organisms” của TS. Omori Akihito, SMBS và “Characteristics of the Japan Sea and Marine Animals” của GS. Ando Hironori, ​​SMBS được trình bày, giúp sinh viên nắm bắt được đa dạng sinh học của Nhật Bản và thế giới. Vào cuối ngày đầu tiên, những người tham gia đã tham gia bữa tiệc ice-breaking, nơi đó mọi người có thể làm quen, trò chuyện.

Ngày thứ hai, sinh viên được tham dự hai bài giảng “Marine Biology & Initial findings of applying modern techniques in studying occurrence of early stages of fish in Vietnamese estuaries” của PGS.TS. Trần Đức Hậu và “Biota and Environmental Change in the Japan Sea Revealed by Data Science and environmental DNA Analysis” của TS. Masaaki Yoshida. Sau bài giảng đầu tiên, sinh viên háo hức khi được lặn để thu mẫu động vật tại vùng triều của đảo Sado. Sau bài giảng thứ hai, sinh viên tham dự tiết học với chủ đề “Marine animals of Sado Island”. Tiếp theo, sinh viên được trực tiếp quan sát quá trình thụ tinh và quá trình phát triển của phôi loài nhím biển qua kính hiển vi. Cuối cùng, vào buổi tối, sinh viên tham gia thực địa buổi tối, với nhiều loài cá, giáp xác, thân mềm được thu và được hướng dẫn về cách làm bài thuyết trình sẽ diễn ra vào ngày thứ tư của khóa học.

Vào ngày thứ ba, người tham dự được hướng dẫn thu thập sinh vật phù du và sinh vật đáy bằng tàu khảo sát của trạm và sau đó quan sát chúng bằng kính hiển vi trong phòng thí nghiệm. Đến buổi chiều, sinh viên được nghe bài giảng “Evaluation of Molting and Growth Performance of Shrimp/Prawn in Coastal Aquaculture” của GS. Md. Nurul Absar Khan và TS. Md. Mahiuddin Zahangir (CVASU). Sau đó, sinh viên có chuyến tham quan mỏ vàng Sado và vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh lịch sử. Đây là hoạt động thực sự gây hứng thú cho mọi người. Khi tối đến, mọi người thích thú với hoạt động xem đom đóm biển (Umi – Hotaru, Vargula hilgendorfii) phát quang trong bóng tối.

Đến ngày thứ tư, người học tham dự bài giảng “Features and Biodiversity of Indian Coasts” của TS. Prabhakaran Priyaja từ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Cochin, Kochi, Ấn Độ. Vào buổi chiều, các sinh viên trình bày kết quả nghiên cứu của cá nhân và nhóm, đồng thời, trả lời các câu hỏi từ người nghe. Sau đó, người tham dự cùng nhau dọn dẹp phòng thí nghiệm và thả các loài động vật trở về nơi chúng được thu vào ngày hôm trước. Buổi tối cuối cùng ở đảo Sado được mọi người chờ đợi, khi ban tổ chức chuẩn bị bữa tiệc BBQ chia tay, nơi đó các giảng viên và sinh viên đã có những cuộc trò chuyện về hợp tác trong thời gian tới.

Sáng ngày thứ năm, sinh viên hoàn thành bảng câu hỏi và chụp ảnh nhóm trước khi trở lại Tokyo. Các thành viên tham gia đã đến tham quan Tokyo Sea Life Park vào ngày tiếp theo, nơi có thể quan sát nhiều loài động vật biển từ nhiều vùng biển khác nhau trên thế giới. Những người tham dự thực sự ấn tượng với đầu tư bài bản và khoa học khi tạo được môi trường sống cho các loài động vật như ngoài tự nhiên. Buổi chiều, đoàn ghé thăm Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia, ở đó các mô hình trưng bày về những thành tựu trong lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học và sinh học.

Cảm nghĩ và chia sẻ của các bạn sinh viên khoa Sinh học tham dự 2023

“Khóa học này đã mở ra những cánh cửa để chúng tôi khám phá và mở rộng tầm nhìn của mình. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn GS. ANDO, PGS. IIDA, TS. OMORI và TS. KAWASAKA đã cho chúng tôi cơ hội đặc biệt này. Thông qua sự hỗ trợ và hướng dẫn tận tâm của họ, chúng tôi không chỉ hiểu biết về Sinh vật biển, văn hóa Nhật Bản và các quốc gia khác mà còn nuôi dưỡng mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm đã tiếp thu được của chúng tôi với nhiều học sinh, sinh viên hơn. Chúng em cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đến thầy Trần Đức Hậu đã quan tâm và giúp đỡ chúng em rất nhiều trong suốt hành trình này”.

“Đây thực sự là một khóa học vô cùng hấp dẫn và thư giãn. Trong suốt khóa học, tôi đã có thêm kiến thức về phân loại học cũng như sinh học biển thông qua các bài giảng và hoạt động nhóm. Trong khóa học này, tôi được lần đầu trải nghiệm lặn ống thở và thu mẫu vật – điều mà tôi cảm thấy thú vị và đáng nhớ nhất.” – Đỗ Linh Chi

“Chúng tôi không chỉ được tiếp xúc với phong cách làm việc chuyên nghiệp mà còn nhận được sự đón tiếp nồng hậu, tận tâm, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Sự hỗ trợ nhanh chóng của họ giúp tôi giải quyết tình huống hiệu quả và tận hưởng trọn vẹn khóa học. Trải nghiệm này luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Đây là lần đầu tiên và đặc biệt nhất của tôi ở Nhật Bản.” – Nguyễn Hồ Văn Giáp

“Sau khi trở lại Việt Nam, tôi có thể cảm nhận rõ nỗi nhớ và sự buồn bã của bản thân. Tôi đã có những trải nghiệm thực sự khó quên khi ở Nhật Bản và nhất là khi tham gia khóa học tại đảo Sado. Trải nghiệm này chính là bước chân đầu tiên của tôi trên con đường trở thành một nhà nghiên cứu khoa học, tôi mong muốn trong tương lai tôi có thể có thêm cơ hội để học tập và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và cởi mở như tôi đã được trải nghiệm trong khóa học này.” – Khương Yến Nhi

Hình 1: Bữa tối ice-breaking giúp mọi người làm quen với nhau

Hình 2: PGS. TS. Trần Đức Hậu đưa ra nhiệm vụ nhóm trong bài giảng

Hình 3: Hoạt động lặn để thu thập mẫu vật

Hình 4: Hoạt động trong phòng thí nghiệm

Hình 5:  Người tham gia khóa học thu thập động vật sống về đêm

Hình 6: Dùng lưới có mắt lưới nhỏ để bắt sinh vật phù du

Hình 7: Sinh viên cùng các em lớp mầm non tại Sado Kinzan

Hình 8: Bài thuyết trình của nhóm sinh viên

Hình 9: Bữa tiệc BBQ chia tay

Hình 10: Ảnh nhóm IMBC 2023 tại Trạm nghiên cứu Sado

Hình 11: Ảnh nhóm với biểu tương chim Toki tại cảng Ryotsu (Sado)

Hình 12: Ảnh nhóm ở Tokyo Sea Life Park

Hình 13: Bể cá mô phỏng hệ sinh thái ở Biển Đỏ trưng bày ở Tokyo Sea Life Park

Ảnh: Sado IMBC 2023; Bài: Linh Chi, Yến Nhi, Văn Giáp


Source: 
11-08-2023
Tags