SƠ TÁN

Năm 1963, tôi vào đại học. Thời ấy, sinh viên đều ở tập trung trong trường, chủ nhật mới được ra ngoài. Chúng tôi sinh hoạt theo hiệu lệnh bằng kẻng của nhà trường.

Năm giờ sáng, kẻng báo thức. Trời còn tối đen như mực mà sinh viên đã ào ào kéo nhau xuống sân để tập thể dục. Sau đó, mọi người chen chúc rửa mặt và đi vệ sinh trong các khu tập trung. Từ 5h30’ đến 6h30’ là thời gian tự do. Mọi người thường ôn bài trước khi lên lớp. Ai có tiền thì ra căng tin ăn phở. Thời đó, phở được gọi là “phở không người lái” tức là chỉ có bánh phở chứ không có thịt. Ấy thế mà đó cũng là bữa sáng cao cấp rồi. Giá bát phở chỉ có 2 hào rưỡi nhưng ít người có tiền để ăn. Nhóm tôi có 3 người (Thời đó, các lớp chia ra thành các nhóm 3 người để giúp đỡ nhau trong học tập). Bọn tôi chỉ có thể mua chung một củ khoai lang rồi cắt ra làm 3 đoạn. Mỗi đứa được một miếng thế mà ngồi nghiêm túc quanh nhau như đi ăn cỗ, ấy vậy mà cũng thấy ấm lòng.

Sáu rưỡi sáng, kẻng báo. Mọi người xuống tập hợp và đi lên lớp. Suốt ngày, toàn trường đều làm việc theo các hiệu lệnh từ kẻng của Ban Giám hiệu. Cuộc sống của sinh viên giống như ở các doanh trại bộ đội. Chúng tôi dần dần vào nề nếp.

Thời ấy, chiến tranh lan rộng ở miền Nam. Anh em các lớp trên luôn sẵn sàng ghi tên đi B (tức là vào chiến trường miền Nam). Cứ chiều chiều, họ buộc các bao cát vào chân rồi tập đi quanh sân vận động để rèn luyện. Ai cũng sẵn sàng lên đường vào chiến trường. Bọn tôi nhìn các anh ấy mà nể lắm.

Thế rồi, ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ leo thang đánh ra miền Bắc. Không khí chiến tranh nặng nề.

Một hôm, thầy Hoàng Toản Nhung (lúc ấy là thư kí Khoa) tập hợp tất cả các sinh viên lại. Trong không khí căng thẳng, thầy tuyên bố: “Giặc Mỹ đã đánh phá ra miền Bắc. Chính phủ yêu cầu các trường đại học phải sơ tán về nông thôn để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại. Một tuần nữa, trường chúng ta sẽ lên đường sơ tán lên miền núi...”. Bọn tôi ngơ ngác, không biết sẽ đi về đâu và việc học tập sẽ đảo lộn như thế nào.

Sự việc diễn ra cách đây gần 60 năm nên tôi không nhớ rõ ngày tháng chúng tôi lên đường. Chỉ nhớ rằng, một buổi tối chúng tôi được lệnh tập trung ở ga Hàng Cỏ Hà Nội và đi tàu lên ga Quán Triều (thuộc Thái Nguyên). Tàu đi trong đêm, không đèn không đóm (vì sợ máy bay Mỹ phát hiện và oanh tạc). Tới nơi, chúng tôi lục đục kéo xuống, xếp thành hàng, lệnh từ trên truyền miệng xuống: “Mọi người phải hết sức im lặng đi theo hàng, bám sát nhau, tuyệt đối không được nói chuyện”... Chúng tôi lầm lũi rời khỏi ga và bắt đầu cuộc trường chinh đầu tiên trong đời (Sau này mới biết, đêm đó chúng tôi phải đi bộ hơn 30 cây số). Có phải chỉ có đi bộ đâu, chúng tôi phải mang theo sách vở, quần áo, nồi niêu, xoong chảo, lương thực, thực phẩm... giống hệt như bộ đội ra chiến trường. Bọn đàn ông chúng tôi đã khổ, bọn con gái còn khổ hơn, đặc biệt là mấy đứa ở Hà Nội. Chúng tôi đã chia nhau vác bớt đồ đạc cho các bạn gái, thế mà các bạn gái cũng không sao chịu nổi, vừa đi vừa khóc.

Thế rồi, rạng sáng chúng tôi cũng tới nơi. Lúc ấy mới biết là chúng tôi lên tới huyện Đại Từ (mà ngày xưa các cụ bảo: “lử khử lừ khừ chẳng Đại Từ cũng Võ Nhai”, ý nói, đó là những vùng bị sốt rét rất nặng). Các lớp được phân về từng xã. Thời ấy, có rất nhiều các anh, các chị lớn tuổi là giáo viên cấp 2 hoặc cán bộ được cử đi học. Tuy cao tuổi nhưng họ rất gương mẫu. Mọi việc nặng nhọc họ đều xung phong gánh vác. Các anh Đảng viên luôn đi đầu và gương mẫu. Họ là những con người tuyệt vời. Chính đó là những tấm gương đầu đời cho chúng tôi noi theo.

Bọn tôi được phân vào các nhà dân để ở. Bà con trên này đều ở nhà sàn. 5 đứa chúng tôi (Thọ, Hùng, Nhượng, Khải, Mai) được phân tới ở nhà ông Xuyến. Ông bà rất hiền lành và tốt bụng. Trong nhà có mấy đứa trẻ con, thằng bé nào tóc cũng cắt trọc, ở trần và có nhõn một cái quần đùi bạc thếch.

Ngay ngày hôm sau, chúng tôi được lệnh vào rừng chặt gỗ, chặt tre, cắt cỏ tranh để làm nhà bếp tập thể và lớp học. Anh em ở nông thôn thì họ quen việc hơn. Bọn Hà Nội chúng tôi thì lớ ngớ lắm, đã bao giờ vào rừng để chặt cây đâu. Thế nhưng, mọi người đều cố gắng. Có mấy ngày mà chân tay sưng rộp, tứa máu. Lũ con gái thì lúc nào cũng thút thít khóc vì khổ quá. Thế rồi, lều lán cũng được dựng lên. Mọi việc bắt đầu đi vào nề nếp.

Vì ở sâu trong rừng nên thực phẩm rất khan hiếm. Món ăn quen thuộc nhất chỉ có sắn: sắn luộc, sắn nướng, sắn nấu canh với lá mùi tàu, sắn độn cơm... Lúc nào cũng chỉ có sắn và sắn. Ấy vậy mà có đủ đâu. Bọn con trai chúng tôi lúc nào cũng ở trạng thái đoi đói.

Một hôm, có đứa phát hiện ra quả cọ chín có thể ăn được. Thế là chúng tôi rủ nhau đi vào rừng chọc quả cọ xuống để ăn. Tuy nó chả ngon lành gì nhưng quả cọ cũng giúp chúng tôi chắc bụng hơn. Chỉ có điều, một tai họa bất ngờ ập xuống. Sau khi ăn quả cọ chín được vài phút thì răng miệng đứa nào cũng đen như đít xoong rửa thế nào cũng không sạch, nó phải đen mất mấy ngày. Bọn tôi như lũ tội phạm, lúc nào cũng mím chặt môi, không dám mở miệng ra...

Để có thực phẩm, lớp chủ trương các tổ phải tiến hành trồng rau. Chúng tôi cuốc đất đồi toàn sỏi đá, làm luống trồng rau. Có một sáng kiến mà tới nay tôi vẫn nhớ: bọn tôi đào một hố lớn ở chân đồi. Chỉ vài hôm là nước dâng lên đầy hố. Mỗi buổi đi học về, anh em chúng tôi tạt vào vệ đường và mỗi đứa cắt lấy một bó to cây cỏ Lào (mà có nơi gọi là cỏ cộng sản). Chúng được vứt xuống hố nước. Chỉ sau vài ngày, hố nước đen sì. Trong cỏ Lào có tới 2,5% là chất đạm. Bọn tôi gánh nước đó lên đồi để tưới cho rau. Rau lên rất tốt. Cây rau cải mà vươn to như con ngỗng. Dân cả làng kéo đến xem. Ai cũng khen sinh viên Hà Nội mà trồng rau giỏi hơn cả nông dân.

Thời ấy khó khăn lắm, bọn tôi làm gì có đủ áo ấm. Mỗi đứa chỉ có một cái áo Đông Xuân nên lúc nào cũng rét run cầm cập. Mỗi khi vào lớp là tranh nhau ngồi xen để truyền nhiệt cho nhau. Nam nữ ngồi lẫn lộn. Có một kỉ niệm mà có lẽ chúng tôi nhớ tới chết?

Thời ấy, thầy Lê Quang Long dạy chúng tôi bộ môn Sinh lí người và động vật. Thầy hay có những ví dụ vượt ngưỡng nhưng chúng tôi lại nhớ đời.

Hôm ấy, thầy dạy về phản xạ có điều kiện. Thầy nói: “Khi chúng ta nhỡ, nhỡ... nhỡ đụng tay vào vú phụ nữ, vú phụ nữ sẽ căng lên. Đó là phản xạ có điều kiện...”

Ngay lập tức, bọn con trai chúng tôi so vai, co rúm lại. Đứa nào cũng ép mình, tránh động vào chị em để không gây ra “phản xạ có điều kiện”...

Còn biết bao nhiêu chuyện của những năm sơ tán. Trong hoàn cảnh vừa đói, vừa rét nhưng đã để lại cho chúng tôi biết bao kỉ niệm.

Năm tháng qua đi, anh em chúng tôi mỗi đứa một phương, không ai có điều kiện quay lại nơi sơ tán để thăm bà con.

Có lẽ, tôi là đứa may mắn. Nhân dịp lên nói chuyện khoa học cho tỉnh Thái Nguyên, tôi đề xuất nguyện vọng xin thăm lại các khu sơ tán. Anh em ở tỉnh đồng ý ngay. Họ cho xe đưa tôi xuống huyện Đại Từ. Rất tiếc, cái xã mà ngày xưa chúng tôi ở thì nay đã đổi tên. Tôi loanh quanh đi tìm mãi mà không thấy. Không ngờ, khi vào một quán nước, bà chủ cho biết cái xã ngày xưa tên là Vinh Quang thì chính là xã này. Tôi mừng quá! Tôi hỏi ngay nhà ông Xuyến. Bà hàng nước cho biết, ông bà ấy đã mất rồi. Cậu con trai thì ở gần đây, bà sẽ nhờ người gọi cậu ấy đến đây để gặp tôi. Thật là may mắn!.

Một lát sau, có một người đàn ông có bộ râu dài hơn râu Bác Hồ bước vào quán. Ông nhìn quanh rồi hét lên “Ôi! Chú Lân Hùng”, ông ôm chầm lấy tôi. Ông nói: “Chú không nhận ra cháu à. Cháu Dũng đây, Dũng con ông Xuyến đây”.

Ôi trời đất ơi, năm tháng đã nhào nặn thằng bé 10 tuổi ngày xưa thành một ông già thế này ư! Chúng tôi ôm chặt nhau, nước mắt giàn giụa.

Nó phân trần: “Cháu gần 50 tuổi rồi, cháu bán thuốc Bắc nên phải để râu cho nó thiêng”. Té ra, râu ria cũng là một thương hiệu để nâng uy tín cho các loại thuốc thang lên!

Ngày xưa, cứ chiều chiều, thằng Dũng ngồi ở cầu thang để ngóng chúng tôi đi học về. Nó thích tôi lắm vì tôi hay dạy hát cho chúng nó. Thế mà bây giờ nó đã “cụ hóa” thành một thầy lang như thế này đây.

Anh lái xe giúp tôi đi mua gom tất cả bánh, kẹo của mấy hàng nước quanh đây thế mà chỉ được có một túi. Tôi gửi cho các cháu của Dũng...

Trong đời, ai cũng có những kỉ niệm sâu sắc. Với tôi, những năm sơ tán thời sinh viên để lại những ấn tượng không thể nào quên.

                                                                                                                             Hà Nội, ngày 15/10/2021

                                                                                                                                                            Nguyễn Lân Hùng


Source: 
25-11-2021
Tags