THANH XUÂN TRỌN VẸN

Bố đưa tôi đi nhập trường vào ngày mưa nhẹ tháng 8. Tôi tự tin bước vào khu nhà A3 màu vàng cổ kính, ánh mắt ngạc nhiên lấp lánh niềm vui khi được chạm vào ước mơ của mình – đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Sinh học. Được sự chỉ dẫn tận tình của các anh chị sinh viên tình nguyện tôi đã hoàn thành thủ tục nhập trường nhanh chóng, các anh chị sinh viên trầm trồ chúc mừng tôi được thầy Nguyễn Lân Hùng chủ nhiệm, tôi bất ngờ và tự hào lắm khi biết mình trở thành học trò của thầy - người mà tôi dường như đã quen từ lâu qua Tivi và các mặt báo.

Hình 1. Hội thi Sân khấu hoá K53 cùng thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Lân Hùng

Năm thứ nhất trôi qua nhanh chóng, bởi cái gì với tôi cũng mới mẻ, choáng ngợp: các thầy cô trong Khoa đều có bề dày kinh nghiệm và học vấn “khủng”, tôi đã được học các thầy cô mà trước đây chỉ biết tên qua những bộ sách tham khảo, cảm giác ấy thật khó diễn tả. Các bạn trong lớp tôi đến từ mọi miền Tổ Quốc, có tên trong các trường chuyên nổi tiếng cả nước. Giảng đường Đại Học rộng thênh thang, phòng thí nghiệm lạ lẫm và  mới mẻ,… Khoa Sinh của chúng tôi còn có riêng một khu vườn thực nghiệm. Giờ nhắm mắt lại tôi vẫn nhớ gốc bưởi sai trĩu quả, bụi chuối xanh um mà buồng chuối thì nhỏ xíu (chúng tôi vẫn đùa nhau bảo “tại bọn mình ngắm nhiều quá nên chuối sợ không dám lớn”), tôi vẫn nhớ cây đào đỏng đảnh ở góc vườn vặn vẹo khoe dáng mảnh mai mà xuân về chỉ thấy lá xanh um, lác đác vài bông hoa khoe sắc…

Buổi thực hành đầu tiên- chúng tôi thích thú vô cùng khi được khoác lên mình chiếc áo blue trắng, đứa nào cũng háo hức với bài thực hành đầu tiên: sử dụng kính hiển vi quan sát tế bào thực vật. Những bàn tay lóng ngóng sử dụng dao lam, lamen, lam kính, những ánh mắt háo hức rạng ngời khi được ngắm tiêu bản của mình dưới kính hiển vi vẫn hiện rõ ràng trong kí ức. Rồi các tiết thực hành về động vật, vi sinh vật, nông hóa thổ nhưỡng,… theo chúng tôi suốt bốn năm trời. Phòng thí nghiệm trở nên quen thuộc, từng chiếc bàn, từng cánh cửa, thậm chí từng ổ khóa đều có dấu tay của chúng tôi. Không thể nhớ hết các buổi thực hành, nhưng tôi  không quên tiết thực hành mổ rắn có cô bạn ngất xỉu vì bỗng đuôi rắn ngoe nguẩy, không quên buồng vi sinh cấy khuẩn lạc, không quên những bộ chuẩn độ trong phòng Nông – Hóa, không quên được bài tập đếm hồng cầu...

Thanh xuân của chúng tôi trôi qua thật nhanh, thật đẹp. Nhưng thời gian nhiều kỉ niệm đẹp nhất của sinh viên khoa Sinh chúng tôi là thời gian đi thực tập thiên nhiên. Chúng tôi có 2 đợt thực tập, đợt 1 đi Tam Đảo, đợt 2 đi Ba Vì. Trong những đợt thực tập ấy chúng tôi mới có cơ hội để gần gũi thầy cô, bạn bè hơn, được khám phá  bộ môn Sinh học và khám phá chính mình.

Hình 2. Tập thể lớp K53A, B đi thực tế tại Ba Vì

Lần thực tập thiên nhiên thứ nhất đi Tam Đảo, chúng tôi ồ lên reo hò thích thú với cảnh vật nơi này: đường quanh co, mây bay mờ ảo… đúng như lời bài hát mà thầy chủ nhiệm của chúng tôi sáng tác “Về đây rừng núi cao trập trùng, tiếng suối vang lưng đèo, gà rừng gáy sớm hôm…”. Cứ 6h sáng là chúng tôi đã tập trung để lên đường khám phá Tam Đảo xinh đẹp mà bí hiểm: đi đỉnh Rùng Rình, xuống thác Bạc, rồi leo lên đỉnh tháp truyền hình..., những con đường mòn đầy vắt, dòng suối trong vắt lạnh chân, những giàn su su xanh mướt vương vấn trong mây mù, những bậc thang đá rêu phong trơn trượt, dấu chân chúng tôi in khắp vùng Tam Đảo, tiếng cười vang mỗi nẻo đường đi qua. Nhớ lại thôi cũng thấy tim mình rộn ràng biết mấy.

Hình 3. Nhóm đi thực tế tại Tam Đảo cùng thầy Phạm Ngọc Khắc

Lần thực tập thiên nhiên thứ hai chúng tôi đi Ba Vì. Kỉ niệm rõ ràng nhất với tôi là  những sinh viên tuổi 19-20 leo núi thua thầy chủ nhiệm- thầy Nguyễn Lân Hùng, thua thầy Hà Huy Niên đã gần 60 tuổi.  Các Thầy dẫn đầu đoàn sinh viên thực tập leo hết đỉnh Ba Vì, buổi chiều thực nghiệm trên cánh đồng mênh mông vàng óng, chúng tôi nô đùa trong lúc giải lao, nghịch ngợm trêu cả đàn bò trên bãi cỏ. Đi suốt cả ngày, buổi tối chúng tôi đều thấm mệt, nhưng chương trình của các Thầy và Liên chi Đoàn tổ chức cho chúng tôi khiến ai cũng háo hức. Chúng tôi được đốt lửa trại, ánh lửa sáng ngời trên bãi đất rộng mênh mông, chúng tôi chạy vòng quanh đống lửa trại, ồ lên khi có tiếng nổ lép bép của thanh củi nỏ. Rồi cùng nhau nướng gà, nướng ngô ăn… có lẽ trong các bức tranh đẹp nhất cũng không đẹp bằng khoảnh khắc ấy. Hôm sau chúng tôi được đi thăm các trang trại giống: trang trại bò, đà điểu, gà, lợn… đa số chúng tôi sinh ra ở nông thôn nên bài học thực tế lần này đều dễ dàng hiểu hết. Nhưng cảm xúc đọng lại thật khó quên.

Năm thứ ba và thứ tư chúng tôi được đi thực tập sư phạm, mỗi chúng tôi bắt đầu trở thành một thầy – cô chuẩn mực. Trước khi đi thực tập chúng tôi được thầy cô trang bị đầy đủ kiến thức, các tình huống sư phạm. Có lẽ vì vậy nên các trường nơi chúng tôi về thực tập đều đánh giá cao sự tự tin và kiến thức của Sinh viên khoa Sinh trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Chúng tôi có thể cảm nhận được sự cảm tình trong nét mặt vui vẻ, những cái gật đầu nhẹ trong tiết dự giờ mà các thầy cô hướng dẫn dành cho mình. Tôi xúc động mãi khi cô giáo hướng dẫn tôi nói: “Cách em cầm phấn và lau bảng là đặc sản của riêng sinh viên khoa Sinh trường ĐH Sư phạm Hà Nội, không một trường Sư Phạm nào khác có thể hướng dẫn sinh viên tỉ mỉ như thế này”. Lúc ấy tôi thấy xúc động đến nghẹn ngào, và tự hào nhiều lắm.

Mong ngóng ngày mình ra trường để được đi làm, được trở thành thầy cô trên bục giảng là thế, mà khi đến năm tư lại bồn chồn, bâng khuâng….

Thời gian cứ trôi, bao bộn bề, phức tạp trong thực tại giáo dục đôi lúc khiến tôi thở dài, mệt mỏi. Nhưng nghĩ về nơi ấy – khoa Sinh học thân yêu -  tôi cảm thấy mình có thêm niềm tin để vượt qua, bởi tôi đã có một thanh xuân trọn vẹn, một khởi đầu tốt đẹp, một niềm tin gửi gắm và  một tình yêu không thay đổi. Cảm ơn thật nhiều và yêu thương thật nhiều!

 

 


Source: 
25-11-2021
Tags