THẦY VÀ TRÒ ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Ngay kì đầu tiên của năm nhất, tôi đã được học học phần Động vật không xương sống, dưới sự đứng lớp của cô Trần Thị Thanh Bình. Bằng vốn kiến thức sâu rộng và khả năng truyền cảm hứng tới sinh viên của cô, tôi đã rất hứng khởi tìm tòi học hỏi các kiến thức trong chuyên ngành Động vật học. Nghe cô kể chuyện cô đã tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ nhất thời sinh viên nên tôi cũng mong muốn được tham gia nghiên cứu khoa học ngay. Sau nhiều lần đắn đo, vì lúc đó trong khoa chưa có bạn nào tham gia nghiên cứu khoa học từ kỳ 1 năm thứ nhất, và rồi tôi cũng quyết tâm gọi điện để xin cô được tham gia nghiên cứu khoa học.

Bắt đầu từ việc đọc các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước; rồi cô cho tôi tham gia khóa tập huấn thực địa của chuyên gia nước ngoài tại Trạm Đa dạng Sinh học Mê Linh; cùng các anh chị thạc sỹ, nghiên cứu sinh và các anh chị sinh viên khóa trên học cách phân tích mẫu… từng bước, từng buớc, tôi dần dần tự tin hơn trong nghiên cứu khoa học.

Có rất nhiều kỉ niệm, nhưng tôi thấy thú vị nhất là chuyến đi thực địa tại Khu Du lịch sinh thái Vân Long cùng các thầy cô trong bộ môn Động vật học. Trước đó, tôi chưa được tiếp xúc nhiều với các thầy cô, nên chỉ cảm thấy sự nghiêm khắc của các thầy cô trong những giờ giảng dạy. Chuyến đi đã giúp tôi làm quen được với các thầy cô trong bộ môn Động vật học nhiều hơn và đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng về cách làm việc của các thầy cô.

   

 Hình 1: Cả đoàn chuẩn bị lên đường nghiên cứu   

                                                           Hình 2: Chụp ảnh lưu niệm khu vực nghiên cứu

Đầu tiên phải kể đến thầy Trưởng khoa – PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, mặc dù trên lớp thầy có vẻ khó tính, luôn đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho sinh viên của mình, đặc biệt là sinh viên lớp chất lượng cao và ra dáng một vị lãnh đạo nghiêm nghị. Nhưng khi đi thực địa cùng với thầy, tôi mới biết thầy cũng rất vui tính và vô cùng hài hước. Trong những ngày thực địa nắng nóng và mệt mỏi, mới thấy được ý nghĩa của câu nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”; thầy đã làm cho bầu không khí làm việc trở lên hứng khởi hơn, say mê hơn, xua tan đi những mệt nhọc. Thầy nghiên cứu về chim và chỉ cho chúng tôi biết những loài chim thường gặp, tên những loài chim nước trong đầm… Thầy có máy ảnh rất xịn nên chúng tôi thường dùng ké để chụp những tấm hình đẹp làm lưu niệm.

 

  

                                                  Hình 3: Thầy Sơn chuẩn bị lên đường     Hình 4: Thầy cùng SV quan sát chim trong vùng đầm Vân Long

Tiếp đến, là thầy PGS.TS. Trần Đức Hậu - Trưởng bộ môn Động vật học. Thầy là một người luôn ân cần, đôn đốc các nhóm làm việc, và quan tâm đến các nhóm nghiên cứu trong cả bộ môn. Thầy thường xuyên hỏi thăm và động viên mọi người trong quá trình làm việc. Thầy cũng vô cùng chăm chỉ, làm việc cả ngày và đêm. Tận tình chỉ bảo cách thu mẫu, xử lý mẫu tại chỗ và xử lý bảo quản mẫu thu trong ngày cho sinh viên nhóm nghiên cứu về cá. Ngoài ra, thầy cũng luôn động viên, khích lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học nhiều hơn.

 

  

                                              Hình 5: Nụ cười được cá của thầy Hậu                   Hình 6: Sinh viên thu mẫu nước trên hồ

Người thầy mà tôi vô cùng ấn tượng qua chuyến đi lần này là thầy PGS.TS. Đỗ Văn Nhượng. Dù tuổi của thầy đã cao, nhưng năng lượng và niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thầy thì không hề giảm bớt. Thầy luôn chủ động làm việc, rất nhiệt tình và nhanh nhẹn. Trên cạn, dưới hồ… không có sinh cảnh nào cản trở được thầy. Thầy sẵn sàng nhảy xuống dòng nước đầy rêu để thu bắt mẫu, làm tôi ngưỡng mộ vô cùng. Thầy cũng rất hài hước và hay kể chuyện cười, làm chúng tôi bớt mệt nhọc sau mỗi ngày thực địa dài. Thầy hướng dẫn nhóm nghiên cứu về động vật đáy và thân mềm trên cạn. Nào thì tôm, cua, ốc, hến, sên trần, ốc cạn, thầy đều rất rành về chúng. Thầy chụp ảnh mẫu vô cùng đẹp và tinh tế, thể hiện được các đặc điểm cần cho định loại các nhóm.

   

                                                           Hình 7: Thầy Nhượng nhảy xuống  nước thu bắt mẫu           Hình 8: Nụ cười tỏa nắng của thầy Nhượng

   Và không thể nào không kể đến cô hướng dẫn nghiên cứu khoa học của tôi - cô PGS.TS. Trần Thị Thanh Bình. Cô luôn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ tôi trong mọi việc. Từ lời ăn tiếng nói đến cách đi đứng, cách làm việc và học tập. Cô luôn là người cùng tôi trên quãng đường nghiên cứu và học tập ở ngôi nhà Khoa Sinh học. Trong chuyến đi này, cô luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết trong công việc, giúp tôi có thêm nhiều hứng khởi để làm việc, xua tan đi những căng thẳng. Nhóm của chúng tôi nghiên cứu về động vật đất, chủ yếu là giun đất, cuốn chiếu và rết. Thực sự ban đầu tôi cũng hơi sợ con rết. Nhưng được cô hướng dẫn cách thu bắt mẫu để không bị rết cắn và ngắm những con rết màu sắc sặc sỡ với cấu trúc cơ thể có nhiều đôi chân, tôi càng say mê chúng mỗi ngày. Tôi rất tự hào vì được làm việc với cô, một cô giáo vừa giỏi vừa rất có tâm.

           

                                                       Hình 9: Cô Thanh Bình giữa sinh cảnh thực địa              Hình 10: Sinh viên thu mẫu Động vật đất

 

 Thầy Nguyễn Đức Hùng cũng là một trong các thành viên của nhóm nghiên cứu động vật đất. Thầy luôn chăm chỉ nghiên cứu, tìm kiếm các loài động vật thú vị và ghi chú số liệu các sinh cảnh một cách vô cùng chi tiết. Sau mỗi ngày thu mẫu về, thầy lại cặm cụi cả tối để xử lý, phân loại tạm thời và bảo quản các mẫu vật, rất cẩn thận. Tôi cũng được thầy chỉ dạy rất chi tiết và nhiệt tình.

        

                                            Hình 11: Thầy Hùng đang thu mẫu rết           Hình 12: Tôi và thầy Hùng xử lý mẫu sau ngày thực địa

Nhờ niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cá nhân tôi ngay từ năm thứ nhất, được sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của các thầy cô, đến nay tôi đã có những thành quả nhất định. Tôi đã cùng nhóm nghiên cứu công bố được 3 bài báo trên các tạp chí khoa học và hội thảo khoa học toàn quốc. Đã được tham dự Hội nghị toàn quốc về nghiên cứu và giảng dạy Sinh học lần thứ IV vào tháng 7 năm 2020, tham gia Hội nghị toàn quốc về Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam vào tháng 4 năm 2021 và Hội thảo khoa học Quốc tế trực tuyến do Nhật Bản làm chủ trì vào tháng 8 năm 2021.

Với lòng biết ơn chân thành nhất, em xin được gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các thầy cô: “Kính chúc các thầy cô trong bộ môn Động vật học tràn đầy sức khỏe và hạnh phúc!”. Kính chúc các thầy cô trong Khoa Sinh học luôn nhiệt huyết với sự nghiệp cao cả của mình, luôn vững bước chèo lái con thuyền trồng người đến bến bờ thành công!

                                                                                                            Bài: Nguyễn Thị Thanh Huyền - K68CLC

                                                                                                    Ảnh: Bộ môn Động vật học  - Khoa Sinh học - ĐHSPHN


Source: 
05-11-2021
Tags