TIỀM NĂNG ÁP DỤNG MẠNG NƠRON NHÂN TẠO (ARTIFICIAL NEURAL NETWORK) TRONG PHÂN TÍCH SỰ XUẤT HIỆN ẤU TRÙNG VÀ CÁC CON Ở CỬA SÔNG BẮC VIỆT NAM - TẠP CHÍ AQUATIC ECOLOGY, IF=1.641, Q3

Tóm tắt bài báo

Giai đoạn sớm trong vòng đời cá, bao gồm ấu trùng và cá con, nhạy cảm với môi trường sống. Xác định sự xuất hiện ấu trùng, cá con trong mối quan hệ với môi trường có ý nghĩa cơ bản cho bảo tồn và quản lý nghề cá. Mô hình dựa trên máy tính chưa được áp dụng trong dự báo mô hình phân bố của giai đoạn đầu cá trong những hệ sinh thái phức tạp như cửa sông. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật mô hình mới đối với ấu trùng, cá con thu vào tháng 5, 9, 11 và 12 năm 2019 dọc cửa Ba Lạt, sông Hồng, Bắc Việt Nam. Kết quả cho thấy sự xuất hiện ấu trùng, cá con cá nước ngọt và nước mặn có mối quan hệ đối nghịch với các yếu tố môi trường (độ dẫn, nhiệt độ, pH, độ sâu, khoảng cách bờ và độ đục) với chỉ số tương quan cao. Sự xuất hiện của hai nhóm cá có mối tương quan chặt với sự thay đổi theo thời gian và không gian của cửa sông và các mối tương quan này có thể sử dụng cho quá trình học máy (machine learning). Mô hình hồi quy tuyến tính, quy trình Gaussian, hồi quy tổng hợp, và mạng nơron nhân tạo được sử dụng để phân tích phân bố của ấu trùng và cá con. Nghiên cứu cho thấy mạng nơron nhân tạo thu được kết quả tốt nhất (R2 > 0,63). Hơn nữa, dự đoán phân bố không gian của ấu trùng và cá con áp dụng mô hình mạng nơron nhân tạo cho kết quả tương tự với thực địa. Vì vậy, chúng tôi đề xuất sử dụng mô hình mạng nơron nhân tạo dự đoán sự xuất hiện giai đoạn sớm cá ở cửa sông vùng nhiệt đới, như Việt Nam. Một số gợi ý cho áp dụng mô hình này cũng được thảo luận trong nghiên cứu này.

Hình 1. Hình ảnh chụp trang 1 bài báo

 

Hình 2. Phân bố ấu trùng và cá con ở cửa Ba Lạt, sông Hồng, Bắc Việt Nam (dự đoán bằng mô hình mạng nơron nhân tạo). a) Cá nước ngọt ở giữa dòng; b) Cá biển ở giữa dòng; c) Cá nước ngọt ven bờ; d) Cá biển ven bờ.

Người viết: Trần Đức Hậu


Source: 
14-04-2022
Tags