TÌNH YÊU CÓ TỪ KHOA SINH

In hình trên trên mặt nước tĩnh lặng, cây sầu đông khẳng khiu, lặng lẽ ôm kỉ niệm vào trong tim. Xa xa một con thú nhỏ đang mải miết tìm những hạt sót lại trong một ngày đông. Tôi tự hỏi con gì mà bản năng sinh tồn mãnh liệt đến thế, bất chấp trời lạnh vẫn miệt mài gom hạt dinh dưỡng cuối cùng cho những ngày khắc nghiệt hơn.  “Con Duroc” – như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, thằng bạn chí thân chỉ nói vỏn vẹn mỗi một câu như vậy. Đó là từ mà khiến tôi không được điểm mười cho cái môn học mà lúc đó khoá tôi gọi là “Chọn giống chọn đôi”. Tôi vẫn nhớ như in rằng khi vừa ra khỏi phòng thi vấn đáp, nó đã đợi tôi ở ngoài để hỏi xem tôi trả lời ổn không. Tôi bảo có một câu tao không trả lời được : “Thế con gì mà cao to, đỏ hung hung như bò?”. Tôi không tài nào nghĩ ra đó là con gì, thế nhưng nó nghĩ một tí bảo ngay đó là “con Duroc”- thật xuất sắc, giờ nó đã là giáo sư!  Các bạn sinh viên bây giờ chắc không biết con này. Với thời đại 4.0, các bạn chỉ cần google là biết ngay. Tôi sẽ đưa các bạn về cái thời vàng son của chúng tôi, nhưng với các bạn có lẽ đó là một thời mông muội. Thầy dạy chúng tôi môn này là người không chỉ dạy kiến thức, mà còn là người đem lại nét đẹp cho đời, ít người biết đến. Tôi hồi đó đi dép đứt quai, mấy đứa ở thành phố đi giày. Dường như thầy quan sát tất cả đôi chân chúng tôi và nhận ra nhiều điều về cuộc đời sinh viên ở đó. Có lần, trong giờ ra chơi, thầy nói với tôi về đôi giày của cô bạn cùng lớp rằng “đôi kia chỉ cần nâng đế gót lên nửa phân là hoàn hảo”. “Mình là thợ đóng giày mà”- thầy nói như một lời giải thích. Từ hôm đó tôi biết rằng, để có được bài giảng cho chúng ta, nhiều người thầy có một nghề nuôi dưỡng tâm hồn sinh viên và một nghề nuôi dưỡng gia đình mình. Tôi tỉnh giấc mơ màng khi nó giục tôi về căn phòng cũ kĩ trước khi cơn gió chiều muộn trở nên quá lạnh.

Nắng mùa thu ở Nhật Bản nhuốm vàng bởi sắc lá cây bạch quả, tôi say mê với sắc thu và vui cùng mấy đứa học ở Kochi.  Một trong số đó nở nụ cười khiến tôi nhớ đến người thầy khả kính. Người dân ven biển Đồng bằng Châu thổ Sông Hồng gọi thầy là “Công Trứ thời nay”. Tôi có diễm phúc được thầy chỉ bảo và làm việc cùng thầy kể từ khi tốt nghiệp. Tôi vẫn còn giữ một mẩu giấy thầy chỉ đường cho tôi đi làm việc vào năm 1999. Khi đó, thầy trò chúng tôi lội cả chục cây số bùn lầy trong rừng ngập mặn, tôi thường mệt trước thầy. Những lúc như thế, thầy kể chuyện tiếu lâm, mệt nhọc bỗng đâu tan biến. Sau này tôi coi mẩu giấy với nét chữ thật đẹp đó là bản chỉ dẫn của cuộc đời mình. Tất cả những người thầy làm về rừng ngập mặn đều là những người tôi vô cùng trân trọng và thật có lỗi nếu tôi không thể kể ra đây một hình ảnh người thầy của tôi, cũng là người thầy của các thầy của tôi. Giáo sư-TSKH, Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng Cosmos, người tô viền xanh cho dải đất hình chữ “S” … là những danh hiệu cao quý nhất dành cho người thầy có dáng vóc nhỏ thấp, đã bát thập niên của chúng ta. Vào buổi sáng mùa hè, tôi lên Trung tâm Rừng ngập mặn ở nhà K, dù đã đến sớm hơn tất cả anh chị khác nhưng vẫn muộn hơn so với thầy. Lọt thỏm trên hành lang vắng bóng người, bệt xuống sàn nhà và tựa lưng vào tường, say sưa thầy đọc góp ý cho công trình khoa học nào đó. Thấy tôi chào, thầy bảo quên mang chìa khoá văn phòng và vẫn tiếp tục ngồi đọc cho đến khi cánh cửa văn phòng vội vàng mở. Tôi thấy thầy vĩ đại trong hình ảnh bình dị ấy và tôi thấy cổ họng mình cho đến bây giờ vẫn đắng.

 

Nét chữ của người thầy chỉ dẫn cho người đã đi làm nhưng còn non nớt

Hơn chín giờ tối ngày 30 Tết cách đây 20 năm, thầy gọi điện bảo tôi qua nhà đón xuân. Năm đó cô và thằng Tít đang vi vu tận phương trời Tây, thầy ở nhà cúng lễ tổ tiên, trang trí đón xuân. Tôi bảo phải trực văn phòng, thế là thầy đọc cho tôi nghe bài thơ thầy vừa sáng tác. Thầy là một vị giáo sư của Khoa, và ở Việt Nam, nói đến “Con người và Sinh quyển” là ai cũng biết đến thầy. Vào đầu những năm 2000, “Khu dự trữ sinh quyển” còn là những thuật ngữ xa lạ, nhiều nhà khoa học Việt Nam bỏ qua khi các tổ chức Quốc tế gợi ý xây dựng các khu dự trữ sinh quyển ở nước ta. Thầy là một trong số ít các nhà khoa học đã thấy trước xu thế và theo đuổi, thúc đẩy việc kết nối với Quốc tế và xây dựng khu dự trự trữ Sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam. Rồi, nhiều khu dự trữ sinh quyển khác của nước nhà lần lượt ra đời. Một ngày, vì di chuyển chậu đào thế, cột sống của thầy có âm thanh “khục” nghe lạ khiến thầy chỉ biết ngồi ngắm cành hoa đào và cành hoa giả ở đâu đó trong phòng mà tức cảnh trở thành thi nhân. Dù đã hàng chục năm bộn bề trôi qua, dù chỉ một lần được nghe qua telephone để bàn, câu thơ “Hoa giả nở hoài như thách đố, hoa thật ngậm ngùi lại có duyên” vẫn nằm sâu thẳm trong tôi.  Thầy ạ, em nguyện làm một “bông hoa thật ngậm ngùi” kể từ ngày đó-ngày em thấy cánh hoa đào đượm sắc thắm.

HỌC mãi mà vẫn thấy phải học nữa và xin cho phép đoạn kết này tôi tâm sự cùng các bạn trẻ về bài học từ quá khứ của cuộc đời sinh viên Khoa Sinh-KTNN cuối thế kỉ trước. Đời của sinh viên nghèo mang theo vào trong từng giờ học trên giảng đường. Khoá chúng tôi có khoảng 80 sinh viên, khi ra trường chỉ còn hơn năm chục: một số chuyển trường, một số bỏ học vì kinh tế khó khăn và một số... “Hôm nay đi học bị hớ vì thầy không điểm danh” – là câu nói của một cậu bạn đang theo đuổi một lúc hai trường (Y và Sư phạm).  Người thầy khiến cho cậu sinh viên ngày nào đi học bị “hớ” đó dạy môn Động vật không xương, môn được coi là xương hơn Động vật có xương. Mái tóc bạc cùng hàm răng trắng muốt đều đặn của thầy là ấn tượng ban đầu của sinh viên Sinh 1. Hơn cả thế là sức hút của thầy bằng việc thuộc làu làu tên khoa học dài dằng dặc của các loài động vật không xương sống và sự say sưa giảng bài tràn đầy nhiệt huyết.  Mỗi khi học môn Giải phẫu thực vật, là một đêm tôi mất ngủ vì thằng bạn nằm phía trên tôi trên chiếc giường tầng, trằn trọc trở mình liên tục như lật bánh rán. Suốt giờ học nó chỉ ngồi ngắm tà áo dài của cô. Nó thường bảo, ngày trẻ chắc chắn nhiều thầy ở Khoa ta lướt theo tà áo dài tha thướt đó. Có đứa mê mẩn giờ dạy của thầy dạy Động vật có xương. Nó khoái nhất ở thầy nét chỉn chu, nhất là mái tóc bóng mượt. Nó bảo chẳng có con chấy nào sống được với mái tóc đó của thầy vì chúng trượt chân ngã chết bằng sạch. Còn tôi ấn tượng về thầy bởi thầy nhớ hết tên sinh viên trong lớp ngay từ buổi lên lớp đầu tiên, tuy thầy có lộn tên tôi với một cậu bạn khác. Câu slogan của thầy là “Gạo có tốt thì cơm mới ngon”.  Thầy từng nói cho tôi rằng “Dù thuộc làu làu giáo án, nhưng mỗi lần lên giảng bài tôi đều xem lại kĩ  càng bài giảng”. Có một người thầy chuyên đến trường bằng xe đạp gây chú ý cho tôi nhiều lắm. Có lần thầy bảo rằng thầy có xe máy từ khi ở Khoa còn rất ít người có. Tôi nhớ hoài về hình ảnh mải miết đem chế phẩm vi sinh của thầy để xử lý môi trường chăn nuôi. Nghe nói, trồng lúa trong chậu để kết hạt là rất khó, thế mà thầy làm điều đó dễ ợt. Tất cả chúng tôi ấn tượng bởi phương pháp kiểm tra tiên phong và khác biệt của thầy lúc bấy giờ- thi trắc nghiệm. Tôi sẽ không bao giờ quên lời cô bạn cùng lớp bảo thầy dạy Di truyền học là thầy “hàm hương”. Tôi cũng không thể quên được câu chuyện thầy kể mà mãi sau này ra trường tôi mới hiểu. Minh hoạ cho tính trạng trội lặn thầy kể rằng “Sáng nay tôi đi dạy vội, đụng xe phải gia đình gồm vợ, chồng và một đứa con. Vợ tóc thẳng, chồng tóc thẳng, con tóc xoăn”. 

Hành trình truyền tin của sinh viên ngày đó nhanh thì ba ngày, chậm thì một tuần. Công việc của lớp phó học tập, bí thư hay một ai đó còn ở lại Hà Nội trong kì nghỉ hè là viết thư giấy. Hầu hết sinh viên về quê trong kì nghỉ hè bởi về quê sớm ngày nào là sẽ bớt cong cho tấm lưng của mẹ ngày đó. Những đứa ở lại hoặc về sau sẽ xem điểm thi và gửi thư cho những đứa đã về. Vừa nãy thôi, lục lại bức thư cũ thằng bạn gửi, tôi thấy các thầy của Khoa ta nghiêm khắc với sinh viên lắm lắm. Mấy anh chị khoá trước thường nói với các em tân sinh viên rằng “các thầy khoa Sinh có truyền thống thương sinh viên”. Ngẫm mà thấy đúng!  Cũng ngày này, năm 1994, Hội trại Tuổi trẻ thủ đô là  dịp giao lưu của sinh viên khắp thành phố Hà Nội, và từng đôi bên nhau từ dịp đó. Khoa mình hồi đó cũng có truyền thống cắm trại, và bao giờ các thầy cũng rút tiền ủng hộ sinh viên vài chục nghìn đồng.

Cuối cùng tôi muốn dành chút lời về thầy trưởng khoa của chúng tôi. Nhà thầy gần trường, tình cờ vào trường trong một buổi tối mùa ôn thi nóng nực, thầy thấy nhiều sinh viên khoa Sinh học ôn bài dưới bóng đèn cao áp quanh sân vận động. Lo cho đôi mắt trong trẻo của sinh viên mình, ngay ngày hôm sau giảng đường nhà A2 đã sáng đèn vào mỗi buổi tối. Đêm nay, giống như triệu triệu hạt mưa đang tí tách rơi, muôn vàn kỉ niệm đổ về cuốn ta chìm đắm trong kí ức một thời Khoa Sinh học và vừa hay định ngừng tay trên bàn phím thì câu hát một thời “Tình yêu có từ Khoa Sinh, đi qua dãy nhà A8…” ở đâu đó ngân vang.

 

                                                                                                                                                  Hà Nội 10/10/2021

                                                                                                                                                            Bách Yến

Có ai còn giữ mảnh giấy sinh ra muôn vàn tình yêu này một thời không?

 

 

 

                                                                                                                         Đào Văn Tấn, K43. Khoa Sinh học- ĐHSPHN. 

.

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

       
     
 
   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Source: 
02-12-2021
Tags