TÔI ĐÃ CÓ MỘT THANH XUÂN ĐẸP KHI ĐƯỢC HỌC TẬP TẠI KHOA SINH HỌC

 

Trong phật giáo có câu nói về chữ “Duyên” mà đã lỡ đi vào tâm khảm của chính tôi ngỡ tự bao giờ: “Duyên ở nhân gian nó đơn thuần được ghép với duyên số, duyên phận mà đã được hình tượng hóa trong không gian đó chính là hình ảnh hai chiếc lá mùa thu rơi cùng 1 lúc”. Trong những mối quan hệ giữa người với người lại làm cho chúng ta hình dung sự tình cờ hay sự vĩnh cửu thành một định nghĩa vô hình khi ghép chữ duyên với duyên số và duyên phận. Có cơ hội tiếp cận với phật giáo, tôi được hình dung cái tình cờ, cái ngẫu nhiên, cái lặng lẽ của hai chiếc lá mùa thu rơi cùng một lúc đó chính là duyên. Chữ “Duyên” lúc này giúp tôi dễ hình dung mà từ đó, tôi lại ngẫm đến chữ “Duyên” trong mối lương duyên của chính bản thân với ngôi trường này và cụ thể với khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội – nơi dành cho tôi cảm xúc và cả tình yêu của một thời thanh xuân để nhớ.

 

                                          

Tôi bắt đầu rải bước dưới tán cây để đi từ cổng thứ hai của ngôi trường sư phạm, đi thẳng trên con đường đã được chỉnh trang với hai bên là hai hàng cây nhãn còn đang đương tuổi. Tôi dừng bước ở nơi mà ánh mặt trời chiều thu năm ấy chiếu từ phía tây sân vận động, ngả nắng vào cổng khoa.

 Khoa Sinh học vào mùa thu năm đó, năm đầu tiên tôi lên đại học vẫn còn bỡ ngỡ, vẫn còn xa lạ. Không gian, thời gian trôi rất chậm, đó là những tháng ngày tôi và chúng bạn lên giảng đường, rồi lại tạt qua đâu đó những quán chè giải khát và trở về khu trọ trong cái ngờ nghệch của các cô cậu sinh viên năm nhất. Những tiết học hồi đó trong những học phần chuyên ngành đầu tiên mà tôi được học mỗi lúc kiến thức càng thêm nhiều, thêm khó khiến tôi cùng mấy đứa bàn cuối lại ngủ gục trên bàn một cách rất hồn nhiên. Thầy cô trên bục vẫn cứ đang hết mình, nhiệt huyết với bài giảng, còn chúng tôi ngồi phía cuối lại hí hoáy những món đồ ăn vặt đã mua từ đầu buổi hay những cốc trà sữa cũng vừa được các anh giao đồ đưa tới trong lúc giờ ra chơi. Tôi bắt đầu bước vào kì thi trên đại học đầu tiên. Một kỳ học với đầy đủ các môn chung và môn chuyên ngành với vô vàn rất nhiều kiến thức nhưng khi đó trong tôi cũng còn chưa biết tới hai từ đề cương, cũng còn chưa lần nào đặt chân lên thư viện và đương nhiên tôi đã có cho mình một thái độ ngô nghê lắm “Thi nhanh còn về nào!”. Những tự truyện kia cũng chính là năm nhất của tôi.

Rồi bắt đầu thời gian của năm hai đại học đã đến với tôi cùng tập thể lớp sư phạm khóa 68. Tập thể lớp chúng tôi được có những ngày hè đầy mộng mơ, đầy kỉ niệm với các thầy cô hướng dẫn trong chuyến đi thực tập thiên nhiên – Đảo Cát Bà, Hải Phòng.

Chuyến xe bắt đầu lăn bánh nhưng thực chất tôi đã thấy được những lo toan, những bộn bề mà đã có từ trước đó rất lâu ở các thầy cô để chuẩn bị cho chúng tôi một chuyến đi an toàn và tốt đẹp. Chúng tôi được tập huấn các kĩ năng đi trong rừng, được tìm hiểu thông tin về nơi thực tập, được chia phòng theo sở thích cá nhân và được cả sự chu toàn đến từng chân tơ, kẽ tóc. Trong số chúng tôi, không ít các thành viên vô cùng háo hức khi lần đầu tiên được đi phà ra đảo, khi lần đầu tiên thấy sóng biển bao la, rì rào, khi lần đầu tiên được sống tại nơi của thiên nhiên hòa quyện đẹp như thêu hoa dệt gấm, và cũng là lần đầu tiên tập thể lớp tôi được sống cùng nhau, ở cùng nhau và ăn cùng nhau. Không biết do vô tình hay hữu ý, nhưng lớp tôi lại gần nhau hơn, lại đoàn kết hơn như vậy. Và cũng từ chuyến đi đó, chúng tôi đã hiểu được tình thầy trò cũng thật thiêng liêng. Chúng tôi vẫn còn nhớ những đôi giày của thầy đã đưa cho chúng tôi để vượt qua khu rừng ngập mặn, chúng tôi vẫn còn nhớ những sóng biển rì rào ghi lại hình ảnh thầy trò cùng nhau đi dọc bờ biển để thu thập mẫu cho chuyến đi thực tập, chúng tôi vẫn còn nhớ hình ảnh thầy trò cùng ăn nắm cơm vừng, trứng luộc sau cả một đoạn đường dài hành bộ vào sâu trong rừng quốc gia Cát Bà. Khoảnh khắc đó đủ đẹp để điểm xuyết lên một cách ấn tượng nhất trong bức tranh toàn cảnh của chúng tôi – những sinh viên năm hai hồi đó.

Ảnh: Thực tập thiên nhiên K68, 2019

Viết tiếp câu chuyện còn đang dang dở, tôi mở trang giáo trình học phần chuyên ngành với kiến thức chuyên sâu hơn và cũng phức tạp hơn rất nhiều khi tập thể lớp sư phạm khóa 68 bắt đầu vào năm ba đại học. Tập thể lớp tôi những năm tháng ấy lại có được những khoảng thời gian thật đặc biệt khi trải qua phương thức học tập online do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19. Chúng tôi đã không còn thời gian được học tập cùng nhau trên giảng đường mà thay vào đó là thông qua màn hình của các nền tảng học online, thầy và trò giao tiếp cùng nhau và tất thảy chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định, nhưng trên hết thầy cô đã dành thời gian để giải đáp, để hướng dẫn và cùng chúng tôi  vượt qua. Nhớ lại khoảng thời gian đó, khi thầy cô giảng bài lại bất chợt gọi tên trả lời  câu hỏi, lồng ngực cũng đập mạnh lắm, đôi mắt đang lim dim nhưng cũng bừng sáng, tập trung xem mình có phải đầu danh sách hay không và rồi chúng tôi cũng không ít những lần đành phải quyết định trả lời rằng: “ Thầy cô ơi, nhà em mất mạng rồi!”. Khoảng thời gian đó cũng thật đáng yêu và cứ mỗi người trong chúng tôi lại cho mình một cơ hội  được tự học tốt hơn, được cố gắng hơn trong việc học tập của mình.

Trải qua ba năm học tập tại Khoa, thật thiếu sót khi tôi không kể tới những tháng ngày đẹp nhất của sinh viên sư phạm khi được tham gia nghiệp vụ sư phạm hằng năm. Không khí rạo rực khắp mọi nẻo đường dẫn tới trường sư phạm và cũng tại Khoa, chúng tôi được tham gia những hoạt động vừa học tập vừa vui mà cũng thật ý nghĩa. Trong suốt ba năm được tham gia nghiệp vụ sư phạm, tập thể lớp sư phạm chúng tôi luôn rất vui, rất nhiệt huyết và cũng luôn nhận được những giải thưởng tập thể xuất sắc từ Khoa.

   

                                      Ảnh: Đội thi chào hỏi cấp trường NVSP 11/2020

Đó là những tháng ngày tập văn nghệ cùng nhau để đạt giải nhất phần thi sân khấu hóa, những khoảng thời gian cùng nhau làm bức tranh bằng gạo đạt giải nhất, những giờ phút cố gắng của từng thành viên trong lớp tôi để tham gia ứng xử sư phạm, xử lý tình huống và rồi tự hào lắm, thích lắm khi cả hội trường chúng tôi hô vang “K68A. ,K68A......, K68A.....!”.Bật mí với độc giả, tôi là lớp trưởng lớp Sư phạm Sinh học khóa 68 nên khi đó tôi vừa tự hào mà cũng thật hãnh diện vì mình được vinh dự được làm lớp trưởng của một lớp đại học – một vinh dự lớn trong tuổi thanh xuân của tôi.

Giờ đây, khi tiết trời đã se se lạnh trong cái giá lạnh đầu mùa, khi mùa hoa sữa lại trổ khắp hai bên đường, khi cái nắng thu chỉ còn là sự ấm áp thay cho cái chói chang, ngột ngạt của mùa hè thì khi đó, chúng tôi cũng đã nhận ra rằng, thời gian của chúng tôi được học tập tại Khoa sẽ không còn nhiều nữa. Những yếu tố khách quan đã khiến cho chúng tôi tiếp tục học tập trực tuyến. Những căn phòng học thường dành cho lớp A như 304, 302 nhà A2 lại dần trở thành kí ức. Chúng tôi đã rất lâu rồi chưa được cùng nhau tan học sau tiếng chuông báo hiệu. Làm sao không thể nhớ những khung cửa sổ phía ngoài tòa nhà, nơi chúng tôi đã từng chụp rất nhiều những bức ảnh kỉ niệm trong cái nét rất xưa và cũng đầy tinh tế. Nhưng đối với chúng tôi, cái khoảnh khắc khi chúng tôi đã sắp phải xa mái trường này, xa Khoa Sinh học để chính thức đi làm những công việc của bản thân thì có lẽ đó là khi chúng tôi vô cùng lưu luyến.

 

Tháng 11 này, Khoa Sinh chúng tôi đã tròn 70 năm hình thành và phát triển. Chặng đường nào cũng đầy những chông gai nhưng cũng đầy những trái ngọt và sự tự hào. Chắc chắn rằng, chính những sinh viên đang được học tập tại Khoa trong thời gian này đó chính là điều may mắn và hạnh phúc khi được chứng kiến sự kiện lịch sử này và được tham gia những hoạt động kỉ niệm đầy ý nghĩa. Tháng 11 này, học trò cũng rất được mong có cơ hội được gặp mặt các lớp lớp thế hệ đã học tập và công tác tại Khoa. Hội tụ và trưởng thành chắc chắn là một trong những ý nghĩa của những tháng ngày lịch sử sắp tới. Mọi ngả đường sẽ đều hướng về ngôi trường 70 tuổi và cũng là dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Khoa Sinh học. Nhìn thấy ở hiện tại, Khoa đã làm được rất nhiều những điều kì diệu, những công trình nghiên cứu, những thế hệ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ,... những người giáo viên đang là rường cột của nền giáo dục của nước nhà, vậy há phải chăng, chúng ta cũng hi vọng rằng, sau này thời điểm 80 năm, 90 năm Khoa sẽ còn làm được những điều kì tích hơn thế nữa.

Mối lương duyên này xin gửi lại chút tâm tình. Học trò xin gửi lại thầy cô những lời chúc tốt đẹp nhất. Cuối cùng, học trò cũng xin gửi tặng Khoa những dòng suy nghĩ, tâm tư có đôi chút ngữ điệu, thanh âm như một món quà chào mừng 70 năm ngày thành lập Khoa Sinh học – trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tập thể lớp K68A

                                                                             Bài thơ: “Bảy mươi năm Khoa Sinh học” – Vũ Hải Đăng

 

       Bảy mươi năm như một mùa xuân

       Hoa cứ nở có đâu tàn lụi

Hoa trước kia bùi ngùi e ấp

Mà bây giờ sớm sắc trổ bông

 

Bảy mươi năm có dài lắm không

Một đời người có chăng cũng vậy

Tình yêu nghề nơi đây khơi dậy

Biết bao người từ đấy thành công

 

      Bảy mươi năm giờ dịp ngoảnh trông

      Một chặng đường chông gai vất vả

      Có ngọt bùi niềm vui khôn tả

                                   Đến giờ này có cả vinh quang

 

  Và sau này trường tồn thời gian

  Viết tiếp lên dòng trang lịch sử

  Sẽ có nhiều khó khăn lắm chứ

  Nhưng mãi còn hai chữ “Ân sư”

 

                                                                               Bài: Vũ Hải Đăng - K68A

                                                               Ảnh: K68A, Phạm Văn Hậu - K67K

 


Source: 
05-11-2021
Tags