VIẾT CHO K53

Dãy nhà cũ A3 - nơi gắn liền với bao kỉ niệm một thời nông nổi vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nó. Những kỉ niệm ấy, đẹp như một khu vườn cổ tích và trong veo như một giọt sương mai...

Nó nhận được thông báo trúng tuyển trong một ngày hè năm 2007 từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với ước mơ cháy bỏng trở thành cô giáo. Và năm ấy, nó trở thành sinh viên của K53 khoa Sinh học với gần 70 thành viên. Quãng thời gian cháy hết mình ấy đã trở thành một phần kí ức đẹp đẽ và thân thương trong nó. Đó là những cung bậc cảm xúc khi đưa mắt rà điểm của mình trên bảng thông báo. Đó là chồng đề cương cao chất ngất đến từ lớp phó học tập Đào Sen và mấy bạn mọt sách Kim Hà, Khánh Vân... Đó là những buổi thức thâu đêm kể chuyện ma và những bữa mì tôm trốn cô Danh ở kí túc xá A5. Đó là những buổi xếp hàng lên thư viện. Đó là những ngày mất nước, cả lũ kéo nhau xuống sân A5 đánh răng. Và đó cũng là tình cảm đơn phương với anh khoá trên... Nó chẳng thể nào quên thầy chủ nhiệm Lân Hùng vô cùng hài hước, phóng khoáng và luôn đúng hẹn  - người mà trước đó nó thầm ngưỡng mộ và chỉ nhìn thấy trên tivi. Vào buổi đầu nhập học, thầy đón nó và các bạn với vóc dáng bệ vệ, giọng khàn khàn đôn hậu và nụ cười thật tươi. Trong suốt 4 năm học, thầy luôn luôn đồng hành cùng lớp, rất thân thiệt chứ không hề xa cách như nó tưởng tượng. Nó nhớ nhất là lần cả lớp được thầy tiếp sức bằng những cốc chè thập cẩm ngon tuyệt và những que kem mát lạnh khi đang học giáo dục quốc phòng ở Sân vận động giữa thời tiết 40 độ của mùa hè năm 2008. Những sự quan tâm nho nhỏ như vậy của thầy cứ theo chúng nó suốt 4 năm dưới mái nhà Khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Những hành động đó không chỉ xóa tan sự xa cách giữa thầy và trò mà còn làm nó và các bạn học được cách làm thầy.

Chẳng thể quên khối trưởng Ánh Tuyết nhanh nhẹn, giỏi ngoại giao; lớp trưởng Hoài mạnh mẽ, đầy nghị lực; lớp trưởng Minh Tú thông minh, xinh đẹp; lớp phó đời sống Mai Lan thời thượng; bạn Trung Thu dịu dàng; bạn Thuỷ hiền lành, bạn Thu Hiền cá tính… Giờ đây, có bạn đã giữ vị trí cao trong xã hội, nhiều bạn trở thành giáo viên ở khắp mọi miền tổ quốc, cũng có người đã ở một nơi rất xa… Đã lâu rồi nó chẳng gặp các bạn, 63 con người, 63 tính cách, không ai giống ai nhưng nó tin rằng những kí ức của một thời sinh viên khoa Sinh luôn là một phần trong hành trình của tất cả mọi người.

Hình 1. Gặp lại thầy chủ nhiệm Lân Hùng và các thầy cô tại lễ kỉ niệm 65 năm thành lập Khoa Sinh học

Đứng trước cổng trường, những hình ảnh hì hụi trang trí trại, tranh nhau đồ ăn… cứ lần lượt hiện ra trước mắt nó. Những câu chuyện ấy dường như làm sống lại những mảng kí ức đẹp đẽ và thân thương.

Hình 2. Hội trại Khoá 53 năm 2004

 

Hình 3. Chụp ảnh lưu niệm trước cổng trường của lớp Chất lượng cao K53

Nó cảm thấy thật may mắn vì được học tập tại ngôi nhà khoa Sinh học -  nơi nó được vun đúc, tạo nên nền móng vững chắc để vun đắp tương lai. Nó vẫn nhớ những bài Giải phẫu thực vật của thầy Ba, cô Liên; bài phân loại thực vật của cô Bé; những buổi mổ rắn, mổ giun của thầy Nhượng, thầy Dực; những bài sinh thái học của thầy Sỹ Tuấn; những bài sinh lý thần kinh của thầy Long… Không chỉ có những giờ học lý thuyết thú vị, thứ đọng lại trong nó còn là những giờ học thực hành vô cùng hấp dẫn. Trong kí ức của nó vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh của chiếc kính hiển vi mà lần đầu tiên nó được nhìn thấy, được tận tay sờ vào hay tận mắt quan sát một con trùng roi dưới chiếc kính kì diệu đó. Sự hấp dẫn của các thí nghiệm đã khiến nó cùng nhiều bạn bè dễ dàng quên đi cái cảm giác mệt mỏi của 5 tiết học buổi sáng, quên đi cảm giác ăn vội đĩa cơm ở canteen kí túc xá để lên lớp học thực hành vào tiết 6 buổi chiều. Cảm giác được khoác lên mình những chiếc áo blouse trắng có logo của Khoa khiến nó luôn tự hào về sự khác biệt của ngành nó học với các bạn sinh viên ở các Khoa khác trong trường.

Hình 4. Nhóm thực hành Sinh lí thực vật tại Vườn Thực nghiệm

Với đặc thù của trường, bên cạnh khối kiến thức chuyên ngành, nó và các bạn còn được học từng nét chữ, phong thái đi lại trên bục giảng, thậm chí cả cách lau bảng từ thầy Sâm, thầy Duệ trong các giờ học về Phương pháp giảng dạy. Trong những giờ học ấy, nó dường như cảm nhận được năng lượng và nhiệt huyết của các thầy cô từ những lời giảng ấm áp, những câu chuyện cười mang đậm “tính sinh học”. Tất cả trở thành nguồn cảm hứng để nó sáng tạo nên những trang giáo án sau này. Và đặc biệt hơn nữa là chỉ có trường nó mới có cái gọi là “Tuần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm”. Đó là tuần lễ được mong chờ nhất trong tháng 11, tháng kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Với nhiều hoạt động vô cùng sôi nổi như rèn kĩ năng viết và trình bày bảng; kĩ năng thuyết trình và làm chủ cảm xúc trước đám đông; kĩ năng làm chủ nhiệm lớp hay kĩ năng giảng bài,… Nó rất nhớ cái cảm giác được chen chân trong các phòng học hay Hội trường với hàng trăm sinh viên, tranh nhau cổ vũ cho các đội thi của phần thi Sân khấu hóa và cùng cười lăn, cười bò trước những màn Chào hỏi vô cùng thông minh và dí dỏm của các đội thi. Nó nhớ những ngày hăng say tập luyện khi tham gia vào Đội thi Nghiệp vụ sư phạm cấp trường, đây cũng là dịp để nó cùng các bạn hiểu thêm về trường về ngành giáo dục qua các phần thi Hiểu biết sư phạm, rèn thêm kĩ năng nghề nghiệp trong phần thi Giải quyết tình huống sư phạm hay thêm tự hào về Khoa mình qua màn thi Chào hỏi. Không chỉ được học tập và rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp trong tuần lễ này, chúng nó còn rất háo hức và chờ đợi lễ mitting của Khoa, nơi mà chúng nó được gặp rất nhiều thầy cô, thuộc nhiều thế hệ khác nhau trong Khoa, được nghe các thầy cô kể về những kỉ niệm học tập hay giảng dạy từ thời còn khó khăn và cũng là dịp để sinh viên chúng nó thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của mình đối với thầy cô. Các thầy cô không chỉ truyền đạt cho nó kiến thức sinh học vững chắc mà còn là những người thầy mẫu mực về đạo đức, là tấm gương sư phạm sáng ngời để nó noi theo. Và từ đó, nó càng hiểu hơn thế nào là lấy nhân cách để giáo dục nhân cách.

Hình 5. Phần thi Sân khấu hoá – Nghiệp vụ Sư phạm K53

Thứ sâu đậm nhất với nó đến giờ là những buổi thực tập thiên nhiên tại Tam Đảo và vườn ngập mặn Giao Thuỷ. Tháng 6 năm 2004, khi vừa kết thúc năm học đầu tiên, nó lần đầu được đặt chân đến Tam Đảo, tạm xa sự ồn ào, bức bối của Hà Nội. Nó vừa háo hức, vừa bồn chồn lại vừa lo âu. Nó háo hức bởi lẽ đây là chuyến đi xa nhất mà nó được đi cùng 63 thành viên của khoá và đây cũng là cơ hội tuyệt vời để nó được tìm hiểu thêm về hệ sinh thái trong rừng quốc gia Tam Đảo. Nhưng nó lo lắng không biết cuộc sống 2 tuần ở đó sẽ ra sao, lo lắng về vắt cắn, lo lắng về đường xa và những khó khăn mà các anh chị khóa trên đã kể. Thế nhưng, những khó khăn ấy đã nhanh chóng tan biến khi nó và các bạn nhận được sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô về các biện pháp bảo đảm an toàn trong suốt quá trình thực tập. Nó nhớ những buổi “ngụy trang’ cẩn thận với ủng, mũ theo chân thầy Nhượng, thầy Hùng leo đỉnh tháp truyền hình xuyên rừng thông quan sát các loài côn trùng. Hay háo hức tìm cá, tìm ốc và quan sát nhiều loài lưỡng cư ở con thác đẹp nhất của Tam Đảo – thác Bạc - theo lời giới thiệu hấp dẫn của thầy Khắc. Sau những buổi leo núi, lội suối là những bữa cơm chia nhau từng miếng cháy xin thêm hay ít nước canh của cô chủ quán mới cảm thấy đủ no cái bụng của các chàng trai, cô gái đang tuổi 18-19. Không chỉ cảm thấy cơm ngon mà nó vẫn nhớ một đứa nổi tiếng khó ngủ như cái Thủy cũng phải ngủ lăn lóc trên chiếc giường 4-5 đứa chen nhau. Hai tuần kết thúc nhanh như một giấc mơ, và qua kỳ thực tập, nó đã hiểu ra rằng thiên nhiên kì diệu đến nhường nào! Kì thực tập còn dạy cho nó cách sống trong môi trường tập thể, giúp nó gắn kết hơn với thầy cô và bạn bè. Và chắc chắn rằng, thứ còn đọng lại là những tiếng cười!

Hình 6. Phân loại động vật không xương sống với thầy Nhượng trong kì thực tập thiên nhiên tại Tam Đảo

 

Hình 7. Thực tập thiên nhiên tại thác Bà, Tam Đảo

 

Hình 8. Thực tập thiên nhiên tại rừng ngập mặn Giao Thuỷ

Về dưới mái trường cũ, nó dường như được trở về với những kí ức xa xăm, một đôi chỗ trong dòng kí ức ấy chỉ còn rời rạc. Nhiều thứ đã thay đổi so với 15 năm trước nhưng đâu đó một vài điều xưa cũ vẫn còn trong trái tim nó, nguyên vẹn đến nhiệm mầu!

Ngôi trường của nó sắp tròn 70 tuổi, bỗng dưng nó cảm thấy tự hào vì mình là một phần nhỏ của hành trình 70 năm ấy. Nơi đây luôn đem đến cho nó một thứ cảm xúc khó tả mỗi khi nhớ về. Quãng thời gian ấy, nó đã được sống là chính mình! Tất cả gộp lại thành một bức tranh muôn màu, chẳng thể nhạt nhòa! Nó bước vào trường, lí lắc như thời sinh viên, lẩm nhẩm bài hát “Ngày đó khi tôi 20, tôi thật ngốc nghếch chẳng biết gì…”

                       Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Lê Thị Thuỷ, Nguyễn Thị Trung Thu, Đào Thị Sen - K53 Khoa Sinh học

 

 

 

 

 


Source: 
26-11-2021
Tags