Sáng ngày 17 tháng 7 năm 2024, Viện Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức seminar “Ứng dụng và thương mại hóa một số kết quả khoa học công nghệ Sinh học - cơ hội và thách thức”. Đây là hoạt động khoa học đầu tiên của Viện từ khi thành lập nhằm mục đích chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học và kết nối các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên trong Nhà trường qua đó mở ra các hướng nghiên cứu có tính liên ngành.
Buổi seminar có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS. Lục Huy Hoàng-Phụ trách Viện KHTN, ThS. Lê Thị Khánh Vân – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn - Trưởng Khoa Sinh học, GS. TS. Đặng Ngọc Quang - Trưởng Khoa Hóa học, cùng đông đảo các giảng viên, học viên, sinh viên đến từ các khoa Sinh học, Vật lí, Hóa học, Toán - Tin, Sư phạm Kỹ thuật,…. Phát biểu tại buổi seminar, PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn khẳng định, nghiên cứu cơ bản là một trong những thế mạnh của cán bộ, giảng viên của Nhà trường, tuy nhiên các nghiên cứu ứng dụng và đặc biệt là định hướng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu còn tương đối hạn chế. Do vậy, việc kết nối các nhà khoa học, các giảng viên thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên để phát triển các hướng nghiên cứu liên ngành, tạo ra các sản phẩm ứng dụng hoàn chỉnh hướng đến thương mại hóa sản phẩm mang thương hiệu của Nhà trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển chung của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Ảnh 1. PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi seminar
Ảnh 2. GS.TS. Lục Huy Hoàng-Phụ trách Viện KHTN
Báo cáo đầu tiên được PGS.TS. Đoàn Văn Thược (Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học - Vi sinh, Khoa Sinh học) trình bày tại seminar liên quan đến việc ứng dụng các vi sinh vật trong nông nghiệp, sản xuất thực phẩm, dược phẩm và vật liệu mới. Bài báo cáo tập trung chia sẻ các kết quả nghiên cứu của Bộ môn trong việc phân lập, tuyển chọn và sử dụng các vi sinh vật có lợi ứng dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi; cố định đạm và phân giải phosphate khó tan trong đất giúp giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học trong trồng trọt; hay trong sản xuất đồ uống có cồn, nhựa phân hủy sinh học. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu đã trình bày, báo cáo viên cũng mang tới buổi seminar một số sản phẩm ứng dụng như rượu vang, giấm, nước uống tía tô,…
Ảnh 3. PGS.TS. Đoàn Văn Thược trình bày báo cáo tại seminar
Tiếp theo, TS. Lê Thị Tươi (Bộ môn Di truyền – Hóa sinh, Khoa Sinh học) chia sẻ báo cáo có tên “Một số hướng nghiên cứu lên men dược liệu định hướng ứng dụng trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm”. Nghiên cứu hướng đến việc quảng bá và nâng cao giá trị của nguồn dược liệu vốn rất đa dạng và phong phú của Việt Nam. Vỏ quả măng cụt, hoa hòe, quả sim là những nguồn vật liệu được tập trung nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm như cao chiết hay tinh chất ứng dụng trong sản xuất thực phẩm (nước uống, sữa chua), dược phẩm, mỹ phẩm. Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng chia sẻ các kết quả nghiên cứu trong việc tìm kiếm các vi sinh vật có khả năng chuyển hóa các tiền chất có trong nguồn thảo dược thành các chất có hoạt tính sinh học cao, như chuyển hóa rutin có trong hoa hòe thành quecitin. Đây là hướng nghiên cứu có tiềm năng lớn trong việc phát triển các sản phẩm có tính ứng dụng có thể thương mại hóa. Một số vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, kí kết thương mại với các nhà sản xuất là những nội dung được quan tâm thảo luận trong các báo cáo.
Ảnh 4. TS. Lê Thị Tươi và ThS. Nguyễn Xuân Lâm chia sẻ một số kết quả nghiên cứu tại seminar
Ảnh 5. Một số sản phẩm trưng bày tại buổi seminar
Trong báo cáo thứ 3, ThS. Nguyễn Xuân Lâm (Bộ môn Sinh lý học thực vật và Ứng dụng), giới thiệu một số hướng nghiên cứu ứng dụng của Bộ môn và tập trung trình bày các kết quả nghiên cứu liên quan đến quy trình sản xuất bột nấm bào ngư đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua các kết quả nghiên cứu, báo cáo viên cũng chia sẽ một số khó khăn (điều kiện nghiên cứu và nguồn lực) cũng như kiến nghị (sản xuất thử nghiệm) để thúc đẩy việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu cũng như chuyển giao các quy trình kĩ thuật.
Là khách mời đặc biệt của buổi seminar, ThS. Lê Thị Khánh Vân (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp) chia sẻ về phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Trong bài trình bày của mình, báo cáo viên chia sẻ vấn đề hay gặp của nhà nghiên cứu khi đi tìm con đường thương mại hoá kết quả nghiên cứu của mình: sự khác biệt trong vấn đề cung và cầu; sự mâu thuẫn về mục đích trong hợp tác giữa trường Đại học và Doanh nghiệp và những khó khăn trong việc hợp tác giữa tổ chức KHCN và Doanh nghiệp. Nhiều giải pháp và mô hình chuyển giao công nghệ đã được báo cáo viên đưa ra và giới thiệu với những ví dụ rất cụ thể. Vấn đề kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và nhà khoa học được đưa ra thảo luận và mở ra nhiều hoạt động cụ thể của Viện KHTN trong thời gian tới.
Ảnh 6. Ban tổ chức tặng quà khách mời ThS. Lê Thị Khánh Vân
Tổng kết buổi seminar, GS.TS Lục Huy Hoàng nhấn mạnh vai trò của kết nối doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ đối với hoạt động của Viện KHTN và sự thay đổi trong tư duy nghiên cứu khoa học khi có mục tiêu gắn liền với thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu khoa học. Seminar là cơ hội để các thầy, cô Khoa Sinh học chia sẻ những kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng tới các đồng nghiệp, người học trong Nhà trường và cũng là những gợi mở cho xây dựng các đề tài khoa học có tính liên ngành trong Viện KHTN. Seminar cũng giải đáp một số vấn đề về thương mại hóa sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu, gắn nghiên cứu khoa học với nhu cầu của xã hội, gắn với các doanh nghiệp sẽ là bước phát triển bền vững và phù hợp trong chiến lược phát triển của Khoa, Viện KHTN và của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Ảnh 7. Khách mời, báo cáo viên và người tham dự chụp ảnh lưu niệm tại seminar
Bài: TS. Lê Thị Thủy, TS. Lê Thị Tươi
Ảnh: Khoa Sinh học và Phòng HCĐN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội