TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
KHOA SINH HỌC
---------------
(V/v tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Khoa năm học 2017-2018)
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 2 tháng 12 năm 2017
|
THÔNG BÁO SỐ 1
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ
SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM HỌC 2017-2018
Kính gửi: - Phòng Khoa học – Công nghệ
- Các Bộ môn trực thuộc Khoa Sinh học
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Thực hiện kế hoạch năm học 2017-2018. Căn cứ theo công văn số 494/ĐHSPHN-KH của Trường ĐHSP Hà Nội về kế hoạch tổ chức hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp năm học 2017-2018. Nhằm chuẩn bị tốt cho hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Khoa, Khoa Sinh học lên kế hoạch tổ chức Hội nghị với các nội dung như sau:
I. Mục đích của Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học
- Động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên trong khoa đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- Tạo cơ hội cho sinh viên và cán bộ giảng dạy có dịp trao đổi chuyên môn, học thuật và hợp tác nghiên cứu giữa các đơn vị trong và ngoài khoa.
- Công bố những kết quả nghiên cứu khoa học mới của sinh viên khoa Sinh học.
- Tuyển chọn những báo cáo khoa học có chất lượng gửi tham gia Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018.
II. Nội dung của Hội nghị khoa học
- Báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về các lĩnh vực chuyên môn. Khuyến khích các nhóm nghiên cứu mang tính chất liên bộ môn, liên ngành.
- Biểu dương, khen thưởng các sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc.
III. Thành phần tham gia Hội nghị khoa học
- Các sinh viên và cán bộ giảng viên đang học tập, công tác tại Khoa Sinh học.
- Khách mời của Hội nghị: Đại diện lãnh đạo phòng Khoa học & Công nghệ, Đoàn thanh niên. Các nhà khoa học và sinh viên, thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài trường hoạt động trong lĩnh vực khoa học sự sống và khoa học giáo dục.
IV. Thời gian và hình thức tổ chức Hội nghị khoa học
- Dự kiến vào ngày 20 tháng 4 năm 2018.
- Các báo cáo được trình bày tại Hội nghị sẽ trình bày trong 15 phút. Các báo cáo không trình bày sẽ chuẩn bị dưới dạng poster khổ A0 để treo và giới thiệu tại Hội nghị.
- Tất cả các báo cáo gửi cho BTC sẽ được in trong kỷ yếu Hội nghị.
V. Cơ cấu giải thưởng
- 05 báo cáo xuất sắc nhất sẽ được gửi tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017.
- Cộng điểm đối với các báo cáo/đề tài:
+ Thuyết trình. Nhất: 2,0 điểm; Nhì: 1,5 điểm; Ba: 1,0 điểm; các báo cáo còn lại: 0,5 điểm
+ Giải poster. Nhất, Nhì và Ba: 0,5 điểm
+ Báo cáo có nhiều tác giả, số điểm của mỗi thành viên = điểm cộng/số tác giả
V. Thể lệ gửi bài
- Mỗi bài báo dài tối đa 10 trang, viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh được chế bản trên khổ A4; font: Times New Roman; size: 13; line spacing: 1,3;margins: left 3,0 cm - right 2,0 cm - top 2,2 cm - bottom 2,5 cm.
1. Yêu cầu chung đối với bản thảo
- Cách thức trình bày và các phần của bài báo theo mẫu của Tạp chí Công nghệ Sinh học (tham khảo: http://vjs.ac.vn/index.php/vjbt/about/submissions).
- Tất cả bài báo cần có phần tóm tắt bằng tiếng Anh (đối với bài trình bày bằng tiếng Việt), tóm tắt bằng tiếng Việt (đối với bài trình bày bằng tiếng Anh).
2. Bố cục bản thảo
Bản thảo bài báo được sắp xếp theo các phần, các tiểu mục (không đánh số thứ tự) sau đây:
TÊN BÀI (in hoa): Tên bài phải ngắn gọn nhưng bao quát, có đủ thông tin, tránh dùng những từ viết tắt, tối nghĩa, những cụm từ như: một số kết quả, bước đầu nghiên cứu, kết quả bước đầu … và không quá 150 ký tự (characters) bao gồm cả khoảng cách (space).
THÔNG TIN CỦA TÁC GIẢ: Ghi đầy đủ họ và tên các tác giả. Nếu có nhiều đồng tác giả thuộc hai cơ quan trở lên thì phải chú thích bằng các chỉ dẫn (1, 2...) ở phía sau họ và tên của từng người. Tác giả liên hệ (Author for correspondence): ghi rõ họ và tên, địa chỉ, điện thoại và email.
TÓM TẮT: Phần tóm tắt khoảng 150 - 300 từ, cung cấp đầy đủ lượng thông tin cần thiết nhất để người đọc có thể hiểu được nội dung chính của bài báo, không trích dẫn tài liệu. Nội dung bao gồm: giới thiệu về vấn đề cần nghiên cứu, trình bày phương pháp nghiên cứu và kết quả đạt được, bàn luận và kết luận.
Từ khóa: Phải có từ 3 - 7 từ khóa xếp theo thứ tự alphabet (A → Z).
ĐẶT VẤN ĐỀ (INTRODUCTION): Giới thiệu khái quát về vấn đề nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn, tóm lược tình hình (thông tin có liên quan phải mang tính thời sự, đã được cập nhật). Nêu rõ mục đích, nội dung của công trình.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP (MATERIALS AND METHODS)
Mô tả đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ nguyên/vật liệu, tên khoa học cơ thể sinh vật dùng trong nghiên cứu. Đối với thiết bị và hóa chất, phải ghi rõ tên, hãng, nước sản xuất.
Nếu là phương pháp chuẩn, hoặc đã được công bố trước đó thì nêu tên phương pháp, tác giả, tài liệu trích dẫn và trình bày ngắn gọn các bước chính của phương pháp. Nếu là phương pháp chuẩn nhưng có cải tiến, bổ sung thì phải bổ sung phần cải tiến và bổ sung.
Nếu là phương pháp mới thì cần mô tả chi tiết nhưng ngắn gọn, đầy đủ thông tin về các bước tiến hành để người đọc hiểu và có thể lặp lại được thí nghiệm khi cần thiết.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN (RESULTS AND DISCUSSION)
Có thể kết hợp hoặc tách riêng 2 phần kết quả và thảo luận. Trình bày theo thứ tự logic các kết quả nghiên cứu và nêu các ý kiến thảo luận (bàn luận) về các kết quả thu được.
Kết quả phải có các số liệu thực nghiệm chính xác, hoàn chỉnh và phải được minh họa bằng các hình và bảng. Tên hình vẽ nằm phía dưới hình, tên bảng nằm phía trên bảng. Bảng, đồ thị, hình ảnh trình bày theo kích thước (bao gồm cả phần chữ chú thích: size 10, line spacing: 1): chiều cao không quá 21 cm; chiều rộng không quá 15 cm.
Thảo luận phải có các nhận xét, đánh giá, phân tích, so sánh với các công trình khác có liên quan. Phải nêu được các nhận định, định hướng, xu thế... của vấn đề nghiên cứu.
KẾT LUẬN (CONCLUSION)
Viết thành đoạn văn, không gạch đầu dòng hoặc đánh số thứ tự. Nội dung ngắn gọn và xúc tích, tránh trùng lặp với các phần khác.
Lời cảm ơn: Lời cảm ơn để sau phần kết luận bao gồm cảm ơn về tài chính, về cố vấn khoa học, giúp đỡ về trang thiết bị thực hiện, về cá nhân tham gia một phần trong đề tài nhưng không đứng tên trong phần tác giả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO (REFERENCES)
Tài liệu tham khảo sử dụng trong bài báo là những tài liệu khoa học chính thống được lưu chiểu, tài liệu mang tính thời sự, mới cập nhật. Hạn chế sử dụng tài liệu là các luận văn, luận án, tài liệu internet, tài liệu lưu hành nội bộ, tài liệu mật của Quốc gia.
Trong bài viết, tài liệu được trích dẫn bằng cách ghi tên tác giả, năm xuất bản trong ngoặc đơn (). Nếu có 2 tác giả thì dùng dấu (,), 3 tác giả trở lên thì ghi tác giả đầu + et al.(đối với tài liệu tiếng Anh) + và CS. (đối với tài liệu thiếng Việt), năm, ví dụ: (Anderson, 2012; Sambrook, Russell, 2001; Andersen et al., 2002; Trần Văn A và CS., 2015). Khi đưa tên tác giả vào câu văn thì thay dấu (,) giữa hai tác giả thành chữ “và”, thay cụm từ “et al.” bằng cụm từ “cộng sự”, năm để trong ngoặc đơn, ví dụ: …Sambrook và Russell (2001)…, …Andersen và cộng sự (2002)..., …Trần Văn A và cộng sự (2015)….
Tài liệu tham khảo/References không đánh số, sắp xếp theo thứ tựalphabet (A → Z). Tên tạp chí quốc tế được viết tắt theo quy định chung (Tham khảo Danh mục viết tắt các Tạp chí Quốc tế trên mạng và bỏ dấu chấm sau chữ viết tắt). Tên tạp chí trong nước, tên sách và các tài liệu khác được viết đầy đủ.
Các tài liệu tham khảo được liệt kêtheo mẫu sau đây:
Bài báo: Sanger J, Nicklen S, Coulson AR (1977) DNA sequencing with the chain-termination inhibitors. Proc Natl Acad Sci USA 74: 5463-5467.
Sách: Sambrook J, Russell DW (2001) Molecular Cloning. A Laboratory Manual, 3rd ed. Cold Spring Harbor Laboratory, Cold Spring Harbor, NY.
Sách có nhiều chương, bài: Voytas DF, Boeke JD (2002) Tyl and Ty5 of Saccharomyces cerevisiae. In Craig NL, Claigie R, Gellert M, Lambowitz AM, eds. Mobile DNA II. ASM Press, Washington, DC: 631-632.
Luận án: Santanen A (2000) Polyamine metabolism during development of somatic and zygotic embryos ơf Picea abies. PhD dissertation. Department of Biociences, University of Helsinki, Finland.
Bằng phát minh/sáng chế, trình tự gen/protein, tài liệu hội nghị, tài liệu trên mạng và các tài liệu khác: Tham khảo cách trích dẫn của tạp chí Công nghệ Sinh học và các tạp chí Quốc tế.
TÓM TẮT: Tiếng Anh đối với bài viết bằng tiếng Việt, tiếng Việt với bài viết bằng tiếng Anh
VI. Địa chỉ và thời hạn gửi bài
Các bài tham gia hội nghị (1 bản cứng và 1 file mềm) được gửi cho BTC theo địa chỉ sau:
Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Bộ môn Sinh lý học người và động vật) và TS. Lê Thị Thuỷ (Bộ môn Sinh lý thực vật và ứng dụng) Email: hanhnth@hnue.edu.vnvà hienthuy20@gmail.com.
Hạn nộp bài: trước ngày 16 tháng 04 năm 2018 (thứ Hai).
VII. Phân công nhiệm vụ - tổ chức
1. Liên chi đoàn
- Tuyên truyền, viết bài giới thiệu và tổng kết về Hội nghị.
- Tham gia hỗ trợ tổ chức Hội nghị.
2. Chi đoàn Cán bộ
- Đảm nhận công tác tổ chức Hội nghị.
- Xây dựng chương trình Hội nghị.
- Biên tập và in Kỷ yếu Hội nghị.
- Lập dự trù kinh phí và công tác hậu cần.
3. Các đơn vị trong Khoa
- Lãnh đạo các Bộ môn đôn đốc và tạo điều kiện tốt cho các sinh viên viết bài báo khoa học, chuẩn bị báo cáo có chất lượng tốt tham gia Hội nghị. Mỗi bộ môn lựa chọn từ 1-3 báo cáo tốt nhất tham gia Hội nghị. Các báo cáo còn lại sinh viên gửi tóm tắt để in trong kỷ yếu hội nghị.
- Văn phòng Khoa phối hợp làm tốt công tác tổ chức Hội nghị.
- Trợ lý NCKH của Khoa theo dõi, phối hợp, giúp đỡ tổ chức Hội nghị.
Thông tin chi tiết về Hội nghị sinh viên NCKH khoa Sinh học xin liên hệ:
Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Bộ môn Sinh lý học người và động vật) và TS. Lê Thị Thuỷ (Bộ môn Sinh lý thực vật và ứng dụng) Email: hanhnth@hnue.edu.vnvà hienthuy20@gmail.com.
Đề nghị các đơn vị triển khai nghiêm túc, hiệu quả và đúng kế hoạch.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Liên chi đoàn;
- Chi đoàn Cán bộ;
- Lưu Vp. Khoa.
|
BAN CHỦ NHIỆM KHOA SINH HỌC
Phó Trưởng Khoa
PGS.TS. Đoàn Văn Thược
|