Hội thảo đã thu hút sự tham dự của đông đảo của hơn 300 đại biểu là tập thể cán bộ, cựu cán bộ, người học, cựu người học Khoa Sinh học, các đại biểu đến từ nhiều trường Đại học, Cao đẳng, các Học viện, Viện nghiên cứu trên cả nước trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng phần mềm Zoom. Tới tham dự hội thảo có GS.TS. Lê Trần Bình, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Thầy Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học học Sư phạm Hà Nội; PGS.TS. Dương Minh Lam, Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học học Sư phạm Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn - Trưởng Khoa Sinh học nhấn mạnh vai trò quan trọng và những thành tựu của hoạt động nghiên cứu khoa học trong quá trình xây dựng và phát triển của Khoa Sinh học. Qua 70 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, khoa Sinh học đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ trên cả lĩnh vực nghiên cứu sinh học cơ bản, sinh học ứng dụng và khoa học giáo dục. Những công trình nghiên cứu, những nỗ lực cống hiến đã được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao và ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Cosmos; Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhân tài đất Việt,…. Phát huy truyền thống đó, cán bộ Khoa Sinh học không ngừng phấn đầu và tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong 5 năm (2016-2021), cán bộ, giảng viên Khoa Sinh học đã công bố được 174 bài báo khoa học quốc tế, 311 bài báo trong các tạp chí, kỷ yếu hội nghị trong nước, 67 sách, giáo trình, sách chuyên khảo và chủ nhiệm 71 đề tài các cấp. Chào mừng 70 năm thành lập, Khoa Sinh học, Trường Đại học học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập” cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận và đề xuất các gợi ý trong nghiên cứu và giảng dạy sinh học đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Ảnh 1. PGS. TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo
Ảnh 2. Đầu cầu Hội thảo tại trung tâm Thông tin Thư viện - ĐHSP Hà Nội
Ảnh 3. Đầu cầu Hội thảo tại phòng họp nhà A3 Khoa Sinh học - ĐHSP Hà Nội
Tiến tới Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài báo khoa học gửi tới tham dự. Qua quá trình phản biện, thẩm định và biên tập, 42 bài báo khoa học đã được chọn đăng trong 2 số trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tại Hội thảo, Đại biểu đã được nghe 5 báo cáo của các Giảng viên của Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các nhà khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu sinh học cơ bản, sinh học ứng dụng và khoa học giáo dục.
Ảnh 4. Các bài báo được chọn đăng trong 2 số Tạp chí Khoa học
PGS.TS. Dương Minh Lam (Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo “Nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực cho quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững trong thời đại 4.0 và hội nhập”. Báo cáo trình bày một cách tiếp cận mới về tư duy hệ thống được áp dụng trong các nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực áp dụng trong trường hợp một chương trình nghiên cứu ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm do tổ chức Hỗ trợ nghiên cứu khoa học của Vương quốc Anh (UK/GCRF), với các đối tác tham gia là các khu dự trữ sinh quyển, các khu bảo tồn biển thuộc 4 nước Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam). Báo cáo chi tiết về cách thức triển khai, phương pháp luận và phương pháp tiến hành và những tham gia của phía Việt Nam trong đó có các nhà khoa học từ khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Báo cáo cũng đã phân tích những mặt mạnh, mặt yếu, những khó khăn và thách thức của phía Việt Nam nói chung và cán bộ Khoa Sinh học nói riêng.
Ảnh 5. PGS. TS. Dương Minh Lam trình bày báo cáo
Báo cáo thứ hai được trình bày bởi TS. Nguyễn Việt Hùng (Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), Nairobi, Kenya) về “Tiếp cận một sức khỏe (One Health) cho nghiên cứu và quản lý dịch bệnh trong mối quan hệ giữa con người, động vật và môi trường”. Hiện thế giới đang đối mặt với các thách thức quan trọng về sức khỏe; vấn đề sức khỏe toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế và xã hội. Tần suất các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người ngày càng gia tăng khi con người ngày càng xâm phạm môi trường sống của động vật hoang dã và khi các hệ thống chăn nuôi vật nuôi và thủy sản ngày càng mở rộng. 60% các bệnh truyền nhiễm ở người có gây ra bởi mầm bệnh có nguồn gốc từ động vật và 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật. Các bệnh do thực phẩm gây ra cũng tạo nên gánh nặng sức khỏe tương đương với HIV/AIDS, bệnh sốt rét hay bệnh lao và gây thiệt hại hơn 115 tỉ đô la hàng năm nhưng chỉ nhận được một phần nhỏ sự đầu tư và quan tâm từ các nhà tài trợ quốc tế. Vấn đề kháng thuốc, đặc biệt là kháng kháng sinh gây ra 700.000 ca tử vong mỗi năm và dự kiến sẽ giết chết 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050. Giải quyết các thách thức sức khỏe phức hợp này cần có cách tiếp cận hệ thống và tích hợp. Trong bài trình bày, tác giả đã giới thiệu cách tiếp cận Một Sức khỏe (One Health) như là một trong những giải pháp cho vấn đề này. Một sức khỏe ghi nhận mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người, động vật và môi trường, và huy động sự hợp tác liên ngành ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và khu vực để đạt được một sức khỏe tối ưu cho con người, động vật và môi trường. Đồng thời một vài ví dụ cụ thể sử dụng Một sức khỏe trong nghiên cứu và can thiệp để giám sát và kiểm soát dịch bệnh cũng như những ý nghĩa của việc này trong giảng dạy.
Hình 6. TS. Nguyễn Việt Hùng trình bày báo cáo
Báo cáo thứ ba về Tuyển chọn, nuôi cấy và đánh giá khả năng sinh hoạt chất của chủng nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris do TS. Lê Thị Tươi (Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trình bày. Cordyceps militaris, loài nấm ký sinh trên côn trùng, có giá trị dược liệu cao tương tự như nấm Cordyceps sinensis và có giá trị kinh tế rất lớn. Việc chủ động nguồn giống ổn định và có chất lượng là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công của nghề nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo C. militaris nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong xã hội. Báo cáo đã giới thiệu nghiên cứu lai hữu tính nấm C. militaris, tuyển chọn chủng lai tiềm năng, đánh giá ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường đến khả năng sinh trưởng và khả năng tích luỹ hoạt chất của chủng lai. Các bào tử hữu tính từ các chủng có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Nhật Bản được phân lập, đánh giá năng suất và khả năng sinh hoạt chất cordycepin và adenosin và đã tuyển chọn được 03 chủng tiềm năng về năng suất và khả năng sinh hoạt chất hướng tới ứng dụng phục vụ sản xuất.
Hình 7. TS. Lê Thị Tươi trình bày báo cáo
Về lĩnh vực giáo dục báo cáo về giáo dục STEM: Một số vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo giáo viên sinh học được PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền (Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trình bày. Giáo dục STEM là một trong những mô hình giáo dục mới, nhấn mạnh vào tiếp cận dạy học tích hợp, liên môn nhằm phát triển cho học sinh những năng lực chung của thế kỷ XXI cũng như những năng lực đặc thù của các ngành liên quan. Đặc biệt, giáo dục STEM cũng nhằm định hướng nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực STEM cho học sinh. Nghiên cứu đã nêu ra một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình tổ chức đào tạo giáo viên Sinh học nhằm phát triển năng lực tổ chức giáo dục STEM trong dạy học bộ môn và trong dạy học môn Khoa học tự nhiên.
Hình 8. PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền báo cáo về giáo dục STEM
Báo cáo về dạy học sinh học trong thời kì chuyển đổi số do TS. Nguyễn Thị Hằng Nga (Trưởng Bộ môn LL&PPDHSH, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trình bày. Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, dạy học trực tiếp khó có thể diễn ra. Chính vì thế hình thức dạy học trực tuyến là một lựa chọn phù hợp và được quan tâm nhất của đội ngũ nhà giáo ngành giáo dục. Bài báo cáo đã nêu ra những khó khăn, thách thức đang gặp phải; phương pháp, kĩ thuật để dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả cao nhất. Nghiên cứu cũng tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá năng lực dạy học trực tuyến của giáo viên; khả năng đáp ứng yêu cầu học trực tuyến của người học làm cơ sở đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên, khắc phúc những khó khăn hiện tại. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ cần đặt ra cho các bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học trong các nhà trường sư phạm có những định hướng trong đạo tạo và rèn kĩ năng dạy học cho Sinh viên đáp ứng được nhu cầu giáo dục của thời đại.
Hình 9. TS. Nguyễn Thị Hằng Nga báo cáo về dạy học sinh học trong thời kì chuyển đổi số
Kết thúc hội thảo, Ban tổ chức đã trao quà lưu niệm cho 5 báo cáo trình bày tại Hội thảo. Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn nhấn mạnh chất lượng những báo cáo tại hội thảo đều rất tốt, các nội dung nghiên cứu đều gắn với thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy sinh học. Khoa Sinh học xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khoẻ các Vị khách quý, Quý vị Đại biểu, các nhà khoa học, quý thầy, cô giáo, các anh chị nghiên cứu sinh, học viên cao học và các bạn sinh viên!
Hình 10. Ban tổ chức Hội thảo và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Hình 11. Sản phẩm nước uống lá Tía Tô của bộ môn Công nghệ Sinh học - Vi sinh giới thiệu tại Hội thảo
Hình 12. Một số sản phẩm từ Đông trùng hạ thảo của bộ môn Di truyền - Hoá sinh giới thiệu tại Hội thảo
Nguồn bài và ảnh: TS. Đào Thị Sen