Tham dự Hội thảo lần thứ 5 về phía Tổng cục Lâm nghiệp có GS. TS. Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; TS. Đoàn Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ; TS. Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ KHCN&HTQT. Về phía Hội chuyên ngành có GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam; PGS. TS. Hoàng Xuân Quang - Chủ tịch Chi hội Nghiên cứu Lưỡng cư và Bò sát Việt Nam. Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có GS. TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS. Cao Quốc An - Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS. Phùng Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Về phía khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội có PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn - Trưởng khoa, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam. Hội thảo đã đón tiếp hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đang nghiên cứu về lưỡng cư, bò sát ở Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS. TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp nhấn mạnh vai trò quan trọng của lưỡng cư và bò sát trong hệ sinh thái, trong khoa học, trong đời sống, trong bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái; đồng thời nêu lên những thách thức như biến đổi khí hậu, cũng như tầm quan trọng trong việc hợp tác nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học nghiên cứu về lưỡng cư, bò sát nói riêng. Hội thảo nhằm công bố và trao đổi các kết quả nghiên cứu về lưỡng cư và bò sát ở Việt Nam trong thời gian gần đây thuộc các lĩnh vực như khu hệ, sinh thái học, khai thác, chăn nuôi và bảo vệ nguồn lợi lưỡng cư và bò sát ở Việt Nam, xác định sơ bộ các hướng nghiên cứu khả thi và cơ bản về lưỡng cư và bò sát trong thời gian tới. Các bài báo gửi tới tham dự hội nghị đã được lựa chọn để đăng trong hai số Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp với 10 bài tiếng Anh và 17 bài tiếng Việt.
Trong phiên khai mạc, PGS.TS. Hoàng Xuân Quang, Chủ tịch Chi hội nghiên cứu lưỡng cư và bò sát Việt Nam đã trình bày bức tranh toàn cảnh về các hoạt động nghiên cứu cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu nhóm động vật này ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Báo cáo của GS.TS. Nguyễn Quảng Trường, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã cho thấy nhóm lưỡng cư, bò sát ở Việt Nam vô cùng đa dạng và đầy tiềm năng với nhiều loài mới cho khoa học, nhiều loài đặc hữu, nhiều loài quý, hiếm. Nhiều đề tài, dự án trong nước và quốc tế nghiên cứu về lưỡng cư, bò sát đã được triển khai trong thời gian qua. Tính đến năm 2022, Việt Nam có khoảng 817 loài lưỡng cư, bò sát trong đó bò sát có 523 loài và lưỡng cư có 294 loài. Tuy nhiên, Danh lục Đỏ IUCN (2021) cũng liệt kê đến 90 loài lưỡng cư và 91 loài bò sát có phân bố ở Việt Nam đang ở bị đe dọa ở các bậc khác nhau. Tại hội thảo nhiều báo cáo khoa học của các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực này đã được trình bày liên quan tới các lĩnh vực về cập nhật các phương pháp nghiên cứu, tiếp cận mới như sử dụng bẫy phễu cải tiến trong điều tra LC, BS; mô hình hóa vùng phân bố tiềm năng của lưỡng cư bằng mô hình Maxcent; một số nghiên cứu về quan hệ di truyền và đặc điểm hình thái các loài cá cóc ở Việt Nam; một số kết quả ban đầu trong áp dụng kỹ thuật chăm sóc loài Tắc kè đuôi vàng hay nhân nuôi bảo tồn loài Rùa hộp lưng đen…
Trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu về lưỡng cư và bò sát ở Việt Nam trong thời gian qua, hội thảo đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu cũng như một số kiến nghị trong đào tạo, nghiên cứu và chính sách quản lý của nhà nước trong thời gian tới. Hẹn gặp lại các nhà khoa học lưỡng cư, bò sát học trong Hội thảo lần thứ 6./.
Một số hình ảnh về Hội thảo
Ảnh 1. Toàn cảnh Hội thảo (nguồn: vuf.edu.vn)
Ảnh 2. GS.TS. Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp phát biểu chào mừng hội thảo
Ảnh 3. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam phát biểu chào mừng hội thảo
Ảnh 4. PGS.TS. Hoàng Xuân Quang, Chủ tịch Chi hội nghiên cứu lưỡng cư và bò sát Việt Nam báo cáo tổng quan tình hình nghiên cứu và đào tạo về LC, BS ở Việt Nam
Ảnh 5. GS.TS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT phát biểu ý kiến tại hội thảo
Ảnh 6. Một số báo cáo khoa học của cán bộ trẻ trình bày tại Hội thảo
Ảnh 7. Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm (nguồn: vuf.edu.vn)
Nguồn bài và ảnh: Khoa Sinh học, có sử dụng một số hình ảnh từ vuf.edu.vn