Cá bống thuộc bộ Gobiiformes, nhóm cá có độ đa dạng loài cao, với hơn 2100 loài và nhiều loài có giá trị kinh tế (như Cá bớp, Cá bống chấm gáy, Cá bống tượng, Cá bống kèo), giá trị khoa học (Cá bớp), giá trị thẩm mỹ (Cá bống đá). Bài trình bày cung cấp nhiều thông tin về đa dạng thành phần loài, phân bố, sinh học, sinh thái ở giai đoạn sớm và giai đoạn trưởng thành ở hệ sinh thái cửa sông và rừng ngập mặn Bắc Việt Nam.
Mở đầu bài báo cáo là tổng quan về thành phần loài cá bống ở giai đoạn trưởng thành các vùng cửa sông, rừng ngập mặn, ven biển Bắc Việt Nam (từ cửa Hới – sông Mã đến cửa sông Ka Long). Từ các tài liệu đã công bố, nhóm tác giả đã cập nhật, thống kê danh sách 100 loài cá bống ở hệ sinh thái cửa sông, rừng ngập mặn Bắc Việt Nam. Trong đó, rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã ghi nhận 43 loài cá bống, cho thấy vai trò của hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhóm cá này. Trong quần xã cá bống ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Cá bống chấm gáy (Glossogobius olivaceus), Cá bống bớp (Bostrychus sinensis) và Cá bống nác (Periophthamus modestus), là các loài ưu thế, với tần suất và số lượng mẫu thu được, cho thấy sự thích nghi của chúng với hệ sinh thái này. Các dẫn liệu về quan hệ chiều dài-khối lượng, hệ số điều kiện của các loài này khẳng định môi trường rừng ngập mặn thuận lợi cho sự phát triển, sinh trưởng. Tương tự như vậy khi phân tích mối quan hệ chiều dài-khối lượng của 11 loài cá bống khác ở khu vực. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ sinh thái rừng ngập mặn được bảo vệ, phát triển là điều kiện quan trọng cho duy trì đa dạng sinh học cũng như sản lượng các loài cá bống ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Phần tiếp theo của seminar là thông tin về giai đoạn sớm các loài cá bống, giai đoạn rất quan trọng trong vòng đời của các loài cá, giai đoạn nhạy cảm với các điều kiện môi trường. Hơn nữa, nghiên cứu về giai đoạn này góp phần hiểu rõ vai trò của các hệ sinh thái, trong công tác bảo tồn, khai thác, nhân nuôi. Dẫn liệu về giai đoạn sớm các loài cá bống còn có vai trò cung cấp dẫn liệu cho định loại ở các nghiên cứu sau này vì định loại giai đoạn sớm cá bống có nhiều khó khăn do sự tương đồng hình thái. Nhóm nghiên cứu đã công bố danh sách 26 loài cá bống ở giai đoạn sớm ở cửa sông Ka Long (cửa sông phía bắc nhất của Việt Nam). Đây là những dẫn liệu đầu tiên và có vai trò quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo. Các nghiên cứu đã mô tả hình thái, đặc điểm phân bố giai đoạn sớm của hơn 6 loài cá bống ở giai đoạn sớm, trong đó chi tiết phân tích, nhận xét ba loài, Redigobius bikolanus, Luciogobius sp., Periophthamus modestus. Đây đều là những ghi nhận mới về giống, về giai đoạn sớm ở vùng nhiệt đới, ở các cửa sông lục địa. Nhóm nghiên cứu làm rõ vai trò cửa sông ở Bắc Việt Nam đối với các loài cá di cư, các loài cá ở vùng ôn đới, cận nhiệt đới khi nhiệt độ ở khu vực này vào những tháng mùa đông thấp hơn 20 độ C – điều kiện phù hợp cho các loài cá ôn đới, cận nhiệt đới.
Những kết quả khảo sát bước đầu về giống cá bống đá, Rhinogobius, ở bốn khu bảo tồn Bắc Việt Nam (Cham Chu tỉnh Tuyên Quang, Bắc Mê tỉnh Hà Giang, Phia Oắc – Phia Đén tỉnh Cao Bằng và Nam Xuân Lạc tỉnh Bắc Kạn) cũng được trình bày, với nhiều hình ảnh, thông tin phân loại học giá trị. Trong đó có một số loài là mới ghi nhận cho khu hệ cá Việt Nam hoặc ghi ngờ là loài mới cho khoa học. Rhinogobius similis, loài cá bống đá có vùng phân bố rộng, được phân tích về quan hệ chiều dài-khối lượng và hệ số điều kiện dựa vào các mẫu vật thu được từ Đắk Lắk, hồ Hòa Bình, sông Hồng thuộc khu vực Hà Nội và hồ Na Hang thuộc Bắc Mê (Hà Giang). Kết quả cho thấy loài này có khả năng thích nghi cao với các điều kiện môi trường khác nhau, phù hợp với những quan sát ngoài thực tế - khi đây là loài được thu nhiều ở các hệ sinh thái nước đứng, như hồ Hòa Bình, hồ Na Hang và hồ Trị An. Do vậy, những nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của loài này đối với các hệ sinh thái này là hết sức cần thiết.
Phần cuối cùng của bài trình bày là những định hướng trong nghiên cứu về phân loại học, khu hệ cá bống, đặc điểm sinh học, sinh thái học cũng như bảo tồn. Đặc biệt, các kỹ thuật hiện đại như phân tích đá tai (otolith), đồng vị bền, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu sinh học, sinh thái học, dự đoán mô hình phân bố của các loài có giá trị kinh tế, bảo tồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của con người. Định hướng trong nghiên cứu nhân nuôi các loài có giá trị thương phẩm hoặc giải trí cũng được trình bày, gợi mở hướng nghiên cứu ứng dụng nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm và thị hiếu người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, qua đó góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi cá bống ở khu vực.
Sau đây là một số hình ảnh về buổi seminar:
Ảnh 1. PGS.TS. Trần Đức Hậu trình bày báo cáo tại seminar
Ảnh 2. Đại biểu dự và trao đổi tại buổi seminar
Ảnh 3. Đại biểu dự seminar chụp ảnh lưu niệm với báo cáo viên
Bài: Trần Đức Hậu
Ảnh: Phòng thí nghiệm Cá – Bộ môn Động vật học