Ngày 26/11/2016, tại Hội trường lớn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ 3 về Lưỡng cư và Bò sát học ở Việt Nam. Tới tham dự hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn - Trưởng Khoa Sinh học, trường ĐHSP Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh - Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, GS. TS. Thomas Ziegler - Vườn thú Cologne, CHLB Đức, ông Timothy McCormack - Giám đốc chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP), PGS.TS. Hoàng Xuân Quang - Chủ tịch Chi hội nghiên cứu về lưỡng cư và bò sát Việt Nam, GS.TS. Vũ Quang Côn - Chủ tịch hội đồng học hàm ngành Sinh học, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cùng đông đảo đại biểu ở trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Xuân Quang, Chủ tịch Chi hội nhấn mạnh, sự ra đời của Chi hội nghiên cứu Lưỡng cư và Bò sát Việt Nam cùng với việc tổ chức định kỳ hoạt động Hội thảo quốc gia về Lưỡng cư và Bò sát ở Việt Nam tạo cơ hội để tập hợp đội ngũ những nhà nghiên cứu, những nhà giáo dục trong lĩnh vực lưỡng cư, bò sát học để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và công bố các công trình khoa học liên quan mang tính cập nhật. Những kết quả nghiên cứu đáng khích lệ về lưỡng cư, bò sát ở Việt Nam trong thời gian vừa qua thể hiện sự phát triển của đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực này và xu hướng hợp tác quốc tế có hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu.
Trong báo cáo tổng quan về khu hệ LC, BS của Việt Nam do TS. Nguyễn Quảng Trường trình bày đã cho thấy Việt Nam là một trong 34 điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới và là một trong 25 khu vực có tiềm năng đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Số lượng thành phần loài lưỡng cư, bò sát ở Việt Nam đã được phát hiện và tăng lên đáng kể. Năm 1982, ở Việt Nam mới phát hiện được 276 loài bò sát và 87 loài lưỡng cư thì đến tháng 8/2016 con số đó đã tăng lên 417 loài bò sát và 238 loài lưỡng cư với nhiều loài mới cho khoa học và nhiều loài đặc hữu của Việt Nam. Các báo cáo trình bày tại hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tranh luận của đông đảo đại biểu liên quan đến các vấn đề về: ứng dụng phân tích sinh học phân tử trong nghiên cứu LC, BS; phân loại học; nghiên cứu sinh học, sinh thái; nghiên cứu về nòng nọc lưỡng cư; nghiên cứu âm học; nghiên cứu mô hình phân bố loài; nghiên cứu về bệnh dịch ký sinh trùng và nấm; nghiên cứu về tình trạng khai thác và buôn bán trái phép. Cũng tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn đã có bài trình bày về Tổng quan tình hình đào tạo về lĩnh vực lưỡng cư, bò sát học ở Việt Nam.
Hội thảo quốc gia về Lưỡng cư và Bò sát học ở Việt Nam được tổ chức lần thứ I tại Huế, lần thứ 2 tại Vinh, lần thứ 3 tại Hà Nội và lần thứ 4 sẽ tổ chức tại Đại học Khoa học Tự nhiên, thành phố Hồ Chí Minh./.
Một số hình ảnh về Hội thảo quốc gia lần thứ 3 về Lưỡng cư và Bò sát học ở Việt Nam
Ảnh 1. Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia lần thứ 3 chụp ảnh lưu niệm
Ảnh 2. Giáo sư Thomas Ziegler - Vườn thú Cologne, CHLB Đức báo cáo về kết quả hợp tác nghiên cứu LC, BS ở Việt Nam sau 20 năm.
Ảnh 3. Ông Timothy McCormack - Giám đốc chương trình bảo tồn rùa châu Á trình bày tổng quan về đa dạng rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam
Ảnh 4. Kỷ yếu Báo cáo khoa học Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ 3 do Nxb KHTN&CN xuất bản