Trên miền duyên hải miền Trung Việt Nam, Bình Định - Quy Nhơn là một trong những cửa ngõ hướng biển quan trọng. Đây cũng chính là nơi gánh chịu nhiều can qua biến động trong lịch sử bởi địa thế quan trọng của nó, dần theo thời gian, trở thành nơi chứa đựng sự đa dạng văn hóa, nơi cộng cư của nhiều cộng đồng,... Đấy có thể là tất cả những gì thể hiện, khi nhắc nhớ đến miền cát trắng Quy Nhơn.
MIỀN ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG
Cứ như cách phân chia địa vực các tiểu quốc Chămpa trong quá khứ, Vijaya, nơi cát cứ của bộ tộc Dừa chính là tiền thân của mảnh đất Bình Định hiện nay. Sự phồn thịnh của Vijaya trong một giai đoạn lịch sử đã để lại cho miền đất này nhiều di tích văn hóa Chămpa quý giá. Ngoài thành Đồ Bàn, những ngôi tháp tuyệt đẹp dâng cúng thần linh trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo được xây dựng bởi các vị vua trị vì tiểu quốc như Cánh Tiên, Phú Lốc, Bình Lâm, Bánh Ít, Thủ Thiện, Dương Long, Hưng Thạnh (tháp Đôi) phân bố trên lưu vực những dòng sông lớn La Tinh, sông Côn, Hà Thanh,...
Chính bởi tọa lạc ở vị trí đắc địa, đất Quy Nhơn luôn là đích ngắm của các thế lực muốn giành lấy vùng đất trọng yếu. Bình Định - Quy Nhơn hiện nay được nhập vào Thừa Tuyên thứ 13 nằm ở biên cương phía Nam Đại Việt. Hay như sau đó, sự quật khởi của anh em nhà Tây Sơn (1771-1802) chống lại các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã khiến vịnh biển Quy Nhơn trở thành chiến trường của nhiều trận hải chiến. Để rồi trong một giai đoạn, nơi này đã trở thành một thủ phủ, là nơi đất phát tích của một vương triều tuy tồn tại ngắn ngủi, nhưng để lại nhiều dấu ấn võ công trong sử sách.
MỘT BỨC KHẢM VĂN HÓA ĐIỂN HÌNH
Những hấp lực từ vịnh biển Quy Nhơn, nơi bao chứa nguồn lâm sản vô tận lẫn nguồn nước ngọt quý giá, đã là nguyên nhân khiến vùng đất này trở thành điểm dừng chân của nhiều chuyến hải hành trong mạng lưới hải thương Trung- Ấn. Đây là con đường để cư dân bản địa từng bước tiếp nhận và chuyển hóa tín ngướng Bà La Môn với hệ thống thần linh rất dị biệt với tâm thức Việt.
Trên hành trình về phương Nam, quá trình hình thành những làng xã Việt trên các lưu vực sông luôn gắn liền với quá trình biến dưỡng hình tượng Mẹ Xứ Sở của người Chămpa bản địa, lẫn hệ thống thần linh Ấn giáo hình thành những hình tượng kết tụ tâm linh, Thiên Y A Na, Bàng Dàng, Bà Dương,... dần trở thành hành trang văn hóa của nhiều thế hệ lưu dân Việt. Hay như về sau, hình ảnh của Quan Thánh Đế Quân, của Thiên Hậu Thánh Mẫu đã song hành cùng với nhiều bộ phận người Minh Hương hiện diện trên vùng đất, tất cả đã tạo nên một bức tranh sinh động và đa dạng về tín ngưỡng.
Xa hơn về phía Tây, một bảo tàng sống về dân tộc học hiện diện trên địa bàn cư trú của người Ba Na K’riêm, Chăm H’roi hay H’rê của huyện đảo miển núi An Lão, Vân Canh,...
Những loại hình tín ngưỡng đặc thù của các cộng đồng đã điểm xuyết thêm một bức khảm văn hóa đa dạng, đầy màu sắc.
NƠI ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU
Quy Nhơn hôm nay là một thành phố, nơi luôn có sự hậu thuẫn của núi rừng. Những bãi biển tuyệt đẹp như Eo Gió, Kỳ Cò, bãi tắm Hoàng Hậu, mũi Đề Gi, Ghềnh Ráng, dốc Mộng Cầm, đồi cát Phương Mai,... là những điểm nhấn ấn tượng cho bức tranh sơn thủy hữu tình, cho hình ảnh một bãi biển mang dáng hình trăng khuyết.
Nếu một lần tìm đến Quy Nhơn, trong cái bình yên của biển cả, sau những chuyến tham quan di tích và danh thắng, tham dự vào những lễ hội cầu ngư đậm chất biển, hãy dành cho mình cơ hội thưởng thức những món ngon của người dân “Xứ Nẫu”: bánh canh chả cá, bánh xèo tôm nhày, bánh hỏi cháo lòng. Cùng lúc hãy thử nếm hương vị của núi rừng với chén rượu Bàu Đá cay nồng. Đến với Quy Nhơn, hãy chậm rãi để cảm nhận. Lắng nghe chất dữ dội của biển, thưởng thức chút hương rừng trong cái bình yên của miền đồng bằng.
Nguồn bài: HERITAGE (5/2018)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ MIỀN ĐẤT QUY NHƠN CÁT TRẮNG
Nguồn ảnh: Saigontourist Travel