Hoạt động khoa học là một hành trình khám phá và sáng tạo ra tri thức mới. Những khám phá xuất phát từ những ý tưởng có khi lạ lùng, bởi những nhà khoa học làm việc trong cô đơn và lặng lẽ. Trong cuốn sách “Câu chuyện khoa học” của GS. Nguyễn Văn Tuấn, bạn đọc sẽ được trải nghiệm về những câu chuyện dẫn đến những khám phá tầm cỡ giải Nobel, những lí lịch khoa học của các con vật quen thuộc trong 12 con giáp, cùng những thí nghiệm tâm lí vô cùng sáng tạo và hấp dẫn giúp chúng ta biết về bản thân mình nhiều hơn. Người đọc sẽ biết thêm về các nhà khoa học lừng danh như Alexendre Yersin, Charles Darwin, Paul Erdos… và những nhà khoa học đương đại như Đồ U U (người được trao Giải Nobel Y sinh học năm 2015)… Các bạn cũng sẽ đọc được câu chuyện của một nhà khoa học đẳng cấp Nobel nhưng xuất thân giang hồ… GS. Mario R. Capecchi. Cuộc đời của các nhà khoa học đúng là một tấm gương sáng chói về phấn đấu trong nghịch cảnh để đi đến thành công.
Ảnh 1. Bìa cuốn sách "Câu truyện khoa học"
Đối với những bạn đang nghiên cứu khoa học sẽ thấy hào hứng với những câu chuyện về con số. Qua những chú thích về bài nói chuyện của GS. George Box, chúng ta cũng có thể biết được lịch sử hình thành của khoa học thống kê. Các bạn sẽ đọc được những chuyện liên quan đến khoa học thống kê, cùng lí giải về ý nghĩa của trị số P. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết trị số P đã phải “hầu tòa” như thế nào. Trong lần tái bản cuốn sách này, tác giả cũng bổ sung những góc nhìn mới về những nhà khoa học, điển hình như “Hội chứng ái kỉ” (narcissism) trong khoa học.
Cuốn sách dày 575 trang được viết thành 3 phần. Phần 1 là những chuyện khám phá khoa học với 26 bài viết liên quan đến các công trình nghiên cứu đạt giải Nobel Y sinh học trong quãng đường 100 năm. Phần 2 là chuyện về những con số với 14 bài viết từ “Phương trình, thơ và củ hành” cho đến “Over-fitting và ý nghĩa thực tế trong đời sống”. Phần 3 là chuyện của các nhà khoa học, qua đó giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát mới về khoa học.
Ảnh 2. Hai đồng chủ nhân Giải Nobel Y sinh học năm 2021 người Mỹ là David Julius và Ardem Patapoutian vì những phát hiện quan trọng của họ liên quan tới cơ chế thụ cảm nhiệt độ và xúc giác (Nguồn: nobelprize.org)
Tác giả cuốn sách là GS. Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư y khoa của Đại học New South Wales, giáo sư tiên lượng của Đại học Công nghệ Sydney, giáo sư dịch tễ học của Đại học Y Notre Dame và giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học nổi tiếng khác. Ông là nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất trong ngành loãng xương. Trong thời gian qua, mỗi khi trở về nước, ông đã có nhiều hoạt động chia sẻ với cộng đồng về phương pháp nghiên cứu khoa học, cách viết và công bố bài báo khoa học trên các Tạp chí khoa học uy tín quốc tế, phân tích dữ liệu và y học thực chứng. Kết thúc cuốn sách, ông viết:
Nếu các bạn hỏi tôi có lời khuyên nào cho các bạn tôi sẽ nói thế này: (1) Nhớ giữ gìn sức khỏe; (2) Nhớ tiết kiệm năng lượng để dùng cho đường xa, đường dài trong sự nghiệp (vì sự nghiệp còn dài lắm); (3) Nhớ suy nghĩ về “bức tranh lớn” cho dù mình đang tập trung vào một công việc rất nhỏ’’ (4) Nhớ làm việc một cách khéo léo, chứ không phải làm việc nhiều giờ (nói theo tiếng Anh là “work smarter, not harder”) và (5) Nhớ sống tử tế với mọi người.
Đọc chuyện người để biết về bản thân mình hơn, biết về chân lý khoa học, biết về những giá trị và cái đích cần đến của những người làm khoa học chân chính. BBT website khoa Sinh học xin trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn sách hay “Câu chuyện khoa học” của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.