Ngày 13/12/2013 tại Trạm Đa dạng Sinh học Mê Linh, Vĩnh Phúc, Hội Sinh thái học Việt Nam và Hội Động vật học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Đánh giá thực trạng và định hướng hoạt động nghiên cứu sinh thái học và động vật học ở Việt Nam trong thời gian tới. Tới dự hội thảo có đông đảo hội viên của hai hội. Mở đầu cho hội thảo, Giáo sư Võ Quý - Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam đã trình bày báo cáo tham luận với tiêu đề “Chúng ta phải làm gì để bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên của đất nước ta”. Giáo sư nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, chúng ta đã làm được một số việc, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo tồn được một cách hữu hiệu đa dạng sinh học và các hệ sinh thái quan trọng của đất nước, nhất là rừng nhiệt đới nội địa, rừng ngập mặn, các vùng đất ngập nước, các rạn san hô, các thảm cỏ biển và các quần xã sinh vật rất phong phú trong đó. Trách nhiệm trước mắt của chúng ta, những nhà sinh vật học, mà hôm nay chúng ta đang họp ở đây là thành viên của hai hội: Hội Động vật học và Hội Sinh thái học là rất nặng nề. Tôi nghĩ rằng, với sự hiểu biết ngày càng cao về thiên nhiên và tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật, đang tạo nên khả năng, để chúng ta tìm ra được các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn những sự mất mát to lớn về đa dạng sinh học. Cũng tại hội thảo, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam đã có báo cáo định hướng nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên động vật hoang dã ở Việt Nam từ năm 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020. Giáo sư Huỳnh nhấn mạnh vai trò của Hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp trong bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên của đất nước. Giáo sư đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có chính sách phù hợp để tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn kinh phí, trạm trại thử nghiệm… cho cán bộ khoa học nghiên cứu động vật hoang dã để họ có điều kiện phát huy đóng góp trí thức trong lĩnh vực bảo tồn phát triển bền vững nguồn tài nguyên động vật hoang dã ở Việt Nam. Sau hai báo cáo của chủ tịch hai hội là các báo cáo tham luận trên các lĩnh vực nghiên cứu sinh thái học và động vật học. Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí - Tổng thư kí Ủy ban Con người và Sinh quyển Việt Nam đã báo cáo vấn đề tiếp cận hệ sinh thái và tư duy hệ thống trong xây dựng và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam. Giáo sư Trí đã đưa ra những quan điểm tư duy tiếp cận hệ sinh thái trong công tác bảo tồn và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. ThS. Đặng Gia Tùng - Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn Thú Hà Nội đã giới thiệu những sự đổi mới của Vườn Thú Hà Nội và những thành quả đạt được trong công tác bảo tồn và nhân nuôi các loài động vật ở đây. Liên quan đến vấn đề nóng đang được toàn xã hội quan tâm là xây dựng nhà máy thủy điện, ThS. Nguyễn Việt Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNatural) đã giới thiệu những nghiên cứu đánh giá ban đầu về tác động của hệ thống các công trình thủy điện đến hệ thống rừng đặc dụng và các vấn đề môi trường ở Việt Nam. Hội thảo lần này được tổ chức tại Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. ThS. Đặng Huy Phương - Giám đốc trung tâm này đã giới thiệu cho thấy Trạm là một mô hình phòng thí nghiệm tự nhiên có vai trò quan trọng trong triển khai các nghiên cứu sinh học, sinh thái học và ứng dụng vào thực tiễn. Trong thời gian qua, trạm đã tổ chức thành công việc bảo tồn nhân giống một số loài cây lâm nghiệp, hoa lan có giá trị và bảo tồn nhân giống nhiều loài lưỡng cư, bò sát có giá trị kinh tế và khoa học.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Hội Sinh thái học đã tiến hành họp để củng cố tổ chức và định hướng các hoạt động trong thời gian tới. Ban chấp hành Hội Sinh thái học Việt Nam nhiệm kỳ 2013 - 2017 có 17 Ủy viên ban chấp hành, trong đó Giáo sư Võ Quý là Chủ tịch, Giáo sư Mai Đình Yên là Phó Chủ tịch, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.
Một số hình ảnh về Hội thảo tại Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, Vĩnh Phúc ngày 13/12/2013