Sáng ngày 13 tháng 9 năm 2013, seminar với chủ đề nghiên cứu tế bào gốc đã được bộ môn Hóa sinh – Tế bào học tổ chức tại phòng họp A3, Khoa Sinh học. Người thuyết trình của buổi seminar là PGS.TS.BS. Lê Văn Đông, chủ nhiệm Bộ môn Độc học và Phóng xạ Quân sự, Học viện Quân y; chuyên gia kỹ thuật Ngân hàng tế bào gốc MekoStem; ủy viên Ban điều phối Nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước về tế bào gốc, Bộ KHCN. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của các cán bộ giảng viên của Khoa Sinh học nhằm bồi dưỡng và cập nhật kiến thức, phương pháp mới trong các lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến sinh học. Buổi seminar đã thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề, các nghiên cứu sinh và học viên cao học và sinh viên tới tham dự.
PGS.TS.BS. Lê Văn Đông đã giới thiệu và trao đổi về 2 chủ đề lớn của nghiên cứu tế bào gốc là trị liệu tế bào gốc và y học tái sinh/tái tạo - từ ý tưởng đến hiện thực và nghiên cứu tế bào gốc - khía cạnh xã hội của vấn đề. Diễn giả đã đi từ một số khái niệm chung về tế bào gốc (TBG), công nghệ TBG, triển vọng và các khó khăn về kỹ thuật cần phải vượt qua để đưa trị liệu TBG trở thành thường qui, mở ra một lĩnh vực y khoa mới là y học tái sinh/tái tạo. Các thành tựu nổi bật về chữa bệnh bằng TBG trên thế giới và Việt Nam cũng đã được giới thiệu để minh chứng về khoa học cũng như hiện thực của công nghệ. Tuy nhiên, việc sử dụng tế bào gốc trong trị liệu hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hạn chế về kỹ thuật để đưa trị liệu TBG trở thành phương pháp điều trị thường qui. Thực tế, ở nước ta cũng như trên toàn thế giới nghiên cứu TBG đang được triển khai mạnh mẽ. Các thành tựu nghiên cứu TBG đã, đang và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều đột phá trong việc tạo ra các phương pháp cũng như sản phẩm để chữa được những bệnh hiểm nghèo, để trẻ hóa/chống lão hóa và làm đẹp. Bên cạnh đó, PGS.TS.BS. Lê Văn Đông cũng đã cho người tham dự hiểu rõ hơn và có cái nhìn tổng quát về khía cạnh xã hội của vấn đề nghiên cứu TBG hiện nay. Một số vấn đề còn nhiều tranh cãi như các khía cạnh đạo đức của việc hủy phôi hoặc sử dụng mô của thai để lấy TBG, các giải pháp công nghệ TBG như chuyển nhân tạo TBG phôi để điều trị nhằm vượt qua được rào cản miễn dịch lại tiềm ẩn nguy cơ tạo ra người nhân bản vô tính; tạo tinh trùng và trứng từ TBG cảm ứng (tế bào iPS) hoặc tái lập trình trực tiếp từ tế bào soma là giải pháp cứu cánh cho người không có tinh trùng hoặc trứng vẫn có niềm vui được làm cha làm mẹ lại tiềm ẩn nguy cơ tự sinh sản hoặc sinh sản cùng giới. Thực tế các tiến bộ khoa học công nghệ vẫn luôn đi trước các hiệu ứng xã hội cũng như hệ thống pháp luật chi phối hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Điều này đặc biệt đúng trong khuôn khổ nghiên cứu TBG.
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ nghe và thảo luận, seminar đã kết thúc đã đem lại cho người nghe nhiều vấn đề khoa học hay và bổ ích về nhiều kiến thức và ứng dụng của nghiên cứu TBG, cũng là căn cứ khoa học để áp dụng vào đời sống sức khỏe nhằm chăm sóc bản thân như chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí kết hợp hoạt động thể dục thể thao hay can thiệp y học khi cần thiết… để có được một cơ thể khỏe mạnh, trẻ đẹp… Thông qua seminar, các giảng viên, học viên cao học và sinh viên đã có cơ hội học hỏi, trao đổi với nhóm tác giả về các vấn đề liên quan cũng như mở ra cho các giảng viên khoa Sinh học những định hướng nghiên cứu mới trong tương lai.
Bộ môn Hóa sinh - Tế bào