Buổi tọa đàm với sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Quảng Trường – Phó Viện Trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Cán bộ công tác tại Khoa Sinh học và các NCS, học viên, Sinh viên học tập tại Khoa Sinh học.
Ảnh 1. PGS.TS. Trần Đức Hậu trình bày lí do cần thiết có buổi tọa đàm
Mở đầu buổi tọa đàm PGS.TS. Trần Đức Hậu khẳng định nghiên cứu là một nhiệm vụ quan trọng của Giảng viên. Để có thể đổi mới dạy học theo hướng tiếp cận nghiện cứu cần có các dự án, đề tài nghiên cứu; để thực hiện được các đề tài nghiên cứu thuận lợi thì cần phải có nguồn kinh phí. Chính vì vậy khoa Sinh học đã quyết định mời GS.TS. Nguyễn Quảng Trường – Phó Viện Trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đến chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm và xin được tài trợ phù hợp từ các nguồn khác nhau để có thể thực hiện và hoàn thiện được đề tài nghiên cứu. GS đã chỉ ra rất nhiều nguồn tài trợ trong nước và quốc tế phù hợp cho từng bậc học, những kĩ thuật chi tiết để có thể đảm bảo việc xin tài trợ thành công. Học bổng Nagao (Nhật Bản) phù hợp với học viên cao học làm đề tài liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, thời gian nộp hồ sơ vào tháng 10 hàng năm. Học bổng Ideal Wild phù hợp với các bạn sinh viên, mỗi bạn có thể xin nhiều lần và một năm quỹ có thể cho 600 - 800 USD như nguồn hỗ trợ thiết bị, dụng cụ,… khi làm nghiên cứu.
Quỹ học bổng VINIF gồm một số chương trình mà cán bộ và các học viên, NCS học tập tại khoa Sinh học có thể tham khảo gồm học bổng cho thạc sĩ mỗi năm 120 triệu (hạn nộp hồ sơ: tháng 6), cho tiến sĩ (hạn nộp hồ sơ: tháng 5). Có 2 yếu tố đóng vai trò quan trọng để thành công trong việc xin học bổng. Thứ nhất, người xin học bổng không chỉ cần có thuyết minh đề tài hợp lý, phù hợp với tiêu chí của quỹ tài trợ, mà còn cần thư giới thiệu từ phía người giới thiệu phải thể hiện được hết các điểm mạnh và uy tín của người được giới thiệu. Mỗi một đơn vị tài trợ học bổng sẽ chú ý vào những tiêu chí khác nhau, nên khi xét, các nghiên cứu sinh cũng như học viên cần căn cứ vào đó để làm nổi bật, ví dụ như quỹ học bổng VINIF quan tâm tới thành tích học tập, quỹ học bổng IUCN thì quan tâm tới thành tích hoạt động xã hội. Thứ hai, với các chương trình tài trợ cho các dự án nghiên cứu như tài trợ dự án khoa học công nghệ, GS Nguyễn Quảng Trường lưu ý, việc thành lập một nhóm các chuyên gia đến từ nhiều các chuyên ngành liên quan đến nhau để tạo được sự tích hợp, liên ngành là vô cùng quan trọng khi xin nguồn tài trợ với kinh phí lớn.
Đề tài thuyết minh có phần dự trù kinh phí cần hợp lý và tương ứng với các giai đoạn thực hiện, tránh việc xin nhiều hơn so với thực tế. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiệm thu kết quả đề tài, mỗi dự án có thể lưu ý một số quy đổi khi xét tiêu chuẩn đầu ra như sau: 1 bài ISI uy tín = 2 bài QT uy tín, quy đổi TS = 2 ThS. Đồng thời khi làm nghiên cứu cần đảm bảo tính trung thực để có thể tiếp tục nhận được nguồn tài trợ từ các lần tiếp theo, nếu gặp khó khăn trong kết quả nghiên cứu có thể khéo léo mở rộng đối tượng, phạm vi nghiên cứu nếu như kết quả dự án không khả thi. Ngoài ra các nhóm nghiên cứu cũng có thể quan tâm tới một số nguồn tài trợ khác như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, các tỉnh…
Ảnh 2. GS.TS. Nguyễn Quảng Trường chia sẻ các nguồn tài trợ cho đề tài nghiên cứu
Sau đó, GS.TS. Nguyễn Quảng Trường dành thời gian để trả lời những câu hỏi băn khoăn của Sinh viên về việc xin học bổng và một số khúc mắc của cán bộ liên quan đến quá trình thực hiện đề tài và nghiệm thu.
Cuối buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn – Trưởng khoa Sinh học gửi lời cảm ơn tới GS.TS. Nguyễn Quảng Trường đã luôn hỗ trợ Khoa trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn cũng khẳng định tầm quan trọng của công tác xin đề tài, dự án và mong muốn thầy, cô và các sinh viên tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ. Thay mặt Khoa Sinh học, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn tặng món quà ý nghĩa, chậu hoa được thiết kế và trồng bởi các thầy, cô trong Khoa.
Ảnh 3. PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn gửi lời cảm ơn tới GS.TS. Nguyễn Quảng Trường
Ảnh 4. Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỉ niệm
Bài và ảnh: Chi đoàn cán bộ khoa Sinh học