“Đây cả mùa xuân đã đến rồi
Từng nhà mở cửa đón xuân vui”
Trích “Thơ xuân” - Nguyễn Bính
Một mùa xuân mới lại đến với đất trời, với mọi nhà, với mọi người, Xuân Bính Thân 2016 - một năm với biểu tượng của chú Khỉ thông minh, nhanh nhẹn. Sau một kì nghỉ Tết vui tươi, đầm ấm bên gia đình, toàn thể cán bộ, sinh viên khoa Sinh học đã trở lại với công việc bằng một buổi gặp mặt đầu xuân thân mật và ấm cúng. Để kết thúc tuần làm việc đầu tiên của năm mới đầy hào hứng, sáng ngày 21/2/2016 tức ngày 14 tháng Giêng năm Bính Thân, Công đoàn khoa Sinh học đã tổ chức cho toàn thể cán bộ trong khoa và người thân đi Du xuân tại các địa điểm: Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, Đền thờ Chu Văn An, Chùa Côn Sơn và Đền thờ Nguyễn Trãi.
Ngay từ sáng sớm, các cán bộ và người thân đã có mặt đầy đủ, cả các bô lão lớn tuổi của Khoa như PGS. Đỗ Văn Nhượng, GS. Phạm Thị Thùy và du khách nhỏ tuổi nhất của đoàn là bé Thỏ (5 tuổi), con gái của TS. Phan Thị Thanh Hội. Hai chiếc xe 30 chỗ ngồi đã kín người, 6 giờ 55 phút xe bắt đầu chuyển bánh. Các thầy, cô giáo hàng ngày vẫn đi làm và gặp mặt nhau, vậy mà hôm nay, gặp nhau ở đây trước khi lên xe vẫn thấy vô cùng háo hức, tay bắt, mặt mừng, phấn khởi như lâu ngày chưa gặp. Và thích nhất là khi lên xe, được ngồi gần nhau, những câu chuyện vui và những tràng cười không dứt, những lời tâm sự, hàn huyên dường như làm cho con đường ngắn lại. Chẳng mấy chốc, xe đã tiến vào trước cửa đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan.
Nguyên phi Ỷ Lan (1044-1117), còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái Hậu, là phi tần của vua Lý Thánh Tông và mẹ của vua Lý Nhân Tông. Tương truyền, bà vốn xuất thân là một cô thôn nữ hái dâu, chăn tằm ở ngoại thành Thăng Long (nay thuộc xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Năm 1063, vua Lý Thánh Tông khi đi qua làng quê của bà, gặp và ái mộ người thiếu nữ xinh đẹp, có tài đối đáp nên đã đưa bà về cung. Sau này, bà sinh được thái tử và được phong làm Nguyên phi. Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, với tài năng trị nước của mình, bà đã đóng góp lớn cho sự hưng thịnh của triều Lý lúc bấy giờ. Nhân dân đã suy tôn bà là Quan Âm nữ và còn gọi bà là Bà Tấm.
Quần thể di tích Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan gồm Chùa bà Tấm và Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan. Chùa do chính bà xây dựng ngay tại quê hương của bà. Năm 1117, sau khi bà mất thì ngôi đền thờ bà Tấm được xây dựng. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa như là 2 tượng sư tử (bệ thờ), kích thước rất lớn, tạo bằng đá liền khối cao 1,2m rộng 1,36m trong tư thế phủ phục, đường nét đặc biệt mềm mại. Trong đền còn có một thành bậc bằng đá chạm nổi rồng và lân đang chạy xuống. Thành đá dài 1,3m cao 0,8m. Cùng các di vật đất nung trang trí kiến trúc thời Lý đang được lưu giữ tại di tích.
Ảnh 1. Tập thể cán bộ khoa Sinh học chụp ảnh kỉ niệm tại Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan.
Không gian của khu đền - chùa bà Tấm rất rộng và rợp bóng cây xanh. Sau khi làm lễ và thăm quan vãn cảnh khu di tích, đoàn xe lại tiếp tục di chuyển đến đền thờ Chu Văn An.
Chu Văn An (1292-1370), quê gốc ở làng Văn Thôn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là một nhà giáo, một thầy thuốc và một đại quan trong triều dưới thời nhà Trần. Ông là người có công lớn đầu tiên trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng Giáo ở Việt Nam. Năm 16 tuổi, ông đã đỗ “Đình Thí” (khoa Thi đình) nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung nằm gần làng Văn Thôn. Ngoài 20 tuổi, ông được Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) mời làm tư nghiệp Quốc tử giám dạy học cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369), vì không chịu nổi bọn gian thần ác bá, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản, trao ấn từ quan về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng, lấy hiệu là “Tiều ẩn” (tiều phu), chỉ chuyên dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược cho tới khi mất. Sau khi Chu Văn An qua đời (1370), tại nơi thầy làm nhà dạy học đã được dựng ngôi đền thờ thầy. Do thời gian và chiến tranh, ngôi đền đã bị phá hủy. Năm 2008, sau một thời gian xây mới và trùng tu, đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm.
Trong không gian quần thể đền Chu Văn An uy nghi, thanh tịnh nằm ẩn mình giữa khu rừng thông xanh ngút ngàn, nổi bật lên hàng chữ “Vạn thế sư biểu”, đặc biệt là bảng khắc chữ “Học” rất lớn theo nét bút thư pháp ở trên con đường vào đền. Đây là sự thể hiện tấm lòng tri ân của bao thế hệ người Việt đối với người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An. Một điểm rất khác biệt nữa ở đền Chu Văn An, mỗi khi du khách vào đền, ngoài việc dâng lễ còn dâng cả bút, sách, vở để cầu công danh, thi cử, học hành.
Đoàn cán bộ, giảng viên khoa Sinh học đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm công đức của thầy giáo Chu Văn An. Buổi lễ được Ban tổ chức khu di tích tổ chức rất trọng thể và trang nghiêm. Trong không gian thanh tịnh của khu đền, mỗi thành viên trong đoàn đều thành kính tâm niệm cầu mong cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Khoa Sinh học, của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như sự học của con em và bản thân mỗi cán bộ sẽ đạt được nhiều thành quả.
Ảnh 2: Quang cảnh đền thờ Chu văn An
Ảnh 3. Tập thể cán bộ khoa Sinh học chụp ảnh kỉ niệm tại Đền thờ Chu Văn An
Sau khi rời đền thờ Chu Văn An, đoàn dừng chân nghỉ và ăn trưa tại thị xã Chí Linh. Buổi chiều đoàn tiếp tục đến thăm khu di tích Chùa Côn Sơn và Đền thờ Nguyễn Trãi.
Chùa Côn Sơn (hay còn gọi là Thiên Tư Phúc tự hay chùa Hun) là một ngôi chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn (còn gọi là núi Hun) ở phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngay từ thời nhà Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh. Chùa là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang - vị sư tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Trong sân chùa có tấm bia Thanh Hư động. Ngày 23/3/2016 tức ngày 16 tháng Giêng là ngày khai hội của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc và đón nhận Quyết định Công nhận bia Thanh Hư Động là bảo vật quốc gia.
Chùa Côn Sơn đã chứng kiến một chặng đường đời và bi kịch của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Sau những năm tham gia triều chính, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn và sống cuộc dời ẩn dật.
Nguyễn Trãi (1380 - 19 tháng 9 năm 1442), hiệu là Ức Trai, quê gốc ở thôn Chi Ngại, phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh năm 1400. Sau đó, ông tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại quân Minh. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.
Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam. Ông còn được Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là Danh nhân Văn hoá Thế giới.
Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, kiến trúc theo truyền thống và rất độc đáo.
“Mỗi chúng ta khi đến dâng lễ, thắp hương tưởng nhớ Nguyễn Trãi, đứng trước ông, trong giây phút tĩnh tâm, suy ngẫm và tự soi mình: Cao thượng hay thấp hèn, lương thiện hay độc ác, chính hay tà ... để tự sửa. Chúng ta đều tin và mong muốn rằng, người đến thắp hương tưởng nhớ Nguyễn Trãi xong, tâm sẽ sáng thêm, lòng hướng làm việc thiện”.
Nhân dịp thăm chùa Côn Sơn, đoàn đã xin một chữ Vượng, cầu mong cho một năm mới với tất cả cán bộ khoa Sinh học được An - Khang - Thịnh - Vượng, một năm mới với nhiều sự kiện quan trọng đối với Khoa và với Trường sẽ “thuận buồm, xuôi gió” như lời chúc Tết của thầy Trưởng Khoa PGS. TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn trong buổi gặp mặt đầu Xuân Bính Thân.
Ảnh 4. Quang cảnh Chùa Côn Sơn
Chuyến đi đã kết thúc tốt đẹp với những cảm xúc tích cực. Vẫn tại cổng khoa Sinh học, 11 tiếng trước là nơi xuất phát, các du khách lại bịn rịn chia tay, trở về với cuộc sống, với gia đình để ngày mai bắt đầu một tuần làm việc mới thêm hứng khởi.
Hẹn mùa Xuân sau!
Nguồn bài và ảnh: Công đoàn Khoa Sinh học