Đoàn cán bộ, giảng viên và sinh viên chúng tôi lên đường. Không phụ lòng người, Cát Bà đón chúng tôi bằng trời xanh trong và những cơn gió mát dịu, thoang thoảng vị mặn mòi của biển và một dải xanh ngút ngàn nhấp nhô, ôi rừng kia rồi, có bao điều thú vị trong đó đang chờ chúng tôi chiêm ngưỡng và khám phá.
Những ngày đi rừng bắt đầu với biết bao cảm giác: hồi hộp; lo sợ muỗi, vắt cắn; e ngại về sức khoẻ liệu có đủ để đi đến tận cùng mỗi tuyến như đỉnh Ngự Lâm, Ao Ếch, hay lội rừng ngập mặn.
Khi rừng mở ra trước mắt thì dường như chỉ còn nỗi hăng say và sự tò mò khám phá, những tiếng ôi, a liên tục vang lên. “Ôi chú bướm kia đẹp quá!”. “A lần đầu tớ thấy con bọ que to và trốn kỹ thế này”. Kìa một con bọ cánh cứng tê giác. Ơ này một chú vòi voi. “Cô ơi con nhện này đẹp quá nhưng nó có độc không ạ?” … Và những bước chân thật nhẹ nhàng, những ngón tay đưa lên miệng ra dấu mọi người cùng im lặng, khẽ khàng để quan sát một cặp ếch đang ôm eo, một chú rắn đang phơi mình tắm nắng, một chú ô rô đang lặng lẽ ẩn mình, hay để nghe tiến réo rắt, véo von của một cặp chim đang trò chuyện, một chú sóc đang sột soạt gặm quả rừng. Tiếng thở phì phò khi leo dốc, cảm giác vỡ oà sung sướng khi lên đến đỉnh Ngự Lâm và nhìn các đỉnh rừng xanh đỏ trắng vàng trập trùng phía dưới. Và nhiều nhiều lắm những thú vị … Tất cả như một giấc mơ, một bức tranh tuyệt đẹp chỉ có được bởi sự chiêm ngưỡng của tất cả các giác quan mà không một hoạ sỹ nào có thể thể hiện được. Nếu bạn bỏ lỡ nó thì thật sự đáng tiếc vô cùng.
Nào hãy cùng nhau ngắm nhìn lại một vài hoàng tử, công chúa của rừng Cát Bà nhé.
Trân trọng cảm ơn: PGS.TS. Phạm Văn Anh Đại học KHTN đã định danh nhanh nhóm lưỡng cư bò sát qua hình ảnh; TS. Đỗ Đức Sáng Đại học KHTN đã định danh nhanh 3 loài thân mềm qua hình ảnh; TS. Nguyễn Quang Thái Viện Y học dự phòng quân đội đã định danh nhanh hai loài cánh cứng qua hình ảnh.
Bài và ảnh: PGS.TS. Trần Thị Thanh Bình - Bộ môn Động vật học