Bộ môn Công nghệ Sinh học – Vi sinh thuộc Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà nội được thành lập vào năm 2001. Cô Mai Thị Hằng vừa là trưởng bộ môn đầu tiên, vừa là cô giáo của tất cả các cán bộ, giảng viên hiện đang công tác tại bộ môn.
Tuy cô đã về hưu từ năm 2008 và bộ môn đã qua hai thế hệ quản lý nhưng những tư tưởng và cách lãnh đạo, vận hành bộ môn của cô vẫn hiện đại và là nền tảng để các thế hệ học trò chúng tôi tiếp nối.
Hình 1. Cô Mai Thị Hằng (thứ năm hàng dưới từ phải sang) và hai thế hệ cán bộ Bộ môn Công nghệ Sinh học – Vi sinh
Trong suy nghĩ của chúng tôi, cô luôn đẹp, luôn hết mình vì công việc. Cô nhận nhiệm vụ do Ban chủ nhiệm khoa Sinh học giao là lãnh đạo bộ môn mới với trang thiết bị và cơ sở vật chất còn sơ sài, lực lượng cán bộ trẻ mới ra trường cần được đào tạo, rèn luyện rất nhiều. Với rất nhiều trọng trách, khó khăn, thử thách ban đầu đó cô đã dồn hết tâm huyết vào bộ môn sơ khai của chúng tôi.
Tuổi trẻ của chúng tôi đều gắn liền với cô Hằng, với những đêm không thể quên khi làm việc trên phòng thí nghiệm hay những buổi đi lấy mẫu, những buổi seminar, viết báo cáo và vô vàn những hoạt động khác… Phòng thí nghiệm lúc nào cũng mở cửa bất kể buổi tối hay những ngày nghỉ lễ. Chúng tôi lúc nào cũng làm việc khẩn trương và được cô Hằng tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành. Cô như đầu tàu mạnh mẽ, kéo ào những toa tàu là chúng tôi theo sau. Lúc nào cũng là tác phong nhanh nhẹn, khẩn trương. Cô thường xuyên làm việc muộn để kịp tiến độ công việc. Mà việc thì luôn nhiều còn chúng tôi cũng cuốn theo công việc của cô giao cho, công việc của tập thể. Trang thiết bị dần dần được chở đến, những thiết bị hiện đại phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy lần lượt đi vào sử dụng hết công suất, và đời sống của những cán bộ mới đi làm chúng tôi cũng dần dần được cải thiện. Cô đã để lại cho chúng tôi một cơ ngơi khang trang, một phòng nghiên cứu trọng điểm của Nhà trường, một tập thể đoàn kết, vững mạnh. Chúng tôi luôn biết ơn cô rất nhiều!
Từ năm 2001 đến năm 2008, cô làm chủ nhiệm của nhiều đề tài, nhưng đáng kể nhất là hai đề tài “Nghiên cứu và sử dụng các chất phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất enzyme vi sinh vật dùng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm” và đề tài “Bảo tồn và lưu giữ một số nguồn gen sinh vật rừng ngập mặn Việt Nam”. Chính từ hai đề tài này rất nhiều học sinh của cô đã được đào tạo và trưởng thành. Nhiều học sinh cô giới thiệu đã xin được học bổng đi du học ở các nước tiên tiến. Tuy chỉ có khoảng 8 năm làm việc với cô mà ở mỗi vị trí, chúng tôi đều rèn luyện được tác phong, lối sống và làm việc nghiêm túc. Những điều này đều theo chúng tôi từ lúc mới ra trường đến giờ, tạo thành phong cách làm riêng của tập thể Công nghệ Sinh học – Vi sinh, tập thể của sự đoàn kết và nghiêm túc là những điều mà cô luôn mong giữ được.
Và theo tôi, điều mong mỏi đó của cô đã thành hiện thực. Đến giờ chúng tôi vẫn giữ được phong cách hoạt động tập thể của bộ môn: Tất cả vì tập thể, vì việc chung, vì các thế hệ học sinh.
Hình 2. Cô Mai Thị Hằng và cán bộ hiện đang công tác tại bộ môn Công nghệ Sinh học – Vi sinh
Sinh viên, học viên sau đại học tuy biết vào bộ môn khá vất vả do đặc thù của chuyên ngành thí nghiệm, nhưng có em đã từng tâm sự: “Dẫu biết vào bộ môn mình khó khăn, vất vả nhưng chúng em vẫn thích vì được tạo điều kiện để thử sức, để sống hết mình khi đang còn tuổi trẻ”. Và các em sinh viên, học viên từ bộ môn tốt nghiệp ra trường, đi dạy ở trường phổ thông hay bất cứ ngành nghề nào đều vẫn mang thông điệp của tập thể Công nghệ Sinh học – Vi sinh, của cô Hằng – người thầy đầu tiên của các thầy cô giáo trong bộ môn. Vậy là đoàn tàu của tập thể chúng tôi, từ đầu tàu mạnh mẽ đã kéo theo những toa tàu mạnh mẽ, và những toa tàu này khi trưởng thành sẽ lại trở thành những đầu tàu đi khắp nơi mang theo thông điệp của bộ môn: “Sống và cống hiến hết mình cho đam mê mà mình đã lựa chọn”.
Hiện tại, cô giáo của chúng tôi đang sống tại nước ngoài cùng gia đình. Hễ có dịp sang Úc thì học sinh hay cán bộ trong bộ môn đều thu xếp để thăm cô và gia đình cho kỳ được. Chị Thanh, em Lý, anh Công, rồi cô Thùy. Mỗi lần đó lại thấy nước Úc chẳng xa chút nào cả, vẫn là cô Hằng của chúng tôi, hạnh phúc bên bạn bè và học sinh, bên ngôi nhà Công nghệ Sinh học – Vi sinh yêu dấu.
Còn một năm nữa là đến ngày kỷ niệm 70 năm thành lập khoa Sinh học và 20 năm thành lập bộ môn Công nghệ Sinh học – Vi sinh, đối với chúng tôi, ước mơ là lúc nào khi cô về nước, các thế hệ học sinh của cô từ khắp mọi miền sẽ về gặp mặt tại trường Sư phạm, tại bộ môn Công nghệ Sinh học – Vi sinh. Và với tôi, đó là câu chuyện tự hào về cô giáo Trưởng bộ môn đầu tiên, tình cờ lại là câu chuyện dân vận có hậu với bước trưởng thành của bộ môn Công nghệ Sinh học – Vi sinh, ngôi nhà thứ hai yêu dấu!
Bài dự thi của công đoàn viên Phạm Thị Hồng Hoa, Bộ môn CNSH-VS