Chuyến đi thực tập nghiên cứu thiên nhiên tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà được tổ chức với mục đích khoa học nhằm giúp sinh viên thực hành quan sát định loại các loài động, thực vật đặc trưng trong các hệ sinh thái, tìm hiểu mối quan hệ sinh thái thích nghi của các loài sinh vật trong môi trường sống của chúng và thực hành rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu ngoài thực địa cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường ngoài thiên nhiên. VQG Cát Bà thực sự là một phòng thí nghiệm lớn ngoài thiên nhiên với sự đa dạng của nhiều hệ sinh thái cả trên cạn và dưới biển. Cát Bà không chỉ là Vườn quốc gia mà còn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Di sản thiên nhiên thế giới. Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng để sinh viên khoa Sinh học trải nghiệm nghiên cứu.
Sự hồ hởi, háo hức cho một chuyến đi thực địa, đi rừng, đi biển cùng các bạn và thầy cô khiến quãng đường từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội đến Cát Bà thật ngắn. Suốt chuyến xe sinh viên chúng tôi cùng nhau hát ca, cùng nhau trò chuyện về những chuyến hành trình khám phá thiên nhiên ở phía trước mà các anh chị khóa trên kể lại. Chúng tôi cùng nhau hát vang bài ca Thực tập thiên nhiên, bài ca truyền thống của khoa Sinh học được thầy Nguyễn Lân Hùng sáng tác. Đâu đó trong bài hát cũng thấy có cả thiên nhiên Cát Bà “… Anh ra đi giữa biển rộng, tới Cát Bà ngày đêm sóng cồn…”.
Hình 1. Sinh viên khoa Sinh học tại Cổng VQG Cát Bà trước giờ xuất phát đi thực địa
Ngay trong buổi chiều đầu tiên khi tới vườn, sinh viên chúng tôi được cán bộ của vườn giới thiệu tổng quan về đa dạng sinh học của VQG Cát Bà. Rừng ở đây có một kiểu chính là rừng mưa nhiệt đới thường xanh. Song do điều kiện địa hình, địa chất và chế độ nước nên ở đây có một số kiểu rừng phụ: rừng trên núi đá vôi, rừng ngập nước ngọt trên núi và rừng ngập mặn ven đảo. Sự đa dạng của sinh cảnh đã tạo nên sự đa dạng về các loài động vật rừng sống ở đó với rất nhiều loài đặc hữu, quý, hiếm. Loài linh trưởng biểu tượng của VQG Cát Bà là loài Voọc cát bà hay Voọc đầu vàng (Trachypithecus poliocephalus) - một loài đặc hữu chỉ có duy nhất ở Cát Bà. Nhờ những nỗ lực bảo tồn không mệt mỏi đàn voọc đã ngày một phát triển. Cán bộ của vườn cũng chia sẻ niềm vui với chúng tôi khi ngay tháng trước khi đoàn tới đã phát hiện đàn voọc đón thêm 3 thành viên mới sinh nữa. Chúng tôi cũng được dẫn vào xem và nghe giới thiệu về bộ sưu tập đa dạng các mẫu vật của VQG Cát Bà trong phòng trưng bày tại trụ sở vườn.
Hình 2. Đoàn sinh viên nghe giới thiệu tổng quan về VQG Cát Bà
Hình 3. Đoàn sinh viên thăm quan Phòng trưng bày mẫu vật của VQG Cát Bà
Ngày thứ hai tại VQG, chúng tôi được chia thành từng nhóm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô ở hai bộ môn. Bộ môn Thực vật học có cô Hà, cô Liên, thầy Quyền và cô Dung. Bộ môn Động vật học có thầy Hồng, thầy Sơn, thầy Hậu, cô Bình, cô Hồng và thầy Hải. Mỗi ngày hai buổi chúng tôi được các thầy cô đưa đi thực tập nghiên cứu thiên nhiên theo các tuyến. Mỗi tuyến là một dạng sinh cảnh khác nhau với những loài động thực vật đặc trưng như: Tuyến đi Ao ếch, Ao lươn; Tuyến đi Động Trung Trang; Tuyến đi rừng Kim Giao lên đỉnh Ngự Lâm, tuyến đi rừng ngập mặn và thăm quan chợ Cá thị trấn Cát Bà. Dọc trên mỗi tuyến đi thực địa, chúng tôi đều được thầy cô hướng dẫn để nhận dạng nhanh các loài động, thực vật. Gắn với mỗi loài sinh vật gặp được là một câu chuyện về sự sinh tồn, thích nghi của chúng trong môi trường cũng như vai trò, ý nghĩa của chúng trong hệ sinh thái cũng như với con người. Mỗi chúng tôi đều chuẩn bị một cuốn sổ nhật kí thực địa để ghi chép, phác họa hình ảnh tất cả những gì quan sát được, và nghe giới thiệu từ thầy cô. Hình ảnh sinh cảnh, hình cảnh các mẫu động vật, thực vật đều được chúng tôi chụp hình lưu lại bằng điện thoại cá nhân. Chúng tôi cũng được thầy cô hướng dẫn cách sử dụng dụng cụ thu thập mẫu vật để nghiên cứu như thu một mẫu thực vật, cách vợt bướm ra sao, cách sử dụng ống nhòm để quan sát động vật, thực vật từ khoảng cách xa, cách sử dụng lưới mờ mist-nets để bắt thả chim, cách thu mẫu nòng nọc ếch nhái trong các vũng nước giữa rừng, cách bắt một chú cá thoi loi đang trườn trên bãi triều, cách bắt một con cáy đỏ mà không bị càng cua cắp vào tay,… Cứ mỗi chặng đường đi qua, sinh viên chúng tôi lại được mở mang rất nhiều kiến thức, biết được nhiều điều hơn về thiên nhiên và yêu thiên nhiên hơn.
Hình 4. Sinh viên lên đường đi xuyên rừng Cát Bà
Hình 5. Sinh viên thực tập thu mẫu côn trùng
Hình 6. Sinh viên thực tập quan sát và thu mẫu ở một thủy vực trong rừng
Hình 7. Đoàn sinh viên đến đỉnh Mây Bầu
Hình 8. Đoàn sinh viên nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập nước ngọt trên núi tại Ao Ếch
Hình 9. Phút nghỉ ngơi của sinh viên tại đỉnh Áng Phay và trò chuyện về đa dạng sinh học VQG Cát Bà với khách du lịch nước ngoài.
Hình 10. Vẻ đẹp ấn tượng của cây rừng Cát Bà
Khách du lịch tới VQG Cát Bà thường thích đi tuyến lên rừng Kim Giao và đỉnh Ngự Lâm cao 225 m. Đây là một tuyến thực địa có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời với những bóng cây kim giao cao vút, tiếng chim hót ríu rít trên từng đoạn đường như những bản tình ca tự nhiên hòa quyện vào đoàn sinh viên mang trong mình nhiệt huyết muốn khám phá thiên nhiên của tuổi trẻ và sự cố gắng trải nghiệm để vượt qua giới hạn của bản thân chinh phục những đỉnh cao hùng vĩ như đỉnh Ngự Lâm. Từ chòi quan sát ở đỉnh bạn có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn những dãy núi đá vôi trùng điệp cùng những đàn yến cọ đen kịt từ đâu bay ra kín cả bầu trời.
Hình 11. Sinh viên tại Đỉnh Kim Giao – VQG Cát Bà
Hình 12. Sinh viên tại Đỉnh Ngự Lâm – VQG Cát Bà
Chuyến đi thực tập tới VQG Cát Bà không chỉ là việc khám phá vẻ đẹp tự nhiên mà còn là hành trình tìm ra những kiến thức sinh học chưa từng biết đến. Đặt chân vào động Trung Trang ta như lạc vào một thế giới kỳ bí và đầy ẩn dụ. Dọc theo con đường xuyên qua hang là những khối đá vững chãi trải dài, tạo nên một lối đi kỳ vĩ giữa lòng đất sâu thẳm. Tuyến đi động Trung Trang là khoảnh khắc sinh viên chúng tôi nhận ra được vẻ đẹp của tạo hóa, nét đẹp của thiên nhiên thông qua các trầm tích, thạch nhũ lấp lánh trong động cùng âm thanh của những giọt nước tóc… tóc đâu đó rơi từ trên trần hang xuống. Cũng tại vòm hang lớn ở cửa ra của hang Trung Trang sinh viên chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi ngắm nhìn hàng trăm chú dơi với bộ lông nâu vàng đang treo mình thò đầu xuống đất ngắm nhìn chúng tôi. Dơi là loài động vật có vú duy nhất có khả năng bay và phát ra siêu âm để định vị.
Hình 13. Sinh viên vào hang thăm động Trung Trang
Hình 14. Quần thể dơi chú ngụ trong hang Trung Trang
Hình 15. Loài Hoét xanh đang ăn mồi tại cửa hang Trung Trang
Rừng ngập mặn tại Cát Bà là một biểu tượng của sự hòa quyện giữa nước và đất, nơi mà sự sống nảy nở và phát triển theo một cách độc đáo và kỳ diệu theo con nước thủy triều lên xuống hàng ngày. Bước vào dưới tán rừng ngập mặn, chúng tôi bị cuốn hút ngay bởi vẻ đẹp hoang sơ và bí ẩn của nó. Những cái rễ của cây mắm vọt lên khỏi mặt nước như những ngón tay vươn cao lên trời, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời. Trên lớp bùn nâu đen, vô vàn các loài sinh vật biển như cá thoi loi, cáy, tôm, bống sao, ... đang chơi đùa trên mặt bùn. Thấy chúng tôi chúng liền lủi xuống ngay các lỗ bùn để lần tránh rồi lại từ từ thò đầu ra ngó nghiêng. Trong khi chúng tôi bì bõm khám phá thế giới động vật đáy ở dưới tán rừng ngập mặn thì phía trên bờ đê, thầy Sơn lại phóng ống téle dài ngoẵng ra xa trên tán rừng và bãi bồi phía ngoài để tìm kiếm những chú chim như: Cò trắng, sả khoang cổ, sáo đá trung quốc, sáo mỏ ngà, chích chòe, hút mật, gà nước vằn, diều hâu, chìa vôi trắng, …
Hình 16. Sinh viên nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngặp mặn ven đảo
Hình 17. Cò trắng - cư dân quen thuộc ở bãi triều rừng ngập mặn
Không được lặn xuống biển xanh để tìm kiếm các loài sinh vật biển nhưng chúng tôi có dịp đến chợ cá ở thị trấn Cát Bà để quan sát và nhận dạng các loài sinh vật biển được người dân đánh bắt hàng ngày. Bên cạnh sự đa dạng về thành phần loài, về kích thước, hình thái, màu sắc của các loài cá biển, chúng tôi cũng được quan sát sự đa dạng của các loài thân mềm chân bụng và hai mảnh vỏ (trai, ốc), các loài giáp xác (cua, ghẹ, tôm, bề bề), mực, bạch tuộc, đến cả những chai rượu ngâm đủ thứ hải sản như hải sâm đen, hải sâm đỏ, sao biển, sao gạo, chân gấu biển, rắn biển, cá ngựa, hải sâm vàng, bào ngư, hải long, … Biển Cát Bà chứa đựng một nguồn tài nguyên vô cùng đa dạng và phong phú về các loài hải sản. Nếu biết khai thác hợp lý và bền vững thì giá trị đó mãi còn cho các thế hệ sau.
Hình 18. Đoàn sinh viên khoa Sinh học thăm quan chợ hải sản ở thị Trấn Cát Bà
Không chỉ là những ngày xuyên rừng, vượt núi, lội bùn dưới bãi triều rừng ngập mặn mà thầy cô cũng cho sinh viên chúng tôi được trải nghiệm tắm biển, check in tại bãi biển Tùng Thu ở thị trấn Cát Bà. Trên bãi tắm mịn chúng tôi cũng được ngắm nhìn các chú dã tràng xe cát biển Đông.
Hình 19. Phút thư giãn check in của sinh viên tại bãi biển ở đảo Cát Bà
Hình 20. Cảnh biển nhìn từ thị trấn Cát Bà
Chuyến đi thực tập thiên nhiên tại Cát Bà thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ và đầy cảm xúc. Những ngày ở Cát Bà là cơ hội sinh viên chúng tôi được đắm mình trong sự yên bình của thiên nhiên, lắng nghe tiếng lá cây rừng lao xao, tiếng sóng biển vỗ rì rào, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ mà tạo hóa ban tặng cho Cát Bà. Không chỉ có thiên nhiên, con người Cát Bà cũng để lại những ấn tượng sâu sắc về sự hiếu khách, chân thành của người dân nơi đây. Những câu chuyện kể về cuộc sống mưu sinh gắn liền với biển cả đã giúp sinh viên chúng tôi hiểu thêm về văn hóa và tình người nơi hải đảo. Chuyến đi thực tập nghiên cứu thiên nhiên tại VQG Cát Bà không chỉ là một hành trình để học tập và hơn thế sinh viên được trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và từ đó biết gìn giữ, trân trọng những giá trị thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống của con người. Cùng chung tay để giữ cho hành tinh của chúng ta ngày một xanh và khỏe mạnh hơn. Tất cả sinh viên K72 chúng em rất muốn nói lời cảm ơn chân thành tới các thầy cô trong khoa Sinh học, các cán bộ VQG Cát Bà đã tạo điều kiện giúp đỡ, dạy bảo và truyền đam mê nghiên cứu khoa học cho chúng em. Thực tập nghiên cứu thiên nhiên đã trở thành một kỷ niệm tuyệt vời không thể nào quên trong những năm tháng học tập tại mái nhà khoa Sinh học thân yêu này./.
Hình 21. Đêm giao lưu chia tay kết thúc đợt thực tập nghiên cứu thiên nhiên tại VQG Cát Bà
Người viết bài: Đỗ Tuấn Minh (72K), Vũ Quỳnh Giang (72K)
Nguồn ảnh: Nhóm Thực tập nghiên cứu thiên nhiên tại VQG Cát Bà năm 2024.